Khi cơn sốt đất qua đi

Thứ Hai, 03/10/2022, 11:05

Sốt đất làm biến động cả vùng nông thôn, biến cánh đồng, đồi núi thành những lô thửa được rào chắn, sinh kế người dân cũng theo đó mà thay đổi. Sốt giá đất đem lại giấc mơ thoát nghèo cho nhiều nông dân chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, hệ lụy của nó để lại là ngổn ngang vấn đề, cùng những câu chuyện chua xót nghẹn ngào… 

Vỡ mộng giấc mơ thoát nghèo

Những ngày cuối năm 2021, cơn sốt đất ở Đắk Lắk bắt đầu manh nha và bùng nổ trong vòng 4 tháng đầu năm 2022. Các vùng nông thôn, các buôn làng cho tới ruộng rẫy, “view” sông suối, “view” cánh đồng, hồ nước, núi đồi tất thảy đều được cho lên bảng giá với sức mua bán chóng mặt.

Khi cơn sốt đất qua đi -0
Một khu vực từng nhộn nhịp cảnh mua bán đất tại Đắk Lắk nay trở nên vắng vẻ.

Gia đình ông Hà Văn Sự, ở xã Ea Sa, huyện Ea Ka, Đắk Lắk sở hữu 1,2 ha đất từ những năm 1990. Ngần ấy năm, gia đình ông Sự sống bám trên mảnh đất canh tác cà phê, hồ tiêu, thâm canh xen vụ các loại hoa màu để duy trì cuộc sống. Tuy không dư giả nhưng tạm đủ sống qua mỗi mùa giáp hạt. Đùng một cái, vào tháng 12-2021, có người tới hỏi mua đất nhà ông Sự để làm trang trại. Vì không có ý định bán nên ông từ chối. Sang đầu năm 2022, lại có một nhóm người tới gạ mua đất với giá 1,2 tỷ đồng.

Cả đời ông Sự, chưa bao giờ biết đến số tiền lớn như thế và cũng không thể tưởng tượng được nó là bao nhiêu con số. Vợ chồng ông bắt đầu suy nghĩ. Những ngày sau, liên tục có người từ Đồng Nai, Bình Dương tới hỏi mua, họ trả giá cao để tranh giành và cuối cùng một người ở Đồng Nai chốt với giá 1,5 tỷ đồng, họ “đập” ngay 200 triệu đồng đặt cọc vào mặt ông bà nông dân. Không kìm lòng được, ông Sự quyết định bán, hẹn trong 30 ngày sẽ sang tên đổi chủ. Vào thời điểm đó, đất ở các vùng quê Đắk Lắk bắt đầu sốt cao, “cò vạc” lượn lờ khắp nơi, không chừa một ngóc ngách nào. Sau 30 ngày, ông Sự ra công chứng hồ sơ giao nhà đất và nhận tiền, chủ mới cho gia đình ông ở lại một tháng để tìm nơi ở khác.

Trong thời gian một tháng, ông Sự đi khắp khu vực huyện Ea Ka để tìm mua nhưng không có mảnh nào ưng ý. Giá đất thì cao, số tiền bán đất sau khi trả ngân hàng 300 triệu đồng chỉ còn 1,2 tỷ, nó thực sự không thể mua nổi một miếng đất có nhà như mảnh đất và căn nhà cũ của ông Sự. Sắp tới hẹn phải trả nhà, ông Sự vẫn loay hoay kiếm tìm chỗ ở. Cuối cùng, ông phải sang tận tỉnh Gia Lai để mua một miếng đất có diện tích 3 sào (bằng 1/3 diện tích mảnh đất đã bán) với giá 750 triệu đồng. Về nơi ở mới, gia đình ông bỏ tiền xây dựng nhà cửa, chuồng trại vừa hết số tiền còn lại.

Cuối cùng, tiền hết, đất ít chỉ đủ trồng cỏ nuôi bò, trong khi cần cái ăn hàng ngày thì không có đất để sản xuất, trồng trọt. Gia đình ông Sự lâm cảnh đói, phải đi làm thuê. Con trai ông xuống TP Hồ Chí Minh tìm việc, hiện đang làm công nhân cho xưởng gỗ ở Bình Dương, vợ ông đi buôn ve chai, ông ở nhà chăn nuôi bò. “Đây là lần đầu tiên gia đình tôi phải ly tán đi làm ăn, bao nhiêu năm ở Đắk Lắk chưa từng như thế vì đất đai rộng, trồng và thu hoạch hoa màu quanh năm. Mình nông dân cứ nghĩ tiền tỷ là to nhưng có rồi mới thấy nó quá nhỏ so với thiên hạ. Tiền tỷ trong cơn sốt đất tính ra không làm được gì cả, giờ nghĩ lại chỉ thấy nuối tiếc mà thôi”, ông Sự buồn bã chia sẻ.

