Giả danh fanpage của bệnh viện lớn để trục lợi

Thứ Sáu, 08/11/2024, 10:08

Hiện nay, tình trạng giả danh fanpage của các bệnh viện lớn để lừa đảo, trục lợi đang trở nên nghiêm trọng. Những trang giả mạo này không chỉ gây nhiễu loạn thông tin mà còn tạo điều kiện cho kẻ xấu chiếm đoạt tiền từ người dùng qua các hình thức tư vấn sức khỏe trực tuyến, bán thuốc giả, hoặc cung cấp dịch vụ y tế "ảo". Điều này không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn đe dọa sức khỏe của người dân.

Lừa đảo tinh vi

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là niềm tin của người dân luôn đặt vào các cơ sở y tế uy tín. Các bệnh viện công lập và tư nhân lớn thường xuyên nhận được sự quan tâm từ phía người dân bởi đây là nơi cung cấp thông tin y tế chính xác và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp. Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng điều này để tạo ra những fanpage giả mạo, sao chép từ hình ảnh, tên gọi đến các bài viết từ trang chính thức của bệnh viện. Một số trang giả mạo đã sao chép gần như toàn bộ nội dung và hình thức của fanpage chính thức, khiến người dùng khó phân biệt thật giả.

462543073_1251645425979676_5597129728817869343_n.jpg -0
Một số website giả mạo Bệnh viện Chợ Rẫy để thu hút và tạo niềm tin của người bệnh.

Chị Lê Thu Hường (phường Cống vị, quận Ba Đình, Hà Nội), một người từng bị lừa đảo qua hình thức này chia sẻ: “Cách đây khoảng 1 năm, tôi được thông báo từ fanpage tên là Bệnh viện 108 về chương trình giảm giá xét nghiệm tổng quát, tôi đã không mảy may nghi ngờ vì trang đó có lượng người theo dõi lớn, giao diện rất giống fanpage thật của bệnh viện. Tôi nhanh nhanh chóng đăng ký khám tổng quát. Họ có nói là tôi đóng 1 triệu đồng cọc để lấy suất, sau khi đến khám xong đâu đấy bệnh viện sẽ trả lại hoàn toàn. Họ có nhắn cho tôi thời gian và địa điểm để khám, tuy nhiên khi tôi đến bệnh viện 108 thì được nhân viên ở đây nói là không có chương trình này. Mặc dù biết mình bị lừa nhưng tôi có liên lạc lại với nhân viên của fanpage trên nhưng không được”.

Để tạo lòng tin với người dân, các đối tượng lừa đảo thường sử dung nhiều chiêu trò tinh vi. Một trong những hình thức phổ biến là đăng tin tuyển dụng, quảng bá các chương trình ưu đãi giảm giá, gói khám bệnh miễn phí, hoặc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc biệt. Sau khi thu hút sự quan tâm của người dùng, chúng sẽ yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển khoản để đăng ký dịch vụ.

Nói về hình thức này, bà Nguyễn Thị Thoa (xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, gần đây có lướt mạng xã hội facebook có thấy một fanpage có tên “Bệnh viện 103” đăng một chương trình khám mắt miễn phí. Bà Thoa liền đăng ký để cho mẹ đi khám, sau khi đăng ký, bà Thoa cũng nhận được lịch khám rất cụ thể. “Tôi có thắc mắc là sao Bệnh viện 103 có chương trình khám miễn phí mà địa điểm khám lại bên ngoài thì họ nói do bệnh viện quá tải nên mượn địa điểm. Tôi có đưa mẹ đến khám, đúng là họ không lấy tiền khám mà kê đơn, bán thuốc cho mẹ tôi lên đến hơn 2 triệu. Khi tôi mang thuốc về hỏi bác sĩ thì họ bảo đây chủ yếu là thuốc bổ, không có thuốc gì đặc biệt”, bà Thoa kể lại.

Một hình thức nữa mà các đối tượng thường xuyên sử dụng chính là các nhóm chát trên mạng xã hội để tư vấn sức khỏe miễn phí, Ban đầu người dân được tham gia nhóm với lời mời gọi từ một bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Sau một thời gian trao đổi, các đối tượng sẽ đề nghị người dân tham gia vào các dịch vụ khám chữa bệnh hoặc mua thuốc, thực phẩm chức năng qua hình thức chuyển khoản.

