Hãi hùng hội, nhóm dạy chế tạo pháo nổ
Chỉ cần gõ từ khóa “pháo chơi tết” trên các trang mạng xã hội, ngay lập tức hiện ra hàng trăm kết quả với đủ các loại quảng cáo bán pháo. Hãi hùng hơn, những hội nhóm kín quy tụ hàng ngàn thành viên tham gia chỉ để chia sẻ, dạy cách chế tạo pháo nổ trái phép tại nhà…
Trò chơi mang tên “thần chết”
Những ngày cuối năm, các hội nhóm trên mạng xã hội như: Đam mê chế pháo, Hội thích chế pháo, Hội chơi pháo Tết… hoạt động sôi nổi. Có những nhóm, số lượng thành viên lên tới hàng nghìn người. Truy cập vào nhóm “đam mê chế pháo” hiện đang có hơn 3.000 thành viên tham gia, chúng tôi hãi hùng khi thấy hàng loạt bài viết có nội dung liên quan đến công thức chế pháo, tỉ lệ pha trộn giúp pháo nổ to, cách mua nguyên vật liệu chế pháo tại nhà, cách cuộn giấy làm pháo...
Mọi người trong nhóm cũng thi nhau chia sẻ thành quả của mình sau khi tham gia khóa học trên mạng. Tài khoản Saca Nguyên được nhiều người gọi là “thầy” và là một trong 5 quản trị viên của nhóm tỏ ra rất am tường lĩnh vực pháo nổ. Saca Nguyên nhiệt tình trả lời mọi thắc mắc của thành viên để tranh thủ giới thiệu, quảng bá sản phẩm mình đăng bán là giấy cuốn pháo. Trước khi hướng dẫn chúng tôi cách chế tạo pháo nổ, Saca Nguyên đưa ra những câu hỏi cặn kẽ kiểu như: “Em bao nhiêu tuổi? Còn đi học không? Biết chơi pháo từ khi nào?”.
Sau đó, Casa Nguyên gửi một clip dài hơn 3 phút hướng dẫn về cách chế tạo pháo nổ. Casa Nguyên căn dặn: “Muốn tạo nổ thành công phải có đủ nguyên liệu như trong hướng dẫn của clip. Cái này không nên mua theo gói mà mua riêng lẻ từng món một. Bên anh có bán các loại giấy cuộn rồng đỏ, giấy đỏ nhung, giấy gấp… Em thích loại nào nhắn anh gửi”.
Casa Nguyên gửi cho chúng tôi các loại mẫu giấy cuốn pháo do shop của anh ta bán để xem và chọn lựa. Một cuộn giấy cuốn có giá 10.000 - 15.000 đồng tùy loại. Mua ít nhất 10 cuộn mới giao hàng. Như vậy, chỉ cần làm phép tính nhẩm đơn giản, mỗi ngày Casa Nguyên tiêu thụ được khoảng 30 - 50 đơn hàng thì lợi nhuận khủng khiếp thế nào.
Việc bán giấy cuộn pháo lại rất an toàn cho Casa Nguyên khi chúng không phải là hàng cấm, có thể thoải mái quảng cáo, giao bán. Nhưng để bán được nhiều hàng, Casa Nguyên phải đăng tải liều clip về pháo thật hấp dẫn, bắt mắt nhằm lôi cuốn người xem, thu hút đối tượng đam mê chơi pháo.
Muốn làm ra pháo nổ, phải có đủ “đồ nghề”. Sau khi bán giấy cuộn pháo, Casa Nguyên sẽ hướng dẫn người chơi mua nguyên liệu như dây cháy chậm, kíp nổ, thuốc pháo… đây là hàng cấm nên việc mua bán kín kẽ hơn, chỉ những tín đồ chơi pháo mới được tư vấn, hướng dẫn chỗ mua.
Theo giới thiệu của Casa Nguyên, chúng tôi kết nối với tài khoản tên M.S trong “hội chơi pháo Tết”. M.S cũng là quản trị viên của nhóm có gần 2.000 thành viên. Tài khoản này hoạt động kín, chỉ tương tác với các thành viên được kết nạp trong nhóm. Hỏi về việc chơi pháo, M. S chỉ nói ngắn gọn: “Các bạn muốn tìm hiểu cứ lên xem các clip đã được đăng tải”.
