Khi đầu tư công là “miếng bánh” béo bở
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ liên quan đến sai phạm xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC đang diễn ra. Tại phiên xét xử, từ lời khai của các cựu quan chức tỉnh Đồng Nai và những lãnh đạo Công ty AIC, những thuộc cấp của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, những người đại diện “quân xanh” “quân đỏ”, các tư vấn đầu tư, công ty thẩm định giá, đã thể hiện mưu đồ “thâu tóm” gói thầu của các bị cáo.
Hành vi của các nhóm bị cáo được phối kết hợp “trơn tru”, nhịp nhàng, mỗi vai trò, vị trí là một mắt xích khớp nối thành một dây chuyền khép kín. Họ đã biến Dự án đầu tư bệnh viện đa khoa thành “miếng bánh” để chia phần, cùng hưởng lợi, cùng bòn rút, ăn chia tiền của Nhà nước.
Biến các buổi giao lưu thành dịp làm ăn
36 bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử, trong đó có Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn; cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái. Các bị cáo bị cáo buộc có hành vi “thâu tóm” 16 gói thầu, tổng giá trị 665,7 tỉ đồng, gây thiệt hại của Nhà nước 152 tỉ đồng.
Trả lời xét hỏi tại phiên tòa, các bị cáo Trần Đình Thành; Đinh Quốc Thái; Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai); Bồ Ngọc Thu (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư), thừa nhận quen biết và nhiều lần gặp gỡ với các bị cáo đại diện Công ty AIC gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Trần Mạnh Hà; Hoàng Thị Thúy Nga. Trong các buổi gặp thì đều có chia sẻ về các gói thầu liên quan đến Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Bị cáo Trần Đình Thành khai nhận có mối quan hệ quen biết và thân tình với Nhàn. Khi còn là Đại biểu Quốc hội, mỗi lần Thành ra Hà Nội họp đều có gặp gỡ Nhàn, khi thì gặp trong các buổi tiệc giao lưu xã giao giữa các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn với các đại biểu Quốc hội, khi đã thân tình thì Thành được mời đến công ty của Nhàn tham quan, giao lưu.
Thành thừa nhận mối quan hệ càng thân tình khi Nhàn biết đến Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai đang được đầu tư và xây dựng. Trong các buổi giao lưu, Nhàn ngỏ ý muốn mở rộng công việc kinh doanh tại tỉnh Đồng Nai nên nhờ Thành hỗ trợ. Vì vậy Thành đã giới thiệu Nhàn với các bị cáo Thái, Vũ, Thu với mục đích để các bị cáo khác “tạo điều kiện” thuận lợi cho Công ty của Nhàn tham gia đấu thầu.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Trần Đình Thành thành khẩn khai lại cuộc gặp giữa các bị cáo Thành, Nhàn và Nga (phó Tổng giám đốc AIC) tại nhà hàng Nhã Viên Quán năm 2010, khi dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được bổ sung vốn mua thiết bị. Theo đề xuất từ Nga, bị cáo gọi Phan Huy Anh Vũ cùng ăn cơm. Tại bữa cơm ở nhà hàng, Nhàn và Nga đề xuất với lãnh đạo tỉnh về việc muốn tham gia dự thầu để buôn bán thiết bị cho bệnh viện.
Cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai khai nhận: “Ở Nhã Viên Quán, Nga nói trước mặt tôi và Vũ là AIC muốn tham gia các gói thầu thiết bị y tế. Tôi có nói với Vũ là AIC là công ty lớn, anh tạo điều kiện thuận lợi cho AIC tham gia dự thầu vào các gói thầu thiết bị y tế của dự án. Anh Vũ tiếp nhận ý kiến, hiểu AIC là chỗ quen biết của tôi và họ muốn trúng thầu”.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ xác nhận lời khai của ông Trần Đình Thành là sự thật. Trước đó Vũ từng khai: “Đồng chí bí thư theo dõi đặc biệt quá trình AIC tham gia đấu thầu dự án, đã nhắc nhở nhiều lần. Ví dụ thời điểm trước khi đấu thầu, Nhàn có gặp tôi làm việc đề nghị tạo điều kiện cho AIC tham gia trúng thầu, tôi có nói với Nhàn, AIC nếu tham gia gói thầu nào thì tham gia, không bán thầu cho đơn vị khác. Lúc đó, Nhàn không nói gì nhưng hôm sau anh Thành gọi cho tôi nhắc nhở tại sao nói Nhàn như vậy". Vũ đánh giá, "khi đó nghĩ đã làm AIC phật ý". Đồng thời, Vũ cũng “phân trần”, Vũ từng nhận được cuộc điện thoại từ Bí thư yêu cầu mua giường bệnh Paramount của Nhật Bản. Đây là thiết bị Công ty AIC cung cấp độc quyền. Thời điểm ấy không muốn mua loại giường trên vì giá cao, định dùng hàng Việt sản xuất tại Đồng Nai. Tuy nhiên sau đó ông Thành gọi cho Vũ nói "giường Nhật đắt nhưng bền". Vũ còn khẳng định, AIC có báo cáo với anh Thành theo “kịch bản” các gói thầu AIC tham gia trúng thầu hoặc chỉ định công ty khác trúng như TNT, BMS, Thành An, anh Thành đều biết rõ.
Tiếp lời bị cáo Vũ, bị cáo Thái và Thu đều khẳng định có gặp gỡ và quen biết Nhàn và Nga qua giới thiệu của Thành, sau đó gặp gỡ và giao lưu tại các buổi tiếp đón, giao lưu giữa các Sở, Ban ngành tỉnh Đồng Nai với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Tại các buổi giao lưu dù các bị cáo không trao đổi về các gói thầu liên quan đến Dự án tại bệnh viện, nhưng tất cả đều hiểu và nhận định được việc “gửi gắm” Công ty AIC của bị cáo Thành nên tạo điều kiện và nhiều lần đáp ứng những yêu cầu của Nhàn và Nga cho phù hợp với mặt hàng, thiết bị mà Công ty AIC đang được độc quyền cung cấp.
Từ một mối quan tâm chung về dự án bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC được “ưu ái” thì các quan chức, các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng không thua thiệt, đã nhận về những món tiền hối lộ “kếch sù”. Việc đưa, nhận hối lộ dưới danh nghĩa “quà cáp” trong các dịp lễ, tết, những ngày đặc biệt diễn ra trong suốt hơn 10 năm. Cựu Bí thư và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã nhận được tổng cộng số tiền 14,5 tỉ đồng cho mỗi người. Cựu giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nhận hối lộ 6 lần, tổng cộng 14,8 tỉ đồng. Bị cáo Thu nhận được 1 tỉ đồng vì đã nhiều lần “xử lý” quy trình đầu tư Dự án và quy trình đấu thầu để có lợi cho doanh nghiệp của Nhàn.
Lập “hệ sinh thái” thâu tóm thầu để hưởng lợi
Theo cáo trạng, ngoài Công ty AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn thành lập, chỉ đạo nhóm các công ty thuộc hệ sinh thái AIC để làm "quân xanh" trong đấu thầu, gồm Công ty MOPHA do bố đẻ của bà Nhàn đứng tên thành lập và bà Nhàn chiếm 70% cổ phần; Công ty CP Thiết bị y tế và Môi trường do cháu ruột của bà Nhàn làm tổng giám đốc; Công ty CP tư vấn Công nghệ cao. Bà Nhàn còn thuê một số công ty để làm "quân xanh" dự thầu như Công ty TNT, Công ty Thành An Hà Nội, Công ty TNHH trang thiết bị y tế BMS, Công ty Nha khoa Việt Tiên, Công ty Tâm Hợp…
Bị cáo Lê Thị Bích Thủy - giám đốc Công ty TNT khai, nhận lời Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm "quân xanh" cho AIC tham gia đấu thầu với mục đích bán thiết bị vào dự án. Tổng số gói thầu bị cáo đã tham gia làm "quân xanh" cho AIC tại Đồng Nai là 11 gói, trong đó có 1 gói công ty của bị cáo đứng tên chính. Thủy cũng khai nhận, đại diện TNT ký 3 hợp đồng bán 22 thiết bị cho AIC để cung cấp vào dự án, hưởng lợi hơn 3,5 tỉ đồng.
