Liệu có xảy ra cuộc chạy đua vũ trang ở Địa Trung Hải?

Thứ Sáu, 05/11/2021, 13:37

Biển Địa Trung Hải tưởng yên bình mà không phải thế khi thời điểm này căng thẳng đang gia tăng giữa các quốc gia trong khu vực. Một câu hỏi rất đáng được quan tâm nhất hiện nay là: Liệu rồi đây có xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang nữa ở Địa Trung Hải hay không?

Phát súng mở đầu

Rất nhiều nhà quan sát không khỏi giật mình khi đọc danh sách những trang thiết bị khí tài mới được quân đội Hy Lạp mua về trong vòng chưa đầy một năm nay. Đó là, 24 chiến đấu cơ Dassault Rafale, ba tàu hộ tống của Pháp, bốn trực thăng chiến đấu Sikorsky MH-60R Seahawk. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hy Lạp còn đang trong quá trình hoàn thiện hợp đồng mua chiến đấu cơ Lockheed Martin F-35 và một số vũ khí hiện đại khác từ Mỹ.

Thật khó có thể tin được chỉ mới sáu năm trước, nền tài chính Hy Lạp gần như sụp đổ hoàn toàn và bị đặt dưới sự kiểm soát của Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu  Âu, và Quỹ tiền tệ quốc tế. Đức, quốc gia lãnh đạo Liên minh châu Âu, buộc Chính phủ Hy Lạp phải thực hiện chính sách tài khoá “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm một loạt các khoản chi tiêu công.

Liệu có xảy ra cuộc chạy đua vũ trang ở Địa Trung Hải? -0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (phải) và nguyên Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.

Trong hoàn cảnh đó, điều gì đã khiến Hy Lạp phải tăng chi ngân sách quốc phòng từ 2,46% GDP năm 2015 lên 2,79% năm 2020? Câu trả lời là do Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ giữa hai quốc gia miền Địa Trung Hải từ nhiều năm nay đã luôn trong trạng thái “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Hy Lạp liên tục đưa ra phản ứng tiêu cực trước cách hành xử của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra khó chịu vì các thỏa thuận hàng hải thương mại do Hy Lạp và Ai Cập ký kết mà không có sự tham gia của họ. Mới đây hai nước lại xảy ra căng thẳng ngoại giao khi Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột đưa ra quyết định Viện bảo tàng Hagia Sophia, trước đây vốn là nhà thờ Chính Thống giáo, sẽ được biến thành thánh đường Hồi giáo.

Vậy nhưng “giọt nước làm tràn li” trong mối quan hệ giữa hai nước lại là vụ tàu thăm dò dầu Oruc Reis tiến hành thăm dò tại vùng biển giữa Síp và đảo Crete của Hy Lạp. Vụ việc xảy ra vào tháng 8-2020, chỉ hơn một năm sau khi Chính phủ Síp, Hy Lạp, Ai Cập và Israel ký kết thỏa thuận khai thác dầu mỏ và xây dựng đường ống dẫn dầu dưới biển Địa Trung Hải.

Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động ở vùng biển phía Tây Síp. Câu chuyện còn trở nên rắc rối hơn nữa vì thỏa thuận 4 nước do Chính phủ Nam Síp kí, trong khi Ankara chỉ công nhận chính phủ miền Bắc Síp (kể từ cuộc nội chiến Síp đến nay quốc đảo này bị phân chia làm hai miền Nam - Bắc).

Điều đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ làm sau thoả thuận 4 nước là kí kết hiệp ước vùng đặc quyền kinh tế với Libya làm đối trọng với nhóm Hy Lạp. Sau đó họ bất ngờ tuyên bố gửi tàu Oruc Reis đến Síp để khoan thăm dò dầu khí. Cả Ai Cập và Hy Lạp đều lên tiếng phản đối vì cho việc này vi phạm chủ quyền của họ, nhưng Ankara vẫn quyết điều tàu Oruc Reis đi cùng đoàn tàu hộ tống của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ khi Liên minh châu Âu vào cuộc bằng cách “dọa” mở cuộc họp thảo luận việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ thì nước này mới chịu rút đoàn tàu của mình đi.

Cuộc chạy đua không nhân nhượng

Trả lời BBC, nhà phân tích chiến lược Mark Skorzy cho rằng, vụ tàu Oruc Reis chỉ là cách Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tìm hiểu xem liệu Hy Lạp nói riêng và châu Âu nói chung dám làm tới đâu trong vấn đề biển Địa Trung Hải mà thôi. Dường như ông ấy đã với quá tầm tay của mình. Hy Lạp không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường trang bị cho quân đội mình.

Ngoài Pháp là đối tác mà Hy Lạp đang mua hầu hết số vũ khí mới, Hy Lạp còn đang củng cố mối quan hệ chiến lược của mình với Mỹ. Thoả thuận Phòng thủ và Cộng tác chung giữa hai nước đang chuẩn bị được kéo dài thêm 5 năm nữa. Tuy MDCA không nhắc đến việc Hải quân Mỹ can thiệp trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, nó là tín hiệu cho thấy ít có khả năng Mỹ sẽ đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Liệu có xảy ra cuộc chạy đua vũ trang ở Địa Trung Hải? -0
Dàn khoan dầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoài khơi đảo Síp.

Thổ Nhĩ Kỳ đang vừa muốn tăng cường khả năng quân sự, vừa tìm kiếm thêm đồng minh. Nga là sự lựa chọn hoàn hảo đối với họ. Hợp đồng mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 còn chưa ráo mực thì Ankara đã tỏ ý muốn mua thêm. Họ cũng đề xuất ý tưởng sắm một số trang thiết bị bộ binh và thiết giáp của Nga. Chưa hết, còn có tin đồn rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng “lùi vài bước” trong vấn đề Syria với Nga.

Tình hình Địa Trung Hải đang rất khó đoán định ngoại trừ duy nhất một điều: căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa. Vấn đề khai thác dầu, vấn đề đảo Síp,… tất cả những vấn đề đó vẫn chưa thấy lối giải quyết trước mắt. Mặt khác, nền kinh tế của cả hai quốc gia đang trong tình trạng rất không tốt vì đại dịch COVID-19 và sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu. Một cuộc chạy đua vũ trang là khó tránh khỏi, nhưng trong trường hợp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vì thế mà tăng chi tiêu công quá nhiều, rất có thể họ sẽ đe dọa đến sự ổn định của chính phủ mình.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.