Lập nhóm trên mạng ảo, rủ nhau cùng vào tù

Thứ Năm, 12/09/2024, 14:15

Hiện tượng giới trẻ lập nhóm trên mạng xã hội để rủ nhau tham gia các hoạt động phạm pháp đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Những nhóm này thường hoạt động trên các nền tảng phổ biến như Facebook, TikTok, Instagram hay Zalo, nơi các thành viên cùng nhau lên kế hoạch và phối hợp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Lập nhóm gây rối ngày càng gia tăng

Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Trong số này, tỉ lệ gây án là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng đã lập nhóm để lôi kéo thành viên sau đó rủ nhau “làm liều” như: đua xe, thanh toán các nhóm với nhau, gây rối trật tự công cộng... Nhiều người cho rằng, những người trẻ đang ngày càng tự đặt áp lực lên bản thân để trở thành nhân vật nổi tiếng, thu hút sự chú ý thông qua việc tạo nội dung bắt trend, bất chấp những hệ quả tiêu cực mà điều này có thể mang lại.

Lập nhóm trên mạng ảo, rủ nhau cùng vào tù -0
Nhóm thanh, thiếu niên chuyên sử dụng dao phóng lợn đi cướp tài sản bị Công an TP Hà Nội bắt giữ.

Gần đây nhất, ngày 25/8, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) nhận được thông tin có một nhóm khoảng 20 đối tượng thanh, thiếu niên đang tập trung tại khu vực đường Tô Hiệu (phường Hà Cầu) có biểu hiện nghi vấn vi phạm pháp luật. Khi lực lượng Công an quận đến hiện trường thì nhóm đối tượng trên đã giải tán.

Qua xác mình, Cơ quan công an phát hiện 2 nhóm có tài khoản Facebook "Những Thằng Tù" và "8h Tô Hiệu" gồm khoảng 40 thành viên, đa số là thanh, thiếu niên bỏ học. Những đối tượng này hẹn nhau tại đường Tô Hiệu (Hà Đông) để đi vào nội thành với tốc độ cao, lạng lãnh đánh võng, hò hét gây mất an ninh trật tự. Công an quận Hà Đông đã bước đầu làm rõ 21 đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng, xảy ra ngày 24/8. Số đối tượng này ở độ tuổi từ 15 đến 19. Trong số này có Nguyễn Thạc Đoàn (SN 2005, trú tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, là trưởng nhóm "Những Thằng Tù") và Nguyễn Gia Huy (SN 2007, ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, là trưởng nhóm "8h Tô Hiệu").

Tháng 8/2024, Nguyễn Thạc Đoàn lập nhóm Facebook "Những Thằng Tù"; Nguyễn Gia Huy lập nhóm Facebook "8h Tô Hiệu", với mục đích hẹn nhau tập trung tại khu vực đường Tô Hiệu, quận Hà Đông, sau đó đi đua xe thành đoàn tại các tuyến phố thuộc trung tâm TP Hà Nội.

Khoảng 20h ngày 24/8, nhóm của Đoàn và Huy tập trung khoảng 20 đối tượng, đi 10 xe máy không đeo BKS tại khu vực đường Tô Hiệu thuộc phường Hà Cầu. Theo kế hoạch đã bàn trước, cả bọn cùng đi ra khu vực đường Trần Khát Chân thuộc quận Hai Bà Trưng. Quá trình tham gia di chuyển, chúng tổ chức đi thành đoàn, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, bấm còi, hò hét đi nhiều vòng theo tuyến đường Trần Khát Chân - đê Nguyễn Khoái - khu vực Bệnh viện 108 - phố Trần Hưng Đạo - đường Lê Duẩn - đường Đại Cồ Việt... Khoảng 23h, do trời mưa to nên các đối tượng giải tán.

Đến tối 25/8, nhóm này lại hẹn nhau qua mạng xã hội để tụ tập tại khu vực đường Tô Hiệu. Song, lần này, chúng bị lực lượng Công an quận phát hiện nên đã giải tán. Căn cứ điều tra, Công an quận Hà Đông đã ra quyết định tạm giữ hình sự 18 đối tượng, trong đó có Nguyễn Thạc Đoàn và Nguyễn Gia Huy về hành vi gây rối trật tự công cộng. Có 3 trường hợp do dưới 16 tuổi, Công an quận Hà Đông đã giáo dục, răn đe, bàn giao cho gia đình, thông báo đến nhà trường, chính quyền địa phương để quản lý giáo dục, chờ xử lý.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã bắt giữ nhóm thanh, thiếu niên chuyên sử dụng dao phóng lợn đi cướp tài sản với tính chất manh động. Nhóm này gồm: Đặng Lưu Gia Vũ, Cao Nguyễn Hồng Thái, Phùng Cẩm Đào và Lê Thanh Tùng (cùng SN 2009, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Đây là nhóm gây ra vụ chặn đầu xe của một người đàn ông để cướp tài sản, gây xôn xao mạng xã hội xảy ra ở quận Hà Đông đêm 15/3. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã thực hiện 4 vụ cướp tài sản của người đi đường vào ban đêm trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Hà Đông (Hà Nội).

