“Khóc ròng” vì vay nóng cuối năm

Thứ Tư, 21/12/2022, 09:08

Những ngày cuối năm, nhu cầu mua sắm hoặc… trả nợ cá độ bóng đá tăng cao. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã dùng mạng xã hội, APP tự tạo rao cho vay thần tốc với thủ tục cực dễ như: không thế chấp, không giữ giấy tờ, bao nợ xấu… khiến nhiều người bị “móc” sạch tiền trong tài khoản và khóc ròng khi nợ chồng thêm nợ…

“Miếng mồi”… không thế chấp

Có nghe, có biết đến việc lừa đảo online, vay tiền qua mạng nhưng ông Nguyễn Đình T. (45 tuổi, ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) vẫn bị “ăn quả” lừa một cách dễ dàng. Cho đến bây giờ, ông vẫn không hiểu vì sao mình lại tin một cách đắm đuối và mê muội đến vậy. “Có lẽ do túng quẫn lên đến đỉnh điểm nên đầu óc con người mới ngu muội như thế”, ông T. than thở và tự trách mình.

Con trai ông T. thua cá độ bóng đá, phải cầm chiếc xe máy với giá 25 triệu đồng. Chủ nợ hẹn trong vòng 10 ngày mà không chuộc thì mất xe. Quá tiếc chiếc xe mới mua 65 triệu được hơn một tháng nay nên ông T. tìm cách chuộc về. Ông góp nhặt trong nhà, vay thêm người thân quen cũng chỉ được 15 triệu đồng. Nhìn quanh trong nhà không còn gì giá trị để bán, ông T. cầm điện thoại lên mạng đánh thử hai từ “vay nhanh”. Lập tức, có hàng chục kết quả hiện ra cho ông chọn lựa, trong đó vài nơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp. Ông T. gọi điện vào số quảng cáo thì được trả lời chắc chắn: Không thế chấp, bao nợ xấu. Nếu muốn vay, ông chỉ việc cung cấp số CMND hoặc CCCD là được.

“Khóc ròng” vì vay nóng cuối năm -0
Bà T. buồn bã khi mất sạch tiền trong tài khoản.

Sau khi cung cấp thông tin cá nhân, ông T. được thông báo cho vay 10 triệu đồng, giải ngân trong vòng 15 phút. Quá dễ và quá nhanh khiến ông T. rất đỗi vui sướng. Số tiền được vay sẽ đủ để ông chuộc xe máy về. Chờ 15 phút, ông T. nóng ruột gọi lại thì được nhân viên yêu cầu ông cung cấp số tài khoản để chuyển tiền cho vay. Chờ thêm 30 phút nữa vẫn chưa thấy tiền vay vào tài khoản, ông tiếp tục gọi điện. Lần này, nhân viên thông báo ông đã cung cấp sai số tài khoản nên tiền chuyển cho tài khoản khác. Bây giờ muốn lấy lại tiền thì phải trả 3 triệu phí dịch vụ để công ty liên hệ ngân hàng rút tiền. Công ty cam kết, số tiền 3 triệu sẽ được cấn trừ vào khoản lãi của công T. sau này và ông sẽ vẫn được giải ngân đủ 10 triệu. Ông T. kiểm tra lại tất cả các thông tin, khẳng định mình không hề cung cấp sai số, lỗi chuyển nhầm thuộc về công ty. Nhân viên nghiêm giọng cho ông biết, số tiền này là khoản vay của ông, công ty không thể chuyển nhầm được, là do ông cung cấp thông tin chưa chính xác. Họ cho ông xem lại số tài khoản mà ông đã đọc cho công ty nhập trong hồ sơ, tự nhiên lại thiếu số 0. Nhân viên bắt đầu dọa: “Bây giờ là nợ “Kho bạc Nhà nước” chứ không phải nợ công ty nữa. Nếu không sớm khắc phục thì ông phải ra Hà Nội làm việc với kho bạc”.

Ông T. như bị bắt mất thần hồn, toát mồ hôi, lật đật chuyển cho nhân viên 3 triệu để giải quyết rắc rối. Ông ngồi chờ để nhận 10 triệu, chờ mãi cho hết ngày vẫn không thấy tiền về. Ông gọi điện thì “ôi trời”, số điện thoại đã bị khóa. Ông rối ren và hoang mang, không hiểu tại sao mình lại bị lừa nhanh đến vậy.

