Khi quán net trở thành… nhà trọ

Thứ Tư, 27/07/2022, 09:22

Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ cướp, cướp giật tài sản có tính chất rất nghiêm trọng. Thủ phạm là những ổ nhóm thanh, thiếu niên còn rất trẻ song hoạt động manh động, liều lĩnh. Điểm chung của nhóm thanh, thiếu niên này là sống lêu lổng lang bạt, lấy quán Games Internet (quán Net) làm “nhà”.

Đi cướp rồi “nướng” vào Games

Những ngày giữa tháng 7 vừa qua có thể coi là thời gian ám ảnh của nhiều phụ nữ chuyên đi chợ đêm khu vực các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất... Một trong số đó là chị Nguyễn Thị H. 29 tuổi, thường trú tại xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai. Chị kể với chúng tôi mà giọng vẫn chưa hết bàng hoàng.

Khi quán net trở thành… nhà trọ -0
Tại một số quán games internet, các game thủ có thể “mắc màn” để chơi ngày qua ngày.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 12-7, chị giắt túi vài triệu đồng rồi lên xe máy chạy ra chợ cách đó vài cây số để mua hàng mang về bán ở gần nhà. Khi đi đến khu vực đường gom đại lộ Thăng Long (thuộc xã Sài Sơn, Quốc Oai) thì bất ngờ có 2 xe máy vọt lên chặn đầu xe chị. Ánh thép loang loáng của dao nhọn, tuýp sắt, ánh đèn pha cùng tiếng phanh rợn người vang lên trong đêm thanh vắng. 4 tên “đầu trâu mặt ngựa” nhảy xuống xe, vung dao dọa khiến chị H. run cầm cập.

Bọn chúng đã lột sạch tài sản của chị H. gồm 7 triệu đồng tiền đi chợ, cùng chiếc điện thoại di động Samsung. Do có nhiều số liên lạc cùng dữ liệu trong điện thoại nên chị H. bạo gan bảo: “Các chú có lấy tiền thì lấy, còn máy cho chị xin”. Thấy chị H. có vẻ thật thà, toán cướp vứt lại điện thoại cho chị rồi bỏ đi.

Chỉ mươi phút sau, chị Nguyễn Thị L. 38 tuổi, trú tại xã Yên Sơn, cũng của huyện Quốc Oai, đang di chuyển trên đường gom đại lộ Thăng Long, đoạn gần cầu sông Đáy thuộc xã Yên Sơn cũng bị một nhóm thanh, thiếu niên đi 2 xe máy chặn đầu. Nhóm này dùng hung khí dọa dẫm, các đối tượng lục soát ví da của chị L., cướp được 1 triệu đồng rồi bỏ đi.

Khoảng 3 giờ 45 phút cùng ngày, ổ nhóm này tiếp tục cướp của chị H., 48 tuổi, cũng trú tại Yên Sơn, Quốc Oai 2 triệu đồng tiền mặt và 1 điện thoại di động. Trước đó, lúc 2 giờ sáng, nhóm cướp này cướp của chị Nguyễn Thị D. 49 tuổi, trú tại Đồng Quang, Quốc Oai số tiền 2 triệu đồng.

Tối hôm sau, cũng trên các tuyến đường nhánh, đường gom từ các thôn xã thuộc các huyện Quốc Oai, Hoài Đức... ra đại lộ Thăng Long lại tiếp tục xảy ra nhiều vụ cướp tài sản nhằm vào những phụ nữ đi chợ đêm. Điểm chung là đều do một ổ nhóm gồm khoảng 4-5 đối tượng, luôn mang hung khí, hành vi rất hung hãn.

Khi quán net trở thành… nhà trọ -0
Ổ nhóm chuyên cướp tài sản của phụ nữ đi chợ sớm tại Quốc Oai, Hoài Đức do đối tượng Thực cầm đầu.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với công an các huyện tập trung điều tra, xử lý. Lực lượng điều tra hình sự đã tập trung rà soát tại các quán games internet, nhà nghỉ... nhanh chóng phát hiện một nhóm đối tượng gồm 5 thanh, thiếu niên trú tại huyện Quốc Oai và Hoài Đức. Nhóm này thường xuyên tụ tập lại với nhau và chơi games online thâu đêm suốt sáng. Sau khi xác định được đây chính là các đối tượng gây ra hàng chục vụ cướp trên, ngày 14-7, Cơ quan công an đã tung quân hốt gọn cả ổ.

