Khốn nạn hội nhóm “cào người, giết khách”

Thứ Ba, 25/02/2025, 08:25

“Cào người, giết khách” là cách gọi trong các hội, nhóm kín, chuyên câu nhử, dẫn dụ các nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc trao đổi, bán thông tin cho đường dây tội phạm xuyên quốc gia chuyên lừa qua không gian mạng. Với những chiêu thức biến hóa linh hoạt, khó lường, nhiều người trở thành nạn nhân, rồi nạn nhân lại trở thành kẻ tiếp tay cho lừa đảo...

Bánh vẽ “làm giàu không khó”

Cuối năm 2024, chị N.P.Đ (45 tuổi, ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm hàng nông sản ở quận 7 (TP Hồ Chí Minh). Tại đây, chị gặp gỡ, giao lưu với nhiều chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ các tỉnh phía Nam. Chị Đ. chia sẻ mong muốn phát triển mặt hàng bưởi da xanh xuất khẩu sang châu Âu và nhận được một số lời đề nghị đầu tư.

Ngay hôm sau, nhà đầu tư tên Thành đã liên hệ với chị Đ. qua tin nhắn Facebook và mời chị tham gia nhóm “đầu tư xuyên lục địa”. Nhóm này quy tụ gần 1.000 thành viên, được Thành giới thiệu đều là những chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Nắm bắt được tâm tư của chị Đ., nhà đầu tư có nick name là Peter Thắng, tự quảng bá bản thân đã đầu tư vào nhiều dự án nông nghiệp của Việt Nam như: thanh long ruột đỏ, gạo hữu cơ, bưởi da xanh... Tất cả những dự án này đều có giá trị hàng triệu đô la và đang xuất khẩu ổn định trên thị trường toàn cầu. 

Khốn nạn hội nhóm “cào người, giết khách” -0
Một đối tượng trong đường dây mua bán người sang Campuchia ép làm việc cho tổ chức lừa đảo bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ.

Sau những màn thuyết trình đi vào lòng người, Peter Thắng bắt đầu chia sẻ cho chị Đ. kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao. “Phải đầu tư vào đây để lấy thẻ thành viên, sau đó mới được kết nạp vào nhóm doanh nghiệp. Trở thành nhà đầu tư thì chị sẽ có nhiều cơ hội chọn lựa nhà đầu tương xứng tư cho dự án của mình”, Peter Thắng đưa ra lời khuyên.

Chị Đ. làm theo hướng dẫn trong đường link của Peter Thắng đưa cho và đầu tư một khoản nhỏ để thăm dò. Không ngờ, chị trúng khoản tiền lớn bằng việc bán cổ phần và phiếu quà tặng. Thấy dễ ăn, chị Đ. tiếp tục đầu tư mạnh tay hơn và cũng trúng đậm với số tiền gần 200 triệu đồng chỉ trong vòng 3 ngày đầu tư vào chỉ số giá khoáng sản. Với sự tư vấn của Peter Thắng và Thành, chị đã chơi tất tay, đổ dồn toàn bộ số tiền có được là 350 triệu vào trái phiếu khoáng sản. Nhưng, may mắn đã không mỉm cười với chị Đ., hay nói đúng hơn là đến thời điểm “con mồi cắn câu”, chỉ số đầu tư của chị Đ. tụt xuống đáy, kênh đầu tư báo động ngừng giao dịch trên sàn.

Thay vì tìm hiểu tại sao lại thế, chị Đ. được các nhà đầu tư trong nhóm động viên, tiếp tục chơi qua kênh khác thì mới có cửa lấy được tiền đã mất. Nhưng, chị đã cạn kiệt tài chính, không còn theo kịp các nhà đầu tư lớn nữa. Peter Thắng hứa hẹn sẽ cho chị cơ hội lấy lại tiền bằng cách kết nạp chị làm thành viên của nhóm “đầu tư xuyên lục địa”. 

Nhiệm vụ của chị Đ. là tìm kiếm những nhà đầu tư có tiềm năng, giới thiệu với nhóm. Mỗi phi vụ thành công, chị sẽ được hưởng 30% hoa hồng từ chính số tiền nhà đầu tư chị giới thiệu. Chị Đ. lao vào tìm kiếm, lùng sục những người anh em, thân quen của mình đưa vào với lời mời ngon ngọt, hấp dẫn. Vì tin tưởng nên một số bạn bè của chị đã tham gia cho đến khi sập bẫy lừa đảo của nhóm “đầu tư xuyên lục địa”. Có người mất vài chục triệu, người mất hàng trăm triệu mới nhận ra mình bị chính Đ. đưa vào bẫy. Khi bị phanh phui, Đ. cũng thừa nhận bản thân từng là nạn nhân, mất toàn bộ vốn làm ăn nên muốn kéo lại, không ngờ lại tiếp tay cho kẻ lừa đảo. 