“Khóc ròng” vì vay nóng cuối năm -0
Trọng có vẻ bề ngoài “hổ báo” nhưng lại bị lừa một cách rất nhẹ nhàng và nhanh chóng.

Vay nhanh “sạch banh” tài khoản

Tương tự ông T., bà Lê Minh T. (40 tuổi, ngụ Thủ Dầu Một, Bình Dương) chỉ chưa đầy 20 phút bị “móc” sạch tài khoản. Cần tiền để lấy hàng tạp hóa bán Tết nhưng không thể vay mượn chỗ nào, bà than thở với cô hàng xóm là công nhân, từng tham gia vay tiền trả góp khi mua xe máy. Cô này tỏ ra am hiểu các thủ tục vay tiền nhanh nên đã nhiệt tình tư vấn cho bà.

Ban đầu bà T. lo sợ bị lừa đảo như báo chí đã cảnh báo rất nhiều nhưng cô hàng xóm gạt phăng suy nghĩ của bà, trấn an: “Đúng là có chỗ lừa đảo, nhưng nhiều nơi vẫn uy tín, chỉ là mình chịu lãi suất hơi cao. Em đang vay trả góp đây, có bị lừa đâu”. Được lời như mở cờ trong dạ, bà T. nhờ cô em liên hệ giùm. Hai người phụ nữ chọn lựa được một chỗ “uy tín” trên mạng rồi gọi điện hỏi. Nhân viên ngọt ngào tư vấn, vay nhanh, không cần thế chấp, thủ tục chưa đầy 30 phút là có tiền. Sau khi cung cấp số CCCD, địa chỉ nơi ở và số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền, họ yêu cầu bà T. chờ 10 phút. Quá thời gian, bà T. gọi lại thì được trả lời đang kích hoạt tài khoản điện tử cho bà, hẹn bà 5 phút sau gọi lại để nhận mã kích hoạt.

Bà T. được cung cấp mã 8 số kích hoạt ví điện tử và gửi cho một đường link để truy cập. Bà T. và cô hàng xóm loay hoay mãi vẫn không tài nào nhập được mã ví nên gọi lại nhờ hướng dẫn. Lúc này, nhân viên thông báo, do bà T. nhập sai quá 3 lần nên bị khóa. Muốn mở phải ra ngân hàng, thời gian mất cả tuần. Bà T. nghe xong cảm thấy nản, vay được 10 triệu mà cực công đi lại quá. Để trấn an bà T., nhân viên đề nghị bà cung cấp mật khẩu vào tài khoản điện tử để họ làm giúp, khi nào tiền về tài khoản thì bà đổi mật khẩu. Bà T. quá tin tưởng, giao mật khẩu cho nhân viên và nhanh chóng nhận lại tiếng “ting ting”. Cứ tưởng tiền về tài khoản, ai ngờ thông báo từ ngân hàng trừ 5 triệu đồng, đây là tất cả số tiền còn lại trong tài khoản của bà T. dùng để lót ví tài khoản điện tử. Cũng giống như bao nạn nhân khác, số điện thoại vay tiền đã tạm khóa và không thể liên lạc được.

Với chiêu thức vay nhanh, dễ dàng, tiện lợi, không cần thế chấp và bao cả nợ xấu, nhiều người lao động, công nhân đang cần tiền để chi tiêu mùa Tết đã phải khóc ròng khi trở thành “con mồi” của nạn lừa đảo chuyên nghiệp. Hình thức lừa đảo không mới, nhưng được biến hóa thêm các thông số rối rắm như “mã kích hoạt, tài khoản ví điện tử, tài khoản lót ví...” khiến các nạn nhân thiếu hiểu biết về mạng xã hội rơi vào “ma trận” thông tin, từ đó dính “bẫy” nhanh chóng. Ngoài “miếng mồi” vay nhanh không thế chấp, đối tượng còn nhắm đến người vay đang bị nợ xấu. Những nạn nhân này dính “bẫy” lừa nhanh hơn rất nhiều.

“Khóc ròng” vì vay nóng cuối năm -0
Mặc dù nạn nhân không đủ tiền trong tài khoản nhưng đối tượng vẫn liên tục nhắn tin mồi chài cho đủ để hốt trọn.

