Giả danh bác sĩ bệnh viện lừa bán thuốc cho bệnh nhân nghèo

Thứ Ba, 19/12/2023, 10:37

Hơn 30 đối tượng, người nhiều nhất mới 35 tuổi, trẻ nhất là 20 tuổi, không hề có chuyên môn liên quan đến ngành y, dược nhưng cả gan giả danh giáo sư, tiến sĩ, thậm chí Thiếu tướng, Phó Giám đốc bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Viện 108) để bán thuốc giả lừa người bệnh, người nghèo đã bị các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ. Hành vi táng tận lương tâm của chúng đã khiến nhiều người bệnh mất đi cơ hội chữa trị kịp thời, tiền mất tật mang.

5 cặp vợ chồng cùng vướng vòng lao lý

Đến ngày 15/12, Cơ quan điều tra Công an huyện Tiên Du, Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 26 đối tượng, chuyển hồ sơ vụ án đến Phòng Cảnh sát hình sự để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền. 26 đối tượng bị khởi tố chỉ là con số ban đầu bởi theo tài liệu điều tra, cơ quan Công an đã xác định có một số đối tượng khác cũng có hành vi phạm tội, hiện đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý tiếp.

di5g7g~y.jpg -0
Công an tỉnh Bắc Ninh đấu tranh với đối tượng Phạm Viết Trung.

Điều đáng nói, trong số các đối tượng bị khởi tố, có tới 5 cặp vợ chồng cùng tham gia. Sở dĩ như vậy, bởi đây là một đường dây tội phạm hoạt động khép kín, phân công trách nhiệm khá cụ thể, rõ ràng. Các đối tượng thường là người nhà, người quen của nhau nên cùng thực hiện hành vi phạm tội, kiếm tiền bất chấp.

Cầm đầu đường dây trên là Phạm Viết Trung, sinh năm 1995, trú ở Xuân Thành, Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình, tạm trú ở chung cư Riverside Garden, Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Vợ Trung là Lê Thị Kim Mi, cũng là đối tượng bị xử lý trong vụ án này. Theo đó, Trung làm giám đốc, Mi làm thủ kho, quản lý chặt chẽ hàng hóa xuất - nhập. Cùng với vợ chồng Trung - Mi là vợ chồng Tạ Quang Bắc và Đào Thị Trang ở ngõ 77 Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội; Trần Trọng ở Đoài Khê, Đan Phượng, Hà Nội và Lưu Thị Thuỷ ở Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; Nguyễn Xuân Hải và Bùi Thị Ngọc Diệp, ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội và Lưu Đức Thịnh ở Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình và Cao Thùy Dương ở 192 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Các cặp vợ chồng trên cùng tham gia vào đường dây với các vai trò khác nhau, đều cùng biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì lợi nhuận trước mắt đã bất chấp tất cả. Đặc biệt, dù mới 20 tuổi nhưng Vũ Quang Vinh ở Mường Khoa, Chiềng Khoa, Vân Hồ, Sơn La dám cả gan xưng là Thiếu tướng, Phó Giám đốc bệnh viện để “tư vấn” cho bệnh nhân.

Được biết, Trung vốn xuất thân từ quê, học đại học rồi ở lại Hà Nội và đầu quân cho một số công ty chuyên bán hàng đa cấp. Cũng từ việc bán hàng đa cấp, Trung nhận thấy nhu cầu của rất nhiều người dân cần sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng để điều trị bệnh tiểu đường và huyết áp. Chính vì vậy, Trung đã nghĩ ra việc chiếm đoạt tài sản của người bệnh bằng cách quảng cáo loại thuốc này để bán hàng. Từ kinh nghiệm của những năm bán hàng đa cấp, Trung đã vạch ra kịch bản để lừa người bệnh một cách bài bản, kỹ lưỡng, phân vai rõ ràng và có những tình huống xử lý trong thực tế. Sau khi có ý tưởng, kịch bản, với số vốn ban đầu là 26,5 triệu đồng, Trung cùng với 3 đố tượng khác Lưu Đức Tịnh, ở xã Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình; Nguyễn Hải Đăng trú ở xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội và Nguyễn Xuân Tuyên, ở xã An Lưu, Kinh Môn, Hải Dương góp cổ phần với tổng số tiền là 100 triệu đồng để “khởi nghiệp”. 

