Italy: Bắt được thủ phạm sát hại ông Moro sau 46 năm
Ngày 29/8/2024, cảnh sát Italy phối hợp cùng cảnh sát Argentina và Interpol bắt giữ Leonardo Bertulazzi, thành viên cao cấp của Lữ đoàn Đỏ sau 46 năm lẩn trốn. Là tác giả của hàng chục cuộc tấn công khủng bố trên khắp Italy từ những năm 1970, Bertulazzi còn là kẻ chủ mưu trong vụ bắt cóc rồi sau đó giết chết cựu Thủ tướng Italy Aldo Moro…
Vụ bắt cóc và giết hại cựu Thủ tướng Moro
Sáng 16/3/1978, là ngày mà nội các mới do ông Giulio Andreotti đứng đầu vừa trải qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Italy thì trên đường Fani, thủ đô Roma, chiếc xe hơi chở ông Aldo Moro, cựu Thủ tướng Italy đồng thời là Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, chiếm đa số trong Quốc hội Italy đã bị một nhóm khủng bố gồm 10 người thuộc Lữ đoàn Đỏ tấn công.
Tất cả đều mặc đồng phục của Hãng Hàng không Italy để tránh bắn nhầm nhau vì hầu hết đều không quen biết nhau. Ngay từ những loạt đạn đầu tiên, nhóm khủng bố đã giết chết 2 vệ sĩ của ông Moro là Ricci và Leonardi cùng 3 cảnh sát trên chiếc xe hộ tống. Tiếp theo, chúng bắt ông Moro rồi nhanh chóng biến mất.
Ngày 9/5/1978, thi thể của ông Moro được tìm thấy trong thùng sau của chiếc xe hiệu Renault 4 trên đường Caetani. Trước đó, Lữ đoàn Đỏ đã yêu cầu Chính phủ Italy phải trả tự do cho 13 thành viên của họ bị bắt để đổi lấy ông Moro. Khi Italy từ chối, Lữ đoàn Đỏ lập tòa án, tuyên bố tử hình ông Moro.
Từ đó đến cuối năm 1979, Cơ quan an ninh Italy đã lần lượt bắt giữ Corrado Alunni, Valerio Morucci, Mario Moretti, Alvaro Lojacono, Alessio Casimirri, Adriana Faranda và Prospero Gallinari, là 7 trong số 10 kẻ tham gia vụ bắt cóc. Riêng Barbara Balzerani bị bắt năm 1985 và Rita Algranati, bị bắt năm 2004 còn Leonardo Bertulazzi trốn thoát. Lời khai của những kẻ bị bắt cho thấy cựu Thủ tướng Moro bị đánh thức lúc 6 giờ sáng với lời giải thích “được trả tự do”. Tuy nhiên chúng lại bảo ông vào nằm trong một chiếc giỏ đan bằng mây rồi đưa ông đến đường Montalcini.
Tại đây, chúng cho chiếc giỏ mây vào cốp xe rồi phủ lên người ông một tấm vải đỏ. Sau đó chính tay Bertulazzi bắn ông Moro bằng khẩu Walther PPK cỡ đạn 9mm. Lúc súng bị kẹt, hắn bắn tiếp bằng khẩu Skorpion cỡ đạn 7,56mm. Những viên đạn xuyên thủng phổi khiến ông Moro chết chỉ sau vài phút. Vẫn theo lời khai của những tên bị bắt, kẻ lên kế hoạch bắt cóc, trực tiếp thực hiện là Bertulazzi.
12 giờ 30 trưa 9/5/1978, 54 ngày sau khi ông Moro bị bắt cóc, một cuộc điện thoại gọi đến cho ông Francesco Tritto, trợ lý của Moro, người gọi chỉ nói vắn tắt “Moro đã chết”. Đến 13 giờ 30, lại có thêm một cuộc điện thoại nữa nhưng lần này gọi đến Sở Cảnh sát Roma. Người gọi thông báo rằng “xác của Moro nằm trong chiếc xe hơi hiệu Renault 4 màu đỏ ở đường Caetani”.
