Game ảo, hậu quả thật

Thứ Hai, 07/04/2025, 11:30

Những năm gần đây, tình trạng trẻ em nghiện game ngày càng trở nên đáng báo động, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập, mà còn dẫn đến những hậu quả khôn lường. Thiếu tiền để tiếp tục thỏa mãn cơn nghiện, nhiều người trẻ đã không ngần ngại thực hiện những hành vi bạo lực như trộm cắp, thậm chí cướp của, giết người.

Đây không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh cho các gia đình mà còn là bài toán nan giải cho xã hội trong việc quản lý, giáo dục và bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa từ thế giới ảo.

Giết người thân để lấy tiền chơi game

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Chu Thanh Tú (16 tuổi, trú tại Khoái Châu, Hưng Yên) và Lê Gia Bảo (15 tuổi, trú tại Tây Ninh) để điều tra về hành vi giết người.

Game ảo, hậu quả thật -0
Vườn điều - nơi phát hiện thi thể bà Vân.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Tú sống cùng bà nội là bà Nguyễn Thị Lam (73 tuổi) tại thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu. Do thường xuyên bị bà trách mắng vì ham chơi, không chịu khó học tập, nhiều lần đi chơi khuya nên Tú đã nảy sinh ý định giết bà nội. Tú đã liên hệ với Bảo (là bạn quen biết qua quá trình chơi game trên mạng) và thỏa thuận để Bảo thực hiện hành vi sát hại với giá 5 triệu đồng, đồng thời lo toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống cho Bảo khi đến Hưng Yên để cùng giết bà Lam.

Khoảng 3h30 ngày 19/3, Bảo đến gần nhà bà Lam và được Tú đưa cho một con dao, đồng thời cùng Tú tạo tiếng động nhằm dụ bà Lam xuống bếp kiểm tra. Khi bà xuất hiện, Bảo ra tay tấn công. Sau khi thấy bà bất tỉnh, Tú lục túi quần lấy 180.000 đồng rồi cùng Bảo kéo nạn nhân ra ao trong khuôn viên nhà để phi tang, hậu quả khiến bà Lam tử vong.

Sau khi gây án, hai đối tượng lau chùi vết máu tại khu vực bếp. Bảo sau đó lấy xe máy của bà Lam rời khỏi hiện trường, trong khi Tú ở lại, châm lửa đốt bếp và một phần ngôi nhà nhằm xóa dấu vết. Quá trình dập lửa, người dân và lực lượng chức năng phát hiện thi thể bà Lam với nhiều vết thương nghi vấn, có dấu hiệu của một vụ án mạng.

Được biết, nam sinh này nghiện game, sống cùng bà nội, có bố đang làm việc tại nước ngoài. Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Ở địa phương, Tú vẫn bình thường, không có biểu hiện nghịch ngợm nhưng chỉ nghiện game...”.

Game ảo, hậu quả thật -0
2 đối tượng: Chu Thanh Tú (trái) và Lê Gia Bảo.

Trước đó, một vụ án khác cũng gây rúng động dư luận bởi đối tượng gây ra án mạng lại chính là con ruột. Cụ thể, vào ngày 2/10/2024, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) đã di lý đối tượng Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 2006, trú tại thôn 6, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) về Gia Lai. Đây là đối tượng sát hại mẹ ruột, gây rúng động dư luận trên địa bàn tỉnh những ngày gần đây.

Trước đó, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 26/9/2024, một người dân đi chăn bò phát hiện thi thể bà Lê Thị Vân, sinh năm 1964, trú tại xã Ia Le bị vùi lấp dưới lớp đất, đang trong quá trình phân hủy. Khẩn trương vào cuộc điều tra, cơ quan Công an xác định: Bà Vân sinh sống cùng con trai là Nguyễn Văn Tiến tại nhà cách hiện trường nơi phát hiện tử thi khoảng 200m. Trước khi xảy ra án mạng, các quan hệ, sinh hoạt trong cuộc sống của bà Vân không có điểm gì bất thường, nhưng con trai của nạn nhân đã rời khỏi địa phương.

