Khi giới đầu cơ “sấp mặt” với tiền điện tử: Những cái bẫy chực chờ

Thứ Hai, 24/04/2023, 14:10

Có thể nói, Bitcoin (BTC) nói riêng và các loại tiền điện tử nói chung luôn có "ma lực" khó cưỡng đối với giới đầu cơ, các nhà đầu tư mạo hiểm. Tại Việt Nam, số lượng các nhà đầu tư tham gia thị trường ngày một tăng, song không ít người lại thiếu kiến thức cả về thị trường cũng như bảo mật.

Thời gian qua thị trường chứng kiến hàng loạt các vụ hack tài khoản, hack ví và cuỗm sạch tiền trong "phút mốt" mà không thể tìm được kẻ gian.

Một phút lơ đễnh - bay ngay tiền tỷ

Tham gia đào coin cũng như đầu cơ nhiều loại tiền kỹ thuật số từ thời điểm sơ khai, Ngọc Anh (quê Hải Phòng) thường xuyên nhận được những lời kêu cứu từ những "newbie" (người mới) trong giới. Và ngay chính Ngọc Anh cũng từng dính một cú lừa đau.

1.jpeg -0
Các coin thủ chuẩn bị trading

Đó là thời điểm cậu ta mới "buôn" coin được vài tháng. Nhận thấy việc đào coin tốn nhiều thời gian, công sức khi phải dựng dàn máy, canh 24/24 giờ và rất tốn tiền điện, Ngọc Anh nghĩ đến việc "trading" khi mua vào với giá thấp, bán giá cao. Sau một vài thương vụ thành công với tỷ suất lợi nhuận lên đến 50%, Ngọc Anh dốc túi dự định gom một lượng lớn. Sau nhiều ngày lượn lờ các forum rao bán BTC, Ngọc Anh thấy có một người rao với giá rất cạnh tranh, giá rẻ hơn thị trường 5-7%.

Nói chuyện với thanh niên kia, anh ta cho biết sở dĩ phải bán nhanh giá rẻ là để lo tiền cho vợ đi chữa bệnh khó sinh. Cả hai hẹn nhau ở một quán cà phê để giao dịch. Sau khi chốt giá, Ngọc Anh chuyển số tiền cả tỷ đồng cho đối tượng. Thanh niên kia cũng đưa cho Ngọc Anh xem hình ảnh giao dịch thành công. Tuy nhiên chờ mãi mà không thấy ví mình "nhảy số", Ngọc Anh liền đòi lại tiền. Đối tượng cho biết khả năng sàn giao dịch đang bị lỗi nên lệnh bị "delay", và bảo phải về nhà anh ta check lại trên máy tính xem bị nghẽn ở đâu. Ngọc Anh đồng ý và gọi xe taxi để cùng thanh niên kia về nhà hắn. Tuy nhiên, khi về gần địa chỉ nhà của đối tượng thì gã bất ngờ bung cửa xe chạy trốn.

Còn “coin thủ” tên Phan Thắng bị mất số Bitcoin trị giá hơn 50.000 USD sau khi nhấp vào liên kết gắn trong email mạo danh một sàn giao dịch tiền số. "Tôi nhận được email thông báo tài khoản đang thực hiện giao dịch trên sàn. Email cũng đính kèm hai liên kết với yêu cầu xác thực giao dịch hoặc từ chối. Nhưng sau khi nhấp vào liên kết từ chối, một tin nhắn SMS gửi về số điện thoại, báo đã giao dịch thành công số tiền 55.000 USDT (loại tiền điện tử có giá trị tương đương USD). Khi vào tài khoản, đã không còn đồng nào trong đó" - Thắng cay đắng cho biết.

Cũng theo Thắng, tài khoản sàn giao dịch đã cài đặt xác thực bốn bước, bao gồm mật khẩu, mã xác thực qua SMS, email và Google Authenticator nhưng vẫn bị mất tiền. Tuy nhiên, anh thừa nhận đã nóng vội và truy cập vào liên kết với tên miền lạ mà không lường trước nguy cơ bị lừa đảo.

Bên cạnh đó một cái bẫy giăng sẵn là ở sàn Pancake Swap. Coin thủ thường truy cập sàn này bằng cách gõ từ "pancake" trên trình duyệt, sau đó bấm vào kết quả trên trang tìm kiếm. "Các lần trước đó, đường link đầu của Google Search đều chỉ tới trang Pancake Swap thật. Thế nhưng, một ngày click nhầm vào website đầu tiên trên Google mà không để ý đó là "pancakeswop" - một trang giả mạo. Sau khi kết nối ví, toàn bộ số tiền trong đó đã bị lấy đi" - coin thủ tên Hùng chia sẻ.

