Hé lộ về The Increment, siêu đặc nhiệm Anh
Khái niệm về lính đặc nhiệm có thể coi như được sinh ra tại Anh. Ngay từ trước thế kỷ XX, họ đã có các đơn vị lính tinh nhuệ được tuyển chọn từ những sỹ quan người Anh, Ấn Độ và Nê-pan xuất sắc nhất.
Ngày nay quân đội Anh nổi tiếng nhờ lực lượng SAS gồm ba trung đoàn lính dù tinh nhuệ, luôn sẵn sàng xuất quân đến bất kỳ địa điểm nào trên thế giới. Trở thành thành viên của SAS là vinh dự lớn nhất mà bất kỳ người lính Anh nào có thể đạt được.
Nhưng nhiều người không biết là SAS chưa phải đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của quân đội Anh. Danh hiệu đó thuộc về “The Increment” (TI), một lực lượng mà đến bây giờ hành tung vẫn còn là một bí ẩn.
Như những… bóng ma
Công chúng Anh chỉ mới biết đến sự tồn tại của TI vào năm 2003 mà thôi. Báo chí Anh đưa tin về việc một đơn vị lính đặc nhiệm không rõ danh tính đột kích vào hang ổ các thành viên cấp cao thuộc đảng Ba’ath (Iraq) và bắt giữ nhiều tay chân thân tín của ông Saddam Hussein. Không ai biết những người lính này thuộc về đơn vị nào, nhưng theo lời nhân chứng tại hiện trường, họ nói thứ tiếng Anh mà chỉ có người Anh mới dùng chứ không phải người Mỹ.
Câu chuyện có lẽ đã sớm bị công chúng quên lãng nếu như Ủy ban Ngoại giao Anh điều tra những nhà báo tham gia điều tra. Họ không hề nói lý do vì sao, nhưng theo nhiều nhà quan sát đây là bằng chứng cho thấy thật sự tồn tại một đơn vị đặc nhiệm bí mật. Sự thật chỉ được kiểm chứng khi mới đây thôi một vị quan chức cấp cao trong quân đội Anh để lộ bản danh sách tên tuổi, cấp bậc, chức danh 1.200 sỹ quan, trong đó có 70 thành viên của TI.
Theo tờ The Sun thì TI được liệt kê trong bản báo cáo dưới cái tên: “Đại đội E, Trung đoàn SAS 22”. Cựu trung tá Andy McNab, tác giả quyển tự truyện “Bravo Two Zero” nổi tiếng kể về kỷ niệm chỉ huy một tiểu đội SAS trong Chiến tranh vùng Vịnh, trả lời tờ The Sun về TI rằng: “Họ giữ bí mật về đại đội E. kín đến mức các đại đội A, B, C, D không biết đơn vị này đóng quân ở đâu. Họ chỉ có thể biết được là, cứ vài năm lại có một sỹ quan SAS xuất sắc được điều động sang đại đội E, rồi sau đó anh ta “bặt âm vô tín”. Người ta đồn đại rằng, thành viên TI được đào tạo trở thành điệp viên hơn là lính đặc nhiệm”.
Suy đoán nói trên không phải là không có cơ sở. Theo các nguồn tin nội bộ Bộ Quốc phòng Anh, TI là một phần của Revolutionary Warfare Wing (RWW). RWW được lập ra cùng khoảng thời gian với một tổ chức tương tự khác của Mỹ là Asymmetric Warfare Group (AWG). Cả hai đều có nhiệm vụ huấn luyện các binh sỹ để chuẩn bị họ cho các chiến trường phi truyền thống như chống khủng bố. Mà nếu đã nói đến chiến tranh phi truyền thống thì không thể không nhắc đến hoạt động thu thập, phân tích thông tin vốn là “địa bàn” của ngành tình báo.
Vì vậy nên cũng không có gì lạ khi TI nhận lệnh trực tiếp từ Cục Tình báo Anh MI-6. Họ hoạt động gần như độc lập hoàn toàn với các đơn vị đặc nhiệm khác của Anh. Chưa hết, họ còn được cho phép mặc thường phục, đem theo giấy tờ giả, theo dõi và nghe lén đối tượng tình nghi, bắt giữ người không có trát tòa,… Đây đều là những hành vi bị cấm bởi luật pháp Anh và các công ước chiến tranh quốc tế. Điều này đủ thấy quyền lực và tầm quan trọng của TI lớn đến mức nào.
Không dấu vết
Nhà báo Anh Patrick Coleslaw đã dành nhiều năm thu thập thông tin về TI. Vị phóng viên chiến tranh lão làng này không thể giấu nổi sự ngạc nhiên trước vụ việc để lộ tên tuổi các thành viên trong đơn vị: “Tìm kiếm và kiểm chứng được thông tin có liên quan đến TI là việc rất khó. TI có cả một bộ máy riêng trợ giúp họ việc hậu cần, vận chuyển,… Số người được đọc báo cáo chiến thuật của TI có thể đếm trên đầu ngón tay”.
Sau Iraq, TI còn xuất hiện ở Libya. Tại Afghanistan, họ làm tiền tiêu cho liên quân Mỹ - Anh - Afghanistan trong các chiến dịch năm 2009. Gần đây hơn họ hoạt động trong lòng địch ở Iraq và Syria, chuyên phá hoại cơ sở hạ tầng và ám sát lãnh đạo của các nhóm Hồi giáo quá khích…
Khi triển khai các nhiệm vụ, TI được chuyên chở bởi một trực thăng đa nhiệm Puma và một trực thăng vận tải C-130 đều được điều động từ các đơn vị khác của Không lực Hoàng gia Anh. Với loại phương tiện này, TI có thể nhanh chóng triển khai ở hầu hết mọi địa điểm trên thế giới. Cùng với thông tin cho biết các thành viên của đơn vị thường xuyên hộ tống điệp viên MI-6, đây có thể là bằng chứng chỉ ra việc mở rộng địa bàn hoạt động của tình báo Anh.
Bộ Quốc phòng Anh vẫn đang tìm cách khắc phục sự cố rò rỉ thông tin về TI. Những tòa soạn đã nhận bản danh sách bị lộ đều nhận được chỉ thị của chính phủ không được công bố bất kỳ cái tên nào trên các phương tiện truyền thông. Vị quan chức chịu trách nhiệm cũng đã bị đình chỉ công tác. Rất có thể sẽ còn có nhiều biện pháp mạnh hơn nữa. Vũ khí hiệu quả nhất của TI không gì khác ngoài sự bí mật. Chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để bảo vệ cho bằng được cái lợi thế ấy của mình.