Gia nhập Lữ đoàn Đỏ năm 1975 - 5 năm sau khi tổ chức này ra đời, Bertulazzi nhanh chóng nổi lên như một thành viên năng động và mưu trí. Chả thế mà tháng 1/1977, ông ta cùng một số đồng phạm tổ chức bắt cóc kỹ sư hải quân Piero Costa ở thành phố Genoa, Italy. Là con của một gia đình sở hữu đội tàu biển giàu có nhất Italy, Costa bị bắt khi đang đi dạo gần nhà. Hai kẻ bắt Costa - trong đó có Bertulazzi chĩa súng vào đầu ông rồi đẩy ông lên chiếc xe hơi Fiat 132. Ban đầu, Lữ đoàn Đỏ đưa ra số tiền chuộc là 10 tỷ lire (đơn vị tiền tệ Italy) nhưng các cuộc đàm phán giữa gia đình Costa với Lữ đoàn Đỏ đã dẫn đến việc giảm xuống còn 1,5 tỷ lire (tương đương 600.000 USD).
Sau khi tiền được trả, đầu tháng 4/1977, Costa được đưa lên một chiếc xe hơi rồi bị đẩy ngã xuống đường trong tình trạng bị trói cả tay lẫn chân, mắt bị bịt kín. Theo Cơ quan an ninh Italy, vụ bắt cóc Costa nhằm mục đích kiếm tiền tài trợ cho các hoạt động khủng bố, trong đó 50 triệu lire đã được Lữ đoàn Đỏ sử dụng để mua một căn hộ trên đường Camillo Montalcini 8, thủ đô Rome, sau này là nơi giam giữ cựu Thủ tướng Moro.
Cũng từ năm 1977 đến ngày ông Moro bị giết, Bertulazzi trực tiếp tham gia nhiều vụ tấn công khủng bố. Phản ứng lại, Cảnh sát Ý đã tiến hành hàng loạt những cuộc truy quét kéo dài đến năm 1980 và đã bắt được 12.000 thành viên Lữ đoàn Đỏ, trong đó có các nhân vật lãnh đạo là Faranda, Franceschini, Moretti và Morucci, 300 kẻ khác chạy sang Pháp và 200 đến Nam Mỹ.
Cuối năm 1980, phiên tòa xét xử vụ bắt cóc, sát hại cựu Thủ tướng Moro bắt đầu tiến hành, kéo dài cho đến hết năm 1981. Kết quả Leonardo Bertulazzi (lúc ấy đã bỏ trốn) lĩnh án 27 năm tù về các tội danh khủng bố, tổ chức bắt cóc, giết người, 7 kẻ còn lại nhận hình phạt từ 10 đến 20 năm tù giam.
Đào tẩu
Sau vụ bắt cóc rồi giết cựu Tổng thống Moro và sau khi 7 thành viên tham gia bị bắt, được sự giúp dỡ của Lữ đoàn Đỏ, Bertulazzi xuống một tàu buôn viễn dương với vỏ bọc thủy thủ để đến Argentina. Thời điểm này, tổng thống Argentina là ông Jorge Rafael Videla, nắm quyền sau khi tổ chức đảo chính lật đổ Tổng thống Isabel Peron.
Là nhà độc tài, trong suốt thời gian tại vị, Videla đã giết hại khoảng 30.000 người bất đồng chính kiến nên cũng dễ hiểu vì sao ông ta lại có khuynh hướng ủng hộ những tổ chức khủng bố ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Lữ đoàn Đỏ.