Bài 1: Những cái bẫy chực chờ -0
Nhà đầu cơ tiền điện tử phải đối mặt với nhiều rủi ro

Có một thực tế là số lượng trong giới đầu cơ tiền điện tử ở Việt Nam dường như có dấu hiệu càng ngày càng tăng. Theo "Báo cáo thị trường crypto Việt Nam 2022" được Coin98 (một sàn giao dịch tiền kỹ thuật số nổi tiếng) phát hành vào tháng 2/2023, Việt Nam có tỷ lệ người nắm giữ tiền điện tử lớn thứ 2 ASEAN sau Thái Lan và là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain (công nghệ chuỗi khối - chuyên dành cho lĩnh vực tiền kỹ thuật số). Dù vậy, các nhà đầu cơ luôn phải đối mặt với những rủi ro bởi sự thiếu hiểu biết của mình.

Nhờ lấy lại tiền, lại bị mất thêm

Với một bộ phận coin thủ, khi giao dịch mua bán nhưng không may gửi nhầm, hoặc bị mất đi một phần tài sản mà không biết vì sao, họ thường chỉ biết lên các diễn đàn để nhờ "dân chuyên" giúp lấy lại. Song đã có nhiều trường hợp bị cướp nốt số tiền còn lại.

Nhà đầu tư Hoàng Anh có tài khoản hơn 10.000 USD nhờ việc thu thập qua game, song đã bị mất một nửa sau khi chuyển nhầm lên sàn Binance. Do sàn này chưa hỗ trợ loại tiền số đó, Hoàng Anh không thể lấy lại. "Trong lúc lo lắng, tôi đã đăng thông tin cầu cứu vào một nhóm trên Facebook", Hoàng Anh kể.

Sau đó đối tượng có nickname Hung Nguyen đã chủ động nhắn tin riêng cho chị, nói có thể lấy lại số token với điều kiện trả công 1.000 USD. Kiểm tra trang cá nhân của người này và "cảm thấy uy tín", Hoàng Anh đồng ý. Nhưng để chắc chắn hơn, chị yêu cầu người này cung cấp số điện thoại, ảnh căn cước công dân và thông tin nơi ở. "Khi vừa giao mã khóa ví 12 ký tự, tôi có cảm giác bất an vì trong ví còn hơn 5.000 USD tiền số. Nhưng vì tin tưởng đang nắm nhiều thông tin của người đó, tôi nghĩ sẽ không sao", chị Hoàng Anh kể.

Thế nhưng, sau khi đợi 15 phút không thấy phản hồi, chị vào Facebook để nhắn tin hỏi nhưng tài khoản không còn tồn tại, mọi tin nhắn người này đã gửi cũng bị xóa. Gọi vào số điện thoại được cung cấp, chị nhận thông báo không liên lạc được. Cuối cùng, chị đăng nhập vào ví, nhưng toàn bộ số tiền còn lại đã mất.

Bài 1: Những cái bẫy chực chờ -0
Trần Văn Luật đã lừa đảo chiếm đoạt 5 tỷ đồng của hai nhà đầu cơ tiền điện tử Bitcoin

Theo một số người hiểu biết về tiền kỹ số cảnh báo, chiêu lừa trợ giúp không mới. Kẻ gian thường nhắm mục tiêu là những người ít hiểu biết về giao dịch tiền điện tử và từng giao dịch thất bại. Chúng tìm kiếm các chia sẻ trên mạng xã hội, sau đó nhắn tin trực tiếp đề nghị giúp đỡ, dụ nạn nhân đưa mật khẩu ví, tài khoản hoặc lừa bấm vào liên kết lạ chứa mã độc.

Người chơi tiền số được khuyến cáo không nên tin theo các dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền trên mạng vì thường là lừa đảo. Họ nên giữ kín cụm mã khóa ví bằng cách viết ra giấy hoặc cất giữ ở USB thay vì lưu trên nền tảng trực tuyến và không cung cấp cho bất kỳ ai.

Thế Phong, một người có nhiều năm kinh nghiệm về blockchain và tiền điện tử, cho rằng nếu tiền số bị mất, khả năng lấy lại gần như không thể do tính chất ẩn danh, phi tập trung của loại tiền này. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng không can thiệp do tiền điện tử là lĩnh vực chưa được pháp luật công nhận và bảo vệ. Ông cũng khuyên người dùng không nên tìm đến các dịch vụ lấy lại tiền trên mạng, vì thường là lừa đảo.

Cũng theo vị này, người dùng không nên gom tất cả token vào một ví, thay vào đó chia thành nhiều ví nhỏ hơn để tránh bị mất hết token cùng lúc nếu chẳng may ví bị tấn công. Ngoài ra, người chơi tiền số nên giữ kín cụm từ mã khóa ví (thường 12 hoặc 24 chữ) bằng cách viết ra giấy hoặc cất giữ ở USB thay vì lưu trên các nền tảng trực tuyến, bật các phương thức xác thực nhiều lớp nhất có thể và tránh truy cập các liên kết lạ.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu blockchain Chainalysis đầu 2022, tổn thất do tội phạm liên quan đến tiền số lên đến 14 tỷ USD năm 2021, tăng 79% so với 2020, chủ yếu do hành vi trộm cắp và lừa đảo nhằm vào cá nhân và doanh nghiệp sở hữu tiền số. Riêng với cá nhân, hai trong số các chiêu lừa phổ biến là phishing và "rút thảm".

