House of Prayer và trò lừa đảo triệu đô

Thứ Sáu, 12/08/2022, 11:12

Lừa đảo đang trở thành mối lo lớn đối với quân đội Mỹ. Hiện tượng giả danh làm quân nhân để lừa tình qua mạng không có dấu hiệu suy giảm mà còn trở nên nặng nề hơn trong thời gian qua. Giữa lúc kinh tế suy thoái, lạm phát tăng mạnh, những đối tượng lừa đảo lại còn nghĩ ra cách bịa đặt chính sách hỗ trợ để moi tiền gia đình binh sỹ.

Nhưng những trường hợp lừa đảo này chưa là gì so với vụ việc liên quan đến giáo phái House of Prayer. “Cha xứ” Rony Denis, người đứng đầu House of Prayer, đã lừa đảo hàng triệu USD từ các cựu chiến binh và thân nhân của họ. Chưa hết, không biết bao nhiêu gia đình đã phải chịu cảnh “tan cửa nát nhà” chỉ vì nghe lời kẻ lừa đảo đội lốt thầy tu này.

House of Prayer

Cách đây vài năm, không khó để tìm thấy những chiếc xe van trắng quanh quẩn các doanh trại quân đội trên đất Mỹ. Đấy là xe của House of Prayer chở những “nhà truyền đạo”. Bất kỳ binh sỹ nào nghe theo lời họ cũng sẽ được lên xe chở ngay đến một trong năm nhà thờ của House of Prayer. Những chiếc xe van chỉ biến mất sau khi bị ban chỉ huy một loạt các doanh trại ra lệnh cấm lại gần gây ảnh hưởng đến hoạt động của binh sỹ.

House of Prayer và trò lừa đảo triệu đô -0
Bên trong nhà thờ House of Prayer.

Lý do đằng sau lệnh cấm nói trên sâu sắc hơn thế. Từ 9 năm nay, House of Prayer đã thu về 7 triệu USD tiền trợ cấp chính phủ theo diện G.I. Bill. G.I. Bill là một loại học bổng được chính phủ Mỹ cấp cho các quân nhân sau khi giải ngũ nhằm giúp họ xây dựng cuộc sống mới. House of Prayer dụ dỗ tín đồ tham gia cái gọi là “Trường Nghiên cứu Kinh Thánh” rồi thu tiền trợ cấp G.I. Bill từ họ.

Arlen Bradeen là một cựu chiến binh Mỹ. Khi còn là tín đồ của House of Prayer, ông là người trực tiếp quản “ngôi trường” do giáo phái này tổ chức. Arlen trả lời tờ Georgia Daily: “Lớp học Kinh Thánh đầu tiên được tổ chức vào năm 2004, nhưng phải đến năm 2013 nhà nước mới đưa trường vào diện được hưởng G.I. Bill. Khi đó học phí nhảy từ 300 USD lên đến 3.000 USD. Nhiều tín đồ chi toàn bộ số tiền học bổng họ có chỉ để Rony Denis mua được mấy chiếc siêu xe Rolls Royce”.

Arlen còn kể lại nhiều chiêu trò của House of Prayer để qua mắt nhà chức trách: “Chính phủ quy định là G.I. Bill chỉ được dùng một lần cho mỗi khóa học, vậy là chúng tôi cứ sau mỗi khóa lại đổi tên toàn bộ chương trình học rồi bắt tín đồ học lại… Đôi khi chính quyền lại cử thanh tra xuống thị sát lớp học. Trước ngày có thanh tra xuống, chúng tôi lại tổ chức tân trang lại toàn bộ lớp học rồi bắt các tín đồ đi học đầy đủ, chứ bình thường thì họ có đến hay không chúng tôi cũng mặc kệ, miễn là họ nộp tiền rồi”.

Đối với nhiều tín đồ, việc mất đi G.I. Bill cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa tương lai của họ đóng sập lại. Rosalie Wright là một sỹ quan không chuyên phụ trách hậu cần. Ước mơ của cô là trở thành y tá sau khi rời quân ngũ. Nhưng vì House of Prayer mà giấc mơ đấy chẳng bao giờ trở thành hiện thực: “Họ nói rằng theo học lớp Kinh Thánh là cách để cầu xin Chúa phù hộ cho nhà thờ, rồi nhà thờ từ đó sẽ lại ban phúc cho con chiên. Phải mất hơn hai năm sau tôi mới nhận ra mình bị lừa và rời khỏi House of Prayer. Lúc đó thì tiền học bổng của tôi đã hết. Tôi có bốn đứa con thì hai đứa đang học trung học. Không có cách nào tôi kiếm được đủ tiền để đi học trở thành y tá cả”.

