Giả mạo page khách sạn, homestay lừa đặt phòng

Thứ Tư, 11/09/2024, 12:01

Hiện nay, nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, việc đặt phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng trực tuyến trở thành lựa chọn phổ biến vì tính tiện lợi và nhanh chóng. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã lấy hình ảnh của resort, khách sạn, sau đó lập trang web, facebook, zalo… giả mạo rồi lừa khách chuyển tiền cọc đặt phòng vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.

Chiêu trò tinh vi

Thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp du khách bị lừa đảo khi đặt phòng khách sạn, resort qua mạng. Các đối tượng thường lập ra các trang web, fanpage Facebook giả mạo các cơ sở lưu trú có tiếng, sử dụng hình ảnh thật của khách sạn, resort để tạo lòng tin cho khách hàng. Sau khi nhận được tiền đặt cọc hoặc thanh toán trước, các đối tượng liền “bốc hơi”, khiến du khách lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng những chiêu trò hết sức tinh vi. Chúng tạo ra những trang web, fanpage Facebook với giao diện gần như giống hệt bản gốc, thậm chí còn có cả số điện thoại đường dây nóng để tư vấn khách hàng. Khi khách hàng chuyển tiền đặt cọc, chúng sẽ nhắn tin xác nhận để tạo lòng tin.

Giả mạo page khách sạn, homestay lừa đặt phòng -0
Xác nhận đặt phòng giả mạo mà chị T. nhận được khi đặt qua page lừa đảo.

Chị Đ.N.T (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vừa bị lừa cay đắng khi đặt phòng qua mạng, mặc dù chị là người rất cảnh giác và thường xuyên đặt phòng qua các page của các khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng.

Trước dịp nghỉ lễ 2/9, gia đình chị tìm chỗ ăn nghỉ ở Mộc Châu, Sơn La. Qua lời review trên các hội nhóm, chị tìm đặt phòng nghỉ của khách sạn Glenda Tower Mộc Châu ở thị trấn Mộc Châu để tiện đi chơi, di chuyển. Trước khi đặt phòng ở Glenda, chị cũng đặt phòng thành công ở khu Mộc Châu Island 2 ngày một đêm, rồi hôm sau định về thị trấn chơi một ngày. Cả Glenda và Mộc Châu Island chị đều tìm kiếm page trên mạng xã hội. Sau khi chuyển tiền thành công cho Mộc Châu Island và chuyển đúng vào tài khoản công ty du lịch và nhận được xác nhận đặt phòng, chị tiếp tục đặt phòng bên Glenda.

Qua mạng xã hội chị tìm được hai page Glenda Mộc Châu, một page hơn 4.000 lượt thích và hơn 5.000 lượt theo dõi, một page hơn 5.000 người like và hơn 9.000 người theo dõi, chị không ngần ngại lựa chọn page nhiều người like người theo dõi hơn và chủ quan không check lại hai page. Sau khi liên hệ với page giả mạo kia, chị nhận được xác nhận đặt phòng và tài khoản chuyển khoản.

Nhưng vì điện thoại sắp hết pin nên chị không check lại cẩn thận mà nhanh chóng chuyển khoản. Khi thấy tài khoản khách sạn hiện lên là tài khoản cá nhân mà không phải tài khoản công ty du lịch, hoặc tên khách sạn như bình thường chị vẫn hay chuyển, chị đã ngờ ngợ, thế nhưng vì điện thoại sắp sập nguồn nên chị vội vàng chuyển khoản luôn. Sau khi gửi ảnh đã chuyển khoản thành công, phía bên page có nhắn sẽ báo kế toán và gửi hóa đơn cho chị, nhưng chị đợi mãi không thấy. Chị T cũng không để ý gì mà đợi đến hôm từ Mộc Châu Island trở về thị trấn, chị mới mở tin nhắn cho khách sạn kia check lại và đề nghị lấy phòng sớm hơn dự định thì không được phản hồi.

Chột dạ, chị tìm vào trang page này thì không thấy đâu, vội vã vào page Glenda Tower Mộc Châu hơn 4.000 lượt thích đã từng tìm kiếm, chị thấy số hotline khác hoàn toàn trang chị đã đặt. Gửi lại xác nhận đặt phòng cho trang page này và gọi số hotline xem có đúng mình đã đặt được phòng thì nhân viên cho biết, không có tên của chị. Gọi số hotline trên xác nhận đặt phòng của page lừa đảo, chị chỉ thấy xì xồ một loạt tiếng nước ngoài, lúc này chị mới biết mình bị lừa. Dù số tiền đặt phòng không nhiều, chỉ gần 1,5 triệu đồng, nhưng chị T vẫn rất ấm ức khi lần đầu tiên mình bị lừa cay đắng như thế.

