Liên minh “biến” đất công thành đất tư ở tỉnh Bình Dương

Thứ Năm, 24/03/2022, 08:46

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 2 về những sai phạm trong quản lý đất công xảy ra ở Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3/2) do ông Nguyễn Văn Minh làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.

Trong đó, 21 bị can bị đề nghị truy tố về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Riêng cha con ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thục Anh còn bị đề nghị truy tố thêm tội “Tham ô tài sản”.

Chuyển đổi vốn lòng vòng để trục lợi

Được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành lập và phát triển khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị (CN-DV-ĐT) tại TP. Thủ Dầu Một, ngày 29-4-2004, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định phê duyệt quy hoạch chung khu liên hợp này, đồng thời giao 5.409.962m2 cho một đơn vị kinh tế Đảng là Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) thực hiện các bước giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư để thực hiện dự án.

Ngay sau khi có quyết định giao đất, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục điều chỉnh đồ án quy hoạch, quy hoạch chung của khu liên hợp, trong đó có khu dịch vụ với diện tích là 613 ha (bao gồm 302 ha làm sân golf, 320 ha làm trường đua, 74,7 ha là đất dịch vụ khác và 6 ha làm đường giao thông liên khu). Tổng mức đầu tư khu liên hợp được phê duyệt là 3.061 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 1.720 tỷ đồng.

Vừa được giao đất, Tổng Công ty 3/2 lập tức gửi văn bản trình UBND tỉnh xin chủ trương liên doanh với hai đối tác Hàn Quốc là K Source và International Contruction. Ngày 24-10-2007, các bên tiến hành thành lập Công ty liên doanh lấy tên Tân Thành với mục đích đầu tư khai thác dự án Câu lạc bộ sân golf và Khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp với tổng diện tích 1.450.101m2, vốn điều lệ là 30 triệu USD, trong đó, Tổng Công ty 3/2 góp vốn bằng quyền sử dụng đất tương đương 9 triệu USD, hai đối tác Hàn Quốc góp 21 triệu USD tiền mặt.

Biết đối tác nước ngoài khó khăn về vốn và muốn bán lại, ông Nguyễn Văn Minh đã tìm cách để Công ty CP Hưng Vượng do chính ông làm đại diện pháp luật và Công ty TNHH Phát Triển do con gái ông là Nguyễn Thục Anh đại diện pháp luật mua lại 70% vốn điều lệ trong liên doanh. Kể từ đây, Công ty gia đình của ông Minh đã chi phối hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Liên minh “biến” đất công thành đất tư ở tỉnh Bình Dương -0
Một góc khu “đất vàng”.

Năm 2016, Tổng công ty 3/2 thực hiện cổ phần hóa, khu đất 145 ha trước đó đã được phân loại vào mục A (là tài sản đang dùng), nhưng nhắm thấy lợi nhuận khổng lồ, ông Minh đã chỉ đạo cấp dưới hoàn tất hồ sơ chuyển sang hạng C (tài sản chờ thanh lý) và không đưa khu này vào xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Tổng Công ty 3/2 tự xác định tổng giá trị khu đất là gần 140 tỷ đồng, trong khi không tổ chức thẩm định giá, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.160 tỷ đồng.

Nhằm hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng khu đất 145 ha và nhận vốn góp bằng giá trị khu đất từ Tổng Công ty 3/2 thuộc sở hữu Nhà nước, ông Nguyễn Văn Minh chỉ đạo Công ty Hưng Vượng góp thêm 45,4 tỉ đồng (tương đương 4%) và Công ty Phát Triển góp 132,8 tỉ đồng (tương đương 15%).