Khi cơn sốt đất qua đi -0
Không có đất sản xuất, ông Sự ở nhà nuôi bò.

Cơn sốt đất quét qua, xóm ông Sự nhiều người bán đất và đều trong cảnh dở khóc dở cười. Cũng chỉ vì ước mơ thoát nghèo, thoát nợ ngân hàng mà người nông dân không nghĩ được viễn cảnh sâu xa cùng những hệ lụy phía sau hội chứng “đất tăng huyết áp”.

Gia đình bà Lê Thị Minh Hiền, ở thị trấn Ea Ka có hơn 1.000 m2 đất ở và 5 sào đất rẫy trồng cà phê. Mọi thu nhập của vợ chồng bà Hiền và đứa con đang học lớp 7 chỉ trông chờ vào nguồn thu cà phê, năm được mùa thì no, năm mất mùa thì thiếu hụt chút ít. Cuộc sống bình yên cho đến ngày sốt đất, dân quanh vùng nô nức cắt xẻ đất bán để xây nhà, mua ô tô và đi du lịch, có nhà bán đất được gần 10 tỷ đồng. Số tiền đó chỉ có trong giấc mơ mà thôi, nay thì thành hiện thực. Họ chia của cải cho con cháu, xuống TP Hồ Chí Minh mua chung cư cho con, gia đình phút chốc thành tỷ phú.

Nhưng đấy là những hộ có nhiều đất đai vườn tược, họ có tích lũy từ lâu, nay đất lên giá bán đi một phần. Nghe mà ham, bà Hiền cũng đánh tiếng muốn bán 5 sào cà phê. Bà vừa mở miệng thì giới “cò” đất xung quanh đã chốt luôn giá, đặt cọc luôn để lướt sóng. Nếu như vài năm trước, 5 sào cà phê đất rẫy chỉ có giá trên dưới 200 triệu đồng thì nay được trả tới 750 triệu đồng. Bà Hiền không đắn đo, bán luôn. Cầm số tiền trong tay, hai vợ chồng bàn với nhau xây một căn nhà thật hoành tráng cho bằng thiên hạ.

Ngôi nhà xây xong khang trang và bề thế ngốn hết số tiền 820 triệu đồng, vượt quá so với số tiền bán đất gần 100 triệu đồng. Bà Hiền phải đi vay nóng bên ngoài để hoàn thành cho xong căn nhà. Ngày vào nhà mới cũng là ngày vợ chồng bà Hiền trắng tay, không còn đất sản xuất, ôm thêm cục nợ. Nhìn ngôi nhà thênh thang còn thơm mùi vôi vữa, bà Hiền mới sực tỉnh cơn mê cuồng giàu sang. Không có việc làm, vợ chồng bà Hiền tìm mối đi làm thuê, bữa có bữa không. “Nhà cao cửa rộng nhưng hóa ra thành nghèo đói, đi xin đi vay cũng ngại vì người ta cho rằng mình lừa dối. Tôi phải trốn dân làng đi TP. Hồ Chí Minh làm osin, vài ngày sau chồng cũng xuống làm xe ôm, thằng con trai gửi ông bà nội. Nhà to lớn chưa kịp hưởng thụ đành phải đóng cửa bỏ không để đi ở trọ, làm thuê”, bà Hiền âu sầu kể.

Bi kịch vì đất

Bà Hiền phải đi làm giúp việc gia đình nhưng ít ra vẫn còn một ngôi nhà đàng hoàng để trở về, bi đát cùng cực phải kể đến hoàn cảnh của anh Nguyễn Văn M., 52 tuổi, ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Vì ham giàu, khao khát đổi đời nên anh M. từ một người nông dân trồng tiêu và cà phê bỗng một ngày thành đại gia buôn đất. Vào tháng 4-2022, khi sốt đất vẫn chưa “xì bóng”, anh M. quyết định thế chấp căn nhà và mảnh vườn của gia đình được 1 tỷ đồng đi lướt sóng. Với ưu thế là dân bản địa, anh M. dễ dàng tiếp cận được những mảnh vườn có giá rẻ lại không qua “cò”. Mảnh đầu tiên, anh M. lời ngay được 200 triệu đồng tiền sang cọc, mảnh thứ hai lời đứt 350 triệu. Quá ham với khoản lợi nhuận về đất, anh M. lao vào cuộc tìm kiếm đất và không cần suy nghĩ khi xuống cọc.

Khi cơn sốt đất qua đi -0
Sốt đất qua đi cũng có người xây nhà cao cửa rộng, tậu xe hơi.