Theo chị T, để tránh bị lừa khi đặt phòng qua mạng, khách hàng nên check cả số hotline để gọi điện xác nhận, khi chuyển khoản phải là tài khoản công ty. Trên fanpage phải có sự tương tác với khách, bởi những lượt like lượt theo dõi chỉ là chiêu trò chạy quảng cáo của các đối tượng lừa đảo. Sau khi biết chị bị lừa, khách sạn Glenda Tower Mộc Châu cũng đã đăng bài cảnh báo chiêu trò lừa đảo trên page chính thống của khách sạn, đồng thời đề nghị hỗ trợ đặt phòng và giảm giá cho chị T nhưng chị cũng đã may mắn đặt được phòng nghỉ ở chỗ khác của thị trấn Mộc Châu.

Giả mạo page khách sạn, homestay lừa đặt phòng -0
Khách du lịch cẩn trọng khi đặt phòng qua mạng xã hội (ảnh minh họa).

Tương tự chị T, chị P.M (Hà Nội) tìm đặt phòng tại một khu nghỉ có tiếng tại xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội. Địa điểm này đang gây sốt trên mạng xã hội bởi thiết kế ấn tượng, nằm giữa rừng thông xanh mát.

Khi tìm kiếm tên khu nghỉ trên mạng xã hội, chị M thấy một trang có tên “Amaya Retreat Sóc Sơn” với hơn 25 ngàn lượt theo dõi. Fanpage thường xuyên cập nhật hình ảnh các căn phòng, hoạt động của du khách tại khu nghỉ. Lượt tương tác trên mỗi bài viết khá cao. Chị đã trực tiếp nhắn tin fanpage nhờ tư vấn. Nhân viên trả lời rất nhiệt tình, chia sẻ cụ thể thông tin dịch vụ sản phẩm khu nghỉ, hình ảnh. Vì chị đặt quá sát ngày nên nhân viên thúc giục, đánh vào tâm lý cần đặt cọc giữ phòng. Sau đó chị M đã chuyển khoản 2 triệu đồng để giữ phòng và được nhân viên gửi thông tin xác nhận đặt phòng thì chị phát hiện đây không phải fanpage chính thức của khu nghỉ chị muốn đặt. Chị đã liên hệ lại fanpage giả mạo và nói muốn hoãn lịch trình. Nhân viên vẫn tiếp tục tư vấn và đồng ý hoàn hủy. Tuy nhiên sau đó, họ chặn tin nhắn của chị.

Du khách cần nâng cao cảnh giác

Việc giả mạo các khách sạn, khu du lịch, homestay nghỉ dưỡng… để lừa đảo không phải là mới, nhưng gây bức xúc cho du khách và đặc biệt là làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh du lịch của các địa phương.

ảnh 1.jpg -0
Đối tượng Phạm Trung Anh.

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phạm Trung Anh (sinh năm 1993), trú tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặt phòng nghỉ đến huyện Cô Tô.

Để có tiền tiêu xài, Phạm Trung Anh đã truy cập vào các trang, nhóm du lịch trên mạng xã hội Facebook để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người có ý định đặt phòng, tour du lịch. Ngày 12/6/2024, đối tượng đã truy cập trang “Review Cô Tô tất tần tật” và thấy tài khoản chị N.A. trú tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đăng bài với nhu cầu cần đặt phòng nghỉ đến huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh du lịch. Nắm được tâm lý của du khách, Phạm Trung Anh đã gọi điện, đồng thời giới thiệu phòng khách sạn và đặt vé tàu đi huyện Cô Tô.

Hai bên thỏa thuận, chị N.A. đặt thuê 6 phòng nghỉ và 11 vé tàu khứ hồi đi Cô Tô. Do tin tưởng, chị N.A đã chuyển khoản 3 lần, với tổng số tiền 8.860.000 đồng đến chủ tài khoản Phạm Trung Anh. Sau khi nhận tiền, đối tượng trên không thực hiện theo những thỏa thuận và chặn mọi liên lạc với chị N.A.

Cơ quan Công an cũng xác định, từ khoảng tháng 6/2022 đến nay, đối tượng đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook, Zalo như “Tường Ánh”, “Bống Bống”, “Phạm Quyết”, “Trần Quang Anh” với thủ đoạn nêu trên, đối tượng đã thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng tại địa phương và Trung ương đề nghị có biện pháp ngăn chặn kịp thời các đối tượng xấu mạo danh khách sạn, nhà hàng ở Sa Pa để lừa đảo tiền bạc.