Để mục sở thị hiện tượng này, chúng tôi có tham gia nhóm “Các bệnh nhân đau cổ vai gáy”. Trong nhóm chát này có đến hơn 1 nghìn thành viên, tại đây có một số thành viên là quản trị viên, họ là người định hướng các câu chuyện trong nhóm, nếu thành viên khác nói chuyện không phù hợp sẽ bị cho ra khỏi nhóm.

Một quản trị viên viết: “Cứ tối thứ 7 hàng tuần, nhóm chúng ta sẽ thảo luận về nguyên nhân và cách điều trị bệnh đau cổ vai gáy. Đặc biệt sẽ có bác sĩ chuyên môn giỏi đến từ Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội”.

Quả thực bắt đầu từ 19 giờ tối thứ 7, chúng tôi bắt đầu được nghe một người có tên Xuân Minh (lấy danh là bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội)  chia sẻ về nguyên nhân, cách điều trị bệnh đau cổ vai gáy. Một điều đặc biệt, sau mỗi buổi chia sẻ này, “bác sĩ” Xuân Minh không quên giới thiệu một loại thuốc chuyên điều trị bệnh cổ vai gáy, được làm từ các loại lá thuốc…Theo “bác sĩ” này, đây là bài thuốc gia truyền, có thể chữa dứt điểm bệnh đau cổ vai gáy.

Khi đang trao đổi rất say sưa về bài thuốc, một thành viên có tên “Quang Thái” cho hay: “Bác sĩ ơi, tôi dùng thuốc của bác sĩ hơn 1 tháng rồi mà sao vẫn không có dấu hiệu đỡ gì cả?”… “Bác sĩ này đáp lời: vậy anh phải đến trực tiếp để tôi khám cho nhé”.

Tuy nhiên tài khoản “Quang Thái” tiếp tụ nói những lời khó nghe thì ngay lập tức bị quản trị viên cho ra khỏi nhóm chát.

Cần xử lý nghiêm

Ngày 31/10,  Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh thông tin, đơn vị vừa mới phát hiện thêm một trang fanpage giả mạo có tên “TS. Bác sĩ Thuyết - khoa Tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy”, tự xưng là bác sĩ đang công tác tại khoa Tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cụ thể, fanpage này đăng tải rất nhiều video, hình ảnh bác sĩ tư vấn khám bệnh nhằm thu hút người dân có nhu cầu khám bệnh theo dõi, liên hệ. Kèm theo đó là các lời mời chào hấp dẫn như “Cam kết không hiệu quả hoàn tiền”, “Hiệu quả lên đến 99% chỉ sau 60 phút điều trị”, “Xe đưa đón miễn phí 2 chiều”...

Giả danh fanpage của bệnh viện lớn để trục lợi -0
Bệnh viện Chợ Rẫy vừa phát hiện một trang fanpage giả mạo có tên “TS. Bác sĩ Thuyết - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Nếu khách hàng có thắc mắc về thông tin chi tiết, đối tượng sẽ yêu cầu liên hệ riêng. Lãnh đạo khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy đã khẳng định fanpage “TS. Bác sĩ Thuyết - khoa Tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy” là chiêu trò giả danh nhằm mục đích xấu. "Đây không phải bác sĩ đang công tác tại khoa như thông tin fanpage quảng cáo", vị này cho biết thêm.

Ngoài trường hợp này, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thông tin thêm một số website giả mạo tương tự. Theo đó, bằng hình thức tinh vi hơn, đánh vào tâm lý muốn được khám nhanh hoặc thăm khám bởi đội ngũ chuyên gia, các đối tượng trên còn tạo ra những website rất “chỉn chu”.

Với đầy đủ thông tin, hình ảnh khám chữa bệnh, đánh giá từ khách hàng, các website này thu hút sự chú ý và tạo niềm tin cho không ít người theo dõi.

Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo trường hợp người dân có thắc mắc, nghi ngờ về một phòng khám hay cơ sở y tế nào đó gắn tên "Chợ Rẫy" hoặc "CR", vui lòng nhắn tin trực tiếp vào fanpage duy nhất của Bệnh viện Chợ Rẫy (có tích xanh) https://www.facebook.com/choray.vn để được giải đáp cụ thể.

Bệnh viện 108 là một trong những bệnh viện mà các đối tượng đạo nhái, mạo danh thương hiệu của bệnh viện nhiều nhất và phức tạp nhất. Đã có rất nhiều website, fanpage mạo danh Bệnh viện để trục lợi. Cách đây không lâu, khi phát hiện cơ sở có tên “Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội”, địa chỉ tại đường Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Bệnh viện 108 đã phối hợp với Công an TP Hà Nội phối hợp xử lý. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, xử lý thì không thể xử phạt hành vi sử dụng tên “Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội” vì chưa đủ căn cứ. Sau khi bị xử phạt hành chính vì chưa chấp hành đúng các quy định tại giấy phép kinh doanh được cấp, một thời gian sau, cơ sở này tiếp tục hoạt động với tên trên...