Tình trạng thanh, thiếu niên quen nhau qua mạng xã hội rồi gặp nhau ngoài đời và tổ chức đua xe, càn quấy đang trở thành trào lưu và diễn ra ở nhiều địa phương.

Ngày 24/4, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 17 đối tượng về hành vi "Gây rối trật tự công cộng", Trong đó nhiều tuổi nhất mới sinh năm 2004, ít tuổi nhất sinh năm 2008. Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, khoảng đầu tháng 4/2024, Công an huyện Thanh Trì phát hiện nhóm Facebook có tên “29M1” của một số thanh niên huyện Thanh Trì và nhóm Facebook có tên “Những cơn mưa thủy tinh” của một số thanh niên huyện Thường Tín (Hà Nội) nảy sinh mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Cụ thể, các thành viên trong hai nhóm Facebook trên thường chửi bới, thách đố nhau trên mạng, đồng thời thông qua Facebook, các đối tượng hô hào, kêu gọi thành viên trong nhóm tụ tập, chuẩn bị và mang theo hung khí để đi đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn.

Nhóm “29M1” di chuyển từ địa bàn huyện Thanh Trì về huyện Thường Tín để gặp nhóm “Những cơn mưa thủy tinh”. Khi gặp nhau, hai bên truy đuổi rồi xảy ra hỗn chiến. Tuy nhiên, sau khi chạy qua nhiều tuyến đường, phát hiện lực lượng Công an đang truy đuổi nên các đối tượng bỏ chạy về nhà, cất giấu hung khí.

Quá trình điều tra xác định, để giải quyết mâu thuẫn trên mạng xã hội, trước đó, chiều 14/4, Phạm Văn Dũng cùng 2 đối tượng trong nhóm mang theo máy hàn, máy cắt, dao, tuýp sắt đến nhà Phạm Quang Anh chế thành các tuýp hàn gắn đầu dao mang đi đánh nhau...

Trong quá trình truy đuổi, đánh nhau, hai nhóm cầm hung khí chạy qua nhiều tuyến phố, tuyến đường thuộc địa bàn 2 huyện Thanh Trì và Thường Tín, khiến nhiều người đi đường sợ hãi. Sau khi bắt khẩn cấp 17 đối tượng thuộc hai nhóm “29M1” và “Những cơn mưa thủy tinh”, Cơ quan công an đã thu giữ tang vật gồm 10 tuýp sắt hàn dao quắm, dao nhọn, hàn kiếm, hàn xiên nhọn đầu, hàn đinh ba và 1 thanh kiếm.

Lập nhóm trên mạng ảo, rủ nhau cùng vào tù -0
Hình ảnh gây náo loạn đường phố của nhóm “Những thằng tù” và “8h Tô Hiệu”.

Theo Công an huyện Thanh Trì, các đối tượng đang là học sinh tại các trường PTTH trên địa bàn. Tuy nhiên, do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không được sự quan tâm thường xuyên của gia đình nên thường xuyên tụ tập vào ban đêm, điều khiển xe máy theo đoàn với tốc độ cao, mang theo hung khí. Thông qua các hội, nhóm kín trên không gian mạng, các đối tượng làm quen với nhau và khi nảy sinh mâu thuẫn thì lập tức kêu gọi tụ tập thành nhóm và hẹn gặp nhau, đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn.

Trên đây chỉ là 3 trong nhiều vụ việc càn quấy xảy ra trong thời gian gần nhất mà thủ phạm là thanh, thiếu niên. Điều đáng nói những hành vi này không chỉ xuất phát từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà trước khi gây án, các đối tượng đều có động cơ phạm tội, thủ đoạn thực hiện được tính toán kỹ, thậm chí là hình thành các băng nhóm để phạm tội. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội, được coi là "chiến tích" để khoe khoang, thách thức pháp luật.

Thế giới ảo tác động mạnh mẽ đến giới trẻ

Tội phạm vị thành niên không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi; độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày càng manh động. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phạm tội là trẻ vị thành niên, thậm chí lập nhóm rồi cùng nhau đi gây rồi chính là do hiện tượng sống ảo của một bộ phận.

