Đường dây buôn bán tiền chất ma túy xuyên châu lục

Thứ Năm, 07/03/2024, 08:00

Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, fentanyl và methamphetamin (ma túy đá) đã dần “soán ngôi” của cần sa và heroin để trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các cartel Mexico. Hai loại ma túy tổng hợp kể trên có giá thành sản xuất rẻ, phần trăm lợi nhuận cao, mà lại ít nguy cơ bị phát hiện trong lúc chế biến so với ma túy tự nhiên.

Tuy nhiên đế chế fentanyl của các ông trùm Mexico sẽ không tồn tại nếu như đằng sau họ không là cả một mạng lưới buôn bán, vận chuyển tiền chất ma túy mang tính toàn cầu.

Hoàn toàn hợp pháp

Đối với hàng xóm của Javier Algredo Vázquez sống ở quận Queens, thành phố New York, Mỹ thì người đàn ông này không có gì đáng chê trách cả. Ông lúc nào cũng nhiệt tình giúp đỡ bà con lối xóm và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Vậy nhưng láng giềng của Javier cũng không biết nhiều về ông. Họ chỉ biết rằng ông vừa làm quản lý ở một khách sạn cao cấp, vừa là giám đốc một công ty buôn bán hóa chất. Không ai nghĩ rằng Javier lại là trùm một đường dây buôn bán tiền chất ma túy quốc tế.

Đường dây buôn bán tiền chất ma túy xuyên châu lục -0
Cảnh sát Mexico triệt phá một điểm chế biến ma túy tổng hợp.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu để ý đến Javier Algredo sau khi phát hiện ra rằng công ty hóa chất Pro Chemie New York của hắn sử dụng địa chỉ giả. Người anh trai của Javier cũng là giám đốc công ty hóa chất MB Barter & Trading ở Mexico. Doanh nghiệp này cũng sử dụng địa chỉ giả. Sau một cuộc điều tra kéo dài hai năm, FBI đưa ra kết luận rằng kể từ 2018 đến 2021, hai công ty của anh em Algredo đã đưa sang Mexico tổng cộng 1.453 tấn tiền chất ma túy đá và 44,1 tấn tiền chất fentanyl. Các loại hóa chất này được chúng mua hoàn toàn hợp pháp tại Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Khách hàng lớn nhất của chúng là Cartel Jalisco Nueva Generación (CJNG), một trong những tổ chức tội phạm ma túy hùng mạnh nhất thế giới.

Nhà chức trách ở Mỹ và Mexico đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về hiện tượng cartel sử dụng hóa chất nhập từ Trung Quốc để tổng hợp ma túy. Bắc Kinh cũng đã có một số động thái thắt chặt việc buôn bán, xuất khẩu các loại hóa chất có thể được dùng để chế biến ma túy. Vấn đề nằm ở chỗ những hóa chất trên được sử dụng trong rất nhiều ngành sản xuất khác nhau nên không thể cấm hẳn hay thắt quá chặt nguồn cung. Mặt khác khi Trung Quốc tăng cường chế tài kiểm soát thì tội phạm Mexico lại đi tìm nguồn cung tại các nước khác có quy định lỏng lẻo hơn như Ấn Độ. Việc thiếu một chế tài quản lý hóa chất mang tầm quốc tế khiến việc xử lý các đối tượng buôn bán tiền chất ma túy trở nên rất, rất khó khăn.

Theo Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) thì hiện có khoảng 30 loại tiền chất và 43 loại phụ chất đang được cartel Mexico sử dụng để sản xuất fentanyl và ma túy đá. Trong số này thì chính phủ Mỹ mới đặt ra chế tài kiểm soát cho 22 chất, Guatemala 19 chất, Đức 17 chất, và Ấn Độ 13 chất. Pro Chemie New York cùng MB Barter & Trading đã lợi dụng sự “khập khiễng” giữa luật pháp các nước để xây dựng một đế chế buôn lậu trị giá hàng trăm triệu USD.