Đang có “án” nợ xấu tại công ty tài chính, Minh Trọng (23 tuổi, ngụ P. Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã vào “danh sách đen” của ngân hàng, đồng nghĩa Trọng không thể vay mượn hay thế chấp ở bất cứ công ty tài chính hoặc ngân hàng nào. Trọng cần tiền mua hoa bán dịp Tết dương lịch 2023 nhưng không thể vay bên ngoài được khiến Trọng rất bức bối và buồn phiền. Trọng tha thẩn lên mạng tìm kiếm và gặp được “cứu tinh” cho vay... “bao nợ xấu”.

Trọng gọi điện hỏi ngay, công ty xác nhận đúng là có chính sách hỗ trợ vốn cho người dân. Khách hàng vay tiền chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân là được duyệt hồ sơ. Thủ tục trả cũng rất đơn giản, lãi suất chỉ 0,5%/tháng, thời hạn vay 12 tháng. Công ty yêu cầu khách hàng lập một ví điện tử để chuyển tiền vay cũng như thanh toán lãi suất qua ví. Mọi công đoạn lập ví điện tử, nhân viên sẽ làm cho khách hàng trong vòng 15 phút là xong. Sau khi có ví điện tử, có số tài khoản, Trọng được nhân viên hướng dẫn cách sử dụng ví. Cũng như các tài khoản khác, để dùng được ví phải có tiền lót ví. Theo quy định của công ty, mỗi tài khoản ví điện tử sẽ phải lót chân 5 triệu đồng thì mới hoạt động được. Mặt khác, đây là ví đa quốc gia, khách hàng đi bất kỳ nước nào cũng có thể rút tiền mặt được và có chức năng tiêu trước trả sau.

Để cho khách hàng dễ hiểu hơn, nhân viên cho biết, ví điện tử chỉ cần có 5 triệu trong đó là có thể tiêu dùng, mua bán được tối đa 50 triệu. Khách hàng có thể ra bất cứ siêu thị hay cửa hàng nào để “quẹt” thẻ thanh toán mà không cần tiền mặt. Đã từng nghe đến thẻ tiêu dùng loại “ăn trước trả sau” nên Trọng rất tin tưởng và vui mừng. Nộp 5 triệu vào ví, vừa được vay 10 triệu lại còn được tiêu xài đến 50 triệu thì còn gì bằng. Trong túi còn 2,5 triệu, Trọng mang luôn chiếc xe máy “cùi bắp” ra tiệm cầm đồ cắm lấy 2,5 triệu nữa để nộp vào ví. Khi có tiền trong ví, sẽ ra chuộc xe sau. Vừa chuyển tiền vào, Trọng nhận ngay tin nhắn trừ sạch số tiền trong ví. Quá bất ngờ, Trọng gọi cho công ty thì... “ò í e”.

“Khóc ròng” vì vay nóng cuối năm -0
Hợp đồng vay tiền được gửi cho khách hàng để làm tin.

Đau khổ và tuyệt vọng vì bị lừa đảo, Trọng gào lên quằn quại muốn chết nhưng may mắn được chủ nhà trọ phát hiện, khuyên can. Anh em trong xóm trọ mỗi người góp một ít chuộc cho Trọng chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Nạn lừa đảo bằng hình thức vay tiền nhanh dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn có những nạn nhân sập bẫy. Khi Tết đã cận kề, những lo toan, áp lực về tiền bạc dồn đến, lại thêm việc mất mát tiền của khiến không ít người rơi vào cảnh cùng quẫn.

Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương, 10 tháng qua đã tiếp nhận 44 tin báo, tố giác tội phạm (chưa kể các tố giác, tin báo do các đơn vị khác tiếp nhận), gây thiệt hại tài sản của người dân trị giá gần 100 tỷ đồng.

Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương Hồ Thọ Hải khuyến cáo: “Khi người dân có nhu cầu vay tiền nên đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng có địa chỉ, pháp lý rõ ràng để tránh bị thiệt hại. Không cài đặt app do các đối tượng trên mạng cung cấp nếu chưa đọc kỹ thông tin và quyền kiểm soát các app. Không đăng nhập tài khoản ngân hàng qua web mà đối tượng cung cấp hoặc chuyển tiếp từ các app vay, chỉ sử dụng app do ngân hàng cung cấp. Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng là cao điểm các đối tượng lừa đảo đẩy mạnh hoạt động. Người dân cần tỉnh táo và sáng suốt khi tiếp cận các nguồn vay, để tránh bị lừa đảo mất tiền oan...”.

Ngọc Thiện
.
.