Gia tộc mafia Meleán - Trỗi dậy và sụp đổ
Nhắc đến tên Antonito Jesús Meleán Vergel thì chắc ai ở bang Zulia (đông bắc Venezuela) cũng biết. Trong nhiều thập niên liên tiếp, gia tộc tội phạm Meleán dưới sự lãnh đạo của ông trùm Antonito “làm vương làm tướng” ở bang đông dân nhất Venezuela. Vậy nhưng cái chết của Antonito đã khiến đế chế ông dành cả đời xây dựng bỗng chốc sụp đổ, còn mảnh đất Zulia bị nhấn chìm trong sự hỗn loạn.
Quý ông tội phạm
Ngày lễ Carnival vừa qua ở thành phố Maracaibo (thủ phủ bang Zulia) đã xảy ra hai vụ xả súng. Vụ thứ nhất diễn ra tại một cửa hàng thịt. Hai tay súng bịt mặt nổ súng vào đám đông xếp hàng mua thịt, sau đó lên xe máy bỏ trốn. Chưa đầy hai tiếng sau lại xuất hiện bốn tay súng khác tấn công người đi siêu thị với phương thức tương tự. Tổng cộng có 2 nạn nhân tử vong, 8 người bị thương. Động cơ của cả hai vụ xả súng là côn đồ “dằn mặt” các chủ cửa hàng không chịu trả chúng tiền bảo kê.
Những vụ xả súng và bạo lực công cộng khác đã trở thành “chuyện thường ngày” tại Zulia. Từ chỗ người tứ xứ đổ đến Zulia để làm giàu từ dầu mỏ và nông nghiệp, hiện nay người dân Zulia chỉ có nước ly hương để giữ lấy tính mạng mình. Trên con phố nào tại Maracaibo cũng có những ngôi nhà bỏ hoang lỗ chỗ vết đạn. Nhìn cảnh bạo lực diễn ra hằng ngày trước mắt họ, nhiều người Zulia không khỏi tiếc nhớ những năm tháng ông trùm Antonito Meleán còn sống.
Không nhiều người biết rõ về thời trẻ trung của Antonito Meleán. Khi ông ta trở thành “vua” của thế giới ngầm Zulia vào thập niên 1980 thì Antonito đã là người đứng tuổi rồi, có con cái đầy đủ. Trong khi những đứa con của Antonito điều hành công việc gia đình, ông trùm đóng vai trò như “người phán xử” điều hành các băng đảng ở Zulia. Một chính trị gia giấu tên trả lời phóng viên tờ El Nacional: “Antonito không khác gì Vito Corleone (ông trùm mafia trong tiểu thuyết “Bố già” của Mario Puzo). Ông nắm quyền sinh quyền sát nhưng bao giờ cũng tỏ ra là người công bằng, lịch sự và tử tế. Mặc cho người ta tôn trọng đến đâu đi nữa, Antonito luôn biết cách khiêm tốn. Có những vấn đề mà nhà nước không xử lý được nhưng Antonito chỉ cần nói một tiếng là mọi chuyện đâu ra đấy”.
Tại thời điểm đó, việc các chính trị gia trong vùng đến tận nhà của ông trùm Meleán để cầu cạnh là chuyện bình thường. Nguyên Thống đốc bang Zulia Juan Pablo Guanipa thừa nhận: “Có những nhóm tội phạm tại Zulia mà chính quyền không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với họ”.
Dưới sự lãnh đạo của Antonito, côn đồ ở Zulia gần như không bao giờ gây sự ở nơi công cộng. Có các quy định rõ ràng để trừng phạt những ai nhắm đến dân lành hay làm hại phụ nữ hoặc trẻ con. Mọi “công việc” như móc túi, trộm xe, nhận tiền bảo kê, buôn bán ma túy đều được thực hiện trong bí mật. Vào cùng thời điểm đó, nền kinh tế Zulia đang ở trên đỉnh nhờ chính sách phát triển dầu mỏ của cố tổng thống Hugo Chavez. Tội phạm tại Zulia giàu lên vì ai ai ở đây cũng giàu lên.
Mọi thứ sụp đổ vào năm 2008. Câu chuyện bắt đầu với cái chết của một nam sinh sau khi người này tham gia biểu tình phản đối vấn đề tội phạm ở Maracaibo. Nạn nhân bị ám sát bằng dao khi đang trên đường từ trường về nhà. Thị trưởng Maracaibo khi đó cáo buộc Antonito Meleán là chủ mưu vụ giết người. Ông trùm “phản pháo” bằng cách viết thư mở cáo buộc thị trưởng nhận hối lộ. Cuộc chiến trên mặt báo giữa hai bên khiến cả thành phố rúng động.