Theo đó, thời gian vừa qua hiện tượng tạo page giả mạo các đơn vị kinh doanh du lịch trong cả nước tăng cao, đặc biệt chúng giả mạo các khách sạn nhà hàng lớn chạy tương tác mạnh để lừa du khách chuyển tiền và chiếm đoạt, trong đó có một số khách sạn, nhà hàng ở Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

ảnh 2.jpg -0
Hình ảnh page giả mạo một khách sạn ở Sa Pa, Lào Cai.

Vấn nạn này ảnh hưởng lớn tới uy tín du lịch trong nước, đặc biệt tới du khách người nước ngoài, làm tổn hại tới khách hàng và uy tín các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch.

Các đối tượng xấu này còn đe dọa ngược lại doanh nghiệp chính thống bị mạo danh, nếu đánh sập trang của chúng thì chúng sẽ tạo thêm nhiều trang giả danh khác và cho đánh sập trang của doanh nghiệp. Đáng chú ý, mỗi tháng các đối tượng xấu đang lừa đảo được từ khách hàng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch ở thị xã Sa Pa hiện nay rất hoang mang vì chưa tìm được hướng xử lý các đối tượng xấu nêu trên.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và Trung ương có biện pháp ngăn chặn kịp thời để đảm bảo quyền lợi của du khách và uy tín của doanh nghiệp, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về Du lịch Sa Pa nói riêng, du lịch Lào Cai nói chung.

Công an tỉnh Bình Thuận cũng vừa phát đi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo đặt phòng khách sạn, resort trực tuyến. Theo đó, thời gian qua, tại các khách sạn, resort trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trường hợp du khách đặt phòng thông qua trang Facebook của các resort, khách sạn, đã thanh toán tiền hoặc đặt cọc 30-50% nhưng khi đến nhận phòng lại phát hiện bị lừa đảo vì nhân viên của các cơ sở nói trên thông báo không có khách hàng đặt phòng có tên như đã trình bày.

Đơn cử như việc những nghi can lừa đảo đã lập trang fanpage “The Clay resort Mũi Né” (số 10 Nguyễn Đình Chiểu, P Hàm Tiến, TP Phan Thiết). Các đối tượng đã lấy toàn bộ hình ảnh thật của resort, nhưng lại dùng số điện thoại và tài khoản ngân hàng giả mạo để lừa khách chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Chỉ đến khi du khách ra tận resort để nhận phòng thì mới biết lừa đảo. Tinh vi hơn, các đối tượng đã mở một tài khoản ngân hàng với tên “The Clay resort Mũi Né”. Điều này làm cho du khách đặt phòng chủ quan, tin tưởng là thật nên đã chuyển tiền cho những đối tượng lừa đảo. Theo thống kê của The Clay resort Mũi Né giai đoạn đầu năm 2024, đã có trên 80 du khách dính “bẫy” trang giả mạo khu nghỉ này để lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Cũng với thủ đoạn tương tự, các đối tượng lừa đảo lập ra hàng loạt trang web, fanpage Facebook lừa đảo bằng cách dùng hình ảnh có tên giống những resort tại Phan Thiết và đăng tải hình ảnh của khu nghỉ dưỡng hoặc làm một trang khác gần như giống hoàn toàn với trang chính thống, gây ra nhầm lẫn cho người dân, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng này cũng rất tinh vi, lập đường dây nóng riêng sẵn sàng tư vấn khi khách hàng gọi; nhận được tiền còn nhắn tin xác nhận đã đặt phòng… nhằm lấy lòng tin, khách hàng khó có thể nhận ra mình đang bị lừa. Trong tháng 6/2024, tại The Cliff & Residences (Phú Hài, TP. Phan Thiết) đã xảy ra 3 vụ việc khách du lịch bị các đối tượng sử dụng trang fanpage giả mạo lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc khi đặt phòng qua mạng.

Để tránh bị lừa đảo, Công an tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin và lựa chọn dịch vụ đặt phòng từ các công ty uy tín hoặc qua các ứng dụng du lịch.

Người dân có thể yêu cầu đối tác cung cấp giấy phép kinh doanh và các giấy tờ liên quan để kiểm tra. Cần cảnh giác với những lời mời chào giá quá rẻ (thấp hơn 30-50% so với giá thị trường).

Khi được yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, người dân nên kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển khoản và ưu tiên thanh toán trực tiếp nếu có thể.

Các website giả mạo thường có tên gần giống với các website thật nhưng có thêm hoặc thiếu một số ký tự, vì vậy cần chú ý đến tên miền và tên website. Nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh hoặc uy tín để đặt phòng.

Ngọc Mai
.
.