Nhóm đối tượng đa phần đều rất trẻ, có tên mặt còn búng ra sữa. Chúng gồm: Lương Tài Thực (sinh năm 2006, trú tại xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai), Đinh Doãn Phúc (sinh năm 2004), Phạm Tuấn Anh (sinh năm 2007), Nguyễn Bá Thành (sinh năm 2006), cùng trú tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức và Cao Quang Tùng (sinh năm 2006, trú tại thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức).

Theo Cơ quan công an, các đối tượng này đều thuộc diện thiếu niên hư hỏng, bỏ học từ rất sớm, không chịu sự quản lý của gia đình. Khi cha mẹ không dạy bảo được thì bỏ mặc nên chúng rủ nhau đến các quán game chơi qua ngày.

Cả 5 đứa đều rất mê chơi game và là khách quen của nhiều quán games trên địa bàn các huyện Hoài Đức, Quốc Oai. Cũng qua những ngày lê lết ở quán mà bọn chúng quen nhau, thỉnh thoảng lại rủ nhau chơi cùng room, hay chia nhau cái bánh mì... Chúng có thể thâu đêm suốt sáng, “ngồi thiền” cày game hết ngày nọ sang tháng kia mà chỉ cần lót dạ gói mì tôm, lon nước “bò húc”.

Song, với cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì lấy đâu ra tiền để chơi nên cả mấy đứa đều rất khát tiền. Xin bố mẹ thì chỉ được một vài lần, rồi thụt két hay lục ví sớm muộn cũng bị phát hiện, cuối cùng đối tượng Thực (mới 16 tuổi song lại có vẻ “đàn anh” nhất nhóm) rủ mấy đứa kia đi cướp. Chẳng suy nghĩ lâu, cả bốn đứa đều gật đầu.

Thực lấy một chiếc xe máy của gia đình, tháo biển kiểm soát - đồng thời thửa một tuýp sắt gắn dao phóng lợn làm hung khí. Đối tượng Phúc thì đi mượn xe máy, cũng tháo biểm kiểm soát và giắt lưng một dao nhọn gọt hoa quả để uy hiếp các bị hại.

Sau khi đã bàn bạc với nhau, cứ nửa đêm rạng sáng, mấy đứa bịt khẩu trang kín mít, cầm theo tuýp sắt gắn dao bầu và dao nhọn “đi tuần” trên các tuyến đường nhánh, đường gom ở đại lộ Thăng Long. Khi thấy phụ nữ đi chợ một mình sẽ lao lên chặn đầu, dùng hung khí đe dọa khiến “con mồi” khiếp sợ, nhân cơ hội cướp tiền và điện thoại rồi lên xe bỏ chạy. Chỉ trong chưa đầy 2 giờ lúc rạng sáng ngày 12-7, bọn chúng đã cướp được hơn 10 triệu đồng và nhiều điện thoại di động. Số tiền này nhanh chóng được nướng vào games, ăn uống và thuê nhà nghỉ hết sạch.

Chủ quán Games có vô can?

Còn nhớ, khoảng 5-10 năm trước, tại một số quận nội thành của TP Hà Nội như Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông... những quán games internet mọc lên như nấm. Đa phần học sinh, sinh viên muốn truy cập vào mạng internet hay chơi game đều phải... ra quán do kinh phí mua máy cũng như các gói cước viễn thông còn cao.

Cho tới thời điểm này, với sự bùng nổ của games trên điện thoại di động, cũng như việc giá cước internet và thiết bị chơi đã rẻ hơn rất nhiều - thành ra các quán games trên nhiều quận nội thành đã bớt đi sự xôm tụ. Thay vào đó, những quán games ở các thôn, xóm một số huyện ngoại thành lại là nơi tụ tập của đám choai choai chán học.

Khi quán net trở thành… nhà trọ -0
Nhóm chuyên cướp xe máy của người dân đi làm về muộn do Hưng cầm đầu.

Theo anh Tuấn, từng là chủ một chuỗi games internet thì mấy năm trước, anh đã giải tán hết các giàn máy, sang tên cho một chủ ở huyện Hoài Đức. Mỗi chủ quán games đều phải có những chiêu để giữ khách, nhằm nhanh chóng hoàn vốn và có lãi. Điển hình như sẽ phải phục vụ “tận răng” mọi nhu cầu của “thượng đế”. Đồ ăn uống (như bánh mì, mì tôm, nước suối, nước ngọt, bò húc...) luôn sẵn đã đành, mà còn phải chuẩn bị cả ghế gấp, giường xếp để game thủ có thể ngả lưng. Thậm chí, có quán còn phục vụ luôn cả nhà tắm, dịch vụ giặt quần áo...

