Đường đi của những chiếc điện thoại không chính chủ

Thứ Ba, 08/03/2016, 17:15
Mới 6 giờ sáng một ngày giữa tháng 2, trên đường Phan Đăng Lưu (Q. Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), một cô gái trẻ đi xe tay ga mới rút điện thoại di động (ĐTDĐ) ra để nghe thì bị 2 thanh niên tướng tá bặm trợn, xăm hình vằn vện trên cánh tay trờ xe máy tới, giật phăng chiếc điện thoại Iphone rồi rồ ga biến mất. Sau khi định thần lại, cô gái hô “cướp, cướp” nhưng hai tên cướp giật đã mất dạng.

Muôn nẻo tẩu tán hàng cướp giật

Sau khi có "mẻ hàng" thành công, bọn cướp giật điện thoại trên đường phố có nhiều cách để tẩu tán tài sản. Bọn chúng thường có những điểm chuyên bán ĐTDĐ trong các cửa hàng là "mối quen" ở các khu chợ trời Nguyễn Kiệm (Q. Gò Vấp), Trần Quang Khải (Q.1), Hùng Vương (Q.5)… hoặc tìm đến các các tiệm cầm đồ để giả vờ cầm đồ nhưng cốt yếu là lấy tiền và "một đi không trở lại".

Dạo quanh một số cửa hàng ĐTDĐ tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều kẻ cướp giật điện thoại tha hồ bán cho chủ tiệm mà ít gặp phải sự chú ý nào. Trong vai dân chơi, tôi cầm chiếc điện thoại iPhone 5 đi bán và hầu hết chủ tiệm đều sẵn sàng mua máy mà không cần biết rõ nguồn gốc là máy của ai, mua ở đâu hay nhặt được nơi nào.

Tại nhiều cửa hàng dọc đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), tôi thoải mái bán cái "điện thoại thông minh" này với giá 2-3 triệu đồng. Điều đó lý giải vì sao nạn cướp giật điện thoại, chủ yếu nhắm vào phụ nữ không hề giảm vì nguồn cung - cầu đều đảm bảo và dễ dàng thực hiện giao dịch miệng để lấy tiền rồi vọt cho lẹ. Mọi thứ pháp lý thì chủ cửa hàng chịu trách nhiệm.

Nên mua điện thoại tại các cửa hàng uy tín.

Ngoài các cửa hàng điện thoại nhan nhản dọc đường, nhiều kẻ cướp giật trên đường phố thường nhắm đến việc tẩu tán tài sản tại các tiệm cầm đồ xuất hiện nhiều trong các ngôi chợ truyền thống. Trong vai cần tiền, tôi cầm cái iPhone cũ đến một tiệm cầm đồ. Người chủ hí hoáy ngồi viết biên nhận, đưa tiền là xong. Nếu người đàng hoàng thì lo sợ đến hạn phải kiếm tiền trả lãi cho chủ tiệm thì với kẻ gian, bọn chúng lấy được tiền xong là quẳng luôn giấy biên nhận thanh toán tiền. Điều đó đồng nghĩa với việc khỏi phải tới trả lãi mà đưa hàng, lấy tiền là… mất dạng.

Đứng cạnh tôi, một đôi nam nữ, sau khi ghi lại họ tên trên chứng minh nhân dân, chủ tiệm cầm đồ giữ lại 2 ĐTDĐ rồi đưa ra 6 triệu đồng mà không thèm hỏi hàng ở đâu ra, vì sao phải "gá" tại tiệm cầm đồ. Thấy vẻ mặt quan tâm và thích thú của tôi, gã thanh niên rỉ nhỏ vào tai: "Hàng của em mới giật được, còn mới lắm, anh muốn mua thì đưa đây 8 triệu đồng, em sẽ "gả" lại cho, khỏi phải cầm nữa?". Ra đến chỗ lấy xe, cô gái ngồi sau nói với thanh niên đi cùng: "Cũng may giật được cái iPhone còn mới chứ lần trước đụng toàn hàng bèo. 6 triệu thì chia đôi nha!".

