Khi chủ nợ là côn đồ

Thứ Sáu, 19/07/2024, 09:44

Động thủ chân tay, tạt sơn, mắng nhiếc, mạt sát hay đe dọa là cách mà nhiều chủ nợ sử dụng khi đi đòi nợ. Thứ “võ đòi nợ” như trên gần đây lại xuất hiện, kéo theo những vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và đa số đều phải trả giá bằng lao lý, tù tội…

Đòi nợ kiểu côn đồ

Hơn ba năm qua, vết thương ở ngực và vết bỏng xăng ở tay do chủ nợ gây ra thỉnh thoảng vẫn nhức nhối, đau buốt trong người ông Trần Hùng M. (45 tuổi, ngụ Q.4, TP Hồ Chí Minh). Ngày đó, ông M. vay nóng của ông T.D (quê Đắk Lắk) 50 triệu đồng để mở tiệm sửa xe. Tuy nhiên, vừa mở ra thì đại dịch COVID -19 ập tới, tiệm phải đóng cửa. Ông M. không làm ăn gì được, nên không thể trả nợ cho ông D. đúng hẹn. Ban đầu, ông D. cho khất nợ, sau đó thì tính lãi suất hàng tháng. Được hơn một năm, ông D. có việc gia đình cần phải lấy số tiền nhưng ông M. chưa thể trả được. Kỳ kèo mãi, ông D. đã buông lời đe dọa nhiều lần, nếu không trả thì ông sẽ cho người tới tận nhà xử lý.

h1.png -0
Chủ nợ truy sát, chém đứt lìa tay con nợ ở Cà Mau là bạn thân của nhau.

Mặc dù cố gắng vay mượn nhưng sức cùng lực kiệt, ông M. đành chây ì ra, càng khiến ông D. cay cú, điên tiết, cho rằng thái độ của ông M. là coi thường chủ nợ, cố ý thách thức.

Hôm sau, ông D. tới nhà ông M. để đòi nợ và lần này không lấy được tiền sẽ không về. Cuộc cãi vã ngày một lớn, sau đó thì những tiếng mắng chửi, quát tháo ầm ĩ trong căn phòng trọ. Hai người nhảy vào đấm đá nhau. Nhìn thấy chai xăng trong góc nhà, ông D. cầm lên hất vào tay ông M. rồi châm lửa đốt để dằn mặt. Khi ông M. đang tìm cách dập lửa thì ông D. vớ được con dao trong bếp nhà ông M. liền vung lên chém trúng vùng bả vai trái của ông M. Máu tuôn ra, vợ con ông M. la hét cầu cứu hàng xóm.

Sự việc kết thúc khi có người tới can ngăn, ông M. được đưa đi cấp cứu, vết thương rất sâu. Ông M. phải phẫu thuật nối dây chằng vai, nằm viện điều trị bàn tay bị bỏng nặng. Ông M. bị thương tật trên 20%, còn ông D. bị phạt tù treo 24 tháng.

Từ ngày bị thương, ông M. không còn làm nghề xây dựng được nữa. Ông đăng ký làm xe ôm công nghệ, câu chuyện với ông D. là một bài học xương máu, cũng là nỗi khổ mà sau này ông cố gắng làm ăn, sống thật tốt, tránh vay mượn tiền bên ngoài.

Khi chủ nợ là côn đồ -0
Luật sư Nguyễn Thanh Biên.

Những hình thức đòi nợ kiểu khủng bố con nợ, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự không phải là hiếm và có xu hướng xuất hiện nhiều lên trong thời gian qua. Mới đây vào ngày 12/7, xảy ra vụ chém con nợ đứt lìa bàn tay ở Cà Mau. Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Ty (32 tuổi, tạm trú P.7, TP Cà Mau) để điều tra về hành vi giết người.

Theo kết quả điều tra ban đầu, N.V.B (31 tuổi, tạm trú P.8, TP Cà Mau) và Trần Văn Ty là bạn bè thân thiết. Năm 2022, B. nhờ Ty cầm xe của Ty để lấy tiền cho B. mượn. Thương bạn, Ty mang xe đi cầm được 10 triệu đồng và đưa cho B. Đến năm 2023, Ty nhiều lần liên hệ, kêu B. đưa tiền chuộc xe nhưng B. không đưa. Sau đó, Ty mượn tiền của người khác để chuộc xe và B. đồng ý nợ Ty số tiền chuộc xe này.

