Khủng bố đang kiếm tiền qua... từ thiện?

Thứ Ba, 02/11/2021, 21:31

Chẳng ai phủ nhận được những đóng góp của các tổ chức từ thiện đa quốc gia. Trong bối cảnh thế giới càng ngày trở nên bất ổn, rất nhiều tổ chức thiện nguyện đã có mặt trên tuyến đầu sớm hơn ai hết.

Không biết bao nhiêu nạn nhân của chiến tranh, dịch bệnh, nạn đói, v.v…đã phải bỏ mạng nếu như không được những tình nguyện viên và hàng viện trợ giúp đỡ. Tuy vậy, nói riêng công tác cứu trợ từ thiện tại Syria đang có rất nhiều vấn đề. Lòng hảo tâm đang bị lợi dụng để kéo dài cuộc chiến đang ngày càng xé nát quốc gia này.

Ai giúp ai

Kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011, hơn 13 tỷ USD tiền viện trợ đã được đổ vào quốc gia này. Các tổ chức như, Doctors Without Borders, Syrian Emergency Task Force, International Rescue Committee, Syrian Forum USA, Islamic Relief USA,v.v… hoạt động không ngừng nghỉ để hỗ trợ cho hơn 6,5 triệu người vẫn còn ở lại Syria. Nhờ các tổ chức từ thiện này mà nỗi đau chiến tranh của người dân Syria được vơi bớt phần nào.

Nhưng thực tế cho thấy, sự thật lại không đẹp như vậy. Số người dân Syria thật sự nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế chỉ chiếm thiểu số mà thôi. Theo một cuộc điều tra của hãng tin AP, hầu hết hàng hóa viện trợ đều rơi vào tay các nhóm phiến quân chống chính phủ, trong đó có những tổ chức Hồi giáo cực đoan. Dân thường Syria muốn tiếp cận số hàng này buộc phải trả cho phiến quân những số tiền rất lớn.

Khủng bố đang kiếm tiền qua... từ thiện? -0
Người dân Syria xếp hàng dài chờ nhận được hàng cứu trợ từ Oxfam.

Các tổ chức từ thiện quốc tế hiểu rõ điều này, nhưng họ không còn sự lựa chọn nào khác. Họ là người ngoài, không biết cách phân phối hàng viện trợ đến tận tay người dân. Theo lệ thường, họ sẽ hợp tác với các tổ chức đoàn thể địa phương trong công tác phân phối, nhưng những tổ chức này đều đã biến mất vì chiến tranh. Lực lượng xã hội duy nhất đủ khả năng còn lại là các nhóm phiến quân, vì thế mà tất cả hàng viện trợ phải qua tay họ. Các tổ chức từ thiện đa quốc gia coi những thứ mất cho phiến quân giống như “tiền bảo kê” để mình có thể hoạt động yên ổn.

Thông cáo báo chí của UNICEF liệt kê chỉ vỏn vẹn 4 tổ chức từ thiện tự mình đảm nhận được khâu phân phối. Tổ chức  đứng đầu danh sách là International Medical Corps chuyên chữa bệnh và phân phối thuốc men. Không ít người dân Syria dựa vào họ để chữa trị thương tích cơ thể và tâm lý, phòng chống bệnh suy dinh dưỡng. Và gần đây là ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Hai tổ chức khác là Adventist Development and Relief Agency và SAWA. Kể từ khi chiến sự trở nên khốc liệt hơn, họ đã rút tình nguyện viên khỏi Syria và hiện nay chỉ tập trung vào việc giúp đỡ dân tị nạn ở nước ngoài. Chỉ còn một tổ chức duy nhất còn ở lại là Syria Solidarity Movement. Họ cung cấp nhà ở và việc làm cho người Syria. Tuy vậy có tin đồn rằng, tổ chức này đang chịu sự điều tra của Bộ Ngoại giao Mỹ do công khai kêu gọi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Syria, đồng thời tôn trọng quyền tự chủ của quốc gia này.