Như vậy, rất nhiều điện thoại trộm cắp, cướp giật được trên đường phố đã được mua bán trót lọt, dễ dàng tại các tiệm ĐTDĐ ven đường. Ngoài một số tiệm là "mối quen", kẻ cướp không gặp bất kỳ trở ngại nào khi muốn tẩu tán tài sản bất chính. Kẻ bán thì muốn nhanh chóng có tiền. Chủ tiệm thì chạy theo lợi nhuận, hàng càng rẻ thì càng ham, để rồi bán lại với giá cao ngất ngưởng, bỏ túi vài triệu đồng một chiếc mà không biết rằng hành vi của mình đã tiếp tay cho tệ nạn cướp giật đang hoành hành khắp thành phố.

Mua điện thoại trả góp.

"Phù phép" cho điện thoại

Từ những chiếc điện thoại iPhone mua được từ hàng dạt, hàng trôi nổi và cả hàng cướp giật, nhiều chủ cửa hàng ĐTDĐ đã "tẩy trang", thay vỏ, cài lại phần mềm để cho ra những chiếc máy mới toanh. Tại một cửa hàng ĐTDĐ trên đường Nguyễn Kiệm (Q. Gò Vấp), một chiếc iPhone thu vào giá chỉ 1,5 - 1,7 triệu đồng nhưng khi bán ra là 3-4 triệu đồng. Người thâu vào chỉ cần cài lại hệ điều hành. Họ đánh bóng máy cũ y như máy mới, làm người mua không thể nhận diện đó trước đây là hàng ăn cắp.

Cũng với cái iPhone 5s mà tôi bán ra cho chủ tiệm với giá 3 triệu đồng thì qua tay của chủ tiệm, nó sẽ được bán ra với giá 6 - 6,2 triệu đồng (chưa bao gồm linh kiện). Nếu linh kiện thêm vào thì định giá 6,5 triệu đồng, bảo hành 3 - 6 tháng. Trong khi đó, nhiều cửa hàng điện thoại lớn lại bảo hành tới 12 tháng, tất nhiên là không bảo hành màn hình vì chi phí rất lớn.

Thậm chí, tại một cửa hàng điện thoại trên đường Phùng Văn Cung (Q. Phú Nhuận), chủ tiệm còn có nhiều nguồn hàng iPhone 5s trôi nổi, giá chỉ có 5,8 triệu đồng, mẫu mã bên ngoài thì "bầm dập" vì va đập, có khi là cướp giật làm máy rớt xuống đất (?!). Khách muốn xem và mua mấy cái cũng có vì nhiều chủ tiệm liên thông với nhau. Khi cần hàng, họ chỉ việc nhấc điện thoại alô.

Trong dòng máy iPhone thông minh, hàng 5s hiện không có hàng mới mà chủ yếu là hàng cũ. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng vì nhỏ, gọn, giá rẻ hơn nhiều so với iPhone 6 hoặc 6s. Chính vì lẽ đó mà chủ tiệm thích "thâu" (mua vào), không cần biết nguồn gốc, xuất xứ. Khi đến tay khách, họ còn "quăng bom" là hàng xách tay từ Mỹ, Nhật Bản, cài lại phần mềm đương thời, tương thích với hệ điều hành tân thời (iso 9.1), có thể tải tất cả các chương trình mà không cần chút băn khoăn.

Nhiều người thích mua điện thoại cũ, quá hạn trong các tiệm cầm đồ (ảnh minh họa).

