Giải cứu hai mẹ con sập bẫy buôn người
Sau một tuần được giải cứu từ Campuchia trở về Việt Nam, chị V.T.D. (sinh năm 1989) và con gái V.L.N.T (sinh năm 2008, ngụ xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vẫn chưa hết bàng hoàng, lo sợ. chị D. không cầm được nước mắt khi kể về những giây phút trên đất khách, quê người và phải vùng vẫy trốn khỏi âm mưu của các đối tượng mua bán người.
Đối mặt với những kẻ buôn người
Có thể nói, may mắn trong vụ việc bị lừa sang Campuchia khống chế đòi 6.000 USD tiền chuộc chính là sự nhanh trí của chị D. thông qua “Google dịch”, đồng thời được sự quan tâm giúp đỡ nhiệt tình thông qua quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự giữa Công an tỉnh Đồng Tháp và Ty Công an tỉnh PreyVeng (Campuchia), kịp thời giải cứu an toàn, trấn an, ổn định tâm lý cho nạn nhân.
Thông qua mạng xã hội, vào khoảng tháng 7/2022, chị D. quen biết một người phụ nữ tên Mi (người Việt Nam sống tại Campuchia, sử dụng tài khoản Facebook “Rubi Su”). Gần 2 tháng nhắn tin, trò chuyện, Mi rủ chị D. sang Campuchia chơi và giới thiệu việc làm. Tin tưởng vào những lời hứa hẹn, mời gọi của người phụ nữ đã quen qua mạng, chị D. quyết định cùng con gái sang Campuchia. Chị D. bất chấp những lời ngăn cản của người thân trong gia đình, lo sợ sẽ bị “sập bẫy” của đối tượng mua bán người.
Theo sự hướng dẫn của Mi, ngày 28/9, chị D. dẫn theo con gái đi từ xã Mỹ Long đến Bến xe Miền Tây (TP Hồ Chí Minh). Cả hai tiếp tục di chuyển bằng xe ôm đến gần cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) và chờ người đón sang Campuchia. Thông qua liên lạc bằng điện thoại di động, Mi hướng dẫn chị D. và con gái lén lút xuất cảnh trái phép sang biên giới theo đường tiểu ngạch. Chị D. kể khi đến địa phận Campuchia đã nhìn thấy người đàn ông cao to và một người phụ nữ lạ mặt đi bằng xe máy đang chờ sẵn. Cả hai chở chị D. và con gái đến một sòng bạc tham quan. Hơn 30 phút sau, chúng tiếp tục đưa 2 mẹ con chị D. di chuyển trên ôtô để đến khách sạn. Tại đây, Mi đến gặp chị D. nói chuyện, sau đó lấy điện thoại xóa tất cả nội dung mà cả hai đã liên lạc, trao đổi trước đó. Chị D. và con gái sau đó được yêu cầu chờ ở khách sạn, còn người phụ nữ tên Mi rời đi.
Đến tối cùng ngày, Mi điện thoại kêu chị D. trả phòng để lên ôtô đi cùng 2 người đàn ông Campuchia để đến Casino tại TP Phnom Penh (Campuchia). Tại đây, chúng bắt 2 mẹ con chị D. xuống xe nhưng chị không đồng ý. Chị D. liên tục gọi điện cho Mi nhưng đều không liên lạc được. Chị D. lo lắng nên tiếp tục sử dụng điện thoại của con gái để gọi cho Mi, sau đó mới biết cả hai đã bị lừa bán với giá 6.000 USD. Chị D. và con gái buộc phải chấp hành theo yêu cầu các đối tượng đã bỏ tiền mua. Chị D. kiên quyết chống đối, không chịu xuống xe. Các đối tượng sợ bị lực lượng Công an sở tại phát hiện nên đã chở chị D. và con gái rời khỏi Casino.
Trên đường di chuyển, chúng liên tục gọi điện thoại cho nhiều người trao đổi giá cả để bán chị D. cho người khác nhưng không thành. Chúng dừng xe lại bên đường, yêu cầu chị D. liên lạc với người thân chuyển khoản 6.000 USD sẽ được trả về Việt Nam. Để cứu mình và con gái, chị D. tìm cách trao đổi thông tin với bọn buôn người rằng “gia đình sẽ gửi tiền chuộc”. Sáng 29/8, chúng tiếp tục chở 2 mẹ con chị D. bằng ôtô đến một quán ăn. Tại đây, chị D. cùng con gái nhanh trí lẻn vào bên trong nhà quán ăn và dùng “Google dịch” để trao đổi thông tin với chủ quán và nhờ họ liên lạc với các ngành chức năng đến giải cứu. Chủ quán đã nhanh chóng thông tin cho lực lượng Công an địa phương, đồng thời tìm nơi an toàn cho 2 mẹ con chị D. tạm lánh. Các đối tượng buôn người truy tìm, đập phá cửa phòng nhằm bắt chị D. và con gái lên xe tiếp tục chở đi nhưng không thành. Cùng lúc này, lực lượng Công an địa phương đã có mặt kịp thời giải cứu an toàn cho 2 mẹ con, đồng thời bắt giữ 2 đối tượng liên quan.
Chị D. cho biết sau khi được lực lượng Công an Campuchia giải cứu an toàn, Ty Công an tỉnh Prey Veng, Tỉnh Hội Việt kiều tỉnh Prey Veng đã ân cần thăm hỏi và tạo điều kiện về nơi ăn ở cho chị D. và con gái được ổn định tinh thần. Ngày 30/9, Ty Công an tỉnh Prey Veng đã trao đổi thông tin với Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp để tổ chức bàn giao, tiếp nhận chị D. và con gái đưa trở về Việt Nam. Cả hai được đưa qua Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp). Cùng ngày, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành bàn giao vụ việc và nạn nhân cho Công an tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận để điều tra làm rõ.
Bài học nhớ đời
Khi trò chuyện với phóng viên, chị D. xúc động kể lại trong hành trình 2 ngày trên đất khách mới thấm thía những lời ngăn cản của người thân trong gia đình. Bởi trước đó, người thân nghi ngờ và cảnh báo rằng chị D. sẽ rơi vào cái “bẫy” của tội phạm mua bán người và sự thật đã đúng như vậy. “Tôi may mắn được người dân Campuchia, lực lượng Công an tỉnh Prey Veng và Tỉnh Hội Việt kiều tỉnh Prey Veng nhiệt tình giúp đỡ. Được sống sót trở về Việt Nam an toàn, tôi và gia đình rất mừng. Tôi không bao giờ dám để xảy ra sự việc thế này lần thứ 2”, chị D. nói.
Theo Cơ quan Công an, sự việc trên là một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay của tội phạm mua bán người đã và đang xảy ra trên cả nước nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Tuy nhiên, không phải nạn nhân nào cũng may mắn được giúp đỡ, giải cứu an toàn, mà đa số các nạn nhân đều bị bán vào các sòng bạc để phục vụ cho hoạt động lừa đảo người khác tham gia đánh bạc qua mạng xã hội hoặc thông qua mạng xã hội tìm kiếm, làm quen trò chuyện với những người Việt Nam có ý định tìm việc, dụ dỗ mời gọi sang Campuchia làm “việc nhẹ lương cao”. Khi không đáp ứng được yêu cầu của chúng, nhiều nạn nhân bị tra tấn, đánh đập, bỏ đói, dùng roi điện chích vào người, đối với phụ nữ, nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao.
Tỉnh Đồng Tháp có đường biên giới quốc gia giáp với Campuchia với chiều dài hơn 50,5 km, có 2 cửa khẩu quốc tế và 5 cửa khẩu phụ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm mua bán người lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Theo cơ quan Công an, thủ đoạn của tội phạm mua bán người hiện nay rất đa dạng, thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là tìm cách đưa nạn nhân trái phép ra nước ngoài, sau đó lừa bán. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn như lừa đi tìm việc làm thu nhập cao; lợi dụng hoàn cảnh kinh tế gia đình của nạn nhân gặp khó khăn, vẽ ra một viễn cảnh làm việc nhàn hạ, lương cao; lừa gạt, dụ dỗ những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, có hoàn cảnh khó khăn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để bán bào thai hoặc sinh con và bán trẻ sơ sinh. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook để làm quen, các đối tượng kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép hoặc giả vờ yêu đương, dụ dỗ nạn nhân đi nước ngoài du lịch sau đó lừa bán.
Thời gian qua, Công an tỉnh Đồng Tháp đã làm tốt công tác phòng ngừa, phối hợp với các ngành đoàn thể tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Ngoài công tác tuyên truyền, Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác xác định tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời những đối tượng nghi vấn, các đường dây tuyển chọn phụ nữ núp bóng dưới các hình thức môi giới việc làm ở nước ngoài, môi giới hôn nhân với người nước ngoài để kịp thời phát hiện điều tra, bắt đối tượng, nhanh chóng giải cứu nạn nhân. Công an tỉnh Đồng Tháp chủ động nắm tình hình trên tuyến biên giới, tập trung các tuyến trọng điểm phức tạp có nhiều nạn nhân, đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội mua bán người và phối hợp Bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm soát biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán người, xuất cảnh trái phép liên quan đến mua bán người. Công an tỉnh Đồng Tháp cũng duy trì tốt mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các lực lượng chức năng của Công an tỉnh PrayVeng (Campuchia). Hàng năm, hai đơn vị đều có biên bản hợp tác trong công tác bảo vệ an ninh biên giới và phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.
Thượng tá Võ Thành Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo: “Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ chính mình, đây là điều kiện quan trọng nhằm loại trừ đi điều kiện cho bọn tội phạm hoạt động. Người dân hết sức cảnh giác không tin vào những người lạ mặt, quen biết qua mạng xã hội và kể cả những người thân khi làm ăn có những lời nói giới thiệu giúp đỡ việc làm các tỉnh lân cận, nhất là sang Campuchia làm việc trong nhà hàng, vũ trường với chiêu bài lương cao hấp dẫn. Người dân có nhu cầu xuất cảnh, tìm việc nên tìm hiểu các kênh chính thống hoặc thông qua các kênh giới thiệu việc làm có uy tín, được nhà nước cấp phép, đồng thời phải tham khảo ý kiến người thân, tìm hiểu kỹ thông tin các nơi chúng ta đến làm việc. Mỗi người dân cần thông tin đến người thân, bạn bè về những phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này để cùng nâng cao ý thức phòng ngừa”.
Với hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định”, chị D. và con gái đã vi phạm quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 18, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính chị D. với số tiền 4 triệu đồng. Riêng con gái chị D. chưa đủ 16 tuổi nên không xử phạt vi phạm hành mà tiến hành giáo dục.