Ham tiền ảo, mất tiền thật

Thứ Ba, 25/02/2025, 08:25

Những năm gần đây, hàng loạt vụ lừa đảo đầu tư tiền ảo đã bị phanh phui, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Các nhóm tội phạm ngày càng tinh vi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về công nghệ tiền ảo để lừa đảo. Dù đã được cảnh báo nhưng vì lợi nhuận, vì lòng tham che mắt, không ít nạn nhân vẫn “đốt” tiền cho những giấc mơ làm giàu bằng tiền ảo.  

Những “ông trùm” kín tiếng

Mới đây Công an quận Cầu Giấy vừa triệt phá một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức đầu tư tiền ảo với quy mô lớn, thu giữ nhiều tang vật giá trị lớn. Đây là chiến công xuất sắc của Công an quận Cầu Giấy sau chuyên án triệt phá đường dây lừa đảo tiền ảo do TikToker nổi tiếng Mr.Pips cầm đầu cuối năm 2024. 

Theo đó, qua công tác trinh sát, Công an quận Cầu Giấy phát hiện một nhóm đối tượng có hành vi dụ dỗ người dân đầu tư tiền ảo để chiếm đoạt tài sản. Nhóm này thường xuyên tiếp cận nạn nhân tại các quán cafe khu vực quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, quận Đống Đa và tổ chức hội thảo tại nhiều khách sạn 5 sao trên địa bàn TP Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Kiên Giang.

Ham tiền ảo, mất tiền thật -0
Các đối tượng Hoàng Văn Quyết, Đỗ Huy Hoàng và Alexsandr Mamasidikov.

Các đối tượng đã tự tạo và phát hành đồng tiền ảo MPX không có giá trị thật, sau đó quảng cáo rầm rộ trên trang web crossfi.org, tuyên bố rằng đồng MPX sẽ được “đào” thành đồng tiền mã hóa XFI tiềm năng trong tương lai. Nhóm này đã chiêu dụ nạn nhân bằng cách tổ chức du lịch Dubai và quảng cáo thẻ thanh toán tích hợp tiền ảo XFI để tăng độ tin cậy. Đối tượng chính được nhắm đến là người trung tuổi, có tiền tiết kiệm.

Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an quận Cầu Giấy phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự lập chuyên án triệt phá đường dây này. Cơ quan công an đã thu giữ, phong tỏa 19 bất động sản, 19 ô tô hạng sang và siêu sang như Rolls-Royce, Mercedes GLS600, Maybach, Lexus LX600..., khoảng 35 tỷ đồng trong tài khoản, tổng trị giá khoảng 500 tỷ đồng.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 11 đối tượng, khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 8 đối tượng cầm đầu về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định theo điều 174 Bộ luật Hình sự.

Nếu so với vụ lừa đảo tiền ảo do Mr.Pips cầm đầu thì vụ tiền ảo XPI này các đối tượng khôn ngoan hơn, khi không chọn cách đánh bóng tên tuổi, tạo vỏ bọc hào nhoáng, nhằm tránh sự để ý, theo dõi của cơ quan chức năng.

Chúng đã xây dựng hệ thống các nhân viên cấp dưới và đào tạo để đi tiếp cận và làm quen bị hại tại các quán cà phê, các hội nghị, hội thảo, thậm chí cho họ đi du lịch ở Dubai, từ đó mời bị hại mua đồng năng lượng MPX. Con số nạn nhân bị lừa đảo lên đến gần 2.000 người, số tiền bị lừa hơn 500 tỷ và thực tế con số này còn cao hơn khi nhiều nạn nhân chưa trình báo.

Ham tiền ảo, mất tiền thật -0
Dàn xe sang bị thu giữ.

Theo kết quả điều tra, Đỗ Huy Hoàng (sinh năm 1993, trú tại Bắc Giang), Hoàng Văn Quyết (sinh năm 1994, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) là hai đối tượng cầm đầu. Cả hai cùng có niềm đam mê với tiền ảo và kiếm được khá nhiều tiền từ việc đầu tư tiền ảo. 

Đỗ Huy Hoàng từng là sinh viên Đại học Thành Đô và bắt đầu quan tâm đến tiền ảo từ năm 2015. Năm 2022, Hoàng đầu tư vào đồng tiền ảo PLEX, sau đó chuyển sang kinh doanh đồng XFI từ tháng 3/2023. Hoàng thừa nhận thu nhập chủ yếu từ hoa hồng khi bán tiền ảo. Có thời điểm, hắn kiếm được tới 1 tỷ đồng mỗi tháng nhưng luôn giữ lối sống kín đáo, không phô trương trên mạng xã hội. 

