Khi tiệm cầm đồ trở thành nơi tiếp tay cho tội phạm
Hàng trăm xe máy không rõ nguồn gốc tại các cửa tiệm kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị lực lượng chức năng phát hiện thời gian gần đây cho thấy thực trạng sự dễ dãi kèm với công tác quản lý khá lỏng lẻo vô hình biến thành nơi tiếp tay cho tội phạm.
Lật tẩy hàng trăm xe máy không rõ nguồn gốc tại các tiệm cầm đồ
Vụ việc Công an quận 4, TP Hồ Chí Minh, bắt tạm giam hai đối tượng Nguyễn Hữu Nghĩa và Nguyễn Xuân Trường để điều tra về tội “Cướp tài sản”, đồng thời, 4 nhân viên của tiệm cầm đồ Nhuận Phát (quận 4) cũng bị khởi tố về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” vào ngày 17/12 sau khi điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng đã cho thấy sự phức tạp xung quanh hoạt động của các tiệm cầm đồ.
Trước đó, trong quá trình khám phá vụ cướp tài sản, Công an quận 4 đã phát hiện gần 200 xe mô tô có dấu hiệu bị đục phá số máy, số khung và tang vật trong các vụ án khác tại các bãi xe của tiệm cầm đồ Nhuận Phát (số 348 Tùng Thiện Vương, phường 13, quận 8).
Bắt đầu từ vụ cướp xảy ra vào khuya 9/12, anh H., làm nghề chạy xe ôm đang đậu xe nằm ngủ trên vỉa hè đường Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6, thì hai đối tượng Nguyễn Hữu Nghĩa (sinh năm 2000, thường trú phường 13, quận 4; hiện sống lang thang) và Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 2005, thường trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, hiện sống lang thang) đi đến đề nghị anh H. chở đến đường Trương Đình Hợi, phường 18, quận 4, nơi vắng người rồi dùng bột ớt đã chuẩn bị sẵn chà lên mắt anh H., khống chế, cướp xe gắn máy.
Ngay sau đó, Ban chỉ huy Công an quận 4 đã chỉ đạo, triển khai lực lượng, phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh khẩn trương truy xét. Khoảng 22h ngày 10/12, các trinh sát đã bắt giữ được Nguyễn Xuân Trường khi đối tượng này đang lẩn trốn tại quận 11. Nguyễn Hữu Nghĩa cũng nhanh chóng bị bắt giữ vào sáng hôm sau.
Hai đối tượng khai nhận, chiếc xe máy cướp được chúng đem cầm tại tiệm cầm đồ Nhuận Phát. Ngoài ra, Nghĩa còn khai nhận trước đó đã thực hiện một vụ cướp tài sản khác trên địa bàn TP Thủ Đức và đem xe cướp được đến cầm tại tiệm cầm đồ này.
Khám xét khẩn cấp tiệm cầm đồ Nhuận Phát, Công an thu giữ 2 xe tang vật trong 2 vụ cướp tài sản tại quận 4 và TP Thủ Đức như kể trên. Nhận thấy cơ sở này cầm cố nhiều xe không rõ nguồn gốc, Công an quận 4 đã đấu tranh truy xét mở rộng điều tra vụ tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Qua đó, đã triệu tập 4 đối tượng là nhân viên tiệm cầm đồ Nhuận Phát, gồm: Kiều Mạnh Dũng (sinh năm 1997); Nguyễn Phi Hùng (sinh năm 1997); Võ Duy Anh Tuấn (sinh năm 2005), Vũ Hoàng Khoa (sinh năm 2006) để đấu tranh làm rõ.
Quá trình làm việc, 4 đối tượng khai nhận có biết xe do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn tiến hành cầm cố. Từ lời khai của các đối tượng, Cơ quan CSĐT Công an quận 4 đã tiến hành khám xét khẩn cấp 3 kho bãi chứa xe trên địa bàn quận 8 và huyện Bình Chánh, thu giữ 192 xe mô tô các loại và 1 xe đạp điện, một số đồ vật, tài sản khác có liên quan.
Sau đó, Công an quận 4 đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành giám định 193 xe thu giữ được, từ đó phát hiện nhiều xe có dấu hiệu đục phá số máy, số khung và là tang vật trong các vụ án khác.
Tương tự, vào cuối tháng 9 vừa qua, Công an quận Gò Vấp đã lập biên bản hàng loạt điểm kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn về các lỗi như: Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền, không thực hiện đầy đủ quy định về quản lý ANTT đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhận cầm cố tài sản không có hợp đồng theo quy định.
Trước đó, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Gò Vấp phối hợp các đơn vị liên quan tổng kiểm tra kho bãi chứa xe máy của các tiệm cầm đồ trên địa bàn, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm xe gắn máy không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, xe không rõ nguồn gốc, xe “mù mờ”.
Đơn cử, khi kiểm tra điểm trông giữ xe trên đường Phan Huy Ích (phường 12), Công an phát hiện có 134 xe của tiệm cầm đồ P.Đ (phường 14), trong đó có 82 xe không đúng chủ; tại bãi xe trên đường số 9 (phường 9) Công an phát hiện có 184 xe của 5 tiệm cầm đồ và qua xác minh, có đến 120 xe máy không chính chủ và hàng chục xe khác không có đăng ký xe bản chính.
Tại bãi trông giữ xe trên đường Lê Văn Thọ, lực lượng chức năng cũng phát hiện có 151 xe của 2 tiệm cầm đồ, trong đó có 126 xe không chính chủ và hàng chục xe khác không giấy tờ xe, không có đăng ký xe.