Ấn Độ

Một đối tượng buôn lậu giấu tên ở thành phố Culiacán, bang Sinaloa, Mexico trả lời phóng viên hãng tin AP: “Chúng tôi luôn tìm con đường thuận tiện nhất để chuyển hàng. “Thuận tiện” không nhất thiết nghĩa là con đường ngắn nhất... Hóa chất được mua ở Ấn Độ, sau đó chuyển tới Đức và rồi đến Mỹ. Đến khi nào chúng tôi chắc rằng đã “cắt đuôi” được thì sẽ đem hàng đi giao cho khách hàng tại Mexico”.

Mạng lưới buôn lậu của anh em Algredo cũng đi theo một con đường giống như trên. Nhà chức trách Mỹ đã lần ngược những lô acid oxalic được Pro Chemie New York nhập khẩu đến một công ty hóa chất Ấn Độ tên là Punjab Chemicals & Crop Protection (thành phố Dera Bassi, bang Punjab). Phát ngôn viên của công ty này cho biết phía đối tác Mỹ đã xuất trình đầy đủ giấy tờ, mà acid oxalic cũng không phải là hóa chất bị luật pháp Ấn Độ hạn chế, thế nên Punjab Chemicals & Crop Protection không chịu bất kỳ trách nhiệm liên đới nào với những kẻ buôn lậu.

Acid oxalic là một chất mà tự bản thân nó không có gì đáng sợ cả, nhưng vấn đề nằm ở chỗ Ấn Độ còn đang cung cấp nhiều loại hóa chất nguy hiểm hơn mà không có bất kỳ biện pháp kiểm soát chặt chẽ nào cả. Lấy ephedrine và pseudoephedrine làm ví dụ. Đây là hai tiền chất dùng để tổng hợp methamphetamine dùng trong y tế. Vậy nhưng những lô container chở hai chất trên hiện vẫn được xét duyệt xuất cảng ở Ấn Độ theo cùng quy trình với biết bao nhiêu loại hóa chất khác.

Ấn Độ hiện là nhà sản xuất hóa chất lớn thứ 7 thế giới và thứ 3 châu Á. Ngành hóa chất của họ đóng góp khoảng 7% GDP hằng năm. Mặt khác ngành dược phẩm của họ cũng cung cấp khoảng 40% nguồn cung thuốc trên toàn khu vực Bắc Mỹ. Bên cạnh sự lỏng lẻo của luật pháp Ấn Độ, chúng ta cũng nên cân nhắc sự thật khách quan là các lực lượng hành pháp Ấn Độ không đủ nhân lực và kinh phí để kiểm soát chặt ngành hóa chất và dược phẩm của họ.

Bà Vanda Felbab-Brown, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Brookings (Mỹ), cho biết: “Ngoại trừ một vài lần kiểm tra hãn hữu, chính quyền Ấn Độ kiểm soát các công ty hóa chất chủ yếu dựa trên báo cáo do phía doanh nghiệp tự làm rồi gửi lên. Họ để nhiều tiền chất ma túy xuất cảng cũng không có gì lạ... Đôi khi nhà chức trách có bắt được trường hợp vi phạm thì cũng khó xử lý. Các công ty hóa chất đóng vai trò tạo công ăn việc làm và đóng thuế quan trọng ở nhiều địa phương Ấn Độ. Quyền lực chính trị của họ không hề nhỏ chút nào”.

Còn nhớ vào tháng 9/2018, một doanh nhân người Ấn tên là Manu Gupta bị cảnh sát Mexico bắt giữ khi đang ở tại một cơ sở sản xuất ma túy tại bang Jalisco. Manu là giám đốc công ty xuất nhập khẩu hóa chất Mondiale Mercantile. Trong số những lô hàng gần nhất của Mondiale Mercantile có một đơn xuất khẩu acid thioglycolic, tiền chất ma túy đá. Phía nhập khẩu là Corporativo y Enlace RAM, một doanh nghiệp mà theo Cục Tình báo Trung ương Mexico (CNI) cho biết là “bình phong” của cartel Sinaloa. Bằng chứng rõ ràng như vậy nhưng phải mãi đến cuối năm 2023 tòa án Ấn Độ mới kết án Manu Gupta 20 năm tù giam.

