Khốn đốn vì “vàng tặc” ở đỉnh Pu Phen
Khu vực rộng gần 130 ha với trữ lượng khoảng 80kg vàng nằm trên đỉnh Pu Phen, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An liên tục bị nạn khai thác vàng thổ phỉ tấn công. Thậm chí, đã có cán bộ bị kỉ luật vì để xảy ra tình trạng mất an ninh, trật tự và ô nhiễm môi trường từ nạn “vàng tặc”. Cho dù, địa bàn này đã được cấp phép khai thác cho một doanh nghiệp nhiều năm trước.
Bất ổn vì vàng
Pu Phen là tên một ngọn núi, cách trung tâm xã Yên Tĩnh khoảng 3 giờ đồng hồ leo núi. Đỉnh Pu Phen giáp ranh giữa 3 xã Yên Na, Yên Hòa và Yên Tĩnh của huyện Tương Dương. Năm 2017, Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp (XD&TMTH) Thủ đô, trụ sở tại 251 Giải Phóng, quận Đống Đa (Hà Nội) được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận đầu tư và Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cấp giấy phép khai thác vàng bằng phương pháp hầm lò tại khu vực thuộc xã Yên Na và Yên Tĩnh, huyện Tương Dương. Theo đó, diện tích được phép khai thác là 126,71ha, trữ lượng khai thác là 13.800 tấn quặng (tương đương 80kg vàng) trong thời hạn 15 năm.
Ông Kha Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết, toàn vùng này có 27 hầm vàng, riêng địa phận xã Yên Tĩnh có đến 11 hầm vàng thổ phỉ, trong đó có hầm sâu trong lòng núi đến 800 m. Từng nhiều năm là trưởng công an xã, ông Bay cho biết, từ năm 2008, khi Công ty CP XD&TMTH Thủ đô được cho phép lên Pu Phen thăm dò khoáng sản vàng cũng là thời kỳ chính quyền sở tại phải khốn khổ vì các tổ nhóm khai thác vàng thổ phỉ rầm rộ kéo lên đây để khai thác chui, gây mất an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường khiến người dân rất bức xúc. Cũng thời gian này, Yên Tĩnh đang là địa bàn “nóng” về ma túy, khi có hơn 100 người nghiện. Hàng trăm người từ khắp nơi đổ về, trong đó chỉ có số ít là người dân bản địa, thì phần lớn “phu vàng” đến từ các địa phương như Quảng Nam, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh... đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự bùng phát khi người dân bỏ bê ruộng đồng, vợ chồng ly tán vì chạy theo cơn sốt tìm vàng. Không ít người sa vào rượu chè, cờ bạc, ma túy. Nhiều cặp vợ chồng phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.
Xã Yên Na và xã Yên Tĩnh là địa bàn có tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra phức tạp, gây mất trật tự an ninh làm người dân bức xúc, lo lắng. Chính quyền địa phương nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi, thu giữ, phá hủy nhiều lán trại, máy móc thiết bị phục vụ khai thác vàng trái phép. Nhân dân địa phương lo lắng hoạt động khai thác quặng vàng tại khu vực mỏ sẽ gây ô nhiễm môi trường và mất đất sản xuất lâm nghiệp.
Không những thế, nạn khai thác vàng thổ phỉ ở thượng nguồn gây ảnh hưởng rất lớn đến dòng khe Pu và khe Chà Hạ chảy qua địa bàn. Không chỉ cây cối, hoa màu bị chết mà gia súc, gia cầm uống nguồn nước này hoặc vô tình sập xuống các hố đào vàng đã chết hoặc bị thương. Có ít nhất khoảng 70 hộ dân xã Yên Na bị ảnh hưởng đến đời sống và lao động sản xuất. Tình trạng khai thác trái phép trên Pu Phen rộ lên từ năm 2008 đến khoảng năm 2013, sau đó cứ âm ỉ kéo dài đến hết năm 2019. Khi huyện Tương Dương huy động các lực lượng tổng lực liên tục truy quét, giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền 3 xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa luân phiên cử người canh gác thì tình trạng khai thác vàng trên Pu Phen mới cơ bản được giải quyết.
