Lập nhóm mạng xã hội để “báo chốt” vi phạm giao thông: Cần mạnh tay xử lý
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều nhóm “báo chốt” để thông báo chốt, trạm kiểm soát của các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Hành vi này không chỉ cản trở, tác động xấu đến hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông mà còn có thể để các đối tượng phạm pháp hình sự biết nhằm né tránh. Dù một số cá nhân đã bị xử lý nhưng hiện tượng lập nhóm, “báo chốt” hàng ngày vẫn đang diễn ra khá công khai.
Tràn lan các nhóm “báo chốt”
Không khó khăn để tìm ra các hội nhóm “báo chốt” vi phạm giao thông trên mạng xã hội. Đặc biệt, các nhóm này hoạt động rất công khai với hàng nghìn thành viên tham gia, theo dõi. Các thành viên trong nhóm sẽ liên tục báo địa điểm, thời gian các chốt tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng được cập nhật.
Để tìm hiểu thực hư về các nhóm này, chúng tôi lên mạng xã hội Facebook gõ từ khóa: “báo chốt thổi nồng độ cồn”, chỉ vài giây cho ra hàng trăm hội nhóm, như: “Hội CA thổi nồng độ cồn”; “Biết thế đ... ra đường - Tránh chốt và thông báo chốt 141 và Giao thông Hà Nội”; “Thông chốt và báo chốt 141”… bên cạnh đó có các hội nhóm “báo chốt” của các tỉnh như: “Chốt thổi nồng độ cồn Thái Nguyên”; “Hóng chốt thổi nồng độ cồn Đà Nẵng”; “Hội anh em tuân thủ nồng độ cồn Hải Phòng”….
Đơn cử như nhóm “Hội CA thổi nồng độ cồn”, tại nhóm này có tới 3,1 nghìn thành viên tham gia. Các trạng thái “báo chốt” được đăng tải liên tục, chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc. Như trạng thái của một người ẩn danh đăng vào ngày 13/10/2023 có nội dung: “Ngay lúc này Picachu (từ lóng chỉ Cảnh sát giao thông) đang lập chốt thổi nồng độ ở cổng Bệnh viện Kiến An cả đi lẫn về”. Trạng thái này đăng lên nhận được rất nhiều lượt thích và comment.
Hay trạng thái được đăng ngày 20/9 có nội dung: “Ngã tư đường An Dương đang làm tổ”, khi trạng thái này đăng lên rất nhiều bình luận, người buông lời cảm ơn, người chỉ cách đi đường tránh chốt. Bên cạnh đó cũng không ít những bình luận phản cảm khó chấp nhận. Tài khoản có tên Minh Thang bình luận: “Cảm ơn bác nhé, vừa làm mấy vại bia cùng bạn bè, may có bác thông báo để né chứ không thì to tội”.
Tại các hội nhóm này, không chỉ có nhiệm vụ “báo chốt” mà còn là nơi các tài xế đăng trạng thái hỏi các tuyến đường họ sắp đi qua có chốt hay không. Đồng thời họ đưa những điều luật An toàn giao thông, cách “cãi” lại Cảnh sát giao thông khi đi qua các chốt, từ chốt kiểm tra nồng độ cồn cho đến các chốt xử lý vi phạm an toàn giao thông khác. Như trạng thái được đăng vào ngày 14/10 của tài khoản An Ka: “Các bác qua trạm Liêm Tuyền có Picachu (Cảnh sát giao thông) không ạ, hoặc Pháp Vân - Cầu Giẽ nữa. Em cảm ơn”.