Đường dây buôn bán tiền chất ma túy xuyên châu lục -0
Những bao Calci Chloride có xuất xứ từ Mỹ vứt bên ngoài một cơ sở sản xuất ma túy ở Mexico.

Đức

Cũng như nhiều nước Bắc Âu khác, Đức đang trở thành “cửa ngõ” tiếp nhận và trung chuyển ma túy cho toàn khối EU. Vì vậy không có gì lạ khi những kẻ buôn lậu tiền chất ma túy cũng thường xuyên chuyển hàng qua Đức. Theo điều tra của FBI, MB Barter & Trading trong giai đoạn 2016-2021 đã chuyển từ Đức sang Mexico 48 tấn sorbitol, 443,5 tấn natri carbonat, và 20 tấn acid hypophosphoro. Một phần số hóa chất này được nhập khẩu từ Ấn Độ, phần còn lại được mua từ bảy công ty Đức khác nhau.

Hiện Đức là quốc gia sản xuất hóa chất nhiều thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Họ có hơn 2.200 công tuy hóa chất khác nhau đang hoạt động. Một điểm đáng chú ý là kim ngạch nhập khẩu từ Đức của Mexico trong năm 2022 đạt 17,6 triệu USD, trong đó có khoảng 2,1 triệu USD là các loại hóa chất và dược phẩm. Đây không phải là những con số quá cao, và nếu Berlin thực sự quyết tâm thì họ hoàn toàn có thể kiểm soát từng lô hàng hóa chất xuất sang Mexico. Vấn đề là cho dù họ có muốn cũng không được.

Mới đây Đức và một số quốc gia Bắc Âu đã cùng tham gia vào một buổi hội thảo do Europol chủ trì nhằm phát hiện hợp tác chống tội phạm ma túy. Hiện nay lực lượng hải quan Đức đang bị dàn trải và chịu áp lực công việc rất lớn để kiểm soát các hải cảng tại nước này. Hai cảng Hamburg và Bremerhaven được đặc biệt coi là “điểm nóng” về buôn lậu ma túy. Các nước tham gia hội thảo đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác, tuy vậy theo ý kiến chung của các phái đoàn thì vấn đề cốt lõi mà họ cần giải quyết ngay là tăng cường nguồn lực cho những cơ quan hành pháp của họ.

Vào năm 2022, cảnh sát Đức đột kích vào nhà kho một công ty sản xuất hóa chất sau khi phát hiện công ty này đã xuất hàng khỏi cảng trong ba năm mà không có giấy phép. Cảnh sát phát hiện ra nhiều tấn toluen, cồn benzyl, và 1-boc-4-piperidone (tiền chất sản xuất fentanyl) mà doanh nghiệp này đang chuẩn bị chất lên container. Bên nhập khẩu là một công ty “ma” có liên quan đến anh em nhà Guzmán, con trai của ông trùm El Chapo khét tiếng và hiện điều hành băng cartel Los Chapitos.

Mỹ

Nhiều khi những kẻ buôn lậu không phải tìm hàng ở đâu xa mà có thể mua hóa chất ngay tại Mỹ. Pro Chemie New York đã mua hóa chất từ năm nhà sản xuất khác nhau tại Mỹ rồi sau đó bán lại cho MB Barter & Trading. Một trong số các nhà sản xuất trên là Vitro Chemicals ở bang Texas. Trong một cuộc đột kích vào cơ sở sản xuất ma túy của tội phạm ở trong khu rừng gần thành phố Durango, Mexico, cảnh sát nước này đã phát hiện ra hàng chục bao tải rỗng từng chưa calci chloride do Vitro Chemicals sản xuất bị vứt lăn lóc ngay bên cạnh những nồi nấu ma túy.