Tìm hiểu hành tung của Tiến trước khi xảy ra án mạng, cơ quan Công an xác định khoảng 14 giờ ngày 18/9, Tiến đã liên hệ với một người buôn bò ở thôn Hòa An (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đến nhà mình để bán 5 con bò, 4 con dê với tổng số tiền 45,5 triệu đồng. Ngày 19/9, Tiến đến tiệm điện thoại di động ở thôn Thủy Phú (xã Ia Le) mua 11 thẻ nạp game liên quân với giá 5,5 triệu đồng, 1 điện thoại di động giá 17 triệu đồng. Sau đó, đối tượng bỏ trốn.

Ngay sau khi tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu và có căn cứ xác định đây là vụ án giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Đại tá Dương Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp các lực lượng tập trung điều tra truy xét, làm rõ đối tượng gây án. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định truy tìm đối tượng Nguyễn Văn Tiến và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ vụ án.

Game ảo, hậu quả thật -0
Ngồi nhiều trước máy tính khiến nhiều game thủ bị ảnh hưởng nặng nề về thị giác.

Nói về đối tượng Tiến, Thiếu tá Trần Văn Vinh, Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa và điều tra tội phạm nhân thân (Phòng Cảnh sát hình sự) cho biết: “Nguyễn Văn Tiến nghiện game online, sống khép kín, không có bạn bè ở xã Ia Le nên mọi thông tin phục vụ công tác kiểm tra, xác minh rất hạn chế. Phối hợp chặt chẽ với Công an huyện Chư Pưh, các phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh, các cục nghiệp vụ Bộ Công an, chúng tôi xác định đối tượng đã di chuyển đến nhiều địa bàn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh”.

12 giờ ngày 1/10, ngay sau khi xác định Tiến đang ẩn nấp ở một phòng trọ tại phường Thạnh Xuân (Quận 12, TP. Hồ Chí Minh), tổ công tác đã phối hợp với Công an quận 12 khẩn trương bắt giữ đối tượng, tạm giữ 2 điện thoại di động và 3 triệu đồng tiền mặt.

Bước đầu, đối tượng Nguyễn Văn Tiến khai nhận đã sát hại mẹ ruột. Cụ thể, sáng 18/9, Tiến với mẹ đi phát cỏ trong vườn điều sau nhà. Đến gần trưa, Tiến xin mẹ tiền để đi chơi nhưng mẹ không cho và la mắng. Vì vậy, Tiến bực tức dùng dao rựa đang cầm trên tay chém nhiều nhát vào vùng mặt, vùng đầu khiến mẹ chết tại chỗ.

Sau đó, đối tượng đã gọi người đến bán hết bò, dê trong nhà. Khoảng 5 giờ chiều, Tiến đào một cái hố cạn chôn xác mẹ trong vườn điều. Hôm sau, đối tượng mua thẻ chơi game, mua điện thoại rồi bỏ trốn.

Hậu quả khôn lường của nghiện game online

Vụ việc nam sinh 16 tuổi sát hại bà nội và phóng hỏa đốt nhà để che giấu tội ác hay vụ con trai giết mẹ đã gây rúng động dư luận và gióng một hồi chuông cảnh báo về những tác hại tiềm ẩn từ nghiện game. Trên thực tế, nghiện game không chỉ là vấn đề giải trí quá mức mà có thể đồng nghĩa với rối loạn kiểm soát hành vi, rối loạn cơ chế thần kinh và đồng thời gây ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, đạo đức và cảm xúc. Trẻ nghiện game thường suy giảm kỹ năng đồng cảm, dẫn đến hành vi vô cảm và các quyết định bốc đồng, thiếu kiểm soát.

Game ảo, hậu quả thật -0
Phải trả 45 nghìn đồng cho hơn 2 tiếng chơi game, thanh niên này chỉ còn 5 nghìn đồng cầm về.

Trò chơi điện tử, đặc biệt là game bạo lực, có thể tác động tiêu cực đến người chơi ở nhiều khía cạnh: Chơi game quá mức có thể dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, cáu gắt và mất kiểm soát cảm xúc. Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung kích động và có xu hướng trở nên vô cảm với bạo lực.