Ngoài các kho, bãi nêu trên, Công an quận Gò Vấp cũng đã mở rộng kiểm tra tất cả các điểm trông giữ xe, tiệm cầm đồ có nghi vấn. Đối với các phương tiện không rõ chủ phương tiện, Công an giao lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Công an phường tiếp tục xác minh làm rõ…
Tiệm cầm đồ chứa chấp, cầm cố xe lậu là vi phạm pháp luật
Cũng liên quan tới các xe máy không rõ nguồn gốc từ các tiệm cầm đồ, mới đây, ngày 15/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 đối tượng (gồm chủ mưu cầm đầu Bùi Văn Tân và các đồng phạm) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thu lợi bất chính khoảng 15 tỷ đồng…
Kết quả điều tra ban đầu xác định, khoảng từ năm 2021, Bùi Văn Tân (sinh năm 1983; cư trú huyện Hóc Môn, chủ hệ thống cửa hàng bán xe máy Tân Tiến tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn) đã móc nối với đối tượng Lê Văn Tới tìm mua các xe mô tô không rõ nguồn gốc, không có giấy đăng ký xe từ các tiệm cầm đồ trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận hoặc từ các trang rao vặt trên mạng xã hội…
Để hợp thức hóa xe không có nguồn gốc, Tân đã thu mua phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô với giá từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/1 phiếu. Sau đó, Tân đưa các xe mô tô không rõ nguồn gốc đến cửa hàng sửa xe Phát Đạt (tại huyện Bình Chánh) do Nguyễn Hữu Oai và Nguyễn Hữu Như làm chủ, thuê mài, đục lại số khung, số máy mới trùng khớp với số khung, số máy trên phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe mô tô đã mua trước đó với tiền công là 1 triệu đồng/1 xe mô tô.
Đáng chú ý, nhằm tối đa hóa lợi nhuận bất chính thu được, Tân tiếp tục chỉ đạo các nhân viên kỹ thuật của cửa hàng Tân Tiến 1 và Tân Tiến 2 tiến hành tân trang những xe mô tô trên thành xe “lướt”, xe mới để bán cho khách hàng với cam kết bảo đảm đăng ký xe cho khách hàng. Tân chỉ đạo Nguyễn Trung Thông liên hệ với các đối tượng môi giới để làm dịch vụ đăng ký xe mô tô. Từ năm 2021 đến năm 2023, Tân đã bán ra 3.911 xe mô tô cho khách hàng nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ tính riêng năm 2023, Tân và đồng bọn đã bán ra 1.549 xe mô tô, trong đó có hơn 600 xe mô tô bị mài đục số khung, số máy, thu lợi bất chính khoảng 15 tỷ đồng.
Trước đó, tiến hành khám xét khẩn cấp tại hệ thống cửa hàng và các địa điểm có liên quan, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, tạm giữ: 290 xe mô tô (trong đó có 142 xe bị đục số khung, số máy; truy nguyên 1 xe mô tô đã bị mất trộm vào năm 2016); hơn 30.000 phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, máy móc, thiết bị mài, đục lại số khung, số máy và nhiều tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan…
Một số vụ việc nổi cộm kể trên đã cho thấy thực trạng xe máy cầm cố tại các tiệm cầm đồ ẩn chứa nhiều phức tạp với số lượng không ít xe máy không rõ nguồn gốc hay đã bị các đối tượng xấu “phù phép” đục, mài số khung, số máy…
Thực tế, cầm đồ là loại hình kinh doanh tài chính hợp pháp, chịu sự quản lý của Nhà nước. Pháp luật cũng đã có những quy định rõ ràng về mức lãi suất cầm đồ. Theo đó, tại Điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP có nêu rõ tỷ lệ lãi suất cho vay đối với dịch vụ cầm đồ không được vượt quá tỷ lệ lãi suất theo Bộ luật Dân sự quy định.
Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh hiện đang có hơn 3.000 cửa hàng cầm đồ bao gồm cả tiệm cầm đồ hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp. Thực tế hiện không ít tiệm cầm đồ nhận cầm cố tài sản vượt quá mức lãi suất theo quy định Nhà Nước. Hơn nữa để tránh né được sự kiểm tra của cơ quan chức năng, các tiệm cầm đồ đã sử dụng rất nhiều chiêu thức để lách luật, né thuế…
Với các tiệm cầm đồ, ngoài một số phục vụ cho nhu cầu chính đáng của người dân, còn lại là các đối tượng xấu đã lợi dụng những nơi này để “tẩu tán”, tiêu thụ tài sản phạm tội mà có như các vụ việc kể trên. Khi bọn trộm cắp, cướp giật chiếm đoạt được tài sản thì ngay lập tức thường nghĩ mang đến tiệm cầm đồ để cầm cố lấy tiền tiêu xài. Đối với các mặt hàng như xe máy, chúng sẽ làm giả giấy tờ để cầm cố, hoặc các tiệm cầm đồ đã cầm bất chấp việc biết rõ nguồn gốc các xe máy này phạm tội mà có…
Thời gian qua, hàng trăm vụ án hình sự được lực lượng chức năng khám phá, khi thu lại tài sản, chủ yếu xe gắn máy, đều do kẻ gian mang tiêu thụ ở các tiệm cầm đồ…
Trong thời gian tới, Công an TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp với Công an các quận, huyện mở đợt cao điểm kiểm tra các tiệm cầm đồ, bãi xe, khách sạn, tụ điểm… ẩn chứa nhiều băng nhóm phạm tội để hạn chế tình trạng phức tạp kể trên.