Khi những kẻ “vô công rồi nghề” kiếm sống bằng… sản xuất giấy tờ giả

Thứ Tư, 12/10/2022, 21:43

Công an TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá hai đường dây chuyên làm giả các loại giấy tờ tùy thân, bằng cấp, sổ đỏ nhà đất do hai đối tượng Nguyễn Văn Thái (SN 1982, tại tỉnh Quảng Nam) và Nguyễn Văn Duy (SN 1981, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu.

Khám xét nơi các đối tượng thuê trọ và làm nơi sản xuất, cơ quan chức năng thu giữ nhiều máy móc, thiết bị như CPU máy tính, máy in, phôi CCCD gắn chip, bằng cấp các loại, giấy tờ đất và nhiều con dấu giả của các cơ quan tổ chức.

Nhóm “kỹ sư IT” có biểu hiện bất minh

Đầu tháng 9/2022, các trinh sát phát hiện một nhóm đối tượng có dấu hiệu nghi vấn khi nhóm này thường xuyên lui tới một khu nhà trọ ở phường Linh Trung, mỗi lần đối tượng thường quan sát trước sau xem có ai để ý không mới đi vào dãy trọ hoặc tăng ga phóng thật nhanh ra đường lớn đến các địa điểm ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương giao những gói hàng nhỏ, nhận tiền rồi lại hối hả quay về.

Bằng những biện pháp nghiệp vụ, trinh sát nhanh chóng xác định những gói hàng hóa ấy chính là giấy CCCD, bằng cấp các loại và cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Nhân thân các đối tượng được nhanh chóng làm rõ, gồm: Nguyễn Văn Thái (SN 1992, tại tỉnh Quảng Nam), Võ Văn Tư (SN 1988, tại tỉnh Quảng Ngãi) và Phạm Văn Triều (SN 1982, tại tỉnh Bạc Liêu).

Khi những kẻ “vô công rồi nghề” kiếm sống bằng… sản xuất giấy tờ giả -0
Thu giữ CPU máy tính chứa dữ liệu làm giấy tờ giả tại phòng trọ của Nguyễn Văn Duy.

Đang theo dõi nhóm của Thái thì các trinh sát lại phát hiện một nhóm thanh niên khác thuê trọ ở gần đó cũng có dấu hiệu về hoạt động sản xuất giấy tờ giả. Phối hợp nhanh với công an địa phương, trinh sát nhanh chóng có trong tay bản danh sách, đó là Nguyễn Văn Duy (SN 1991, ngụ Gò Vấp) và Phạm Duy Linh (SN 2000, tại tỉnh Bình Định). Qua tìm hiểu thực tế từ những hộ dân xung quanh cho thấy, nhóm thanh niên này giới thiệu là hành nghề IT tự do, chuyên lập trình, cài đặt phần mềm máy tính theo đơn đặt hàng, nhưng thực chất các hoạt động của nhóm đều hết sức bí ẩn, luôn đóng kín cửa bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng nên không ai có thể nhìn thấy bên trong giống như những phòng trọ khác.

Qua xác minh nhân thân, phát hiện Duy từng có thời gian hoạt động cho vay nặng lãi ở địa bàn huyện Nhà Bè và các quận huyện lân cận. Chỉ đến khi Duy trực tiếp chỉ đạo đám đàn em bắt một con nợ về nhốt ở phòng trọ khống chế buộc phải liên hệ với gia đình vay mượn tiền đem đến trả cả vốn lẫn lãi thì Công an huyện Nhà Bè đã khởi tố nhóm này nhưng Duy nhanh chân trốn thoát khỏi địa phương nên đã bị phát lệnh truy nã.

Ngày 28/9/2022, Ban chỉ huy Công an TP Thủ Đức quyết định thành lập các tổ công tác ập vào căn phòng trọ tại phường Linh Trung (nơi Duy thuê).

Khi những kẻ “vô công rồi nghề” kiếm sống bằng… sản xuất giấy tờ giả -0
Nhóm đối tượng Thái, Tư, Triều.

Tại thời điểm kiểm tra, các trinh sát bắt quả tang Nguyễn Văn Duy cùng các đối tượng đang in CCCD và bằng tốt nghiệp đại học giả. Khám xét khẩn cấp thu giữ đầu CPU máy tính, máy in màu, nhiều phôi CCCD, phôi bằng cấp các loại, phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rất nhiều con dấu giả những cơ quan, tổ chức.

Tiếp đó, rạng sáng ngày 29/9/2022, tổ công tác thứ hai phát hiện nhóm của Thái trở về phòng trọ, các trinh sát bất ngờ ập vào thực hiện kiểm tra hành chính. Bị đột kích bất ngờ, Thái, Triều, Tư không kịp phản ứng. Tại thời điểm trên, Cơ quan công an thu giữ bộ CPU máy tính, bên trong có chứa nhiều dữ liệu liên quan đến hoạt động sản xuất các loại giấy tờ giả, máy in, một số CCCD và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả đã được in tên người đặt hàng cùng rất nhiều phôi của các loại giấy tờ trên.