Bị cáo Huỳnh Tuấn Anh, giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân khai thực hiện hành vi thông thầu với AIC của Nhàn để được bán thiết bị cho dự án. Bị cáo Tuấn Anh thừa nhận đã ký 12 báo giá và nhờ người khác ký một báo giá theo bảng mà nhân viên của AIC đã lập sẵn. Những bảng báo giá này tiếp tục được AIC mang đến công ty thẩm định giá làm căn cứ đưa ra chứng thư thẩm định theo mức giá đã được Nhàn ấn định sẵn. Sau khi AIC trúng thầu, công ty của Tuấn Anh được bán ba thiết bị vào dự án, thu lợi nhuận hơn 600 triệu đồng.
Không chỉ chi tiền cho lãnh đạo, bố trí "quân xanh", Nhàn còn giới thiệu cả đơn vị tư vấn cho địa phương để dễ dàng thông đồng, thông thầu. Cụ thể, Nhàn đã giới thiệu bị cáo Nguyễn Thị Dung - giám đốc Công ty Mediconsult - để Phan Huy Anh Vũ chỉ định thầu và ký hợp đồng với đơn vị này thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế. Nhàn còn chỉ đạo nhân viên phối hợp với Công ty Mediconsult làm việc với bệnh viện để "thống nhất" đề xuất danh mục thiết bị y tế. Nhân viên AIC còn thu thập báo giá gửi cho công ty này để tư vấn cho chủ đầu tư. Bị cáo Nguyễn Thị Dung còn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ theo ý của chủ đầu tư.
Bị cáo Dung khai đã chỉ đạo Vũ Quang Ngọc (cấp dưới) làm hồ sơ cho Bệnh viện Đồng Nai theo hướng tiết kiệm nhưng bị "chủ đầu tư điều khiển quá giới hạn". Bị cáo Ngọc khai quá trình làm việc đã "báo cáo cô Dung việc xây dựng cấu hình kỹ thuật phụ thuộc vào sự lựa chọn của chủ đầu tư và phía Công ty AIC". Bị cáo Ngọc còn nhận tài liệu hàng hóa của AIC rồi soạn hồ sơ thầu theo hướng của AIC để AIC và bệnh viện thông đồng trong cung cấp cấu hình kỹ thuật và giá thiết bị để trình UBND tỉnh phê duyệt. Khi thực hiện công việc, Công ty Mediconsult được hưởng lợi nhuận từ hợp đồng tư vấn.
Diễn biến của vụ án cho tới thời điểm này có thể khẳng định vai trò chủ mưu, cầm đầu và “bao trùm” của Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Khi Nhàn đã nhìn nhận Dự án bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai là “miếng bánh” béo bở, bị cáo đã tìm mọi cách, chỉ đạo và điều khiển từng khâu để thâu tóm, và khi có lợi, Nhàn cũng chính là người chia phần cho từng người, từng khâu, sau đó ôm lợi nhuận “kếch sù”, để lại thiệt hại hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước.
Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai được phê duyệt năm 2007, tổng vốn đầu tư 889,4 tỷ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh, Dự án có tổng vốn đầu tư 2.076,6 tỉ đồng. Quá trình thực hiện Dự án, UBND tỉnh ban hành 4 quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu đối với 70 gói thầu; trong đó có 9 gói thầu thiết bị kèm theo xây lắp, 17 gói thầu thiết bị y tế chuyên môn. Thực tế, Dự án được phân chia thành 123 gói thầu, có 53 gói thầu không có quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu của UBND tỉnh. Trong số 26 gói thầu được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt kế hoạch đấu thầu, Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng thầu toàn bộ 16 gói thầu, tổng giá trị hơn 665 tỉ đồng, gây thiệt hại 152 tỉ đồng.