Việc chìm đắm trong game làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và tư duy logic, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập. Game bạo lực có thể thúc đẩy trẻ học theo những hành vi hung hăng, xem nhẹ giá trị đạo đức và dễ dàng đi đến những quyết định cực đoan. Trẻ nghiện game thường cô lập bản thân, giảm giao tiếp với gia đình và bạn bè, từ đó mất đi sự kết nối thực tế với xã hội. Thức khuya, bỏ ăn, thiếu vận động là những hệ lụy phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất.

Nghiện game khiến người chơi thường xuyên ngồi lâu một chỗ, ít vận động, dẫn đến các vấn đề như béo phì, đau lưng, cổ, và các bệnh về mắt do tiếp xúc quá nhiều với màn hình. Không chỉ vậy, thiếu ngủ và ăn uống không điều độ do chơi game xuyên đêm cũng là nguyên nhân gây ra sự suy kiệt về sức khỏe.

Về mặt tinh thần, những người nghiện game thường dễ bị căng thẳng, lo âu, và thậm chí trầm cảm khi họ không đạt được mục tiêu trong trò chơi hoặc bị phụ thuộc quá mức vào thế giới ảo. Cảm giác thất bại trong game đôi khi còn dẫn đến hành vi tiêu cực ngoài đời thực, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý. Một số trò chơi bạo lực hoặc có yếu tố gây nghiện cao có thể kích thích hành vi tiêu cực, đặc biệt là ở thanh thiếu niên. Những hành vi này bao gồm việc bắt chước các hành động trong game, mất kiểm soát cảm xúc, và thậm chí phạm pháp để có tiền chơi game.

Nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên, vì mê mải chơi game mà bỏ bê việc học, dẫn đến kết quả học tập sa sút. Họ dễ bị mất tập trung, chậm tiến bộ và khó hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Thói quen dành quá nhiều thời gian cho game khiến người nghiện ít giao tiếp với gia đình và bạn bè. Họ dần xa cách với những người xung quanh, tạo ra sự cô lập và làm rạn nứt các mối quan hệ. Trong nhiều trường hợp, gia đình phải đối mặt với căng thẳng, tranh cãi hoặc thậm chí bạo lực do xung đột liên quan đến việc chơi game.

Việc nghiện game còn kéo theo những vấn đề về tài chính. Người chơi có thể chi tiêu quá mức vào việc mua các vật phẩm trong game, nâng cấp tài khoản, hoặc tham gia các sự kiện trả phí. Đối với những người trẻ chưa có thu nhập ổn định, điều này gây áp lực kinh tế lớn cho bản thân và gia đình.

Để ngăn chặn trẻ em sa vào nghiện game dẫn đến các hành vi bạo lực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Cụ thể, cha mẹ cần giám sát và giới hạn thời gian chơi game của trẻ, đồng thời định hướng trẻ tham gia vào các hoạt động lành mạnh như thể thao, đọc sách hoặc các lớp học ngoại khóa. Thường xuyên trò chuyện để hiểu tâm lý, sở thích của trẻ và chia sẻ về những hậu quả tiêu cực của việc lạm dụng game. Cha mẹ nên làm gương bằng cách giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử, cùng trẻ tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, giúp xây dựng mối quan hệ gắn kết.

Bên cạnh đó nhà trường cũng cần có nhiều các hoạt động ý nghĩa như: Tổ chức các buổi ngoại khóa, hội thảo để giáo dục học sinh về tác hại của việc nghiện game và các giá trị sống tích cực. Khuyến khích học sinh tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm, hoặc các hoạt động nghệ thuật và thể thao để lấp đầy thời gian rảnh. Nhà trường cần có cơ chế nhận diện những học sinh có dấu hiệu nghiện game để phối hợp với phụ huynh hỗ trợ kịp thời như: Khuyến khích trẻ khám phá và phát triển đam mê trong các lĩnh vực khác như âm nhạc, hội họa, thể thao, hoặc công nghệ. Điều này không chỉ giúp trẻ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống mà còn giảm sự phụ thuộc vào game.

Nghiện game không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là mối lo ngại lớn đối với xã hội. Để giảm thiểu hậu quả, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường, và cộng đồng nhằm xây dựng một môi trường lành mạnh, giúp thế hệ trẻ sử dụng công nghệ một cách hiệu quả và tích cực.

Phong Anh
.
.