Bên cạnh đó, không ít chủ quán còn lách luật, cho các con ghiền chơi qua đêm bất chấp quy định phải đóng cửa sau 22 giờ. Cứ khoảng 22 giờ là họ tắt điện, khóa trái cửa. Song, những game thủ quen mặt chỉ cần nhắn tin, gọi điện kèm “mật khẩu” là chủ quán lập tức mở cửa hậu cho chúng lách vào, tiếp tục sự nghiệp “hành tẩu” giang hồ trên mạng. 

Theo một chỉ huy Đội Chống tội phạm cướp, cướp giật tài sản, Phòng Cảnh sát hình sự thì cuối tháng 4-2022 Cơ quan công an cũng đã triệt phá một ổ nhóm thanh, thiếu niên nghiện games, chuyên đi cướp tài sản tại nhiều quận, huyện như Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức... Ổ nhóm gồm 6 đến 8 đứa từ 16 đến 20 tuổi đều mê game “Liên minh huyền thoại” và lấy quán games làm nhà. Cầm đầu ổ nhóm là Nguyễn Hữu Hưng (sinh năm 2003, thường trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Do nghiện game, lại không có tiền, Hưng rủ thêm 5 game thủ khác đi cướp xe máy.

Chúng nhắm vào những người dân đi làm về muộn, điều khiển xe vượt lên chặn đầu, dùng hung khí đe dọa để cướp xe máy của họ. Lấy được xe, nhóm này sẽ rao bán trên mạng xã hội rồi nướng hết vào games, ăn tiêu... Cơ quan công an làm rõ không dưới 4 vụ cướp tài sản mà nhóm này đã gây ra ở đường Võ Chí Công, khu vực đường gom đại lộ Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng và đường Trung Kính.

Theo lời đối tượng trẻ nhất trong nhóm này thì cả nhóm thường xuyên ăn ngủ tại những quán games quen. “Hồi trước, cháu chưa bỏ học, còn được bố mẹ cho tiền thì thường chơi tại những quán Game VIP, Cyber Game..., thích lắm chú ạ. Những nơi đấy máy cấu hình cao, bàn phím xịn, tai nghe hay... Sau này bỏ học, không có tiền nên cháu phải “dạt” về những quán games “nát”. Chơi không sướng bằng quán VIP nhưng lại được phục vụ ăn uống, ngủ nghỉ...

Trong hội thằng nào cũng mê games nhưng không có tiền. Mỗi ngày bọn cháu tiêu hết cả triệu đồng để trả tiền máy, tiền ăn uống nên hay bị chủ quán dọa không cho chơi nữa. Thế là phải nghĩ cách xoay. Không xin được bố mẹ thì mang laptop, điện thoại đi cắm. Rồi tài sản cũng bay hết, hôm đang chơi game ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) thì anh Hưng bảo “đi kiếm”. Cháu không biết đi đâu, chỉ thấy rủ lái xe máy đi theo các anh. Đến lúc các anh bảo chặn đầu xe khác... thì cháu mới biết là đi cướp” - tên cướp “nhí” kể.

Khi quán net trở thành… nhà trọ -0
Hai chiếc xe máy là phương tiện gây án.

Theo một chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, điều rất đáng lo ngại sau những vụ án này là nhận thức về pháp luật của các thanh, thiếu niên còn rất hạn chế. Gia đình bố mẹ cũng gần như bỏ mặc con cái, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Chính vì thế mà hành vi phạm tội của nhóm này rất manh động, có thể làm bất cứ việc gì để đạt được mục đích.

Bên cạnh đó, Cơ quan công an cũng đề nghị chính quyền địa phương siết chặt công tác cấp phép cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ games internet. Đặc biệt, cần quản lý chặt hoạt động của các cơ sở này. Theo quy định, các quán internet chỉ được mở cửa tối đa đến 22 giờ. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đã hoạt động chui bằng cách đóng cửa bên ngoài để khách chơi bên trong.

Thậm chí, chủ quán còn thuê cả địa điểm gần đó để giữ xe cho khách và phục vụ ăn uống tại chỗ nên các nhóm thanh, thiếu niên bỏ học, sống lang thang tụ thành bầy đàn có thể chơi ngày này qua ngày khác. Khi hết tiền, họ sẽ nghĩ đến việc trộm cướp... Do vậy, nếu quản lý chặt chẽ, không có địa điểm cho các ổ nhóm lưu trú, hoạt động thì có thể hạn chế các vụ phạm pháp hình sự.

M. Tiến - M. Trí
.
.