Đến được Argentina, tại thủ đô Buenos Aires, Bertulazzi trình diện cảnh sát rồi khai mình là thành viên Lữ đoàn Đỏ, bị Chính phủ Italia đàn áp để xin được hưởng quy chế tị nạn. Theo một số nguồn tin, đích thân Tổng thống Videla đã yêu cầu Cơ quan di trú Argentina cấp quy chế này cho Bertulazzi. Từ đó, Bertulazzi sống bằng nghề dịch thuật và thiết kế đồ họa nhưng thực tế, Lữ đoàn Đỏ đã chuyển một phần trong số 1,5 tỉ lire cho ông ta. Ít nhất 3 lần, Bộ Tư pháp Italia đã đề nghị Bộ Tư pháp Argentia cho dẫn độ Bertulazzi về nước để xét xử nhưng cả 3 lần đều bị từ chối. Thậm chí nhóm hành động đặc biệt của Cảnh sát Italia đã từng lên kế hoạch bắt cóc Bertulazzi nhưng vì nhiều lý do, chủ yếu là các rắc rối ngoại giao nên kế hoạch này chưa bao giờ được thực hiện.
Cuối tháng 3/1981, có vẻ như thời cơ dẫn độ Bertulazzi đã đến khi Tổng thống Videla từ bỏ quyền lực. Ngày 7/4/1982, ông trao quyền điều hành đất nước cho tướng Mario Benjamín Menéndez rồi sau đó, Hội đồng quân sự Argentina đưa ông Horacio Tomas Liendo lên làm quyền tổng thống nhưng chỉ 1 tháng sau đó, Hội đồng quân sự Argentina lại thay thế ông Horacio bằng ông Carlos Lascote.
Đầu tháng 12/1981, cuộc chiến tranh giành chủ quyền quần đảo Manvinas (người Anh gọi là Falklands) giữa quân đội Argentina và quân đội Anh nổ ra. Việc dẫn độ Bertulazzi rơi vào bế tắc. Mãi đến năm 2002, Argentina sau khi đã trải qua 7 đời tổng thống và thời điểm ấy, người đứng đầu đất nước là ông Eduardo Duhalde mới đồng ý mở lại hồ sơ dẫn độ Bertulazzi.
Tháng 6/2002, Bertulazzi bị Cơ quan Cảnh sát quốc tế (Interpol) bắt giam tại thủ đô Buenos Aires, Argentina theo yêu cầu của Chính phủ Italy nhưng 8 tháng sau đó, ông ta được thả bởi các luật sư của Leonardo Bertulazzi viện dẫn lý do “phiên tòa xét xử Bertulazzi diễn ra khi không có mặt ông ta, dẫn đến ông ta mất quyền tự bào chữa, Bertulazzi đã ở Argentina liên tục 23 năm và không bị cáo buộc bởi bất cứ một tội danh hình sự nào…”. Lập luận này được sự chấp thuận của Bộ Tư pháp Argentina nên một lần nữa, Bertulazzi vẫn như cánh chim, ung dung thoát khỏi lưới trời.
Công lý được thực thi
Từ đó cho đến tháng 12/2023, khi ông Javier Milei trở thành tổng thống Argentina sau cuộc bầu cử tự do trực tiếp thì vấn đề Bertulazzi lại được hâm nóng. Kết quả là tháng 3/2024, Bộ Tư pháp Argentina thu hồi quyền tị nạn của Bertulazzi.
Đầu giờ sáng thứ Năm, 29/8/2024, một lực lượng gồm Interpol, tùy viên cảnh sát Italia thuộc Đại sứ quán Italy ở Argentina và các sĩ quan thuộc Bộ An ninh Argentina đã tiến hành bắt giữ Bertulazzi và khám xét nhà riêng của ông ta ở Buenos Aires. Ngay lập tức, luật sư của Bertulazzi đã tung ra một thông cáo báo chí, nội dung: “Cơ quan tư pháp Argentina đã đình chỉ quy chế tị nạn của Bertulazzi bằng một quyết định hành chính tùy tiện. Việc này cho thấy vụ bắt giam ông Bertulazzi là sự phối hợp giữa hai quốc gia nhằm mục đích tước bỏ tư cách và quyền bào chữa của Bertulazzi để một cá nhân ra tòa mà không được bảo vệ. Bertulazzi không hề được thông báo rằng việc bắt giữ ông là do có bằng chứng mới trong lúc ông đã có 46 năm cư trú ở Argentina và đã được cấp căn cước công dân nên chúng tôi yêu cầu Bertulazzi phải được trả tự do ngay lập tức…”.