Giữa lúc đấy thì Antonito bị ám sát. Vào ngày 27-12-2008, ông trùm bị bắn chết khi đang đứng ngoài cửa hàng cắt tóc. Đó cũng là ngày Antonito tròn 70 tuổi. Cảnh sát nghi ngờ kẻ chủ mưu vụ ám sát là Daniel David Leal Prieto, “đại bàng” của băng đảng Pulgas dưới trướng Meleán. Daniel Prieto một mực từ chối mình có liên quan vì “Tôi coi ông ấy như cha để mình”. Dù gì đi nữa, có bằng chứng để tin rằng Antonito Meleán đã bị ám sát bởi chính cấp dưới của mình nhằm đoạt lấy đế chế tội phạm của người chết.
Cái chết của Antonito Meleán đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa thân nhân ông trùm và các băng nhóm Zulia. Em trai Antonito là Nelson Meleán thay anh lên làm ông trùm nhưng không tài nào bình ổn được tình hình. Chưa hết, trong vòng hai năm lên nhậm chức, Nelson đã bị ám sát hụt đến ba lần.Lần thứ ba và cũng là đẫm máu nhất xảy ra khi ông trùm Meleán đang nằm dưỡng thương trong bệnh viện sau vụ ám sát thứ hai. Sáu tay súng bịt mặt xông vào phòng hồi sức cấp cứu định giết Nelson. Nếu như không có cận vệ và người thân chầu trực quanh giường bệnh 24/24, ông trùm đã có thể chết trong đêm đó. Một sát thủ bị bắn chết, còn con trai út, một người bạn, và hai vệ sỹ của Nelson cũng bỏ mạng.
Nelson Meleán bỏ chạy khỏi Zulia để giữ mạng. Đến năm 2012 ông ta bị ám sát khi đang trốn tại thị trấn Santa Marta, Colombia. Đến thời điểm đó đã có 18 thành viên gia tộc Meleán và bạn bè, đồng chí của Antonito Meleán bị ám sát. Con dâu góa chồng của Antonito nói trên sóng đài truyền hình địa phương: “Họ muốn tuyệt diệt cả dòng họ tôi”.
Những kẻ truy sát gia tộc Meleán gắt gao nhất là băng đảng Pulgas. Ngay cả cái chết của “đại bàng” Daniel Prieto trong tù cũng không khiến đàn em của hắn ngừng truy đuổi người nhà Meleán. Trong khi đó ông trùm Wilmer Matos, đối thủ lâu năm của Antonito Meleán, đẩy hết các kẻ thù ra khỏi khu vực huyện Miranda để trở thành “lãnh chúa” cát cứ mảnh đất biên giới này. Gia tộc Meleán cũng bị “hất cẳng” khỏi các cảng cá bởi một đối thủ khác tên là John Wade.
Thế hệ những ông trùm mới này không có sự kiềm chế của Antonito Meleán. Họ sẵn sàng sử dụng vũ lực với kẻ thù lẫn dân thường. Một cựu sỹ quan cảnh sát Zulia nói trên tờ El Nacional: “Ngày Antonito chết cũng là ngày mafia ở Zulia bắt đầu giết người... Trước đây chỉ có một thế lực nên thế giới ngầm còn yên ổn, dân thường còn chung sống được. Vậy nhưng bây giờ có đến bốn, năm nhóm khác nhau. Người dân có chịu mất tiền chẳng thể yên ổn mà sống được, vì theo một bên là thể nao cũng bị bên kia giết”.
Tình hình xuống dốc
Không thể bỏ qua tác động của nền kinh tế Venezuela đối với tình hình trị an Zulia. Ngành dầu mỏ Venezuela phải gánh chịu những lệnh cấm vận của Mỹ, khiến cho Zulia từ chỗ giàu có trở nên nghèo đói. Các giếng giầu và nhà máy lọc hóa dầu tại Zulia hoặc là đóng cửa, hoặc là cắt giảm nhân công. Tỷ lệ thất nghiệp ở địa phương lên nhanh trông thấy, đặc biệt là trong lớp trẻ. Thanh niên không có công ăn việc làm dễ dàng bị lối kéo vào các băng đảng tội phạm, khiến cho cuộc xung đột càng trở nên ác liệt hơn.
Ông Jorge Govea Cabrera, điều phối viên của tổ chức theo dõi bạo lực OVV, nhận xét: “Cuộc khủng hoảng tài chính thay đổi mọi thứ. Nhiều người trẻ tham gia các băng đảng nhằm kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Sự cạnh tranh trong thế giới ngầm tăng lên, từ đó dẫn đến số vụ bạo lực liên quan đến tội phạm có tổ chức tăng vọt. Các ông trùm muốn đàn em dùng vũ lực tối đa vì nếu có một người chết thì có ba, bốn người khác nhảy vào thế chỗ”.