Với số tiền 100 triệu đồng ban đầu, các đối tượng thuê mặt sàn tầng 7 của tòa nhà ở 251 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Hà Nội để mở văn phòng, đồng thời nghĩ ra mẫu mã các loại thuốc, sản xuất bao bì rồi đặt hàng 1 nhà thuốc gia truyền sản xuất với các sản phẩm như: Hạ đường QY, Thanh mạch QY, Mộc gan QY...

Sau khi có “văn phòng” đại diện, Trung đăng ký thành lập Công ty cổ phần dược phẩm SPARTA (Công ty SPARTA), có địa chỉ trụ sở chính tại 104, khu liền kề, thị trấn Văn Điển, Hà Nội để có tư cách pháp nhân, hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần do Trung làm Giám đốc. Chuẩn bị xong các điều kiện, từ kịch bản đến trụ sở, thành lập công ty, các đối tượng tiến hành tuyển nhân viên, thành lập các nhóm kinh doanh có mô hình hoạt động giống nhau do Trung trực tiếp điều hành. Theo đó, mỗi nhóm kinh doanh gồm 2 đối tượng, 1 đối tượng có nhiệm vụ lập fanpage trên mạng xã hội rồi chạy quảng cáo, mời chào bệnh nhân; đối tượng còn lại làm sale có nhiệm vụ giả danh bác sĩ để tư vấn, bán thuốc. Các nhóm tự tạo lập các fanpage trên mạng xã hội có tên “Bệnh viện Quân đội 108 - Chuyên khoa nội tiết”; “Bệnh viện Quân y 103”, đăng tải hình ảnh, logo các bệnh viện trên để thu hút người bệnh tìm hiểu, để lại thông tin cho chúng liên hệ. Khi có thông tin của bệnh nhân. Các đối tượng sẽ gọi điện, tự xưng là bác sĩ, tiến sĩ.., để tư vấn mời chào các liệu trình, huyết áp. Tất cả các loại thuốc này đều do chúng đặt của một số hộ kinh doanh thuốc đông y sản xuất, đóng gói với giá 25 nghìn đồng/ hộp, chúng không hề biết thành phần có gì. Với số tiền 25 nghìn đồng vốn, chúng bán lên tới 2,5 triệu đồng/hộp, “giảm giá” cho người già, người nghèo, người bệnh nặng còn từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/ hộp.

 Sau khi có đủ tài liệu, chứng cứ về việc phạm tội của các đối tượng, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Bắc Ninh và Công an huyện Tiên Du đã đồng loạt kiểm tra tại 6 địa điểm tại Hà Nội gồm: Toà nhà 251 Vũ Tông Phan; Bưu cục Thường Tín tại thôn Bình Vọng, Thường Tín, Hà Nội; một số địa điểm tại huyện Ba Vì, TP Hà Nội và nhà riêng, nhà trọ của các đối tượng liên quan. Kết quả, đã triệu tập hơn 30 đối tượng; kiểm tra, thu giữ nhiều điện thoại và máy tính xách tay, máy tính để bàn các loại, hơn 3.000 hộp sản phẩm thuốc đặc trị, thực phẩm chức năng gồm hơn 30 loại sản phẩm như: hạ đường QY, Huyết đường NT, An mạch ngọc VY…; nhiều giấy tờ, tài liệu, hình dấu, đồ vật khác có liên quan đến hành vi của các đối tượng, trong đó, trụ sở chính của chúng tại tầng 7 số nhà 251 Vũ Tông Phan, Cơ quan Công an đã bắt giữ 24 đối tượng gồm tất cả “bác sĩ”, “Tiến sĩ”, “Trưởng khoa”, “Thiếu tướng - Phó Giám đốc bệnh viện”…