Làm giấy tờ giả để có tiền ăn chơi

Nguyễn Văn Thái khai nhận, do cùng quê nên cách đây vài năm, khi gặp nhau trong bữa tiệc sinh nhật của một người bạn, Thái và Võ Văn Tư đã nhanh chóng bắt sóng rồi kết thành bạn bè thân thiết. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, Thái rủ Tư ở thuê chung phòng trọ trên phường Linh Trung, TP Thủ Đức.

Khi những kẻ “vô công rồi nghề” kiếm sống bằng… sản xuất giấy tờ giả -0
Nhóm đối tượng Duy, Nam, Linh.

Lúc đầu khi Thái đang có công việc ổn định, còn Tư cũng đang làm quản lý mạng cho một công ty công nghệ thì cả hai thường xuyên tổ chức ăn nhậu, hút hít, nhưng sau dịch, chỉ còn một mình Tư làm bán thời gian nên chi phí cho cả hai càng eo hẹp. Thời gian rảnh rỗi nằm phòng trọ, Thái thường lướt mạng để giết thời gian và phát hiện thấy nhiều người đang có nhu cầu làm giả các loại giấy tờ, đặc biệt là đám đối tượng từng có tiền án, tiền sự đang nằm trong tầm ngắm của công an, rất khát CCCD gắn chip giả để hoán đổi thân phận nên Thái đã bàn với Tư làm giấy tờ giả để kiếm tiền.

Do Tư giỏi về công nghệ nên Thái giao cho việc tìm mua máy móc thiết bị mang về lắp đặt rồi lên mạng tải những mẫu CCCD, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe mô tô và nhiều loại bằng cấp mang thiết kế lại cho sắc sảo rồi tìm người đặt in phôi.

Riêng Thái chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng bằng nhiều kênh khác nhau, nhưng chủ yếu là tạo một trang quảng cáo trên mạng xã hội để thu hút khách hàng và sau khi xong thành phẩm thì mang giao tận nơi cho khách với giá được cả hai thống nhất giao động từ 500 ngàn - 2 triệu đồng/giấy tùy loại.

Về con dấu đóng trên các loại giấy tờ giả, Thái lên mạng xã hội tìm kiếm và đặt mua của một đối tượng không rõ danh tính cũng ở TP Thủ Đức. Chuẩn bị xong tất cả các công đoạn, việc giao nhận đối với khách hàng do Thái trực tiếp thực hiện, nhưng lượng đơn hàng qua mạng tăng theo cấp số nhân thì Thái gọi thêm bạn nhậu là Phạm Văn Triều làm nhiệm vụ giao nhận với thù lao từ 200-300 ngàn đồng/lượt. Cho đến thời điểm bị bắt, cả nhóm đã in và tung ra thị trường hàng trăm loại giấy tờ giả, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Khi những kẻ “vô công rồi nghề” kiếm sống bằng… sản xuất giấy tờ giả -0
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bằng tốt nghiệp đại học giả thu được tại phòng trọ của Duy.

Còn Nguyễn Văn Duy trước đây từng tham gia đường dây hoạt động cho vay nặng lãi ở huyện Nhà Bè và các quận huyện lân cận. Trong một lần khống chế con nợ đưa về phòng trọ nhốt, đánh đập để đòi tiền, nhóm của Duy đã bị công an huyện này phát hiện, truy bắt. Do Duy trốn thoát nên sau đó Công an huyện Nhà Bè đã ra quyết định truy nã về hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Trên đường lẩn trốn, Duy đã sử dụng giấy tờ tùy thân giả mà hắn làm trước đó để thuê một căn nhà ở TP Thủ Đức làm nơi trú ngụ. Sợ bị Cơ quan công an phát hiện, trong thời gian lẩn trốn, Duy chủ yếu nằm lì trong phòng và thường xuyên lên mạng tìm cách kiếm tiền online. Nhận thấy nhiều người có nhu cầu sử dụng giấy tờ giả như mình, Duy tự đi mua các thiết bị như máy vi tính, máy in màu, máy photocopy để làm giả các loại giấy tờ. Để có nguồn khách hàng, Duy lập một trang Facebook quảng cáo bán các loại giấy tờ giả. Tùy theo mọi loại mà giá giấy tờ giả thành phẩm giao cho khách từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng.

Khi những kẻ “vô công rồi nghề” kiếm sống bằng… sản xuất giấy tờ giả -0
Căn cước công dân giả thu được tại phòng trọ của Duy và Thái.

Lắp đặt xong máy móc, thiết bị và đã có người đặt mua bằng cấp giả, Duy nhờ một người bạn xã hội giới thiệu mua con dấu rồi lên mạng tải các phôi tương ứng với từng loại giấy tờ mà mình muốn làm giả rồi điền thông tin khách hàng vào. Sau khi in ra được giấy tờ giả có độ nét cao, Duy luyện chữ ký của người có chức trách rồi ký trực tiếp vào giấy tờ giả trước khi đóng mộc dấu để “xuất xưởng”. Thời gian sau, thấy đơn đặt hàng quá lớn, một mình làm không xuể, Duy thuê Linh và Nam làm việc cho mình với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Sau khi hoàn tất các công đoạn làm giả, Duy gửi các loại giấy tờ này cho khách hàng thông qua bưu điện hoặc shipper.

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Đức Cương
.
.