Nói về các hội nhóm này, anh Nguyễn Văn Th (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, là một lái xe dịch vụ nên anh cũng thường xuyên vào các hội nhóm “báo chốt” để tìm hiểu. Bản thân anh cũng đã từng đăng tải những trạng thái để hỏi những tuyến đường mình đi có chốt Cảnh sát giao thông thổi nồng độ cồn hay không. “Làm nghề lái xe nên tôi thường xuyên đi trên đường, có một lần trót uống mấy cốc bia, tôi sợ đi qua phải chốt thổi nồng độ cồn nên đã đăng tải lên nhóm để hỏi. Thế nhưng sau một thời gian theo dõi, tôi cũng tham gia tích cực, có lần đi qua Nhà thi đấu quận Hà Đông, tôi thấy có chốt thổi nồng độ cồn nên đăng lên nhóm để thông báo. Sau thông báo tôi nhận được nhiều tin nhắn cảm ơn, Facebook cá nhân cũng rất nhiều bạn bè kết bạn…Từ đó các các trạng thái đăng lên nhóm của tôi ngày càng dày đặc hơn”, anh Th chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng tham gia nhóm “báo chốt”, anh Th đã bị cơ quan Công an mời lên làm việc. “Tôi bị cơ quan Công an triệu tập lên làm việc, các anh đã giáo dục về hành vi vi phạm của tôi. Bên cạnh đó tôi bị phạt hành chính 8 triệu đồng, từ hôm đó tôi đã bỏ theo dõi nhóm và không đăng tải gì liên quan đến các nhóm “báo chốt” nữa” - anh Th cho biết thêm.
Xử phạt chưa đủ sức răn đe
Mới đây, Công an huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hình thức phạt 7,5 triệu đồng đối với một đối tượng về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật. Theo Công an huyện Mỹ Đức, đối tượng này đã đăng tải công khai lên trang Facebook cá nhân của mình dòng trạng thái kèm 2 hình ảnh chụp lại việc lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mỹ Đức đang phối hợp với Công an xã An Mỹ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Tại cơ quan Công an, đối tượng vi phạm thừa nhận hành vi vi phạm, chủ động gỡ bài đăng.
Trước đó, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng xử lý trường hợp sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải thông tin về hoạt động làm nhiệm vụ của lực lượng Công an. Cụ thể, qua điều tra, Công an thị xã Sơn Tây xác định và mời trường hợp là chủ tài khoản Facebook có hành vi đăng tải thông tin vi phạm liên quan đến hoạt động làm nhiệm vụ của lực lượng Công an đến trụ sở làm việc. Tại đây, anh B.V.C, ở xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Sau khi làm việc với cơ quan Công an, anh C đã nhận thức được vi phạm của bản thân và gỡ bỏ các bài đăng của mình trên mạng xã hội.
Căn cứ quy định, Công an thị xã Sơn Tây đã hoàn thiện hồ sơ, ban hành Quyết định xử phạt hành chính, phạt tiền 7,5 triệu đồng đối với anh C về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”.
Công an thị xã Sơn Tây khuyến cáo, việc thông báo hoạt động của Cảnh sát giao thông giúp người vi phạm né tránh các chốt của lực lượng chức năng là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ cản trở, tác động xấu đến hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông mà còn có thể để các đối tượng phạm pháp hình sự, tàng trữ, vận chuyển ma túy, vũ khí… biết nhằm né tránh lực lượng làm nhiệm vụ. Vì vậy, khi phát hiện, cơ quan Công an sẽ kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thực trạng lập nhóm Zalo, Facebook để báo “chốt giao thông” cho các tài xế né tránh thổi nồng độ cồn, bắn tốc độ… thời gian vừa qua đã bị cơ quan Công an xử lý. Cụ thể vào ngày 2/9, đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định xử phạt hành chính đối với P.A.T (38 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt) và V.V.M (38 tuổi, ngụ huyện Đức Trọng) tổng số tiền 15 triệu đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan này đã phối hợp Phòng CSGT (Công an tỉnh Lâm Đồng) và các đơn vị liên quan xác minh, xác định 5 trường hợp là các quản trị viên của các fanpage, nhóm kín có hoạt động báo “chốt giao thông”. Các fanpage, hội, nhóm kín trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram của những người này… có hành vi thông báo, chia sẻ thông tin liên quan đến vị trí, khu vực tuần tra, kiểm soát tốc độ, đo nồng độ cồn, thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh, thành khác. Mục đích để thành viên trong nhóm biết, tránh né, đối phó với lực lượng chức năng. Tất cả các trường hợp này đều thừa nhận hành vi của bản thân là vi phạm pháp luật. Cơ quan Công an đã thực hiện vô hiệu hóa 5 nhóm kín có hoạt động báo "chốt giao thông" có số lượng hơn 10.000 thành viên; đồng thời xử phạt 2 trưởng nhóm.