Đặc biệt, khi cùng Quyết lừa đảo được hơn 500 tỷ đồng của gần 2.000 nạn nhân, Hoàng vẫn sống khá khép kín. Có tiền, Hoàng lại ném vào đất đai và để người khác đứng tên, hoặc tìm mua những bất động sản chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này hoàn toàn khác với Mr Pips, người bị Công an quận Cầu Giấy bắt giữ trước đó không lâu khi liên tục khoe tiền, vàng, xế sang và bất động sản hào nhoáng...

Về đối tượng Hoàng Văn Quyết, sau khi đỗ Đại học Kiến trúc thì học đến năm thứ 2 rồi bỏ học. Lý do bỏ học chính là niềm đam mê với đồng tiền ảo. Khi đó đồng Bitcoin mới nổi lên có giá 10 triệu VNĐ/đồng, Quyết còn rủ các bạn cùng lớp bán cả laptop để mua. Không chỉ bỏ học, niềm “đam mê” tiền ảo tiếp tục ngấm sâu vào máu, Quyết còn cắm cả sổ đỏ của gia đình để đầu tư.

Thủ đoạn dụ dỗ tinh vi

Năm 2023, khi biết về những quảng cáo của công ty nước ngoài về đồng tiền năng lượng MPX có thể đào được XFI (đồng này đã được niêm yết trên sàn quốc tế), Hoàng Văn Quyết cùng Đỗ Huy Hoàng thống nhất và liên hệ với Alexsandr Mamasidikov (sinh năm 1986, quốc tịch Uzbekistan) để phân phối bán đồng MPX tại Việt Nam ăn hoa hồng. Thực chất, đồng MPX là đồng tiền do các đối tượng nước ngoài tự tạo, không có giá trị thực tế - nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
Các đối tượng nước ngoài tạo ra trang web Crossfi.org và quảng cáo đang hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa. Trước đó, dự án CrossFi, tiền thân là MinePlex, từng gây xôn xao trong giới đầu tư tiền mã hóa khi tự xưng là “ngân hàng điện tử phi tập trung”.

Với những lời hứa hẹn về lợi nhuận hấp dẫn và mô hình hoạt động rầm rộ, dự án này đã huy động được hàng triệu USD trong suốt 5 đến 6 năm qua. Tuy nhiên, CrossFi không có giấy phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Sau đó, các đối tượng nước ngoài xây dựng và đăng tải nhiều thông tin về dự án tiền mã hóa trong tương lai, tiềm năng của đồng tiền mã hóa XFI để đi chào mời, bán đồng tiền năng lượng MPX. Các đối tượng quảng cáo từ đồng tiền MPX sẽ “đào” được đồng XFI (đồng tiền ảo Hoàng đã đầu tư từ lâu). MPX thực chất không có giá trị và không “đào” ra được đồng XFI.

Chưa kể, khi đã mua đồng MPX mà cần rút tiền sẽ không rút được mà phải bán lại cho “cộng đồng” những người đã tham gia mua đồng tiền này hoặc lôi kéo người khác tham gia để bán lại.
Theo lời dụ dỗ của các đối tượng, nếu đầu tư đồng tiền năng lượng MPX 30.000 USD thì sẽ lãi 10.000 USD, thậm chí 20 lần và còn hơn như vậy trong tương lai. Thực tế, đồng XFI trên các sàn quốc tế hiện nay liên tục giảm, hiện 1 đồng giá chỉ còn 0,2 USD. Việc dụ dỗ lôi kéo nhà đầu tư mua tiền MPX để “đào” được đồng XFI chỉ là chiêu trò của các đối tượng nước ngoài.

Nhằm lôi kéo khách hàng, các đối tượng đã xây dựng hệ thống các nhân viên cấp dưới và tổ chức đào tạo họ để đi tiếp cận và làm quen bị hại tại các quán cafe, các hội nghị, hội thảo. Bản thân Hoàng Văn Quyết cho biết, hắn được công ty nước ngoài cắt hoa hồng lên đến 15%. Tuy nhiên, chỉ được hưởng 1%, còn lại là các đại lý trung gian hưởng. Số tiền Quyết chuyển để mua đồng tiền ảo dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn USD mỗi lần giao dịch.