Từ thời điểm đó đến ngày xảy ra vụ việc, Ty nhiều lần liên lạc đòi tiền nhưng B. không trả mà còn thách thức nên xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến việc Ty chém đứt lìa bàn tay của B. B được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viên Đa khoa Cần Thơ, hiện sức khỏe nạn nhân ổn định.

Trước đó vài ngày, anh Đ.V.T (sinh năm 1981, trú thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) đang ngồi uống cà phê cùng hai người bạn thì đột nhiên có một nhóm 5 nam thanh niên mang theo hung khí xông vào quán đâm, chém anh.

Anh T. bỏ chạy ra ngoài, liền bị nhóm này đuổi chém trúng lưng và nhiều vị trí trên cơ thể. Gây án xong, nhóm này nhanh chóng lên xe ô tô tẩu thoát.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an huyện Đắk Đoa đã vào cuộc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát hình sự của Công an huyện Đắk Đoa đã xác định được nhóm đối tượng gây án và phối hợp với các đơn vị vây bắt thành công Trần Đình Quân (sinh năm 1994), Nguyễn Hữu Toàn (sinh năm 2003), cùng trú tại Hoài Đức, thành phố Hà Nội và Trần Vỹ (sinh năm 2002, trú thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).

Khi chủ nợ là côn đồ -0
Bàn tay của ông M. co quắp sau khi bị bỏng xăng.

Tại Cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, được bà Nguyễn Thị Duyên (sinh năm 1976, trú thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa) thuê đứng tên sang nhượng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng giải quyết nợ nần. Ngoài ra, bà Duyên thuê nhóm này chém anh T. để dằn mặt, nhằm giãn thời gian trả nợ cho anh T. khoản nợ gần 2 tỷ đồng.

Đòi nợ theo kiểu côn đồ, truy sát, tấn công xảy ra nhiều hơn trong thời gian gần đây đều bắt nguồn từ mâu thuẫn không thể giải quyết được giữa đôi bên. Không chỉ chủ nợ tấn công con nợ, mà ngược lại, con nợ cũng uy hiếp, hành hung lại chủ nợ. Điển hình vụ con nợ uy hiếp người phụ nữ mang thai cũng vừa xảy ra tại Long An. Chị Phạm Thị Trúc L. (36 tuổi, ngụ ấp Tân Bình, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho biết, khoảng đầu tháng 6, chị nhận tin nhắn của H.T.H.T (34 tuổi, ngụ ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây) hẹn gặp để giải quyết số tiền 10 triệu đồng đã mượn thời gian dài chưa trả.

Chị L. chạy xe máy tới nơi hẹn ở ngã ba vòng xoay xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa. Lúc này ngoài T. còn có hai phụ nữ khác. Cuộc gặp xảy ra cự cãi, một trong số ba người phụ nữ trên dùng tay nắm tóc kéo và cầm nón bảo hiểm đánh vào đầu chị L.

Chứng kiến vụ việc, chồng chị L. ngăn cản nhưng cũng bị hai phụ nữ chửi bới. Theo chị L. do có quen biết nhau, nên trước đó nạn nhân có vay giùm cho T. số tiền 10 triệu đồng nhưng lấy tiền xong thời gian sau chị này chặn tin nhắn, điện thoại làm chị L. hàng tháng phải trả tiền lãi kéo dài nhiều năm. Chính vì muốn T. trả tiền, vài ngày trước đó vợ chồng nạn nhân đăng tin tìm chị. Biết được sự việc, con nợ hẹn sáng hôm sau đến ngã ba vòng xoay gặp sẽ trả, nhưng không ngờ đây là cái cớ để đánh chủ nợ.

Khi tiền bạc “hóa” thù hận

Đòi nợ mang tính "tự giải quyết với nhau", theo kiểu “xã hội đen” đã gây ảnh hưởng an ninh trật tự tại khu vực, làm bất an cho người dân xung quanh và gây ra nhiều hệ lụy không chỉ cuộc sống, sức khỏe mà còn là danh dự, nhân phẩm con người. Chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của mình, bà Đặng Minh V. (48 tuổi, ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) vẫn không khỏi xót xa. Tuy là nạn nhân, nhưng bà V. cảm thấy mình có lỗi nên mới đẩy sự việc đi quá tầm kiểm soát.