Còn theo Fortunes, ngày càng nhiều trò lừa đảo tiền số theo hình thức phishing được ghi nhận. Hồi tháng 12, tài khoản Reddit PowerofTheGods cho biết đã mất 120.000 USD từ cả ví "nóng" và ví "lạnh" sau khi nhấp vào một liên kết đáng ngờ. Người này cho biết đã đầu tư vào tiền số từ 2016. Số token được anh chia thành 5 phần, với 80% nằm trong ví "lạnh" Ledger Nano S và còn lại trên bốn ví Metamask.

"Tôi nhìn vào các số 0 trên tài khoản và thực sự không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi chỉ cắm ví Ledger một lần duy nhất để kiểm tra tài khoản, nhưng toàn bộ số tiền không cánh mà bay", người này chia sẻ trên Reddit. Anh này sau đó đã nhớ lại rằng mình có truy cập một website lạ và nhấp vào một liên kết độc hại trong khi lướt web. Tuy nhiên, anh không nghĩ rằng nó có thể chiếm tất cả tiền số, nhất là với ví "lạnh" vì độ bảo mật của nó cao hơn.

Một chuyên gia bảo mật sau đó xem xét máy tính của PowerofTheGods và nhận thấy rằng một trojan (phần mềm gián điệp) đã kiểm soát trình duyệt, ghi nhận mọi thao tác trên bàn phím. Theo chuyên gia này, rất có thể các cụm khóa bảo mật của ví đã bị lộ và bị đánh cắp. Bài viết của PowerofTheGods nhận sự chú ý lớn. Dưới phần bình luận, một số tài khoản cho biết họ cũng mất từ vài chục nghìn USD tới hàng trăm nghìn USD do bất cẩn khi duyệt web hoặc nhấp vào liên kết trong email. Chẳng hạn, tài khoản TomKim1965 nói rằng mình từng mất tiền số trị giá 100.000 USD năm 2017 cũng do truy cập vào liên kết lạ. Người này ước tính hiện số tiền đạt giá trị hơn một triệu USD...

15 năm tù cho đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 5 tỷ đồng liên quan tiền kỹ thuật số

Tháng 3/2023, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử với bị cáo Trần Văn Luật (sinh năm 1993, thường trú tại Bắc Giang) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, do cần tiền tiêu và trả nợ nên Luật nghĩ ra mánh khóe lừa đảo bán BTC. Ban đầu, đối tượng quảng cáo rằng mình có nguồn tiền kỹ thuật số dồi dào, sẽ chiết khấu 7% đối với người mua. Với những giao dịch nhỏ lẻ, Luật chấp nhận mất 7% chiết khấu bằng cách tự bỏ tiền ra trả cho khách. Đến khi có khách mua giao dịch lớn, Luật mới bắt đầu "ra tay".

Khi thấy anh V.A (sinh năm 1993) và anh N. (sinh năm 1980, cùng trú tại TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề mua số lượng lớn (40 BTC), Luật hẹn hai người này ra một quán cafe tại Hà Nội để giao dịch. Sau khi hai nạn nhân chuyển số tiền hơn 5 tỷ đồng, Luật đưa ra hình ảnh giả mạo đã chuyển 40 BTC vào ví điện tử của anh V.A.

Tuy nhiên, anh V.A chưa thấy BTC về ví điện tử nên yêu cầu giữ Luật lại quán cafe, đợi khi nào thấy tiền ảo vào ví thì mới đi. Sau khi Luật viện ra nhiều lý do, anh V.A và anh N. yêu cầu Luật cung cấp mã giao dịch để kiểm chứng trên hệ thống.

Luật nói phải về công ty ở tòa nhà The Pride (La Khê, Hà Đông) thì mới lấy được mã giao dịch. Anh V.A và anh N. đồng ý cùng Luật đi taxi đến tòa nhà The Pride. Lợi dụng lúc hai nạn nhân không chú ý, Luật đã bỏ chạy và trốn thẳng về thành phố Nam Định.

Tại đây, Luật lấy 5 tỷ đồng vừa lừa đảo được để tiêu xài, mua điện thoại đắt tiền cho mình và cho bạn, đem tiền trả nợ cho nhiều người... Đến khi bị công an bắt ở Bắc Giang vài ngày sau đó, Luật chỉ còn chưa đến 100 triệu đồng.

Trần Văn Luật đã bị HĐXX tuyên phạt mức án 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(Còn tiếp)

Yên Chi
.
.