Khi tội phạm đánh vào lòng tham, sự sợ hãi và thiếu hiểu biết
Đó là những nguyên nhân chính tạo nên các vụ lừa đảo công nghệ cao xảy ra thời gian qua tại Việt Nam. Các cơ quan chức năng dù đã cố gắng đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo bằng mọi hình thức, tới từng khu phố, từng hộ gia đình... nhưng vấn nạn lừa qua mạng vẫn cứ diễn ra.
Câu chuyện bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị lừa hơn 171 tỷ đồng cũng không nằm ngoài những “quy luật” ấy. Và, qua đó cho thấy, những kẻ lừa đảo qua mạng bây giờ không từ một ai, kể cả những người làm việc trong cơ quan công quyền...
Càng tham, càng sợ..., càng bị lừa nhiều tiền
Trong tất cả các thủ đoạn của kẻ lừa đảo thì phương thức đánh vào lòng tham của nạn nhân bao giờ cũng là sự lựa chọn đầu tiên. Bởi, có rất nhiều người, dù đã có ý thức cảnh giác, dù nghi ngờ mình có thể bị lừa nhưng vì mờ mắt trước đồng tiền, vì hám cái lợi lớn trước mắt đã không thể chế ngự được lòng tham. Và, lòng tham càng lớn sẽ bị lừa càng nhiều.
Ông P.D.H (ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) quen biết qua mạng xã hội với người tự xưng tên là Hà có nickname Whatsapp là "cskh sushi". Sau khi kết "tình thân", Hà bật mí cho biết cô ta đầu tư giao dịch ở sàn forex trên ứng dụng MetaTrader5 (viết tắt là MT5) thu lợi nhuận rất cao và rủ ông H. cùng tham gia.
Để bắt đầu hành trình kiếm tiền, "cskh sushi" đã tạo một tài khoản cho ông H. rồi yêu cầu chuyển tiền vào để kinh doanh, lợi nhuận có được sẽ được sàn giao dịch chuyển tất cả vào tài khoản này. Để thử nghiệm, trong 2 lần đầu ông H. chuyển khoản (theo số tài khoản mà "cskh sushi" cung cấp) gần 140 triệu đồng để tham gia và thấy có lợi nhuận. Để kiểm chứng, ông H. rút thử 6,9 triệu đồng từ tài khoản này thì thấy suôn sẻ. Nghĩ đã "trúng mánh", chỉ trong vòng một tháng ông H. đã chuyển khoản 18 lần với tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng và thu lợi nhuận cả vốn lẫn lãi có trong tài khoản là gần 500.000 USD, tương đương hơn 11 tỷ đồng.
Tới lúc này ông H. quyết định rút tiền ra để bảo toàn nguồn vốn. Tuy nhiên, khi ông đăng ký rút gần 500.000 USD nói trên thì "cskh sushi" đề nghị ông H. phải đóng vào gần 320 triệu đồng tiền thuế và sẽ nhận được tiền sau 2h nữa. Số tiền này là quá ít so với số tiền nhận được nên ông H. không do dự làm theo. Sau đó "cskh sushi" bảo tài khoản bị đóng băng, ông H. muốn rút tiền thì phải đóng thêm hơn 113 triệu đồng tiền giải băng. Tiền đã gửi nhưng phía "cskh sushi" vẫn bảo chưa nhận và kêu ông H. gửi lại. Sau nhiều lần bị hối thúc chuyển tiền, ông H. biết mình bị lừa nên làm đơn trình báo Cơ quan công an...
Trường hợp khác là bà V. nhận được điện thoại của người tự xưng tên Thảo My, nhân viên môi giới chứng khoán quốc tế muốn giúp bà kiếm tiền từ đầu tư chứng khoán. Nghe qua viễn cảnh dễ ăn mười mươi, bà V. liền đồng ý và được Thảo My hướng dẫn tạo tài khoản, nộp tiền vào ứng dụng MT5. "Ban đầu chị cứ nộp một ít để chơi thử đi, không mất tiền đâu mà sợ, nếu có thua bên sàn sẽ chịu trách nhiệm hoàn tiền lại cho chị coi như giúp chị trải nghiệm", Thảo My trấn an. Tin lời, bà V. nộp vào số tiền tương đương 5.000 USD để "trải nghiệm". Nhưng, thật "không may" cho bà V. ở lần đầu chơi chứng khoán đã thua sạch tiền. Thế là bà đòi rút lại tiền. Thảo My bảo tài khoản đã bị "cháy" còn đâu mà rút và tiếp tục dụ dỗ: "Chị phải nộp tiền vào để tài khoản không bị âm và phải tiếp tục chơi chứng khoán thì mới rút tiền ra được".