Tuy nhiên, đề cập đến mua vật liệu làm pháo, M.S tận tình chia sẻ, hướng dẫn cách pha chế, liều lượng và đặt hàng. Bảng giá của vật liệu chế tạo pháo được tài khoản M.S rao: Kclo3 với giá 120.000 đồng/kg, Natri benzoat giá 130.000 đồng/kg, lưu huỳnh 60.000 đồng/kg, nhủ nhôm 50.000 đồng/100 gram… Kèm theo bảng chào hàng, tài khoản M.S gửi một video hướng dẫn chi tiết cách pha trộn, tỷ lệ thành phần.
Để lấy uy tín bán hàng, M.S cảnh báo chúng tôi: “Hiện nay có nhiều người bán mặt hàng này, kể cả các sàn thương mại điện tử, nhưng chưa chắc là hàng thật. Chơi pháo mà mua phải hàng dởm thì tiêu đời, nó chưa kịp nổ trên trời thì đã nổ banh xác rồi”. Chứng minh rằng bản thân đã tự chế pháo thành công, M.S tung clip cảnh đốt pháo ngay trước cổng nhà với những tiếng nổ lớn.
Những chủ shop bán vật liệu chế pháo như M.S đều có nhiều cách để qua mặt cơ quan chức năng. Chúng lợi dụng tính năng ẩn danh trên không gian mạng và sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Facebook, Zalo... để quảng cáo rao bán, hướng dẫn cách chế tạo pháo trái phép. Khi giao hàng, chúng sử dụng dịch vụ chuyển phát giao hàng tiết kiệm với hình thức thu tiền hộ - COD (dịch vụ phổ biến, ít chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, thuận tiện trong giao dịch). Mặt khác, người bán sử dụng nhiều tên, số điện thoại không chính chủ để gửi hàng và khi đóng gói sẽ kê khai thành các mặt hàng được phép vận chuyển tránh sự phát hiện.
Muốn mua vật liệu làm pháo, khách hàng của M.S phải trả tiền trước và nhận hàng sau 3-5 ngày. Thắc mắc về rủi ro khi hàng không đến tay khách hoặc thất lạc, hoặc không đúng chủng loại, mẫu mã, M.S trấn an: “Hàng này đặc thù nên không có chuyện sai mẫu, chỉ sợ quá trình vận chuyển gặp rủi ro, khi đó bên anh sẽ hoàn lại tiền hoặc gửi hàng khác”. Chốt thêm niềm tin với khách mua, M.S nói: “Mình đều là thành viên trong nhóm, hàng có vấn đề gì các bạn cứ phản ánh. Đây chỉ là trò chơi nhưng mình vẫn lấy uy tín làm đầu”.
Tai nạn pháo nổ và nỗi đau dai dẳng
Trò chơi của M.S kéo theo hàng ngàn tín đồ theo dõi, học hỏi chơi theo. Và, hậu quả khủng khiếp sau trò chơi “thần chết” này là những vụ tai nạn thương tâm liên tục xảy ra trong những ngày giáp Tết.
Theo thống kê trong thời gian 3 tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra 4 vụ việc nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến chế tạo pháo nổ tại nhà, nạn nhân đều ở độ tuổi thanh thiếu niên và đang là học sinh. Mới đây nhất vào sáng đầu năm 2025, 4 học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (xã Krăi, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) bị thương nặng khi chế tạo pháo nổ. Theo đó, tại nhà ông Vũ Văn Tẩy (ngụ xã Ia Krăi), em V.Đ.P (sinh năm 2010), N.T.D (sinh năm 2013), T.Q.T (sinh năm 2013) và N.M.T (sinh năm 2013) đã rủ nhau chế tạo pháo. Các nguyên liệu dùng để chế tạo pháo được các em đặt mua trên mạng xã hội. Trong quá trình chế tạo, pháo bất ngờ phát nổ khiến cả 4 em đều bị thương, phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Do sức công phá lớn khiến các vật dụng trong nhà bị xáo trộn nhiều. Cơ quan Công an thu giữ tại hiện trường 1 hũ keo và giấy nghi để chế tạo pháo.