Theo đúng luật pháp Mỹ quy định thì các công ty hóa chất tại nước này chỉ được bán sản phẩm cho khách hàng ngoại quốc sau khi đối tác đã xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ. Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm khai báo với nhà chức trách nếu họ nghi ngờ đối tác định sử dụng hóa chất để sản xuất hàng cấm. Quy định là vậy nhưng trên thực tế thì không có ai kiểm soát cả. Nhiều công ty Mỹ vẫn đang xuất khẩu hóa chất sang Mexico chỉ dựa trên một mình sự uy tín của đối tác. Tính đến cuối năm 2023, Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) mới chỉ khởi tố được đúng hai công ty hóa chất Mỹ tội cung cấp sản phẩm của mình cho cartel Mexico.

Ngoài hóa chất sản xuất tại Mỹ, những cơ quan hành pháp nước này cũng đang “đau đầu” vì các lô hàng trung chuyển qua Mỹ. Trong số 11 triệu container cập các cảng Mỹ trong năm 2023, chỉ có khoảng 3,7% là được kiểm tra. Nhưng mà những container trung chuyển qua Mỹ gần như không bao giờ được kiểm tra. Đây chính là lỗ hổng mà các đối tượng buôn lậu tiền chất ma túy đang lợi dụng. Theo lời một kẻ như vậy trả lời trên báo New York Times: “Hải quan Mexico thường nghĩ rằng nếu như lô hàng đã trung chuyển thành công qua Mỹ thì ít có khả năng là hàng cấm. Sự thật là không ai kiểm tra ở cả hai đầu”.

Ngoài đưa hàng cập bến các cảng Mexico, tội phạm còn buôn tiền chất ma túy từ Mỹ sang theo một con đường khác. Trong những năm gần đây, thương mại điện tử ở Mexico phát triển mạnh, và Mỹ cũng được hưởng lợi lớn với vị thế là nhà cung cấp. Lưu lượng hàng đi theo đường tiểu ngạch từ Mexico sang Mỹ. Chính quyền hai bên buộc phải nới lỏng một số biện pháp kiểm soát nhất định nhằm tránh gây ùn tắc ở cửa khẩu. Bọn buôn lậu nhờ vậy dễ dàng trà trộn hóa chất vào các lô hàng rồi đưa trót lọt qua biên giới. Theo nhiều nhà quan sát thì giải quyết được vấn đề trên sẽ cần thêm thời gian bởi vì nó động chạm đến quyền lợi kinh tế của cả hai bên.

Quay trở lại câu chuyện của anh em Algredo. Người anh Carlos Algredo ở Mexico bị cảnh sát truy nã và bỏ trốn khỏi nơi cư trú một thời gian trước khi bị tóm vào tháng 11-2020. Người em Javier Algredo thì bị cảnh sát New York bắt tạm giam vào tháng 9-2021. Công ty Pro Chemie New York của hắn tuy vậy vẫn được phép hoạt động. Chưa đầy một tháng sau Pro Chemie đã chuyển cho MB Barter & Trading 25 tấn acid citric. Phải đến tận cuối năm 2022 thì cả hai công ty này mới bị buộc đóng cửa.

Javier Algredo khai trước tòa rằng mình chỉ làm trung gian cho Carlos, và anh trai hắn là người xử lý mọi loại giấy tờ với các đối tác ở Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu. Tuy vậy cuối cùng thì tòa án Mỹ đã kết án Javier 18 năm rưỡi tù vì các tội buôn bán ma túy, sản xuất chất cấm và rửa tiền, bắt đầu thi hành án từ ngày 28-2 vừa qua. Mong rằng những kẻ buôn bán tiền chất ma túy khác sẽ sớm phải nhận những bản án nghiêm khắc như Javier Algredo.

Lê Công Vũ
.
.