Sau cái chết của Nelson Meleán, con trai Antonito là Tirso Antonito Meleán Castellano lên nắm quyền chỉ huy gia tộc Meleán. Ban đầu Tirso cũng tỏ ra “tử tế” như cha mình và cố gắng tạo ra một bộ mặt thân thiện trước công chúng. Hắn thường xuyên xuất hiện trên báo đài địa phương nhằm xây dựng hình ảnh và phủ nhận những cáo buộc gia đình mình tham gia hối lộ và ám sát.
Tirso tuy vậy cũng sớm muộn bỏ “mặt nạ” xuống. Cùng với “cánh tay phải” là đứa em họ tên Bernardino, Tirso ra lệnh chủ thủ hạ hành hung một loạt cảnh sát, cán bộ địa phương nhằm đe dọa họ. Cảnh sát đột kích nơi ở của Tirso và thủ tiêu được một số đối tượng cốt cán của băng đảng. Hơn một tháng sau, băng Meleán ném lựu đạn vào nhà của một sỹ quan cảnh sát tham gia vụ đột kích và giết chết người này.
Phải đến năm 2018 thì Tirso Meleán mới sa lưới pháp luật. Hắn bị bắt ở bang Texas, Mỹ vì tội nhập cảnh trái phép, sở hữu vũ khí trái phép, và bắt cóc một người phụ nữ tên Ana Soto sống ở San Francisco (bang California). Tirso phải ngồi tù ba năm tại Mỹ, sau đó bị trục xuất về Venezuela. Tòa án Zulia kết án hắn chung thân vì 9 tội danh khác nhau, trong đó có bốn vụ giết người. Em họ Bernardino của Tirso cũng bị cảnh sát bắn chết khi đang xây dựng đường dây vận chuyển ma túy ở vùng Santander, Colombia.
Đế chế Meleán sụp đổ cũng không khiến tình hình ở Zulia khá hơn là bao. Tàn quân Meleán phải chiến đấu để giữ mạng sống của mình. Ở phía bên kia chiến tuyến là Erick Alberto Parra Mendoza, một đàn em xưa của Tirso. Tên này vốn đi lính, sau đó đào ngũ và trở thành tên đi đòi nợ thuê. Hắn phản bội băng đảng cũ để trở thành ông trùm. Cuộc chiến giữa Meleán và băng đảng của Erick là nguyên nhân xảy ra tất cả 12 vụ giết người.
Ngày nay ở Zulia không có bất kỳ băng đảng nào chiếm ưu thế hoàn toàn. Theo cảnh sát Zulia, có 17 ông trùm lớn nhỏ khách nhau đang tranh giành mảnh đất này. Nhiều đối tượng trong số đó chỉ mới lên nắm quyền chưa đầy hai năm. Một sỹ quan giấu tên nói với phóng viên El Nacional: “Cứ một ông trùm bị giết thì có 4 ông trùm khác lên thay. Các tay “đại bàng” khôn ngoan đều tìm cách chạy sang Mỹ, Colombia, Ecuador và Panama, rồi từ đó chỉ huy đàn em gây chiến ở Zulia. Chúng tôi đã cố gắng truy tìm những tên này nhưng gặp khó ở chỗ phối hợp hành động với cảnh sát nước sở tại”.
Chỉ có dân thường là chịu đựng mọi thứ. Bây giờ mỗi cửa hàng ở Zulia phải đóng tiền bảo kê cho hai, ba, thậm chí là bốn băng đảng một lúc. Ngay cả trường học và bệnh viện cũng phải đóng tiền cho tội phạm. Không ít ngôi trường tại Zulia đã buộc phải đóng cửa. Một chủ tàu cá ở La Canada de Urdaneta phàn nàn: “Ngày xưa Antonito thu tiền bảo kê theo mức cố định hằng tháng. Bọn côn đồ bây giờ chỉ cần vào cửa hàng, chĩa súng vào đầu tôi rồi nói là đưa cho chúng mọi thứ, từ xe cộ đến tàu thuyền. Tôi có chết đói thì chúng cũng mặc kệ”.
Ông Ricardo Acosta, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại Zulia, cho biết: “Bốn năm vừa qua thật là kinh khủng. Bọn tội phạm ném lựu đạn hay xả súng vào bất kỳ cửa hàng nào không trả chúng tiền bảo kê. Nhiều người kinh doanh đành bỏ hết công việc chuyển đi nơi khác sống, thế là côn đồ liền giết nhân viên, người nhà của họ để dằn mặt”.
Nói không ngoa, Zulia đang trải qua một cái chết đau đớn và kéo dài. Bất kỳ ai có khả năng đều đang tìm cách ly hương. Một phụ nữ sống ở La Canada de Urdaneta trước khi bỏ hết nhà cửa để cùng gia đình đi nơi khác đã nói những lời sau với phóng viên tờ El Nacional: “Chị tôi đã đi, anh tôi đã đi, bây giờ thì đến lượt tôi. Chúng tôi không thể tiếp tục sống trong cảnh nơm nớp lo sợ”.