“Sự việc vỡ lở, tôi tìm Peter Thắng và Thành thì họ đã biến mất, ngay cả nhóm “đầu tư xuyên lục địa” cũng không còn. Tôi hoàn toàn bất lực”, chị Đ. đau đớn. 

Từ nạn nhân, chị Đ. trở thành kẻ lừa đảo, bị bạn bè mắng chửi, dọa sẽ tố cáo. Chị Đ. phải đứng ra nhận trả lại số tiền mà bạn bè đã đầu tư vào nhóm lừa đảo do chị giới thiệu.

Khốn nạn hội nhóm “cào người, giết khách” -0
Người Việt Nam làm việc cho các công ty lừa đảo tại Campuchia được trả về qua địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Cẩn trọng sập bẫy nhóm “cào người”

Trường hợp của chị Đ. chỉ mất tiền, chưa đến mức có nguy cơ mất mạng như T.V.N (28 tuổi, quê Bình Phước, tạm trú TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). N. vốn là tài xế xe công nghệ, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, N. xin nghỉ một tháng về quê chơi. Nghe một người bạn mách, có kênh kiếm tiền thời vụ dịp Tết trên nhóm “nhà đầu tư thông thái” rất dễ dàng, uy tín. N. được bạn kết nạp vào nhóm có hơn 2.000 thành viên. Mọi người trong nhóm chia sẻ cách kiếm tiền như, đầu tư vàng 1 vốn 4 lời, mua thẻ quà tặng đổi đô la... N. tham gia chơi và trúng được khoản tiền kha khá. Thấy N. là khách chơi tiềm năng, một leader (trưởng nhóm) giới thiệu kênh đầu tư ở nước ngoài để N. có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn.

Ngay sau đó, một “giám đốc” của công ty tiếp cận N., ngỏ ý muốn mời anh sang nước ngoài làm việc với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/tháng. Thử việc 3 tháng, sau đó ký hợp đồng dài hạn sẽ được nhận lương 3.000 đô la/tháng, được đóng bảo hiểm và tất cả quyền lợi ưu tiên cho người lao động. Chưa hết, vị “giám đốc” này còn hứa sẽ cho N. làm trưởng nhóm nhân sự của công ty. 

N. trả lời ăn Tết xong sẽ suy nghĩ về công việc mới thì “giám đốc” có lời mời anh qua công ty ở Singapore tham quan trước. Tiếp đến, một người dẫn đường liên hệ với N. hướng dẫn anh đi xe khách đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ có xe của công ty đón qua biên giới và đưa sang Singapore.

N. làm theo hướng dẫn. Tuy nhiên, trên chuyến xe khách về cửa khẩu Mộc Bài, N. nói chuyện với một hành khách đi du lịch Campuchia. Vị khách này sau khi biết câu chuyện của N. đã nghi ngờ có sự lừa đảo nên khuyên N. nên đến đồn biên phòng cửa khẩu để trình báo sự việc. Chính điều này đã cứu N. thoát khỏi nanh vuốt của nhóm lừa đảo. 

N. cho biết, đến cửa khẩu anh trình bày câu chuyện của mình cho đồng chí cán bộ biên phòng nghe: “Anh ấy nói luôn là em bị bọn lừa đảo bán sang Campuchia làm việc trong tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia và nhiệm vụ của em là đi lừa đảo người Việt Nam. Chẳng ai đi Singapore mà lại qua Campuchia cả, hơn nữa làm gì có công việc nào lương ngàn đô la chỉ thông qua cuộc nói chuyện trên mạng với những người chưa từng gặp mặt”, N. kể lại giây phút tỉnh ngộ, nhận ra mình bị lừa và may mắn thoát nạn ngay cửa khẩu biên giới.

Thời gian qua, rất nhiều nạn nhân đã sập bẫy bằng chiêu thức lừa đảo tương tự anh N. Nạn nhân bị các đối tượng trong đường dây lừa đảo bán đến các công ty chuyên hoạt động lừa đảo tại Campuchia rồi từ đây, họ trở thành kẻ lừa đảo bất đắc dĩ. 