Tôi theo chân Hiếu, chủ một cửa hàng ĐTDĐ ở đường Phan Đăng Lưu (Q. Bình Thạnh) để xem hàng trộm cắp vừa được mua sẽ "hóa kiếp" ra sao. Để kiểm tra hàng, Hiếu mở toàn bộ máy để không bị mắc lừa bọn trộm cắp. "Có lần, thấy 2 tên xăm hình đầy người, hớt ha hớt hải đến bán 2 cái iPhone 5s giá 5 triệu đồng. Bọn chúng "diễn" đạt đến nỗi mà như vừa mới cướp giật trên đường xong. Chúng nói cần tiền gấp nên tôi thấy lời, vội vàng đưa tiền ngay. Không ngờ, chúng vừa phóng xe đi, mở máy kiểm tra thì hàng bị làm lại rồi, toàn linh kiện Trung Quốc. Rút kinh nghiệm trong những lần sau là phải kiểm tra kỹ mới mua, bất chấp việc người bán nói gì đi chăng nữa, như cần tiền gấp…" - Hiếu chia sẻ.

Sau khi kiểm tra xong, Hiếu đưa tiền rồi rã thân máy và màn hình ra để lau chùi lại cho bóng bẩy. Sau đó, anh ta dán tem của cửa hàng lên đuôi máy, gần loa âm thanh để tạo niềm tin cho khách hàng rồi bày trong tủ kính. Khi có khách hàng tìm đến, Hiếu lại lấy máy ra cho họ xem và viết bảo hành rất kỹ lưỡng.

Nói không với hàng không có xuất xứ

Những người thạo điện thoại, thích mua máy mới mà giá rẻ thì thường chọn các tiệm cầm đồ hoặc mua cũ lại từ các cửa hàng. Họ vô tình tiếp tay cho việc mua bán tài sản phạm pháp, núp bóng điện thoại cũ. Tuy nhiên, nhiều người mua không am hiểu máy từng bị "luộc" phụ kiện bên trong máy.

Anh Nguyễn Trung Hiếu (35 tuổi, ngụ đường Ni Sư Huỳnh Liên, Q. Tân Bình), là nhân viên văn phòng tại quận 1 kể khổ: "Nghe bạn bè giới thiệu mua máy iPhone cũ tại các tiệm cầm đồ thanh lý giá rẻ, vì chủ yếu là hàng trôi nổi, không có nguồn gốc nên tôi từng mua một cái 5s chỉ với giá 4 triệu đồng. Thế nhưng mua về có mấy ngày mà pin bị chai, xài nửa buổi đã cạn, màn hình thì tét. Khi mang hàng đến tiệm đòi đổi thì mấy tay mặt rô nói mua rồi thì không đổi vì ở đây không có bảo hành, đã mua thì ráng chịu thôi!".

Điện thoại di động cũ tràn lan trên vỉa hè (ảnh minh họa).

Đến nước này, anh Hiếu chỉ biết ngậm ngùi quay về, đem máy ra cửa hàng để sửa thì mất toi 2 triệu đồng. Từ kinh nghiệm xương máu của anh Hiếu, khi đi mua ĐTDĐ tại tiệm cầm đồ phải có thợ máy giỏi đi kèm, để dễ dàng phát hiện ra máy bị trộn đồ, bị làm lại, tránh để tiền mất tật mang. Phần thiệt thòi luôn thuộc về người mua, chứ không phải người bán vì bán hàng xong thì họ rũ bỏ trách nhiệm, không để lại hóa đơn, chữ ký gì cả.

Chính vì lẽ đó nên người mua cần đến các cửa hàng điện máy lớn, có phiếu bảo hành 12-18 tháng. Người mua có nhu cầu cần dòng máy mới không nên mua máy cũ mà có thể mua trả góp tại các siêu thị điện máy, vừa đảm bảo chất lượng, vừa không sợ vớ phải "hàng trộm cắp" với thủ tục linh hoạt, chỉ diễn ra trong một ngày. Hiện tại các cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước, người mua ít tiền chỉ cần có sổ tạm trú (không cần hộ khẩu), photo hóa đơn điện nước, bảng lương hai tháng gần nhất là sẽ được hỗ trợ giải ngân để mua điện thoại.

Mua điện thoại mới để được bảo hành lâu dài.

Với những cách này thì người tiêu dùng vừa nói không với sản phẩm vừa mới bị trộm cắp, vừa triệt tiêu và không tiếp tay cho bọn trộm cắp, cướp giật trên đường phố hiện nay.

Hà Tiên
.
.