Trước tình trạng này, Bệnh viện 108 đã làm các thủ tục đăng ký bản quyền thương hiệu, nhưng cơ quan chức năng chỉ có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu với tên đầy đủ là “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108”, còn số 108 là số tự nhiên nên không thể bảo hộ. Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng, lấy hình ảnh bác sĩ, thương hiệu Bệnh viện trên internet để lừa đảo, Bệnh viện 108 đã thông báo tới các cơ quan chức năng liên quan; đồng thời cảnh báo trên website của Bệnh viện tại địa chỉ https://benhvien108.vn.

Theo đó, Bệnh viện lưu ý người dân: Bệnh viện 108 chỉ có duy nhất một cơ sở tại địa chỉ số 1 đường Trần Hưng Đạo, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội; cổng thông tin chính thức của Bệnh viện là https://benhvien108.vn, fanpage chính thức là “Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” có dấu tích xanh xác nhận của Facebook.

Hiện tại, Bệnh viện 108 không cung cấp, liên kết kinh doanh, kiểm nghiệm bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào qua hình thức trực tuyến (online); Bệnh viện chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc trong khuôn viên Bệnh viện. Bệnh viện 108 cũng chưa triển khai khám, điều trị tại nhà. Để được thông tin, giải đáp thắc mắc hoặc thông báo khi phát hiện dấu hiệu khả nghi, người dân có thể gọi đến số điện thoại: 096.775.16.16 hoặc 1900.98.68.69.

Mới đây vào ngày 26/4, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, bệnh viện đã phát hiện một trường hợp giả mạo chữ ký của lãnh đạo và con dấu của bệnh viện.

Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội nhóm và các trang mạng xã hội với nội dung rất bi thương về việc con mình bị bệnh nặng nhằm trục lợi từ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm với nội dung: “Có bệnh nhi Nguyễn Đình Khải, sinh ngày 7/2/2023, ở xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, Thái Bình, bị ung thư phổi chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị được hơn nửa tháng nay và hiện tại đang trong tình trạng suy hô hấp nặng, nhiễm trùng máu và phải thở máy điều trị kháng sinh...”.

Ngay sau khi phát hiện bài đăng Facebook nói trên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành rà soát, xác minh, tuy nhiên, không có bệnh nhi nào như phản ánh và toàn bộ giấy chứng nhận điều trị được đăng tải là giấy giả mạo. Ngoài ra, đối tượng lừa đảo này còn mạo danh cả con dấu của bệnh viện và chữ ký của lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương để làm tăng độ uy tín và tin cậy của người dân.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng rơi vào hoàn cảnh bị giả mạo. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều fanpage mạo danh, sử dụng tên các bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lừa đảo. Các đối tượng này lập lên các trang Facebook, Fanpage, TikTok… giả mạo là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, thậm chí lợi dụng danh tiếng của các lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lừa đảo.

Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), bệnh tuyến giáp, mồ hôi tay chân... và các bệnh nội tiết khác nhằm trục lợi từ người bệnh.

Trước tình hình lừa đảo ngày càng phức tạp, các bệnh viện lớn đã đưa ra nhiều biện pháp để cảnh báo người dân như xác minh fanpage chính thức với tích xanh, đăng tải thông báo cảnh báo trên website và ứng dụng, thông báo rộng rãi qua báo chí và các phương tiện truyền thông. Người dân được khuyến khích kiểm tra kỹ càng trước khi cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền, tránh bị mắc bẫy bởi các chiêu trò lừa đảo tinh vi.

Theo luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng Văn phòng Intelia, cho rằng, hành vi giả mạo bác sĩ, cơ sở y tế có thể bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trường hợp thực hiện hành vi gian dối mạo danh bác sĩ, cơ sở y tế để nhận tiền, tài sản của bệnh nhân rồi chiếm đoạt thì đối tượng thực hiện hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

“Có thể thấy hiện nay mạng xã hội phát triển rất mạnh, hiện tượng lừa đảo giả danh fanpge của bệnh viện, giả danh bác sĩ để trục lợi khá phức tạp. Hành vi này là vi phạm pháp luật, cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, có biện pháp xử lý thật nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, luật sư Hòe nhấn mạnh.

Bảo Phương
.
.