Trước đó vài ngày, tại làng Pan (xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), lợi dụng cha mẹ đi vắng, em T.T.N (học sinh lớp 8) rủ bạn bè đến nhà để chế tạo pháo nổ. Khi nhóm bạn ở phòng khách, em N. đi vào phòng ngủ để chế tạo pháo. Một lúc sau, trong phòng phát ra tiếng nổ mạnh. Mọi người chạy vào thì thấy N. nằm gần cửa ra vào, lập tức đưa đến bệnh viện nhưng vết thương quá nặng, em N. đã không qua khỏi.
Trong khoảng thời gian này, tại huyện Mang Yang, 2 học sinh (đều 12 tuổi, cùng ngụ xã Hra) cùng nhau chế tạo pháo dẫn đến phát nổ. Vụ việc làm 2 em bị chấn thương nặng, được gia đình chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh điều trị. Tiếp đến tại huyện Đắk Đoa, 3 học sinh mua vật liệu trên mạng, sau đó học cách chế tạo pháo nổ. Trong quá trình làm thì pháo phát nổ, khiến 2 em bị thương.
Thực tế là chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các tai nạn do học sinh chế tạo pháo gây hậu quả đau lòng đã xảy ra. Chỉ tính riêng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong một tháng đã tiếp nhận 4-5 trường hợp học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị tai nạn do pháo nổ.
Đa số các trường hợp bị tổn thương rất nặng ở hai bàn tay, bị mất 3-4 ngón tay, tổn thương mắt, cụt tay... Đặc biệt, chỉ trong một ngày, bệnh viện đã tiếp nhận 3 trường hợp đa chấn thương do nổ pháo tự chế, trong đó có một em bị dập nát ngón tay.
Sau đó 4 ngày, tiếp tục một học sinh khác được đưa vào cấp cứu trong tình trạng dập nát bàn tay trái, bị thương ở mắt phải do pháo nổ. Do vết thương quá nặng, các bác sĩ đã phải cắt bỏ 3 ngón tay ở bàn tay trái của bệnh nhân.
Túc trực tại bệnh viện chăm sóc con, bà N.T.D buồn bã khổ sở, vừa lau nước mắt vừa nói: “Đang là ngày mùa nên gia đình bận rộn làm việc. Cháu ở nhà đi học rồi nghe chúng bạn rủ rê, lên mạng học xem người ta dạy làm pháo chơi Tết, thế là đặt mua về nhà tự làm. Ai ngờ hậu quả khủng khiếp đến vậy. Một người gây chuyện mà bao nhiêu người khóc theo. Vài phút nông nổi mà cả đời hối hận”.
Bác sĩ Đặng Ngọc Hà, Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng, do tiếp xúc gần nên khi hóa chất phát nổ, con người dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực… Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Vết bỏng nặng gây nhiễm độc, để lại những di chứng nặng nề như sẹo xấu, ảnh hưởng tới cơ, xương hoặc tàn phế, thậm chí là tử vong.
Ở lứa tuổi thích khám phá, thể hiện, cộng với việc dễ dàng mua bán các vật liệu, xem video hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng xã hội chính là nguyên nhân dẫn đến những thảm kịch từ pháo. Do đó, để hạn chế hậu quả đau lòng, mỗi gia đình cần phải thường xuyên, liên tục nhắc nhở, quản lý, giáo dục để ngăn ngừa con em mình lén lút mua vật liệu nổ chế tạo pháo.
Theo Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất và sử dụng pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức. “Thời gian qua, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng mua hóa chất về chế tạo pháo nổ trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh.Cơ quan Công an cũng tổ chức kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các phụ huynh, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sản xuất, vận chuyển, sử dụng pháo nổ. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn xuất hiện tình trạng học sinh tham gia sản xuất, chế tạo pháo nổ bị phát hiện, bắt giữ. Để ngăn chặn tình trạng này, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội", Thiếu tướng Lê Vinh Quy chia sẻ.