Hàng tỷ USD tiền cứu trợ COVID-19 của Mỹ bị đánh cắp như thế nào?

Thứ Năm, 07/09/2023, 12:29

Một báo cáo mới nhất của Văn phòng Tổng thanh tra Mỹ cho hay, những kẻ lừa đảo có khả năng đã đánh cắp hơn 200 tỷ USD trong tổng số 1,2 nghìn tỷ USD được Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ cho vay giai đoạn COVID-19. Đó là chưa kể hàng tỷ USD khác bị lừa đảo và đánh cắp trong tổng số 5,4 nghìn tỷ USD mà Washington đã chi trong thời kỳ đại dịch.

3 đội chống gian lận COVID-19

Theo tin từ hãng CNN, hồi tháng 8, Bộ Tư pháp Mỹ đã thu hồi thành công hơn 1,4 tỷ USD tiền bị đánh cắp từ các chương trình cứu trợ COVID-19. Đây là kết quả của chiến dịch mới nhất trên toàn nước Mỹ nhằm chống tội phạm gian lận liên quan đến đại dịch. Với hơn 3.000 bị cáo hiện đang phải đối mặt với cáo buộc liên bang trên toàn quốc, phạm vi của các hoạt động lừa đảo này đã bị phát hiện và đang được điều tra mở rộng. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cho biết, mới đây nhất chính quyền đã đưa ra các cáo buộc hình sự đối với 371 bị cáo liên quan đến việc gian lận hơn 836 triệu USD. “Đây là một thông điệp rõ ràng: tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 gây ra có thể đã kết thúc, nhưng công việc của Bộ Tư pháp nhằm xác định và truy tố những kẻ ăn cắp quỹ cứu trợ còn lâu mới chấm dứt”, ông Merrick Garland nhấn mạnh.

Hàng tỷ USD tiền cứu trợ COVID-19 của Mỹ bị đánh cắp như thế nào? -0
Một cơ quan giám sát của chính phủ liên bang cho biết, hàng tỷ USD có thể đã bị đánh cắp bằng cách sử dụng các yêu cầu gian lận đối với chương trình bảo hiểm thất nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: The Wall Street Journal.

Tháng 5/2021, Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập một nhóm đặc nhiệm thực thi nhiệm vụ chống các hành vi gian lận liên quan đến COVID-19. Hơn một năm sau đó, tháng 9/2022, ông Merrick Garland lại ra thông báo thành lập 3 đội chống gian lận COVID-19 để tăng cường các nỗ lực hiện có của Bộ Tư pháp. Các thành viên của 3 đội này gồm các công tố viên và đặc vụ tận tâm đến từ Thanh tra Bộ Lao động, Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ, Bộ An ninh nội địa, FBI, Cơ quan Mật vụ Mỹ, các Sở Thuế, Thanh tra bưu điện Mỹ… với sự hỗ trợ của Ủy ban Trách nhiệm ứng phó đại dịch và Tổng Thanh tra đặc biệt về phục hồi đại dịch. Phụ trách trực tiếp 3 đội chống gian lận này là Thứ trưởng Tư pháp Kevin Chambers.

Cho đến nay, những nỗ lực này đã dẫn đến cáo buộc hình sự gần 2.000  bị cáo với cáo buộc gây thiệt hại gần 2 tỷ USD; các cuộc điều tra dân sự nhằm vào 1.800 cá nhân và tổ chức với hành vi sai trái liên quan đến các khoản vay cứu trợ đại dịch với tổng trị giá hơn 6 tỷ USD. Đó là chưa kể đến 119 cá nhân phải nhận tội hoặc bị kết án tại các phiên tòa. Những nỗ lực của Bộ Tư pháp nhằm chống lại các âm mưu gian lận liên quan đến COVID-19 đã được tiến hành trên nhiều mặt trận, bao gồm các vụ án và cuộc điều tra liên quan đến chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP), chương trình Cho vay khắc phục thiệt hại kinh tế do thảm họa (EIDL), chương trình Bảo hiểm thất nghiệp (UI)…

Hơn 200 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp có thể bị đánh cắp

Cuối tháng 6 vừa qua, một báo cáo của Văn phòng Tổng thanh tra Mỹ cho biết, hơn 200 tỷ USD từ các chương trình hỗ trợ COVID-19 của chính phủ có thể đã bị đánh cắp, đồng thời lưu ý rằng Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ Mỹ (SBA) đã vi phạm các thủ tục của mình khi vội vàng chuyển tiền. Con số này chiếm 17% trong số 1,2 nghìn tỷ USD được SBA giải ngân, trong đó hơn 136 tỷ USD từ chương trình EIDL và 64 tỷ USD từ các khoản vay của PPP. Tổng cộng, SBA đã giải ngân 400 tỷ USD từ quỹ EIDL và 800 tỷ USD cho các khoản vay của PPP.