House of Prayer và trò lừa đảo triệu đô -0
Người nhà của các cựu chiến binh bị lừa biểu tình ngoài nhà thờ House of Prayer.

Ismail Somai, một cựu chiến binh từng phục vụ 14 năm trong quân ngũ, thuộc nhóm những tín đồ đầu tiên dám đứng lên tố cáo hành vi lừa đảo của House of Prayer. Ismail cho biết ngoài việc bắt tín đồ đi học, House of Prayer còn buộc các con chiên phải vay mua nhà theo chính sách của nhà nước: “Cựu chiến binh khi vay tiền mua nhà sẽ nhận được ưu đãi giảm lãi suất. Rony Denis bèn gây áp lực buộc các tín đồ mua nhà với lãi suất thấp, sau đó gia đình nào phải chuyển đi vì có vợ hoặc chồng chuyển nơi công tác thì phải để lại nhà cũ của họ cho nhà thờ. Không ai rõ Rony Denis đã bỏ túi bao nhiêu tiền từ việc cho thuê nhà của các tín đồ”.

Báo Stars and Stripes đã điều tra và phát hiện có tới 36 ngôi nhà của tín đồ đang được House of Prayer cho thuê. Người đại diện pháp lý cho những ngôi nhà này là luật sư Anthony Oloans, “tay chân thân tín” của Rony Denis và nguyên thủ quỹ của giáo phái giai đoạn 2003-2009. Vị luật sư này còn đại diện cho một số tài sản cho thuê khác thuộc quyền sở hữu của House of Prayer như 4 tòa chung cư ở bang Ohio. Thông tin từ phía nhà điều tra cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc truy lùng tận gốc những bất động sản có liên quan đến giáo phái. Họ dùng đến 21 cá nhân khác nhau đứng tên các tài sản này, trong đó có Rony Denis, vợ của ông ta, và Anthony Oloans.

Thảm cảnh gia đình

Mới đây, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã đột kích vào 5 nhà thờ của House of Prayer ở Hinesville and Augusta (bang Georgia), Tacoma (bang Washington), Killeen (bang Texas), và Fayetteville (bang North Carolina). Sau cuộc đột kích, cảnh sát đã thu giữ nhiều giấy tờ, máy tính và tiền mặt nhưng không bắt giữ ai cả. Về phần mình, giáo phái chỉ ra một tuyên bố ngắn gọn như sau: “House of Prayer sẽ không trả lời bất kỳ hãng thông tấn hoặc đưa ra bất kỳ tuyên bố nào trong quá trình điều tra”.

Đối với những người từng tham gia House of Prayer, điều này là không đủ. Cô Gladys Jordan có hai người con trai là tín đồ giáo phái. Cứ mỗi chiều chủ nhật, Gladys cùng khoảng 20 người khác lại tổ chức biểu tình phản đối trước nhà thờ của House of Prayer ở Hinesville. Gladys bao giờ cũng đứng ở hàng đầu, miệng hét qua loa: “Trả lại con cho tôi!”.

House of Prayer và trò lừa đảo triệu đô -0
Nhà thờ House of Prayer và tên lừa đảo Rony Dennis.

Cô Gladys giải thích: “Tôi có ba đứa con trai. Đứa út tham gia một lớp học được House of Prayer tổ chức. Chỉ vì thằng bé nói trái lời cô giáo mà nó bị đuổi khỏi lớp. Tôi đứng lên bảo vệ con mình thì cũng bị Rony Denis rút phép thông công. Buổi tối hôm đó tôi về đến nhà thì thấy đồ đạc của mình bị vứt hết ra cửa. Đấy là lúc vợ chồng chúng tôi bắt đầu sống ly thân với nhau. Đứa con trai lớn của tôi năm nay đã 22 tuổi. Thằng bé còn là tín đồ thêm ngày nào là ngày đấy tôi còn lo”.