Quyết khai, sau 2 năm “đầu tư” đã kiếm được số tiền lớn, nhưng không nhớ chính xác. Số tiền đó Quyết mua sắm xe sang, chi tiêu cá nhân, đầu tư,... Giống như Nguyễn Huy Hoàng, Quyết cũng khá kín tiếng, ít khoe mẽ trên mạng xã hội. Việc “phông bạt” do các sale và thành viên lý cấp dưới thực hiện.

Quyết khai nhận, các công ty nước ngoài chạy quảng cáo rất mạnh trên các trang mạng xã hội, tổ chức nhiều hội thảo quảng bá về tiềm năng của đồng MPX. Trong đó có việc quảng cáo có thể sử dụng thẻ visa tích hợp đồng XFI để thanh toán tại các siêu thị, cửa hàng trên khắp thế giới... Các đối tượng cũng “vẽ” ra viễn cảnh về tiềm năng tăng giá có thể lên tới hàng trăm lần của đồng MPX để thu hút các nhà đầu tư.

Ham tiền ảo, mất tiền thật -0
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo.

Các đối tượng người nước ngoài cũng quay các video và cho một số người dùng trải nghiệm “sức mạnh” thanh toán toàn cầu của loại thẻ đó, rồi cam kết sẽ niêm yết đồng tiền lên sàn quốc tế. 
Tuy nhiên, thực chất đây chỉ là 1 thẻ tiêu dùng thông thường, trong đó có tiền VND hoặc USD các đối tượng gửi tiền vào sẵn để đánh lừa khách hàng. Tinh vi hơn, các đối tượng còn dàn dựng clip khi quẹt loại thẻ này thì hóa đơn in ra lại thể hiện đúng đơn vị thanh toán là đồng XFI khiến bị hại càng tin tưởng rằng loại thẻ thần thánh này là có thật. 

Quá trình dụ dỗ bị hại đầu tư, các đối tượng còn tổ chức cho họ đi du lịch ở Dubai, tiếp xúc với những đối tượng thành công trên lĩnh vực tiền ảo khiến họ choáng ngợp. Thậm chí, các nhân viên còn tự quay clip, đào tạo nhau như những “thiên thần”, kiếm tiền dễ dàng nhờ tiền ảo để “làm màu”. 

Liên tiếp những giao dịch chuyển tiền với số tiền vài tỷ đồng được các đối tượng chia sẻ với các nhà đầu tư để đánh vào lòng tham, ham muốn lợi nhuận cao của khách hàng. 

Trong vụ án, có nhà đầu tư bị lừa đảo nhiều nhất lên tới 13 tỷ đồng, chủ yếu bị hại là người cao tuổi, trung niên, người có tiền tiết kiệm... Nhiều bị hại là những người có hiểu biết, có điều kiện, thậm chí có chức vụ ở cơ quan nhà nước, nhưng vẫn ném tiền đầu tư tiền ảo. 

Dù vụ án đã bị khởi tố, chân dung đối tượng lừa đảo đã bị vạch trần nhưng hiện rất nhiều nạn nhân vẫn tin tưởng vào đồng tiền ảo MPX là có thật. Nhiều nạn nhân thay vì mua qua “đại lý” thì lại hô hào rủ nhau tự tìm hiểu, tự mua bán đồng MPX qua web crossfi.org hoặc đồng XFI trên sàn quốc tế. Họ nghĩ rằng tiền ảo vẫn còn trong ví, nhưng thực chất tiền này không rút được tất cả, các đối tượng chỉ cho rút một phần và hứa hẹn sẽ rút ra được trong thời gian dài 5-20 năm, nhưng trong thời gian ngắn đồng này sẽ bị sập. Thậm chí, theo một cán bộ, có nạn nhân còn dò hỏi có đồng tiền ảo nào tin tưởng, được cấp phép thì để họ xuống tiền đầu tư. Điều đó cho thấy, tâm lý chung của người Việt thích làm giàu nhanh chóng bằng tiền ảo.

Tiền ảo được giao dịch 24/24 giờ, mua đi bán lại dễ dàng bất cứ thời gian nào, có thể đem về nguồn lợi nhuận lớn khi người chơi gặp may mắn, nhưng cũng có thể bị đánh sập bất cứ lúc nào. Do loại tiền điện tử này không được phát hành bởi bất kỳ chính phủ hay quốc gia nào và cũng không có các tổ chức tài chính trung gian bảo lãnh. Bởi vậy, dù đã được cảnh báo rủi ro và chưa được cấp phép ở Việt Nam nhưng người chơi vẫn tìm đến các sàn ảo, sàn nước ngoài, sàn chưa được cấp phép để rồi bị lừa cay đắng.

Mai Ngọc
.
.