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho Hưng Vượng có tiền thanh toán các khoản nợ cho Tổng Công ty 3/2, đồng thời để cho Công ty Phát Triển trả nợ ngân hàng khoản vay 132,8 tỉ đồng góp vốn vào Công ty Tân Thành, ngày 26-11-2018, ông Minh đã tổ chức họp 3 bên gồm Tổng Công ty 3/2, Công ty Hưng Vượng và Công ty Tân Thành, thống nhất việc Tổng Công ty 3/2 mua lại 19% vốn của Công ty Tân Thành (gồm 15% vốn từ phía Nguyễn Thục Anh, 4% từ Công ty Hưng Vượng của ông Minh) với giá trên 964 tỷ đồng.

Tuy nhiên tại thời điểm ấy, giá trị thực tế mỗi cổ phần của Tân Thành chỉ hơn 16.000 đồng, nhưng dưới sức ép của ông Minh, các thành viên trong cuộc họp đã gật đầu nhận chuyển nhượng với giá hơn 105.000 đồng/cổ phần, chênh lệch hơn 89.000 đồng/cổ phần, số tiền trên 815 tỉ đồng.

“Hô biến” đất công thành đất tư nhân

Cũng nằm trong quần thể quy hoạch Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, khu đất 43 ha nằm ở ngã tư đường Võ Văn Kiệt- Phạm Ngọc Thạch thuộc phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một (ngay cửa ngõ khu hành chính tỉnh Bình Dương) được xem là khu đất vàng nên Tổng Công ty 3/2 đã được Tỉnh ủy chấp thuận cho tìm đối tác liên doanh để thực hiện đầu tư kinh doanh Khu đô thị -Thương mại - Dịch vụ. Sau nhiều lần chuyển đổi lòng vòng, đầu năm 2018, khu đất này đã được chuyển sang Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh do bà Đặng Thị Kim Oanh đại diện pháp luật và đầu năm 2018 đã cho khởi công dự án nhưng bị dừng do chưa có giấy phép.

Liên minh “biến” đất công thành đất tư ở tỉnh Bình Dương -0
Ông Nguyễn Văn Minh tại cơ quan Công an.

 Ngày 1-7-2010, Tổng Công ty 3/2 có văn bản số 77 gửi Văn phòng và Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương với nội dung: Do liên tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả nên xin chủ trương hợp tác với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc (do con rể ông Minh là Nguyễn Đại Dương làm đại diện pháp luật) là đối tác có năng lực để thành lập công ty liên doanh, đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu B, diện tích 43 ha, phường Phú Mỹ, thị xã Thủ Dầu Một.

Biết chắc sẽ được chấp thuận nên ngay chiều hôm đó, ông Nguyễn Văn Minh - Tổng giám đốc Tổng Công ty 3/2 đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty  Âu Lạc và cho ra đời Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tân Phú để tiến hành đầu tư xây dựng khu Dân cư - Thương mại - Dịch vụ (Khu đô thị Tân Phú). Theo thỏa thuận, tổng số vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty 3/2 góp 30% tương đương với 60 tỷ đồng và Công ty  Âu Lạc góp 140 tỷ tương đương 70% vốn điều lệ.

Nhằm chuyển hóa 43 ha “đất vàng” này, ngày 8-12-2016, Hội đồng thành viên Tổng Công ty 3/2 gồm các ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch và các thành viên Huỳnh Thanh Hải, Huỳnh Công Phát, Lý Thanh Châu, Trần Nguyên Vũ đã tổ chức phiên họp, đồng thời ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú với giá  250 tỷ đồng (581.000 đồng/m2) mà không mời đơn vị độc lập tiến hành thẩm định giá và cũng không cần tiến hành đấu giá.

Hoàn tất xong các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú, ngày 13-3-2017, Tổng Cty 3/2 lập tức có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp trong liên doanh tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với lý do để đảm bảo việc tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo của dự án thuận lợi cho đầu tư cũng như việc sử dụng quỹ đất một cách hiệu quả.

Đề nghị này đã được thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận vào ngày 20-4-2017 và đến ngày 2-8-2017, Tổng Công ty 3/2 và Công ty  Âu Lạc đã ký hợp đồng chuyển nhượng 30% vốn của doanh nghiệp Nhà nước góp tại Công ty Tân Phú với giá 161,1 tỷ đồng mà không thông qua đấu giá công khai hoặc chào bán cạnh tranh.