Văn phòng Tổng thanh tra Mỹ nhận định, SBA đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát nội bộ trong lúc gấp rút phân phối hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch và tội phạm đã lợi dụng việc tiền có thể lấy một cách dễ dàng để lừa đảo. Cụ thể, chính quyền Washington khi đó đã gấp rút cho vay trong vài tháng đầu tiên thực hiện chương trình nhưng các biện pháp kiểm soát gian lận bổ sung chỉ được đưa ra vào năm 2021. Theo Văn phòng Tổng thanh tra Mỹ, tỷ lệ gian lận tiềm ẩn trong chương trình EIDL là 34% và chúng không phù hợp với dữ liệu trả nợ hiện tại của SBA. Trong khi đó, số liệu của SBA cho thấy, 12% khoản vay quá hạn, hầu hết thuộc về các doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc đơn giản là không có khả năng trả nợ; khoảng 74% doanh nghiệp hoàn trả đầy đủ hoặc mới bắt đầu trả các khoản vay trong khi 14% vẫn đang trong thời gian gia hạn.

Theo báo cáo, các cuộc điều tra của Văn phòng Tổng thanh tra Mỹ đã dẫn đến hơn 1.000 cáo trạng, 803 vụ bắt giữ và 529 phiên toà kết án liên quan đến gian lận trong chương trình EIDL. Những cuộc điều tra này đã dẫn tới việc các cơ quan thực thi pháp luật liên bang tịch thu gần 30 tỷ USD của các khoản vay bị đánh cắp. Hiện Văn phòng Tổng thanh tra Mỹ vẫn đang nghiên cứu hàng chục nghìn đầu mối điều tra về lãng phí, gian lận và lạm dụng trong các chương trình cho vay. Hàng nghìn cuộc điều tra dự kiến sẽ tiếp tục trong nhiều năm.

Chương trình PPP cung cấp các khoản vay có bảo đảm cho các doanh nghiệp nhỏ, cá nhân và tổ chức phi lợi nhuận nhưng được miễn phí lãi suất nếu người đi vay đáp ứng một số điều kiện nhất định. Chương trình EIDL cung cấp các khoản vay lãi suất cố định, lãi suất thấp để giúp các doanh nghiệp nhỏ và các tổ chức khác trang trải chi phí hoạt động của họ. Thống kê chỉ rõ, tính đến tháng 5/2023, khoảng 1,6 triệu khoản vay EIDL trị giá 114 tỷ USD đã quá hạn hoặc đang được thanh lý; hơn 69.000 khoản vay trị giá 3,2 tỷ USD đã được xóa và hơn 500.000 khoản vay theo chương trình PPP đã vỡ nợ. Báo cáo của Văn phòng Tổng thanh tra Mỹ khẳng định, việc không thanh toán thường là dấu hiệu của gian lận cho vay, mặc dù không phải tất cả các khoản vay quá hạn hoặc bị tính phí đều là gian lận.

Hàng tỷ USD tiền cứu trợ COVID-19 của Mỹ bị đánh cắp như thế nào? -0
Hàng tỷ USD tiền cứu trợ COVID-19 của Mỹ bị đánh cắp như thế nào? -1
Ước tính các gian lận liên quan đến đại dịch COVID-19 có thể lên mức 45,6 tỷ USD.

 Nghi ngờ bị lừa 5,4 tỷ USD tiền hỗ trợ thất nghiệp

Trong khi đó, hồi đầu năm, một cuộc kiểm toán của cơ quan giám sát riêng biệt cũng kết luận rằng, chính phủ Mỹ chắc chắn đã cấp hơn 5,4 tỷ USD tiền hỗ trợ trong đại dịch COVID-19 cho những người có số an sinh xã hội đáng ngờ. Trước đó, vào tháng 9/2022, Thanh tra Bộ Lao động Mỹ tuyên bố, trong đại dịch COVID-19, những kẻ lừa đảo có khả năng đã đánh cắp 45,6 tỷ USD từ chương trình bảo hiểm thất nghiệp của Mỹ bằng cách khai thác số an sinh xã hội của người chết và dùng tên của những người đang thụ án tù liên bang.

Báo cáo do Thanh tra Bộ Lao động Mỹ còn vẽ ra bức tranh nghiệt ngã về chương trình hỗ trợ thất nghiệp, bắt đầu dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump vào năm 2020. Các khoản trợ cấp hàng tuần đã giúp ích cho hơn 57 triệu gia đình chỉ trong 5 tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng nhưng chương trình này cũng nhanh chóng nổi lên như một mục tiêu hấp dẫn đối với bọn tội phạm. Để bòn rút tiền, những kẻ lừa đảo đã lấy hàng tỷ USD tiền trợ cấp thất nghiệp ở nhiều tiểu bang cùng một lúc và dựa vào các email đáng ngờ, khó theo dõi. Trong một số trường hợp, chúng đã sử dụng hơn 205.000 số an sinh xã hội của người chết. Những tội phạm khác bị nghi ngờ đã nhận được lợi ích bằng cách sử dụng danh tính của các tù nhân không đủ điều kiện nhận trợ cấp. Đến nay, Thanh tra Bộ Lao động Mỹ đã mở hơn 200.000 vụ điều tra liên quan đến gian lận bảo hiểm thất nghiệp do COVID-19.