Sợ mất số tiền vốn ban đầu nên bà V. làm theo mà "xui" cho bà là càng chơi lại càng lỗ, tiền mới nạp vào chưa được bao lâu không chỉ hết sạch mà còn bị âm, không thể rút lại tiền. Cứ thế, bà V. vay mượn, cầm cố tài sản nộp vào đến 16 lần với tổng số tiền hơn 5,2 tỷ đồng mà tài khoản vẫn... âm. Đến lúc không còn biết tìm đâu ra tiền thì bà V. mới báo Cơ quan công an để nhờ can thiệp lấy lại tiền cho bà.
Thủ đoạn giả danh công an, VKSND, TAND... để thông báo nạn nhân liên quan đến đường dây mua bán ma túy, đường dây rửa tiền quốc tế rồi đe dọa bắt bớ, buộc nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản để “thẩm định” và chiếm đoạt là một kiểu lừa đã “xưa như trái đất” nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”. Qua nhiều vụ đã bị lừa, có thể xác định nguyên nhân tạo nên sự sợ hãi bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của nạn nhân. Bởi, chẳng có một cơ quan tố tụng nào lại gọi điện, nhắn tin dọa bắt tạm giam nạn nhân hay buộc phải chuyển tiền qua tài khoản.
Trong lúc đang nằm nghỉ trưa, ông L.V.T nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên của Bộ Thông tin và truyền thông, thông báo số điện thoại ông đang sử dụng sẽ bị cắt vĩnh viễn bắt đầu từ 17h cùng ngày. Lý do là có người mang tên L.V.T đăng ký sử dụng thuê bao này nhưng đang phạm pháp hình sự. Ông T. hoang mang hỏi lại thì người này nói người sử dụng số điện thoại của ông T. rao bán thiết bị y tế cho một người khác và đã nhận 80 triệu đồng nhưng không giao hàng. “Đây là vụ việc đang nằm trong vòng điều tra bí mật, ông không được báo cho ai, kể cả vợ con, nếu không hậu quả sẽ khó lường”, người này nghiêm giọng.
Nghe đến đây, ông T. rụng rời tay chân, nói không nên lời. Biết cá đã cắn câu, kẻ giấu mặt chuyển máy cho ông T. gặp một người phụ nữ tự xưng là Trung úy Linh, công tác tại Công an TP Hà Nội. Người này vào thẳng vấn đề: “Nếu ông báo cho công an địa phương thì chúng tôi sẽ bắt giam và di lý ông ra Công an Hà Nội ngay. Người thân và vợ con ông cũng bị bắt hết”. Câu chuyện nghe hoang đường vậy nhưng ông T. thì rất sợ sệt, nhất là sau đó, hết điều tra viên này đến kiểm sát viên nọ điện thoại “hỏi cung” và đe dọa bắt ông.
Một đối tượng tự xưng là điều tra viên tên Dương, công tác tại “Tổng cục điều tra tội phạm” và cho biết nơi ông T. cư ngụ có 57 nghi can bị điều tra về hành vi rửa tiền và ông T. là nghi can thứ 58. Để ông T. tin tưởng, người này đọc vanh vách kết luận điều tra về hành vi phạm tội của 57 người kia. Sau 3 ngày liên tục bị đe dọa, ông T. đã chuyển 1,6 tỷ đồng vào tài khoản của kẻ lừa đảo và tài sản ấy đã một đi không trở lại...
Thượng tá Trần Minh Nhựt, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho biết, các thủ đoạn lừa đảo: Lợi dụng lòng tham như lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn điện tử... để được hưởng hoa hồng; lừa đảo kêu gọi tham gia đầu tư, mua bán, giao dịch các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa (Bitcoin, Ethereum, USDT...) trên các sàn giao dịch chọn quyền nhị phân (Binary Option - BO), sàn đầu tư ngoại hối... Lừa lợi dụng sự sợ hãi của nạn nhân là các chiêu giả danh công an, VKSND, TAND... để dọa bắt bớ nạn nhân do có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền quốc tế; lừa phạt vi phạm hành chính về giao thông, nợ cước viễn thông, nợ tiền điện...
Ngăn chặn điều kiện phạm tội: Một giải pháp phòng ngừa mới
Khi được cán bộ điều tra hỏi vì sao lại dễ dàng chuyển khoản một số tiền lớn cho người hoàn toàn không quen biết thì nhiều nạn nhân cho rằng: Do tài khoản ngân hàng phải có tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi, nếu mà người đó lừa đảo thì có chạy đằng trời. Họ nói vậy là không sai vì khi mở tài khoản ngân hàng, điều kiện cần có đó là CMND hoặc CCCD. Nhưng, tất cả đều bị lầm vì chẳng có kẻ lừa nào lại sử dụng tài khoản mang tên mình để đi lừa cả. Thực tế, các tài khoản này được kẻ lừa thuê người để mở, mua lại của những người không còn sử dụng và nhiều hình thức chiếm đoạt tài khoản khác. Sau khi nạn nhân chuyển vào tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp, ngay lập tức số tiền này được chia nhỏ chuyển tiếp cho rất nhiều tài khoản khác và cuối cùng tất cả các số tiền này sẽ đến một hoặc nhiều tài khoản ở các sàn giao dịch ngoại tệ ở nước ngoài... Vì thế, cơ quan chức năng gần như không thể phong tỏa tài khoản ban đầu mà nạn nhân chuyển cho kẻ lừa.