Sau khi nắm trong tay 100% cổ phần, Công ty  Âu Lạc đã không thực hiện việc đầu tư dự án mà đem Công ty Tân Phú ra chuyển nhượng lòng vòng cho nhiều đối tác khác nhau và đối tác cuối cùng là một công ty tư nhân.

Liên minh “biến” đất công thành đất tư ở tỉnh Bình Dương -0
Từ trái qua: Ông Trần Văn Nam, Trần Thanh Liêm, Phạm Văn Cành, Nguyễn Thanh Trúc.

Những cán bộ tiếp tay cho cha con ông Minh trục lợi

Để cho cha con ông Nguyễn Văn Minh thao túng một đơn vị kinh tế Đảng, chuyển đổi lòng vòng tiền góp vốn trong liên doanh thành cổ phần tư nhân (sau khi cổ phần hóa) và bán đất thuộc diện Nhà nước quản lý với giá bèo có sự tiếp tay đắc lực của hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Việc làm này đã gây thất thoát của Nhà nước số tiền trên 1.800 tỷ đồng.

Cụ thể ông Trần Văn Nam (nguyên Bí thư Tỉnh ủy, khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) đã đồng ý cho Tổng Công ty 3/2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái luật giúp cho cha con ông Minh lũng loạn và trục lợi số tiền 815 tỷ đồng.

Đối với khu đất vàng 43 ha, mặc dù các khu đất được giao cho Tổng Công ty 3/2 chủ yếu nằm trong thời điểm đầu năm 2013, nhưng ông Trần Văn Nam đã ký văn bản chỉ đạo cho Cục thuế tính tiền sử dụng đất theo đơn giá năm 2006 là 51.914 đồng/ m2, trong khi thời điểm nhận giao đất, giá đất này đã tăng gấp nhiều chục lần. Theo Kiểm toán Nhà nước thì với cách tính này của ông Nam đã tiếp tay cho việc gây thất thoát cho Nhà nước số tiền trên 300 tỷ đồng và nếu tính cả vụ 145 ha thì số tiền thất thoát là 716 tỷ đồng.

Để che giấu việc thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng Công ty 3/2, hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân, để Tổng Công ty 3/2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật, ông Trần Văn Nam đã chỉ đạo cho các ông Phạm Văn Cành (nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy) và ông Trần Thanh Liêm (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) tìm cách hợp thức hóa nhiều loại tài liệu, trong đó có những văn bản được ký trong các năn 2018, 2019 nhưng cho lùi thành 2016, 2017.

Đối với các ông Trần Thanh Liêm và Phạm Văn Cành với cương vị là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giai đoạn 2015-2020, biết Công ty 3/2 đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho liên doanh trái với chủ trương. Tuy nhiên hai ông vẫn đồng ý cho đơn vị này tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp tại liên doanh cho Công ty  Âu Lạc.

Ngoài ra, hai ông này cùng với các ông Nguyễn Văn Đông – nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Nguyễn Thanh Trúc – nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và một số cán bộ khác đã bổ sung nhiều văn bản, giấy tờ nhằm hợp thức hóa việc chuyển nhượng đất dự án do Nhà nước quản lý cho tư nhân. Hành vi của các bị can này đã tạo điều kiện cho ông Minh chuyển toàn bộ tài sản Nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát hơn 300 tỷ đồng.

Đặc biệt, vào thời điểm Tổng Công ty 3/2 cổ phần hóa, ông Nam, Liêm, Cành và một số cán bộ khác biết Tổng Công ty 3/2 đã chuyển 43 ha đất cho Công ty Tân Phú chứ không bàn giao về cho tỉnh là trái quy định pháp luật, nhưng các lãnh đạo này vẫn đồng ý cho Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại Tân Phú sang Công ty Âu Lạc.

Đức Cương
.
.