Hay mới đây vào ngày 5/9, Công an tỉnh Phú Thọ thông tin, Công an huyện Lâm Thao đã tiến hành xử phạt 3 đối tượng với số tiền 17,5 triệu đồng về hành vi vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin.
Theo đó, qua công tác nắm tình hình, trinh sát trên mạng xã hội, Công an huyện Lâm Thao phát hiện 3 nhóm kín trên Zalo có tên “Họp nhậu”; “Dự báo thời tiết Lâm Thao”; “Trung tâm khí tượng thủy văn TT lâm Thao” có trên 1.000 thành viên tham gia, chuyên đăng tải các nội dung thông tin liên quan đến vị trí, địa điểm tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn huyện Lâm Thao và các địa bàn lân cận để người vi phạm trật tự an toàn giao thông đối phó việc kiểm tra, xử lý.
Nhằm tránh việc phát hiện của cơ quan chức năng, các nhóm trên kiểm soát chặt chẽ người tham gia nhóm và dùng các từ “lóng” để ám chỉ việc kiểm tra chuyên đề về “nồng độ cồn”, “tốc độ” của lực lượng CSGT. Sau thời gian áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Lâm Thao đã làm rõ trưởng nhóm, cũng là người trực tiếp điều hành mọi hoạt động của các nhóm trên gồm Bùi Quang H. (35 tuổi, trú tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao), Nguyễn Đức A. (22 tuổi, trú tại xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao) và Nguyễn Văn H. (53 tuổi, trú tại thị trấn Lâm Thao). Tại CQĐT, các đối tượng trên đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
Công an huyện Lâm Thao đã củng cố hồ sơ, xử lý vi phạm hành chính đối với 3 trường hợp trên với số tiền 17.500.000 đồng, đồng thời yêu cầu các đối tượng xóa bỏ các nhóm Zalo có hoạt động vi phạm pháp luật.
Theo quy định, người dân có quyền giám sát đối với hoạt động của Công an nhân dân, tuy nhiên việc giám sát phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Nếu vi phạm, việc “báo chốt” sẽ trở thành nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tự; theo Nghị định 15 năm 2020, cá nhân sẽ xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng, còn tổ chức, tập thể sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Qua các sự việc trên, cơ quan chức năng đề nghị người dân trong địa bàn tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng mạng Internet, tránh trường hợp bị xử lý do thực hiện các hành vi vi phạm. Người dân không tự ý sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của tổ chức, cá nhân khác; Không chia sẻ, đăng tải thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật… lên mạng xã hội. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, người dân cần liên hệ ngay Công an xã, thị trấn gần nhất để trình báo và được xử lý.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, hiện trạng mạng xã hội, nhóm “báo chốt” như: “Biết thế đ...ra đường”; “Thông chốt - Báo chốt 141 Hà Nội”; “Tránh chốt”; Nội dung của các nhóm này phần lớn là thông tin chia sẻ - được cư dân mạng gọi là “báo chốt”. Nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này, lực lượng chức năng đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để vô hiệu hóa hoàn toàn các nhóm trên. Điều đáng nói là các thành viên trong nhóm đều nhận thức, cho rằng hành vi báo “chốt” thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội là hành vi hết sức đơn giản, vô hại. Những thông tin này đã làm cho một bộ phận người tham gia giao thông không có ý thức chấp hành luật an toàn giao thông, tiềm ẩn, dẫn đến nguy cơ các vụ tai nạn. Mặt khác, việc báo vị trí của lực lượng Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên mạng xã hội có thể tiếp tay cho một số loại tội phạm khác thực hiện hành vi phạm tội hoặc trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng.