Giải mã đường dây “chạy” thầu tại Tập đoàn Thuận An
Thay vì cạnh tranh bằng năng lực thực tế, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Thuận An liên tục chi tiền "cơ chế", tác động người có chức vụ can thiệp để thâu tóm hàng loạt gói thầu tại nhiều địa phương. Theo Cơ quan điều tra, đây là hoạt động "chạy” thầu, tức là tìm kiếm sự thỏa thuận, can thiệp trái phép vào quá trình đấu thầu. Vụ án Thuận An đã phản ánh thực trạng “thầu thật, thi công giả” đang len lỏi trong các công trình sử dụng vốn Nhà nước.
Dùng quan hệ tác động trúng thầu
Tập đoàn Thuận An được ông Nguyễn Duy Hưng thành lập tháng 8/2004 với tên gọi ban đầu là Công ty CP Phát triển xây dựng và thương mại Thuận An. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của doanh nghiệp là đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, đầu tư bất động sản. Đến năm 2015, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn xây dựng Thuận An do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch HĐQT và Trần Anh Quang làm Tổng giám đốc.

Những năm gần đây, doanh nghiệp này lớn mạnh, tham gia nhiều dự án cầu đường khắp các tỉnh thành từ Bắc tới Nam, trúng rất nhiều các gói thầu có giá trị lớn lên đến cả ngàn tỉ. Từ đó, ông Hưng cũng nổi danh, là "trùm" trong lĩnh vực xây dựng cầu đường. Cơ quan điều tra xác định: Tại nhiều dự án từ Bắc Giang, Quảng Ninh đến Hà Nội, các bị can trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Thuận An đã lợi dụng quan hệ cá nhân, chi tiền bất hợp pháp và chỉ đạo thao túng quy trình đấu thầu nhằm thâu tóm các gói thầu có giá trị lớn.
Tại tỉnh Bắc Giang, quá trình điều tra làm rõ, ngày 08/02/2021, UBND tỉnh Bắc Giang giao Ban quản lý dự án nghiên cứu phương án đầu tư dự án cầu Đồng Việt.
Nguyễn Duy Hưng có quan hệ cá nhân với Phạm Thái Hà, khi đó là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (theo dõi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang từ tháng 11/2022). Thông qua ông Hà, Hưng gặp và làm quen với ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang vào tháng 12/2021. Tại buổi gặp, Phạm Thái Hà giới thiệu Tập đoàn Thuận An là đơn vị có năng lực và đề nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện tham gia thi công dự án cầu Đồng Việt. Ông Thái xác nhận sẽ quan tâm. Tháng 3/2022, ông Dương Văn Thái đã tác động đến ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban QLDA tỉnh để tạo điều kiện cho Tập đoàn Thuận An được tham gia đấu thầu. Sau khi trúng thầu, Nguyễn Duy Hưng thống nhất với Thạo chi 3% tổng giá trị hợp đồng cho Ban QLDA Bắc Giang, gồm: 2% giao Thạo sử dụng, 1% phân bổ cho các cán bộ Ban.
Đến năm 2022, tỉnh này phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gồm liên danh Tập đoàn Thuận An; Trung Chính; Công ty 168 Việt Nam trúng gói thầu số 7 trị giá hơn 1.132 tỷ đồng. Tập đoàn Thuận An tiếp đó không trực tiếp thi công toàn bộ dự án mà giao cho Công ty Trung Chính, Công ty 168 Việt Nam và Công ty Nam Anh làm thầu phụ; và yêu cầu các công ty này nộp lại khoản “phí ngoài hợp đồng” tương ứng: Trung Chính 22 tỷ đồng (7%), 168 Việt Nam hơn 10 tỷ đồng (7%), Nam Anh 34 tỷ đồng (30%), TAEC hơn 25 tỷ đồng (16%). Tổng cộng Nguyễn Duy Hưng thu 92 tỷ đồng. Ngoài ra, Hưng thu thêm 4,8 tỷ đồng từ tiền chênh lệch giá vật liệu đầu vào. Sau đó, ông Hưng chỉ đạo chi 11 tỷ đồng cho Nguyễn Văn Thạo, 3,75 tỷ đồng cho Ban QLDA Bắc Giang. Trong số này, ông Thạo khai đã đưa lại cho Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - 3 tỷ đồng và giữ lại 8 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, cuối năm 2020, ông Hưng nhờ Phạm Thái Hà (khi đó là trợ lý Bí thư Thành ủy) giới thiệu đến Phạm Hoàng Tuấn - Giám đốc Ban QLDA - để xin thi công một phần dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Sau buổi gặp, ông Tuấn chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện để liên danh Thuận An - Cầu 7 Thăng Long trúng gói thầu hơn 289 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thi công gây thất thoát hơn 9,2 tỷ đồng. Liên danh này tiếp đó đã chi tổng hơn 12 tỷ đồng cho 13 cá nhân tại Ban QLDA Hà Nội, đơn vị tư vấn thầu và tổ giám sát. Trong đó, ông Tuấn nhận 2 tỷ đồng, ông Nguyễn Chí Cường nhận 2 tỷ đồng, ông Phạm Văn Duân nhận 2,32 tỷ đồng.
Liên danh để “chạy” thầu
Trong một dự án tại Tuyên Quang - Phú Thọ, ông Hưng đã thống nhất với các bên liên quan về việc chia nhỏ gói thầu, lập liên danh, và dùng “quân xanh, quân đỏ để tạo điều kiện cho liên danh của Thuận An trúng thầu. Cụ thể, Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Văn Huy (Tuyên Quang) quen biết nhau từ trước. Từ mối quen ấy, năm 2011, Hưng được giới thiệu gặp Trần Viết Cương, khi đó đang giữ chức Giám đốc Ban Quản lý dự án Tuyên Quang.
Đến khoảng tháng 5/2021, khi có thông tin Ban Quản lý Dự án tỉnh Tuyên Quang chuẩn bị tổ chức đấu thầu gói thầu số 26 thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Nguyễn Văn Huy đề xuất Nguyễn Duy Hưng sử dụng pháp nhân Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu. Nguyễn Duy Hưng đồng ý, đến gặp Trần Viết Cương để xin được tham gia thi công gói thầu nêu trên. Trong quá trình làm việc, Hưng cho rằng giá dự toán của gói thầu thấp, đề nghị nâng giá dự toán. Tuy nhiên, Trần Viết Cương không đồng ý với đề xuất của Hưng. Do đó, Hưng tuyên bố Thuận An sẽ không thực hiện toàn bộ gói thầu số 26.
Sau đó, Trần Viết Cương đã gặp Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Hiệp Phú và Lại Xuân Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Licogi 14 để thống nhất liên danh cùng với Tập đoàn Thuận An tham gia đấu thầu. Quá trình dự thầu, các bị can đã sử dụng phương thức “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu để đảm bảo liên danh Thuận An - Hiệp Phú - Licogi 14 trúng thầu với giá trị hơn 90 tỷ đồng vào tháng 8/2021.

Sau khi trúng thầu, Nguyễn Duy Hưng thống nhất giao cho Nguyễn Văn Huy quản lý, điều hành thi công toàn bộ phần việc của gói thầu thông qua ba đội thi công và nhà thầu phụ. Đồng thời, Hưng yêu cầu cắt lại 14% giá trị hợp đồng, bao gồm 5% chi phí quản lý hợp đồng và 9% thu ngoài hợp đồng. Từ khoản thu ngoài hợp đồng này, Nguyễn Duy Hưng đã nhận được số tiền 4 tỷ đồng từ nhà thầu phụ.
Ngoài ra, để có nguồn tiền chi cho chủ đầu tư và phục vụ mục đích “cơ chế”, Nguyễn Duy Hưng đã thực hiện hành vi gửi giá, nâng khống đơn giá vật tư, nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là chi phí thi công nổ mìn, qua đó thu lợi bất chính thêm hơn 5,8 tỷ đồng từ các nhà cung cấp. Trên cơ sở đó, Nguyễn Duy Hưng chỉ đạo Nguyễn Văn Huy rút tiền từ quỹ của Tập đoàn Thuận An, đưa cho Trần Viết Cương số tiền 8 tỷ đồng. Ngoài số tiền do Hưng chỉ đạo chi, Trần Viết Cương còn nhận thêm 2,5 tỷ đồng từ Phạm Quang Hiệp và 2 tỷ đồng từ Lại Xuân Hùng.
Trong quá trình báo cáo, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, phê duyệt HSMT, đấu thầu, trúng thầu, thi công dự án, ông Nguyễn Duy Hưng đã nhiều lần trực tiếp đưa ông Nguyễn Quang Huy hơn 9,1 tỷ đồng; chỉ đạo cấp dưới đưa Vũ Hải Tùng (cựu Chi cục trưởng Chi cục quản lý xây dựng đường bộ - Cục đường bộ Việt Nam) hơn 4,6 tỷ đồng. Hành vi của bị can Nguyễn Duy Hưng giúp Tập đoàn Thuận An và liên danh trúng thầu Gói thầu XD01, XD02 Dự án Quốc lộ 14E, trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng; hưởng lợi 2 tỷ đồng.
Tại tỉnh Quảng Ninh, quá trình điều tra làm rõ, cuối năm 2022, gói thầu số 13 thuộc Dự án đường ven sông Hạ Long - Đông Triều, trị giá hơn 706 tỷ đồng, được đưa ra đấu thầu. Trước khi phát hành hồ sơ, Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An gặp Phạm Thanh Bình, Giám đốc Ban QLDA tỉnh Quảng Ninh để xin thi công hạng mục cầu thuộc dự án. Trong cuộc gặp, Nguyễn Duy Hưng đã đưa cho ông Bình số tiền 10.000 USD nói là “chúc mừng bổ nhiệm”.
Sau đó, ông Đỗ Huy Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Huy Hoàng và ông Đào Ngọc Ký, Chủ tịch HĐQT Công ty Cầu 75 cũng đến gặp Phạm Thanh Bình xin tham gia dự án. Cả 3 doanh nghiệp được ông Bình đồng ý tạo điều kiện tham gia đấu thầu dưới hình thức liên danh, và chỉ đạo ông Cao Ngọc Phúc, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Điều hành dự án nhóm A phối hợp hỗ trợ họ quá trình làm hồ sơ thầu và chấm thầu.
Cơ quan điều tra xác định: Các doanh nghiệp đã thống nhất phân chia khối lượng thực hiện gói thầu số 13, theo đó: Tập đoàn Thuận An đảm nhận khoảng 50%, Công ty Huy Hoàng và Cầu 75 mỗi bên đảm nhận 25%. Trước khi phát hành hồ sơ, bà Đỗ Thị Thúy Kiều, Tổng Giám đốc Công ty Huy Hoàng đã đến phòng làm việc của ông Cao Ngọc Phúc để sao chép dữ liệu dự toán gói thầu. Ngoài ra, bà Trần Thị Thu Hà, cán bộ Ban Điều hành dự án nhóm A đã gửi file dự toán cho Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An. Kết quả, liên danh ba công ty đã trúng thầu với giá gần 707 tỷ đồng. Trước và khi ký hợp đồng thi công, 3 doanh nghiệp đã chi tổng 450 triệu đồng “cảm ơn” Ban QLDA tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi trúng thầu, ông Phạm Thanh Bình thu tổng 9,2 tỷ đồng từ 3 nhà thầu. Trong đó, ông Bình khai đã chuyển 5 tỷ đồng cho Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh để phục vụ hoạt động chung, sử dụng cá nhân gần 3,5 tỷ đồng và số còn lại chi thưởng Tết cho các phó giám đốc Ban. Ngoài ra, quá trình thi công, Nguyễn Duy Hưng còn chỉ đạo gửi giá, thu chênh lệch hơn 2,14 tỷ đồng từ phần nhân công nhà thầu phụ là Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng MK.
Tại Dự án Quốc lộ 14E, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (nay thuộc thẩm quyền Bộ Xây dựng) có quyết định giao Ban Quản lý dự án 4 thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án này. Tháng 2/2022, Nguyễn Duy Hưng gặp Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Ban QLDA 4 xin tham gia Dự án Quốc lộ 14E. Họ thỏa thuận chi “phí cơ chế” 5% giá trị hợp đồng cho Ban QLDA 4, cùng 0,6% cho Chi cục trưởng và 0,6% cho lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam. Tháng 8/2022, dự án được chia thành 3 gói, Thuận An nhận thi công 2 gói trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Trước và khi phát hành hồ sơ thầu, nhân viên Ban QLDA 4 gửi bản dự thảo cho Thuận An và điều chỉnh tiêu chí kỹ thuật có lợi cho liên danh.
Hưng nhiều lần đưa tiền cho ông Vũ Hải Tùng, Chi cục trưởng gồm 1,2 tỷ đồng để ký thẩm định thiết kế, 1,3 tỷ đồng cho điều chỉnh dự toán, và thêm 2,15 tỷ đồng khi được phê duyệt. Tổng cộng, Thuận An chi hơn 9,1 tỷ đồng cho Ban QLDA 4 và Chi cục Quản lý xây dựng đường bộ. Nguồn chi được Hưng lấy từ việc yêu cầu các nhà thầu liên danh cắt lại phần trăm hợp đồng hoặc trích từ chi phí nhân công, máy thi công.
Pháp luật đã quy định rõ ràng rằng chỉ những doanh nghiệp có đủ năng lực mới được lựa chọn thi công các công trình sử dụng vốn nhà nước. Vụ án tại Tập đoàn Thuận An là minh chứng điển hình cho thực trạng “thầu giả, tiền thật” khi nhà thầu không đủ điều kiện vẫn trúng thầu nhờ vào quan hệ cá nhân và chi tiền “cơ chế”. Sự móc nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đã làm méo mó tính cạnh tranh, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước và làm trì trệ các dự án hạ tầng quan trọng. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là lời cảnh tỉnh về lỗ hổng thể chế trong công tác đấu thầu hiện nay. Muốn lập lại kỷ cương, cần xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức vi phạm; và cải cách quy trình xét chọn nhà thầu theo hướng công khai, minh bạch và thực chất hơn.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 30 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Trong vụ án này, ông Nguyễn Duy Hưng bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Cơ quan điều tra xác định tổng thiệt hại cho Nhà nước hơn 120 tỷ đồng, Nguyễn Duy Hưng hưởng lợi hơn 98 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay các bị can đã tự nguyện khắc phục hơn 102 tỷ đồng, 90.000 USD và phong tỏa hơn 32 tỷ đồng trong các tài khoản, sổ tiết kiệm.