Mọi phương án giải quyết vấn đề đều vấp phải sự cản trở từ phía Mỹ. Chính sách của nước này từ trước đến nay là các tổ chức từ thiện chỉ được hoạt động trong khu vực do lực lượng chống chính phủ Syria kiểm soát. Mà trong số những nhóm chống lại chính phủ Syria có các tổ chức khủng bố Hồi giáo như ISIS, Al-Nusra và Jaish Al Islam. Những nhóm này từng gây ra không biết bao nhiêu thảm cảnh. Ví dụ như vụ thảm sát 32 người thiểu số tại thị trấn Adra năm 2013 do Jaish Al Islam gây ra. Hai năm sau đó tổ chức này sử dụng dân thường làm “khiên thịt” trong khi tấn công vào thủ đô Damascus.

Khủng bố đang kiếm tiền qua... từ thiện? -0
Những kẻ khủng bố đang giàu lên nhờ tiền từ thiện nước ngoài.

Không ít đối tượng từ Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Afghanistan, v.v…nghe theo tiếng gọi “thánh chiến” đã đem cả gia đình đến Syria. Cùng lúc đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nuôi tham vọng dựng nên một chính phủ mới theo tư tưởng Hồi giáo Salafi ở Damascus. Ông ra lệnh cho mở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để gia đình các đối tượng khủng bố sang được Syria. Tại đây họ dựng nhà cửa và sống bằng tiền, hàng hóa từ thiện từ nước ngoài. Ước tính khu vực do phiến quân chiếm đóng đạt 3% tổng diện tích Syria nhưng lại nhận được hơn 90% tiền từ thiện quốc tế. Quân khủng bố và gia đình của chúng đang trở nên giàu có nhờ lòng hảo tâm của người khác.

Những người dân tộc thiểu số hoặc có thái độ chống quân khủng bố buộc phải di tản sang các khu vực chính phủ vẫn nắm quyền. Damascus đang loay hoay không biết làm cách nào hỗ trợ số người này. Từ chỗ là một nước có hệ thống y tế công phát triển, ngày nay các bệnh viện của Syria đang thiếu trầm trọng bác sỹ và thuốc men. Hơn 9% người dân trong độ tuổi lao động chịu thất nghiệp và phải sống dựa vào trợ cấp. Nếu như không có Nga và Iran hỗ trợ, Syria có lẽ đã sụp đổ vì nạn đói và dịch bệnh.

Nhiều người dân Syria tỏ thái độ giận dữ khi nói về các nỗ lực từ thiện đến từ cộng đồng thế giới. Một thanh niên Damascus nói với phóng viên tờ MintPress News: “Người Mỹ vào Syria, làm đảo lộn mọi thứ, rồi nghĩ rằng họ có thể xin lỗi bằng mấy đồng tiền từ thiện ư? Nếu họ muốn giúp người Syria thì tốt nhất hãy cuốn gói sớm đi!”.

Mũ trắng, tim đen

White Helmets (Tạm dịch “Mũ trắng”) trở thành tâm điểm chú ý của báo giới quốc tế khi các tình nguyện viên của tổ chức này chịu sự tấn công bằng khí gas độc của quân đội chính phủ Syria. Hình ảnh những tình nguyện viên đội mũ nồi trắng giữa đám đông người Syria quằn quại đau đớn trở thành “lá cờ” kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và lên án sự tàn bạo của chế độ Damascus.Vậy nhưng White Helmets thực ra làm gì?!

Theo điều tra của tờ La Monde, phần lớn trong số 60 triệu USD White Helmets nhận được dùng để chi cho việc thuê chuyên gia, quản lý viên, quay phim, phóng viên, diễn viên, v.v… Nói theo cách khác, mục đích của White Helmets là quyên càng nhiều tiền càng để duy trì hoạt động và trả lương nhân viên. Có rất ít nguồn lực được họ chi ra cho việc cứu trợ người dân Syria. Sử dụng tiền từ thiện sai mục đích như trên là việc phạm tội hình sự, nhưng mãi đến năm 2017 giới chức Anh và Thổ Nhĩ Kỳ mới chính thức mở cuộc điều tra White Helmets.

Khủng bố đang kiếm tiền qua... từ thiện? -0
Các bệnh viện tại Damascus đã mất hầu hết năng lực chữa trị của mình.

Trong khi cuộc điều tra còn dang dở, người sáng lập của White Helmets là James Le Mesurier bất ngờ tử vong do ngã từ ban công xuống đất. Có tin đồn rằng, anh ta tự tử trước khi cùng vợ bị bắt do tội lừa đảo và gian lận tài chính. Nhưng điều đáng quan tâm hơn là theo nhà báo điều tra Anh Whitney Webb, Mesurier từng làm sỹ quan tình báo quân đội Anh ở Kosovo trong cuộc nội chiến Serbia. Anh ta giữ nhiệm vụ làm cầu nối giữa MI-6 và các nhóm Hồi giáo cực đoan đồng minh của NATO.