Hiện tại Cơ quan công an ở các địa phương trong cả nước tiếp nhận khá nhiều vụ trình báo bị lừa qua mạng nhưng rất ít kẻ lừa đảo bị sa lưới. Bởi, những kẻ giấu mặt điều hành các đường dây lừa đảo qua mạng hầu hết là ở nước ngoài, khi lừa xong, chúng chỉ cần khóa tài khoản thì coi như vô phương tìm kiếm.
Bên cạnh vấn đề về tài khoản ngân hàng, các nạn nhân cũng thường đắn đo vì sao kẻ lừa đảo biết số điện thoại, nơi ở, nghề nghiệp của mình? Do vậy, khi có kẻ lừa tự xưng là công an, VKSND, TAND... thì nhiều người tin có thật là vì vậy. Trong khi đó, việc thu thập thông tin cá nhân đối với kẻ lừa đảo cũng dễ như trở bàn tay. Một số thủ đoạn phổ biến đó là: Tạo trang web giả mạo ngân hàng hoặc dịch vụ trực tuyến với mục đích thu thập thông tin cá nhân của người dùng internet; sử dụng trạm phát sóng BTS giả mạo gửi tin nhắn lừa đảo tới người dùng. Nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân; các đối tượng gài bẫy quảng cáo, ứng dụng cho vay. Nạn nhân sau khi cài đặt ứng dụng và cấp quyền cho ứng dụng truy cập điện thoại sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt thông tin cá nhân; các đối tượng gọi điện thông báo khóa dịch vụ viễn thông. Nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ mất thông tin cá nhân...
“Từ thực tế đó, hiện nay, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến loại tội phạm tạo lập trái phép tài khoản ngân hàng. Bởi, đây được xem là điều kiện cần để các đối tượng phạm tội thực hiện các vụ lừa đảo qua mạng”, Thượng tá Nguyễn Huy Lục, Trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết.
Hiện thực hóa công tác này, những ngày đầu tháng 4/2024, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng công an các tỉnh, thành phía Nam khám phá đường dây lập hàng trăm ngàn tài khoản ngân hàng trái phép để thu lợi bất chính. Cơ quan điều tra xác định các đối tượng Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SN 1992), Võ Minh Hùng (SN 1985), Lê Ngọc Anh, Nguyễn Bá Việt, Nguyễn Phương Loan, Nguyễn Thị Như Ngọc và Nguyễn Thanh Xuân thành lập Công ty TNHH tư vấn tài chính Nhung Nguyễn và Minh Anh với hàng chục chi nhánh hoạt động rầm rộ tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư đông người để tư vấn vay vốn tín chấp miễn phí nhưng thực chất là lừa nạn nhân để lấy thông tin cá nhân nhằm tạo lập tài khoản ngân hàng.
Sau khi thành lập công ty, chi nhánh, các đối tượng tuyển rất nhiều lao động nữ để làm nhiệm vụ tư vấn cho vay. Khi người có nhu cầu tư vấn, chúng thu nhận CCCD, hình ảnh của người vay, sau đó dùng sim rác mở tài khoản ngân hàng trực tuyến. Một sim rác như vậy chúng mở hàng chục tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Trung bình mỗi tháng các đối tượng tạo lập trái phép khoản 20.000 tài khoản các loại, trong đó phần lớn là tài khoản ngân hàng. Khám xét tại 12 chi nhánh của 2 công ty này, Cơ quan công an thu giữ 4 con dấu, 3 giấy phép kinh doanh, 70 điện thoại di động; 12 máy tính, hàng chục ngàn tài khoản ngân hàng trực tuyến, hàng ngàn sim điện thoại rác để mở tài khoản trái phép.
Hiện Cơ quan công an đã bắt giữ 5 đối tượng chính tham gia điều hành 12 chi nhánh ở các tỉnh, thành, riêng tỉnh Bình Dương có 5 chi nhánh. Bước đầu các đối tượng khai nhận mở tài khoản để hưởng tiền khuyến mãi từ ngân hàng với số tiền từ 20-50 ngàn đồng cho mỗi tài khoản. Tuy nhiên, khả năng băng nhóm này mở tài khoản để bán lại cho các đối tượng lừa đảo qua mạng, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền... thu lợi bất chính rất lớn.
“Trong khi các cơ quan chức năng đang siết chặt vấn đề sim rác, vậy mà đường dây này lại có hàng chục, hàng trăm ngàn sim rác để hoạt động tội phạm thì đây là một lỗ hổng cần bịt. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng điều tra sâu về vấn đề này”, Thượng tá Trương Thành Ri, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Phú Yên, một trong những đơn vị tham gia khám phá chuyên án, cho biết.