Như vụ việc đối tượng Nguyễn Thạc Đoàn lập nhóm Facebook "Những Thằng Tù"; Nguyễn Gia Huy lập nhóm Facebook "8h Tô Hiệu" để đi gây rối. Sau khi bị Cơ quan công an bắt giữ, Nguyễn Gia Huy hồn nhiên khai: “Nhóm của cháu lớn nhất là sinh năm 2005, nhỏ nhất là 2009. Cháu cũng làm TikToker, cháu thường xuyên chia sẻ cuộc sống của mình trên mạng. Cháu muốn tất cả mọi người đi tắm mưa, quay clip để có kỷ niệm. Cháu live nói chuyện về cuộc sống, mọi người comment rất nhiều và yêu quý cháu. Tầm tuổi như cháu làm như thế được coi là cá tính, thích thể hiện bản thân”.

Theo các điều tra viên, dù biết trời mưa nhưng Gia Huy vẫn rủ bạn bè trong nhóm đi để có kỷ niệm, tuy nhiên mục đích đằng sau là để quay video đăng lên mạng xã hội, bởi Huy cho rằng mình là người nổi tiếng với kênh có tới 4.000 người theo dõi.

Có thể thấy, thế giới ảo đã tác động rất mạnh mẽ tới một bộ phận giới trẻ ngày nay, họ đã chịu áp lực khủng khiếp sau những lời tán dương qua màn hình điện thoại. Họ nghĩ rằng mình là người quan trọng, người nổi tiếng nên đã bất chấp pháp luật, nguy hiểm để thực hiện hành vi gây rối, vi phạm pháp luật chỉ để tạo ra content phong phú đăng lên mạng xã hội. Rất nhiều ý kiến cho rằng, những nhân vật được coi là “anh hùng mạng” là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới hành vi của trẻ vị thành niên. Đơn cử như bài học của Khá Bảnh  trước đây vẫn còn nguyên giá trị.

Lý giải về các hiện tượng người trẻ cổ xúy cho những nhân vật lệch chuẩn về giá trị sống trên mạng xã hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh cho rằng, hiện tượng Khá Bảnh không phải là trường hợp đầu tiên - vốn không có gì tốt đẹp, thậm chí lệch lạc - được dân mạng, đặc biệt giới trẻ, tung hô. Khác với những người nổi tiếng hay KOLs (những người có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nào đó, được nhiều người biết đến) thu hút dân mạng bằng những hình mẫu, thông điệp tích cực hay ít nhất là thú vị, thì những thanh niên thích đi vào con đường giang hồ lại thu hút giới trẻ bằng sự lệch chuẩn.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, một bộ phận thanh niên vốn tò mò và nông nổi nên các giang hồ mạng ảo này đánh vào tâm lý ham những thứ mới lạ của giới trẻ để câu “like”. “Tôi không lạ khi giới trẻ bị thu hút bởi những câu chuyện như vậy nhưng cũng khá e ngại khi trường hợp như Khá Bảnh được “like”, “share” đình đám và chào đón như KOLs. Dẫu biết có thể chỉ là phong trào tức thời, “like”, “share” cho vui, vì tò mò, nhưng nó cũng thể hiện các hành vi và ứng xử chưa phù hợp của dân mạng; chưa tư duy, suy nghĩ và cân nhắc trước khi chia sẻ”, bà Linh nói.

Bà Linh cho rằng, mạng ảo nhưng ảnh hưởng rất thật. Theo đó, các hành vi ứng xử trên mạng cũng định hình các dấu ấn cá nhân của những công dân số. Do đó, việc cổ xúy cho các hành vi lệch chuẩn một cách thiếu suy nghĩ cũng phần nào ảnh hưởng đến suy nghĩ của người tương tác chứ không đơn giản chỉ cho vui.

“Tôi thấy lo lắng khi có xu hướng một bộ phận giới trẻ coi việc sử dụng các hành vi lệch chuẩn để làm “màu” và sống ảo, nổi tiếng trên mạng bất chấp. Việc này sẽ dẫn đến sự lung lay các nền tảng giá trị đạo đức hay thậm chí có các hành vi vi phạm pháp luật”, bà Linh cảnh báo.

Để ngăn chặn tội phạm trong thanh, thiếu niên, TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên cho rằng, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục cho thế hệ trẻ, cái gốc đó hằng ngày phải được vun tưới và không được sao nhãng.

Trong giáo dục phải nêu gương, muốn dạy con về đạo đức thì trước hết người lớn phải có đạo đức, nếu không tất cả bài giảng chỉ là vô nghĩa. “Chúng ta phải trang bị kỹ năng sống cho các em. Việc các em tiếp cận mạng xã hội cũng cần thay đổi, không thể để những hình ảnh bạo lực tràn lan ảnh hưởng đến lối sống và hành xử lúc nào không hay. Khi cần bất kỳ sự trợ giúp nào, các em hãy tìm đến người lớn và những người có kinh nghiệm để có thể chỉ bảo, đưa ra lời khuyên cho các em”, TS Cảnh Linh chia sẻ.

Bảo Phương
.
.