UBND huyện Tương Dương đã phải chi ngân sách để hỗ trợ các xã trong việc đẩy đuổi “vàng tặc”. Cụ thể, huyện này đã giao cấp ủy, chính quyền 3 xã Yên Tĩnh, Yên Na, Yên Hòa cử lực lượng luân phiên tuần tra. Mỗi xã trực một tháng quay vòng và từng tháng phải có báo cáo gửi về huyện. Hằng tháng, huyện Tương Dương cấp kinh phí cho mỗi xã 5 triệu đồng để hỗ trợ công tác tuần tra. Nếu để tái diễn tình trạng khai thác trái phép trên núi Pu Phen, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sẽ phải chịu hình thức kỷ luật.
Khó khăn truy quét
Huyện Tương Dương và 3 xã tốn rất nhiều công sức trog việc truy quét vàng tặc. Có những lần đích thân Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện cùng Trưởng Công an huyện đã trực tiếp lên núi chỉ đạo các lực lượng quân sự, công an truy quét. Mỗi lần như vậy, kéo dài từ 2-3 ngày. Lần nào lên cũng phá được máy, lán, cắt đường ống dẫn nước. Nhưng, chỉ vài hôm lại nhận được tin Pu Phen đã có các nhóm đào vàng trở lại.
Khó khăn lớn nhất trong việc truy quét nạn “vàng tặc” tại địa điểm giáp ranh giữa 3 xã ở đỉnh Pu Phen là địa bàn rộng, hiểm trở, cách xa khu dân cư. “Muốn tiếp cận được hiện trường phải đi bộ khoảng 3 giờ đồng hồ mới đến nơi. Mỗi khi có đoàn kiểm tra tiếp cận hiện trường, các đối tượng thường được thông tin trước để tẩu tán phương tiện, tang vật và chạy trốn vào rừng sâu để ẩn náu. Ngoài ra, những đối tượng tổ chức khai thác chủ yếu nghiện ma túy, thậm chí ra tù vào tội, hộ khẩu ở các địa phương khác nên hoạt động rất manh động”, ông Kha Văn Bay cho biết thêm.
Tuy nhiên, điều đáng nói là để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của Công ty CP XD&TMTH Thủ đô, bởi từ khi được cấp giấy phép khai thác, doanh nghiệp chưa có văn bản nào, cũng chưa làm việc với chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục theo quy định; không phối hợp thực hiện quản lý, bảo vệ khoáng sản trong phạm vi được cấp phép và để xảy ra tình trạng các đối tượng khai thác khoáng sản vàng trong phạm vi khu vực được cấp phép.
Ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Tương Dương cho biết, từ năm 2017, thời điểm Bộ Tài nguyên-Môi trường cấp Giấy phép số 75/GP-BTNMT cho đến nay, Công ty CP XD&TMTH Thủ đô chưa thực hiện bất cứ hoạt động nào, kể cả việc lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương pháp cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án và thực hiện việc ký quỹ môi trường, cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản theo quy định.
Do những hệ lụy từ nạn khai thác vàng thổ phỉ gây ra trong suốt hơn 10 năm qua, từ năm 2019 đến nay, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân rất bức xúc, chính quyền mệt mỏi và đã hàng chục lần kiến nghị về việc cần sớm rút giấy phép khai thác vàng đã cấp cho Công ty CP XD&TMTH Thủ đô.
Theo Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Nghệ An, cho đến thời điểm này Công ty CP XD&TMTH Thủ đô chưa thực hiện nghĩa vụ liên quan theo quy định như thuê đất, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.
Mới đây nhất, ngày 20-12-2021, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Nghệ An có công văn kiến nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tham mưu cho Bộ Tài nguyên-Môi trường thu hồi Giấy phép số 75/GP-BTNMT ngày 19-1-2017 đã cấp cho Công ty CP XD&TMTH Thủ đô thực hiện dự án công trình hầm lò khai thác mỏ vàng gốc tại xã Yên Na và xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương để chấm dứt hoạt động dự án vì đã vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 55 và Điều 58, Luật Khoáng sản.
Đây là lần thứ 3 kể từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nghệ An đã kiến nghị thu hồi giấy phép đã cấp cho Công ty CP XD&TMTH Thủ đô, vì sau nhiều năm cấp phép nhưng không triển khai thực hiện. Trong khi địa phương sở tại đã rất chật vật trong việc ngăn cản, đẩy đuổi vấn nạn vàng tặc, khai thác thổ phỉ thường xuyên trên địa bàn.