Ngày 15/2/2025, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định bắt giữ nhóm đối tượng để làm rõ hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Qua đó, Cơ quan công an xác định có 24 đối tượng trong số công dân bị trả về giữ vai trò chính trong công ty chuyên hoạt động lừa đảo tại Campuchia, trực tiếp “cào khách, giết khách” (thuật ngữ nhóm lừa đảo dùng chỉ việc nhử khách và bắt khách chiếm đoạt tiền). Nhóm “cào khách” có vai trò làm quen trên mạng xã hội, dẫn dụ bị hại đặt cược, đầu tư... Khi bị hại tin tưởng nạp tiền thì chuyển tiền lời để dụ họ chuyển tiền nhiều thêm. Sau đó nhóm này chuyển cho nhóm “giết khách” làm cho bị hại không rút được tiền và yêu cầu bị hại nộp thêm tiền để rút tiền lời ra cho đến khi bị hại không còn khả năng tài chính sẽ đóng trang mạng xã hội xóa dấu vết.

Khốn nạn hội nhóm “cào người, giết khách” -0
Nhóm người Việt Nam làm việc cho các công ty lừa đảo.

Qua tiếp nhận và khẩn trương tiến hành điều tra ban đầu, Cơ quan CSĐT xác định tại thành phố Bavet (tỉnh Svayrieng, Campuchia), các đối tượng người Trung Quốc thuê tầng 3 và 4, tòa 11, khu Kim Sa 4 để thành lập công ty hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức sử dụng ứng dụng (app) “Tình yêu”, gọi tắt là app 2.1, đồng thời mua đường link để dẫn đến trang web có tên “Casino Bay Sands” phục vụ cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công ty lừa đảo này do đối tượng người Trung Quốc tên HeYuki làm giám đốc, đối tượng tên A Lửng làm quản lý các nhân viên, được tổ chức chặt chẽ, lập ra nhiều nhóm và phân công vai trò, nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, thành viên như quản lý, hậu đài, sale, hậu cần...

Các nhân viên làm việc tại đây chủ yếu sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam. Khi nhân viên vào làm việc sẽ được các đối tượng hướng dẫn cho học kịch bản, quy trình lừa đảo của app 2.1, tiếp đó công ty giao cho máy tính và điện thoại di động để tự thực hiện các bước trong quá trình lừa đảo theo công việc phân công.

Ban đầu, nhân viên mới vào làm việc sẽ được bố trí vào tổ gọi là sale (quảng cáo) được cấp một mã số và hằng ngày phải sử dụng các tài khoản Facebook ảo do công ty cung cấp để lên mạng xã hội tìm kiếm, làm quen từ 2 khách hàng trở lên, nếu không thực hiện đủ chỉ tiêu hoặc không lừa được khách nào sẽ bị phạt tiền, đồng thời sẽ bị tổ trưởng và quản lý đánh đập, chích điện...
Qua làm việc với các đối tượng là nhân viên trong nhóm lừa đảo, Cơ quan công an xác định có 5/20 tài khoản của 24 đối tượng dùng để lừa đảo có số tiền trên 500 tỷ đồng, trong đó có 6 nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền trên 35 tỉ đồng, 3 nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền gần 6 tỷ đồng.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh đang tiếp tục phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và lực lượng chức năng Campuchia điều tra, truy bắt các đối tượng liên quan; đồng thời, kêu gọi các đối tượng có liên quan ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Những ai là bị hại của tội phạm với thủ đoạn như trên liên hệ cung cấp thông tin cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh để xử lý.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), lừa đảo “việc nhẹ lương cao” hay bánh vẽ “nhà đầu tư thông thái” đã xuất hiện rất nhiều trong các vụ án mà cơ quan chức năng Việt Nam triệt phá, bóc gỡ trong thời gian trở lại đây. Nhưng, bằng cách nào đó, đối tượng lừa đảo vẫn câu nhử và lừa được nạn nhân mất tiền. Thiết nghĩ, lỗi một phần do con người sống chủ quan, dễ tin người, thiếu cập nhật các thông tin về an ninh, trật tự trên các phương tiện truyền thông, trên không gian mạng. Số khác bị lừa cũng bởi lòng tham, muốn làm giàu nhanh chóng nên dễ dàng bị dẫn dụ bằng tiền bạc và các khoản đầu tư lớn.

“Những hội nhóm trên mạng tưởng chừng như chỉ là không gian tán gẫu bình thường nhưng thực chất đang tác động tâm lý đến hàng nghìn, hàng chục nghìn người tham gia. Do đó, hãy cân nhắc, tỉnh táo trước khi tham gia bất cứ hội, nhóm nào, giữ một cái đầu lạnh và dành thời gian cho những hoạt động xã hội thay vào việc cứ đắm chìm trên mạng xã hội”, luật sư Nguyễn Thanh Biên chia sẻ. 

Ngọc Thiện
.
.