Người đàn bà nghèo đi vay hơn 70 triệu đồng để mua thuốc

Phải nói rằng, trong những hành vi lừa đảo thì lừa đảo người già, người nghèo là việc táng tận lương tâm nhất bởi họ là những người cả tin, thiếu kiến thức xã hội. Chính vì vậy, khi “bác sĩ” nói gì họ cũng nghe theo, làm theo mà không hề nghi ngờ gì. Thậm chí, con cái hay những người hiểu biết can ngăn, phân tích họ cũng không nghe bởi “bác sĩ” trên mạng đã bắt đúng “bệnh”. Một trong những nạn nhân trong vụ án là bà Nguyễn Thị H, 67 tuổi ở Tiên Du, Bắc Ninh. Bà H có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng bị câm điếc bẩm sinh, con bị thiểu năng trí tuệ. Chính vì vậy, dù gần 70 tuổi nhưng bà vẫn là lao động chính trong nhà. Hàng ngày, bà đẩy xe rác đi làm vệ sinh môi trường của thôn. Tiền công chỉ đủ sinh hoạt tối thiểu cho gia đình. Bà bị tiểu đường hơn 10 năm, từng đi khám ở Viện 108, được các bác sĩ kê đơn điều trị. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên hết thuốc, bà không có điều kiện quay lại viện để khám lại. 

Giả danh bác sĩ bệnh viện lừa bán thuốc cho bệnh nhân nghèo -0
Các đối tượng bị bắt giữ.

Chính vì vậy, bà đã lên mạng tìm hiểu và thấy có trang facebook “Bệnh viện Quân đội 108 - Chuyên khoa nội tiết”, bà đã vào xem. Trang facebook này có đăng tải hình ảnh, logo, nội dung liên quan đến việc khám chữa bệnh của bệnh viện 108 nên bà nghĩ rằng đây chính là trang của viện nên đã để lại số điện thoại cho các bác sĩ tư vấn. Bà không ngờ rằng, đây chỉ là trang giả mạo của các đối tượng xấu nhằm lừa những người thiếu thông tin như bà. Sau khi để lại số điện thoại, chiều cùng ngày, có người gọi lại cho bà, tự xưng là “Thiếu tướng, Phó Giám đốc bệnh viện”. Người này hỏi bà về bệnh, hoàn cảnh gia đình rồi nói rất nhiều về sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời, đúng thuốc, đúng phác đồ. Sau khi dọa khiến bà H rất lo sợ, tưởng mình sắp chết đến nơi nếu không mua thuốc “bệnh viện” sản xuất và bán. Mong muốn chữa được bệnh để có sức khỏe lo cho chồng, con, bà H đã đặt mua “1 liệu trình” thuốc tiểu đường gồm 2 hộp Hạ đường QY với giá 1 triệu đồng/hộp. Theo “Thiếu tướng, Phó Giám đốc bệnh viện” thì  hộp thuốc có giá 2,5 triệu đồng nhưng do bà H hoàn cảnh khó khăn, trên 60 tuổi nên được giảm giá 60%. Hân hoan vì nghĩ mình mua được thuốc tốt, được giảm giá sâu, bà H đã dồn toàn bộ số tiền mình có. Khoảng nửa tháng sau, 2 lọ thuốc kia uống chưa hết nhưng “Thiếu tướng, Phó Giám đốc bệnh viện” lại gọi lại cho bà H, hỏi han sức khỏe.