Gladys Jordan là một trong các thành viên đầu tiên của House of Prayer. Theo lời cô thì Rony Denis trước đây là thành viên của New Testament Church of Christ, một nhánh Công Giáo địa phương ở Hinesville. Không biết vì lý do gì mà ông ta bỏ New Testament Church of Christ để lập ra House of Prayer. Denis vốn là cựu chiến binh, lại có tài ăn nói nên lôi kéo được rất nhiều quân nhân khác cùng gia đình tham gia giáo phái mới của mình.

“Mới đầu mọi chuyện vẫn bình thường nhưng Rony Denis dần dần xen vào cuộc sống riêng của chúng tôi. Ông ta bắt cặp vợ chồng nào ly dị họ cũng phải nghe theo. Ngoài tôi ra cũng có mấy người phụ nữ khác bị chồng bỏ do chịu áp lực từ Denis. Ông ta trừng phạt họ như thế nhiều khi vì những lỗi rất nhỏ như quên cúi đầu chào ông ta”, Gladys Jordan kể.

Một đoạn video quay buổi giảng đạo tại nhà thờ của House of Prayer mới đây đã được đăng tải lên Youtube. Trong đoạn video, Rony Denis hùng hồn tuyên bố: “Chúa đã cho ta quyền giết chết tất cả mọi người có mặt hôm nay, nhưng ta sẽ không làm thế. Các con biết vì sao không? Bởi vì ta yêu các con”.

Chuyên gia nghiên cứu tôn giáo Rick Alan Ross, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận CEI chuyên về giáo dục tác hại của các giáo phái, bình phẩm: “Rony Denis có thể khiến tín đồ của mình làm mọi việc ông ta muốn bởi vì Denis đã khiến tất cả bọn họ sợ hãi thế giới bên ngoài. Các cựu chiến binh sau khi giải ngũ gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Denis lại còn “nhồi nhét” vào đầu họ đủ thứ tín điều để khiến họ càng thêm sợ hãi thế giới bên ngoài hơn. Khi đó House of Prayer trở thành mọi thứ đối với các tín đồ, và họ sẵn sàng làm mọi việc để được ở lại trong cộng đồng này”.

House of Prayer và trò lừa đảo triệu đô -0
Rony Denis đã sử dụng số tiền mình lừa đảo được để xây dựng cả một khu biệt thự.

“Cởi bỏ” tấm áo cha xứ của mình, Rony Denis lại được hưởng một cuộc sống vô cùng xa hoa, phú quý. Ông ta có ít nhất ba biệt thự ở Hinesville, Augusta và bãi biển West Palm (bang Florida). Ước tính giá trị của mỗi căn biệt thự này là 2 triệu USD. Vợ và con cái của Denis cũng thường xuyên đăng ảnh những thứ trang sức, xe ô tô đắt giá hay những chuyến nghỉ mát nước ngoài tại các khu resort cao cấp.

Theo thông tin nội bộ từ trong giáo phái, Rony Denis đã rời khỏi nước Mỹ. Trước khi chạy trốn, ông ta còn ra lệnh cho các tín đồ chuẩn bị sẵn hộ chiếu. FBI nghi ngờ kẻ lừa đảo đang lẩn trốn ở Hàn Quốc vì cách đây 40 năm, ông ta từng  trú tại Busan. Đứng trước sự thật như vậy, nhiều tín đồ chẳng hề mất niềm tin vào House of Prayer mà trái lại còn tỏ ra “lì lợm” hơn nữa.

Darnell Emanuel, một cựu thành viên của giáo phái, cho biết: “Tôi ở trong một nhóm gồm toàn những người từng là thành viên của House of Prayer. Mục đích hoạt động của nhóm là giúp các tín đồ còn đang ở trong giáo phái “dứt áo” ra được. Việc này tốn rất nhiều thời gian mà lại ít thành công vì những người được chúng tôi giúp đã sống quá lâu dưới cái bóng của Rony Denis. Chúng tôi phải cố gắng lắm mới tiếp cận được họ, chứ chưa nói gì đến chuyện giúp họ hiểu ra lý lẽ. Bây giờ nhóm chỉ mong rằng Rony Denis và đồng bọn của ông ta sớm bị đưa ra trước tòa bởi chỉ khi đó thì nhiều người mới tỉnh ngộ mà tự giải thoát ”.

Lê Vũ
.
.