Đáp lại, Italy công bố lời khai của những kẻ trực tiếp tham gia vụ bắt cóc, giết hại ông Moro, trong đó có thủ lĩnh Lữ đoàn Đỏ Mario Moretti: “Cuộc phục kích bắt đầu lúc 9 giờ khi hai chiếc xe chở ông Moro và các vệ sĩ đến đường Fani. Khi đó, Rita Algranati làm nhiệm vụ quan sát, đứng ở góc đường Trionfale vẫy một bó hoa trên tay để thông báo cho chúng rồi là mục tiêu đã đến. Sau đó anh ta rời khỏi hiện trường.
Lúc này, chiếc Fiat 128 do Moretti cầm lái lạng đến trước đầu xe của ông Moro khiến xe của ông Moro đâm vào đuôi xe Moretti rồi bị kẹt giữa xe của Moretti và chiếc Alfetta chở 3 cảnh sát. Sau đó, xe của Lojacono lao đến khóa đuôi. 4 thành viên Lữ đoàn Đỏ trong xe của Lojacono nhảy ra, nhả đạn vào 2 vệ sĩ ngồi trong xe ông Moro và xe chở 3 cảnh sát trong lúc chúng tôi bắt ông Moro. Những gì xảy ra tiếp theo thì như mọi người đã biết…”.
Sau khi Bertulazzi bị bắt, văn phòng Thủ tướng Italy đưa ra một thông báo: “Việc bắt giữ thành viên đào tẩu Bertulazzi của Lữ đoàn Đỏ được thực hiện thông qua sự hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả giữa các cơ quan tư pháp Italy, Argentina và Interpol”. Ông Giorgia Meloni, Thủ tướng Italy nói: “Bertulazzi phải chịu trách nhiệm về những tội ác làm suy yếu các giá trị dân chủ và cuộc sống của nhiều nạn nhân…” nhưng theo các nhà quan sát địa chính trị, việc bắt Bertulazzi mới chỉ là thành công bước đầu của Italia nhưng để đưa được ông ta về nước sẽ phải mất một thời gian dài, thậm chí là nhiều năm bởi lẽ hôm 2/9/2024, Bertulazzi ra phiên điều trần đầu tiên về dẫn độ tại tòa án Comodoro Py, do thẩm phán María Romilda Servini - là người đã ký lệnh bắt giam Bertulazzi - làm chủ tọa.
Trong phiên điều trần này, nếu quyết định dẫn độ Bertulazzi về Italia được chấp thuận, ông ta vẫn có quyền kháng cáo và thậm chí nếu kháng cáo bị tòa tối cao bác bỏ, Bertulazzi vẫn có thể làm đơn gửi tổng thống Argentina xin khoan hồng do đã có 46 năm sống ở Argentina, đã được cấp quyền cư trú chính trị và không phạm phải bất kỳ một tội hình sự nào. Luật sư của Bertulazzi nói: “Ông Bertulazzi đã được Ủy ban Quốc gia Argentina về người tị nạn và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn công nhận quy chế tị nạn. Hơn nữa, tuổi tác của ông ấy cũng là một yếu tố, đáng được xem xét để khoan hồng…”.
Tại Italy, việc bắt giữ Bertulazzi được thân nhân những người đã chết vì những vụ khủng bố của Lữ đoàn Đỏ đón nhận trong vui mừng. Hầu hết đều mong muốn Bertulazzi phải ra tòa để nhận những hình phạt tương xứng. Gia đình của cựu Tổng thống Moro nói: “Chúng tôi tha thứ cho Bertulazzi nhưng công lý có trách nhiệm của nó. Đó là minh bạch, chính xác và công bằng…”.