Nhân viên y tế tham gia lừa đảo 

Đáng chú ý là trong một bài báo điều tra trên tờ MedPage Today đăng tải từ hồi tháng 4, nhà báo Sophie Putka đã tiết lộ rằng, 18 bác sĩ và y tá đã bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ăn cắp tổng cộng 490 triệu USD từ các chương trình y tế liên bang liên quan đến COVID-19. Những người bị buộc tội đã lợi dụng các chương trình cứu trợ thời đại dịch, bao gồm: chương trình không có bảo hiểm COVID-19 của Cơ quan quản lý tài nguyên và dịch vụ y tế (HRSA), chương trình PPP, chương trình EIDL... để lập hóa đơn gian lận cho Medicare và bán hàng nghìn thẻ tiêm chủng COVID-19 giả.

Lourdes Navarro, 64 tuổi, ở Glendale, California, điều hành Phòng thí nghiệm lâm sàng Matias cùng với chồng Imran Shams, khi lập hóa đơn cho Medicare, HRSA và một công ty bảo hiểm tư nhân về xét nghiệm mầm bệnh đường hô hấp (RPP), đã gian lận thêm các yêu cầu xét nghiệm. Latresia Wilson, 60 tuổi ở Ocala, bang Florida và Corey Alston, 45 tuổi, Giám đốc hành chính của Tập đoàn Heritage Pharma, bị buộc tội mua bất hợp pháp số nhận dạng người thụ hưởng Medicare để lập hóa đơn cho chương trình xét nghiệm COVID-19 không cần kê đơn.

Hàng tỷ USD tiền cứu trợ COVID-19 của Mỹ bị đánh cắp như thế nào? -0
Nhiều nhân viên y tế tham gia lừa đảo liên quan đến COVID-19.

Melissa J.Watson 50 tuổi, ở Slidell, bang Louisiana, bị cáo buộc đã gửi tài liệu sai lệch và gian lận cho các chương trình cung cấp tài chính cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tham gia điều trị COVID (PRF) và EIDL của HRSA trong kế hoạch nhận 1,1 triệu USD cho những công việc kinh doanh này mà cô ấy đã chi tiêu cho cá nhân. Theo DOJ, Watson đã sử dụng số tiền nhận được để mua hai chiếc ôtô hạng sang, bất động sản trị giá hàng nghìn USD, một chiếc thuyền, một chiếc xe kéo và nhiều kỳ nghỉ sang trọng.

Hai nữ hộ sinh được chứng nhận điều hành một cơ sở hành nghề có tên Sage-Femme Midwifery ở Albany, Sharon Springs và Saratoga, New York, đã bị buộc tội âm mưu lừa gạt chính phủ Mỹ bằng cách phân phát khoảng 2.700 thẻ tiêm chủng COVID-19 giả. Kathleen Breault, 65 tuổi và Kelly McDermott, 61 tuổi, đã đăng ký hành nghề với tư cách là cơ sở quản lý vaccine COVID-19 và cung cấp thẻ tiêm chủng giả cho trẻ vị thành niên không đủ điều kiện tiêm vaccine và cho những người không phải là công dân Mỹ. Còn Nicholas Frank Sciotto, 32 tuổi, ở thành phố Salt Lake, Utah đã sản xuất và bán tới 120.000 thẻ tiêm chủng COVID-19 giả cho khách hàng trên khắp nước Mỹ, đặc biệt là ở các bang có quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn về COVID-19…

Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định, các bị cáo này đã làm suy yếu đáng kể chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 cũng như các quy định và quy trình khác về sức khỏe và an toàn của chính phủ. Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Hoa Kỳ (GAO) trước đây cũng từng cảnh báo rằng, các chương trình cứu trợ đại dịch rất dễ bị lừa đảo, một phần vì chúng “thiếu các biện pháp kiểm soát thích hợp để ngăn chặn, phát hiện và thu hồi các khoản thanh toán gian lận và không phù hợp khác”. Chỉ riêng đối với các chương trình EIDL và PPP, GAO lưu ý rằng, chính phủ ước tính “các khoản thanh toán không phù hợp” với tổng trị giá 36,7 tỷ USD vào năm 2022.

Chu Nguyễn
.
.