Hơn một năm trước, bà V. vay của người bạn thân là bà Nguyễn Kim P. (50 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) số tiền 100 triệu đồng để kinh doanh. Trước khi vay, bà V. có hứa trong vòng 3 tháng sẽ trả cả lãi và gốc. Nhưng việc kinh doanh gặp khó khăn, bà V. không xoay kịp tiền đã khất nợ với bà P. thêm 3 tháng nữa và cam kết lần này trả dứt điểm. Quá hạn, bà V. vẫn không có trả mà lại hứa. Không còn kiên trì chờ đợi được nữa, bà P. đã chửi bới, lăng mạ bà V., dọa không trả nợ thì “xử đẹp”.

Khi chủ nợ là côn đồ -0
Đối tượng truy sát, hành hung chủ nợ tại Gia Lai bị bắt.

Bà V. nghe bạn mình nói thế cũng nổi giận, thách thức. Lời qua tiếng lại, bà P. đã mang theo một chai axit nhỏ tới nhà bà V. tính sổ. Tại đây, hai người tiếp tục to tiếng, cơn tức lên tới đỉnh điểm, bà P. lấy chai axit ra hất về phía bà V. khiến bà bị phỏng nửa bên mặt, cổ, bả vai và ngực. Bà V. được đưa đi bệnh viện, trải qua hai ca phẫu thuật bóc tách, cấy ghép da, bà được xác định mất 25% sức khỏe. Bà P. cũng phải trả giá bằng án tích trong lý lịch cuộc đời của mình.

Sau vụ việc, bà P. đã xin lỗi và lấy toàn bộ số tiền mà bà V. đã nợ làm chi phí để bà V. có thể đi điều trị, phục hồi lại nhan sắc. “Bà P. day dứt, ân hận, còn tôi thì cũng chẳng còn ra con người nữa. Một bên mặt của tôi chảy xệ, nhăn nhúm, kéo lệch cả con mắt. Tôi phải sống với hình hài này suốt đời. Chỉ vì tiền, vì những giây phút nóng giận mà chúng tôi thành ra nông nỗi này”, bà V. nghẹn ngào bộc bạch. 

Từ vụ án trên, có thể thấy, ranh giới giữa đòi nợ hợp pháp và không hợp pháp là rất mong manh. Chỉ cần một hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực”, làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là đã có dấu hiệu tội phạm. Mặt khác, quan hệ vay nợ thường xuất phát từ sự quen biết, tình thân nên khi giới hạn chịu đựng bị phá vỡ, người cho vay không làm chủ được tinh thần thì tất yếu sẽ xảy ra tranh chấp và đỉnh điểm là “kẻ bị thương, người vướng lao lý”, tình nghĩa đôi ta cũng tan vỡ từ đây.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), để dung hòa giữa việc đòi nợ và trả nợ phải là sự tôn trọng và trách nhiệm giữa đôi bên. Khi không có khả năng trả nợ, cũng đừng nên thách thức hoặc tỏ thái độ, như vậy sẽ vô tình kích thích tâm lý sân hận từ người cho vay, dẫn đến việc đáp trả bằng vũ lực.

Khi gặp chủ nợ hoặc người được ủy quyền có thái độ vượt ngưỡng bình thường, người vay nợ không nên cho họ vào nhà bởi khi đó họ có thể tấn công hoặc bị ép viết thêm giấy nhận nợ. Nếu buộc phải tiếp thì cần mời tổ trưởng hoặc hàng xóm chứng kiến. Cách làm này sẽ giúp người bị đòi nợ hạn chế việc bị chủ nợ có hành vi manh động. Khi bị chủ nợ uy hiếp, tấn công hoặc siết nợ (cưỡng đoạt tài sản), người vay nợ cần trình báo ngay Cơ quan công an nơi gần nhất, đặc biệt hạn chế có lời nói, cử chỉ mang tính kích động.

Nếu người đòi nợ đến gây mất trật tự trị an, tấn công, làm nhục, hủy hoại tài sản hoặc lấy tài sản mang đi, con nợ có quyền làm đơn trình báo ngay tới Cơ quan công an để xem xét trách nhiệm

Về phần chủ nợ, nếu con nợ không trả tiền, chủ nợ có quyền khởi kiện ra tòa án. Nếu con nợ có điều kiện trả nhưng cố tình chây ì hoặc có hành động bỏ trốn, chủ nợ có quyền làm đơn trình báo, yêu cầu cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ngọc Thiện
.
.