Việc này khiến bà H xúc động vì không ngờ, mình chỉ là người dân nghèo mà được “Thiếu tướng, Phó Giám đốc” quan tâm đến như vậy. Bà lại trải lòng về bệnh tật, gia đình. Lần này, “Thiếu tướng, Phó Giám đốc” lại “tư vấn” cho bà 1 loại thuốc tốt hơn, có thể chữa dứt điểm bệnh tiểu đường khiến bà H tin tưởng tiếp tục đặt mua thêm “1 liệu trình” gồm 5 lọ Huyết đường NT với giá ưu đãi là 3,5 triệu đồng. Cứ như vậy, liên tục trong mấy tháng, bà H đã mê muội nghe theo “Thiếu tướng, Phó Giám đốc” mua tới 25 loại thuốc các loại hàng trăm lọ với tổng giá tiền hơn 70 triệu đồng. Đối với bà H, đây là số tiền vô cùng lớn mà gia đình bà chưa bao giờ có được. Để có hơn 70 triệu đưa cho “Thiếu tướng, Phó Giám đốc”, bà đi vay mượn khắp nơi, anh em, hàng xóm hay bất cứ ai có thể vay được bà đều vay hết. Thấy bà vay tiền mua thuốc, một số người thân của bà đã can ngăn nhưng vì quá cả tin nên bà không nghe bất cứ ai mà cứ một mực vay tiền để mua thuốc theo lời khuyên của “Thiếu tướng, Phó Giám đốc”. Cho đến khi số tiền thuốc lên đến hơn 70 triệu, với cả một bàn thuốc các loại mà bệnh vẫn chưa khỏi, bà H mới bàng hoàng nghĩ đến số nợ mình phải trả. Điều làm bà bất ngờ và sốc hơn nữa, đó là khi các cán bộ Công an huyện Tiên Du đến tận nhà để mời bà cung cấp thông tin việc bị lừa đảo. Làm việc với cơ quan Công an, bà nghẹn ngào cho biết, chỉ vì nghèo túng lại bệnh tật, vì thiếu hiểu biết nên “ai nói gì cũng tin”, không hề biết “Thiếu tướng, Phó Giám đốc” chỉ là một thanh niên mới 20 tuổi(!)

Cũng bị mất hơn 70 triệu đồng cho các đối tượng là bà Nguyễn Thị M, 59 tuổi, ở Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội. Bà M cũng bị tiểu đường, huyết áp mãn tính, đã chữa nhiều năm nên bà M thường lên mạng tìm hiểu thông tin. Khi thấy trang fanpage “Bệnh viện Quân y 103” có đầy đủ logo, hình ảnh của bệnh viện, bà M rất tin tưởng đã để lại số điện thoại. Sau đó, “bác sĩ” của bệnh viện đã gọi lại cho bà, tư vấn bệnh. Thấy “bác sĩ” nói đúng các triệu chứng của mình, đồng thời cho rằng, nếu không chữa nhanh, bà sẽ bị mù vĩnh viễn, bị tai biến liệt toàn thân… Bà M hoang mang và khi “bác sĩ” tư vấn cho bà mua thuốc huyết áp, tiểu đường thì bà đã nghe theo. Cứ như vậy, ít hôm “bác sĩ” lại gọi lại hỏi thăm sức khỏe và yêu cầu bà mua thuốc khác tốt hơn. Cho đến khi báo chí đăng tin, Công an Bắc Ninh bắt giữ nhóm đối tượng giả danh bác sĩ bệnh viện để bán thuốc giả, bà M mới biết mình bị lừa.

Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng Công an huyện Tiên Du, Bắc Ninh cho biết, bước đầu, đơn vị mới làm việc được với 49 bị hại liên quan đến vụ án, trong đó, hầu hết các bị hại đều là những người già, bệnh tật. “Có cụ ông ở tận Hiệp Hòa, Bắc Giang, làm nông nghiệp, cả đời dành được hơn 60 triệu đồng để dưỡng già, cũng bị các đối tượng dụ dỗ mua “thuốc” hết. Có bà cụ ở Hưng Yên cũng nhờ con chở đến trình báo bị lừa hơn 50 triệu đồng…” - Thượng tá Nguyễn Trung Kiên cho biết và thông tin, bước đầu, Cơ quan điều tra đã xác định các đối tượng đã bán thành công 12.817 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở cả 63/63 tỉnh thành trên cả nước.

Phương Thủy
.
.