White Helmets hiện tìm mọi cách xóa sạch mọi sự liên quan giữa họ và Le Mesurier. Website và trang Wikipedia của White Helmets đều xóa tên anh ta. Trong khi đó vị chủ tịch Raed Saleh tuyên bố: “Le Mesurier không thành lập ra White Helmets!”. Tuyên bố này có phần khả nghi  vì không những có giấy tờ chứng minh điều ngược lại, mà còn vì Raed Saleh là một đối tượng Hồi giáo cực đoan từng bị bộ ngoại giao Mỹ, Anh, Pháp và Đức cấm nhập cảnh.

Thử hỏi một tổ chức từ thiện được lãnh đạo bởi những cá nhân mờ ám liệu có làm tốt trách nhiệm của mình?! Ở tầm cơ sở, hoạt động của White Helmets cũng chẳng khá hơn là mấy. Vào năm 2016, báo chí Syria lật tẩy ra việc nhân viên tình nguyện White Helmets dàn dựng video cứu nạn nhân (thực chất là một con bù nhìn) khỏi đống đổ nát.

Hơn hai năm sau, một nhóm tình nguyện viên khác bị chụp ảnh khi đang chôn cất xác nạn nhân bị quân khủng bố hành hình. Trên thi thể người chết đầy thương tích do bị tra tấn, đáng lẽ ra phải nhận được sự giúp đỡ của White Helmets trước khi chết. Chưa hết, việc chôn cất xác nạn nhân như vậy thật chẳng khác nào tiếp tay cho khủng bố che giấu tội ác của mình.

Khả năng tích cực nhất là White Helmets đang kiếm lời từ sự hảo tâm của cộng đồng quốc tế. Khả năng tiêu cực nhất là họ làm “bình phong” cho tình báo phương Tây kiểm soát dòng tiền từ thiện đi vào Syria. Điều này không phải không có tiền lệ. Syria Relief Network và Baytna Syria là hai tổ chức được thành lập tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng mục đích “kết nối” các quỹ từ thiện nước ngoài với những nhóm phiến quân nắm quyền kiểm soát Syria.

Lướt qua danh sách “đối tác” của Syria Relief Network và Baytna Syria, không ít chuyên gia đã phải lên tiếng cảnh báo về sự có mặt của các nhóm Hồi giáo cực đoan thân Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ giữa họ và Ankara lộ liễu đến mức Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ thế giới ra tuyên bố cắt đứt hợp tác với Baytna Syria và Syria Relief Network.

Khủng bố đang kiếm tiền qua... từ thiện? -0
Ảnh chụp nhân viên White Helmets đưa xác nạn nhân bị các đối tượng khủng bố hành hình đi mai táng.

Hậu quả tai hại

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự thất bại trong việc cứu trợ từ thiện tại Syria là thái độ của các nước phương Tây. Mỹ cùng các quốc gia NATO khác coi từ thiện như một “lá bài” trên bàn đàm phán. Họ không tạo điều kiện để viện trợ đến với tất cả mọi người dân Syria thì thôi, nhưng đằng này họ còn “phân luồng” để tiền và hàng chỉ rơi vào tay đồng minh của mình. Tính toán của Washington vô cùng rõ ràng: “kéo dài sự sống” cho các nhóm phiến quân cho đến ngày chính quyền Damascus sụp đổ.

Nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối hành vi nói trên của Mỹ. Họ không chỉ đứng trên lập trường đạo đức để phê phán Washington, mà còn tỏ ra lo ngại về hậu quả trong tương lai. Al-Qaeda và Taliban cho thấy những “đồng minh” khủng bố của Mỹ sau này thể nào cũng quay ra tấn công ngược lại họ. Rất có thể Mỹ và NATO đang đi vào “vết xe đổ” của chính mình. Và hậu quả mà họ nhận lại sẽ thật khó mà đo đếm được hết. Còn đối với người dân Syria, hy vọng nhận được bất kỳ lòng hảo tâm nào từ quốc tế đã bị dập tắt gần như hoàn toàn.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.