Đến lúc ôm 5 mảnh đất, trị giá 1,5 tỷ đồng tiền cọc thì cơn sốt đất dần hạ nhiệt, khách từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thưa dần, đầu ra của anh M. chậm lại. Một tháng sau, đến hẹn thanh toán tiền đất để sang tên thì anh M. ngộp thở vì không có tiền. Cả gia đình, vợ con anh M. đều xắn tay vào để đẩy đất đi, chỉ mong thu hồi vốn nhưng không chạy kịp khi quả bong bóng bất động sản đã nổ tung. Anh M. nuốt nước mắt mất trắng tiền cọc 1,5 tỷ đồng. Vợ con khóc lóc đi tới từng chủ đất năn nỉ xin lại một chút nhưng không phải ai cũng rủ lòng thương trả lại tiền cọc. Sốt đất qua đi, gia đình anh M. vốn thuộc hàng khá giả trong vùng nay trắng tay, ôm thêm khoản nợ 1 tỷ đồng tiền ngân hàng với lãi suất mỗi tháng 12 triệu, nếu không trả được sẽ thành nợ xấu và nguy cơ mất nhà cửa sẽ thành hiện thực.

Vợ chồng anh M. cùng con gái 19 tuổi khăn gói xuống TP Hồ Chí Minh làm công nhân, chỉ mong mỗi tháng đủ tiền đóng lãi suất ngân hàng để níu giữ căn nhà chờ khi nào đất sốt trở lại thì bán đi để trang trải nợ nần. 

Trên khắp các vùng sốt đất ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, những ngôi nhà mới đua nhau mọc lên, xe ô tô đậu ngạo nghễ ngoài cổng. Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ chủ nhân là tỷ phú, đại gia miệt vườn nhưng thực chất lại chua xót đến nghẹn ngào. Không chỉ gia đình bà Hiền, anh M. phải bỏ xứ đi làm xa, mà nhiều gia đình khác cũng lâm cảnh thất nghiệp, nợ nần thậm chí bị lừa đảo vì cơn lốc sốt đất. Trước tình hình trên, chính quyền một số địa phương đã phải vào cuộc, lập ban chỉ đạo đi điều tra thu thập dữ liệu thông tin về công tác quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng.

Ông Đặng Văn Hoan - Chủ tịch UBND xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Thời gian gầy đây, thị trường đất đai trên địa bàn xã có nhiều biến động, giá đất tăng chóng mặt. Nhờ giá đất tăng cao, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã quyết định bán đi một phần đất, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số để có điều kiện trả nợ, có vốn đầu tư trang trải cuộc sống, hoặc đầu tư mua đất nơi khác để canh tác. Cũng từ đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự sôi động của thị trường bất động sản để tiến hành những thủ đoạn lừa gạt, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, mù chữ cũng như sự thiếu hiểu biết pháp luật của đồng bào để lừa lấy toàn bộ đất thổ cư trong quá trình buôn bán, sang nhượng đất đai”. Và rồi, khi “cò” đất vắng bóng, người mua bỏ chạy chỉ còn lại người nông dân khóc ròng trên mảnh đất trắng xóa, vướng đầy rắc rối về thủ tục pháp lý. 

Ngoài những hệ lụy về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân thì hệ sinh thái cũng đang phải trả giá từng ngày cho cơn sốt giá đất tàn nhẫn quét qua các vùng đồi núi, thôn quê. Không chỉ đất đai nông nghiệp mà nhiều cánh rừng ở cao nguyên đứng trước nguy cơ bị gặm mòn, xóa sổ bởi sự xâm lấn, khai thác một cách tùy tiện. Những vụ xử lý phá rừng nguyên sinh, đồi thông ở các tỉnh Tây Nguyên gần đây thường được phát hiện khi cây đã đổ, đồi đã trọc...

Khi cơn sốt đất qua đi -0
Tiến sĩ Lê Văn Tuấn.

Tiến sĩ, Nhà khoa học Lê Văn Tuấn –Trung tâm UNESCO Khoa học nhân văn và Cộng đồng nhận định: “Tâm lý chạy theo “huyết áp đất đai” chi phối đến mục đích đời sống của một thế hệ trẻ ở nông thôn. Con cái của nhiều gia đình đã rơi vào vòng xoáy đua đòi, thậm chí bỏ bê việc học hành bởi ỷ lại vào tiền bạc mà mảnh vườn, thửa đất gia đình cho kế thừa. Tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các bậc cha mẹ than khóc rằng, từ ngày bán mảnh vườn, mua được chiếc xe ô tô thì con cái của họ không còn ngoan hiền như xưa nữa. Chúng ngạo nghễ với thiên hạ và coi thường những mối quan hệ bạn bè xưa kia, có đứa lên thành phố dính vào tệ nạn xã hội. Chưa hết, nhiều cuộc tan vỡ gia đình liên quan đất đai xảy ra khi tiền bạc từ đất đai thổi bùng sự thực dụng, tham lam và bất chấp luân thường đạo lý…”.

Ngọc Thiện
.
.