Lời kể của nạn nhân sập bẫy buôn người

Thứ Hai, 07/04/2025, 12:58

Tin vào lời giới thiệu của những kẻ mua bán người rằng đi nước ngoài làm công việc đánh máy tính, lương 20 triệu đồng/tháng, 5 thanh niên ở Nghệ An đã đồng ý xuất ngoại. Không ngờ, họ đã “sập bẫy” và bị lừa bán vào làm việc tại công ty lừa đảo xuyên quốc gia. May mắn sau những ngày tháng sống chui lủi nơi đất khách, họ đã trốn về Việt Nam và tố cáo những kẻ bán mình. 

Đánh máy tính nhận lương 20 triệu?

Sở dĩ 5 nạn nhân bị đưa ra nước ngoài, làm việc tại một công ty lừa đảo qua mạng ở khu vực Tam Giác vàng là bởi họ đã “nhẹ dạ cả tin”, tin vào một công việc đánh máy tính nhẹ nhàng, lương 20 triệu đồng/tháng mà kẻ buôn người giăng ra. Điều đặc biệt hơn nữa, chính anh trai đã đưa em ruột của mình ra nước ngoài để lấy tiền công.

Lời kể của nạn nhân sập bẫy buôn người -0
Hai bị cáo Phạm Thị Tuyết Chinh và Vi Văn Nhập tại tòa.

Sự việc bắt đầu từ tháng 8/2023, thời điểm đó, Phạm Thị Tuyết Chinh (sinh năm 1988, trú thị trấn Giao Thủy, huyện Giao Thủy, Nam Định) đang làm việc ở Trung Quốc thì được ông chủ trao đổi về việc đưa người Việt Nam sang Lào bán. Theo lời của ông chủ, nếu đưa được người Việt qua Lào vào làm việc ở công ty lừa đảo sẽ trả công 15 triệu đồng/người. Nghe có vẻ xuôi tai nên Chinh đồng ý và xin ông chủ về Việt Nam tìm người.

Quen biết Vi Văn Nhập (sinh năm 1983, trú xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) từ trước nên khi về nước, Chinh quyết định liên lạc với Nhập nhờ tìm người. Tháng 9/2023, Chinh gọi cho Nhập nói đang muốn tìm người đưa sang Lào bán cho ông chủ Trung Quốc. Nhập hỏi làm việc gì thì Chinh trả lời nói làm công việc đánh máy tính. Theo trao đổi của Chinh thì chỉ tiêu tuyển  người là “tìm người trung niên đổ lại, biết sử dụng máy tính, biết chữ đưa sang Lào bán cho ông chủ người Trung Quốc đưa vào làm ở công ty lừa đảo, lương mỗi tháng 20 triệu đồng, có chỗ ăn, ngủ…”. Chinh ra giá, nếu tìm được người sẽ chia tiền công cho Nhập 5 triệu nhưng Nhập không đồng ý và ra giá 10 triệu đồng. Chinh liên lạc với ông chủ để thỏa thuận và được người này đồng ý về khoản tiền công 15 triệu đồng/người.

Lời kể của nạn nhân sập bẫy buôn người -0
Ngày trả giá của hai kẻ mua bán người.

Qua trao đổi, ông chủ người Trung Quốc còn đưa ra điều kiện, khi đưa người sang Lào phải làm việc cho công ty, sau một tháng mới thanh toán đủ tiền như thỏa thuận, còn khi người sang sẽ trả trước một ít tiền.

Biết được việc nhiều thanh niên trong xã đang cần công ăn việc làm, Vi Văn Nhập đã rủ rê anh Lương Văn H. (sinh năm 1997, trú xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu) sang Lào làm việc nhẹ lương cao, nếu ai có nhu cầu tìm việc thì rủ đi cùng. Nghe Nhập nói, anh H. phấn khởi và rủ thêm 2 người bạn là Lương Văn Đ. (sinh năm 1990) và Lữ Thanh L. (sinh năm 1998) cùng trú tại xã Châu Thắng cùng đi. Vi Văn Nhập còn điện thoại rủ em ruột là Vi Thanh L. (sinh năm 1992) khi ấy đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh nói sang Lào làm “việc nhẹ, lương cao”. Người em trai đồng ý và rủ thêm bạn cùng phòng trọ cùng xuất ngoại. Ít ngày sau, theo chỉ đạo của ông chủ Trung Quốc, Nhập đưa 3 người ra một nhà nghỉ ở TP Hà Nội chờ sang Lào. Cùng lúc này, em trai của Nhập và người bạn cũng bắt xe từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội chờ xuất ngoại.

Ngày 23/9/2023, Chinh và Nhập dẫn 5 người đi đón xe do ông chủ Trung Quốc sắp xếp sang Lào. Sau đó, họ được đưa lên khu vực Tam giác vàng, làm việc cho một công ty nằm trong lãnh thổ nước Myanmar. Sau khi biết mình bị bán vào công ty lừa đảo trên không gian mạng, không được trả lương, đến tháng 1/2024, các lao động đã bỏ trốn. Tuy nhiên, khi trốn đến khu vực biên giới Lào, 5 người tiếp tục bị lừa vào làm việc cho các công ty khác nhau. Từ ngày 26/1/2024 đến tháng 8/2024, 4 nạn nhân đã trở về Việt Nam, làm đơn tố cáo những kẻ lừa bán mình. Riêng một nạn nhân đến nay chưa xác định ở đâu, làm gì.

Ký ức hãi hùng

Dù đã trở về nhà được một thời gian dài nhưng các nạn nhân vẫn chưa quên được quãng thời gian sống chui lủi nơi đất khách quê người. Quá trình làm việc, sức khỏe của những nạn nhân đã bị bào mòn, tinh thần khủng hoảng và khi trở về quê hương chỉ với hai bàn tay trắng.

Nhớ lại quãng thời gian bị lừa bán, anh Lữ Thanh L. kể, “Tháng 9/2023, tôi cùng các nạn nhân được đưa qua Cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị rồi vượt biên sang Lào. Sau đó, chúng tôi tiếp tục vượt sông Mê Kông sang khu vực Tam giác vàng. Ban đầu, tôi cứ nghĩ sẽ được làm việc như lời giới thiệu; nhưng khi bị đưa vào đặc khu để làm việc cho công ty lừa đảo qua mạng, tôi mới biết mình sập bẫy của những kẻ buôn người”.

Lời kể của nạn nhân sập bẫy buôn người -0
Các bị hại nhớ về hành trình bị lừa bán sang nước ngoài làm việc ở công ty lừa đảo qua mạng.

Quá trình làm việc tại Công ty lừa đảo, các nạn nhân bị ép buộc làm việc nhiều giờ, chỉ tiêu tiền lừa đảo cao. Vỡ mộng khi phải làm việc áp lực, công việc lừa đảo bất nhân nên những nạn nhân tìm cách để trốn thoát khỏi nơi “địa ngục trần gian”.

“Chúng ép tôi làm việc quần quật từ 7 giờ sáng ngày hôm nay đến 3 giờ sáng ngày hôm sau, không được ra ngoài. Thời gian làm việc quá căng thẳng, chỉ tiêu lừa đảo mà ông chủ đưa ra nhiều khiến sức khỏe bị bào mòn, tinh thần khủng hoảng. Xác định cần phải trốn chạy khỏi đó nên tôi tìm cách bỏ trốn về Lào, sau đó về Việt Nam” - nạn nhân L. kể tiếp.

Còn anh Lương Văn Đ. cũng chưa hết hoang mang khi nhớ lại quãng thời gian đã qua, “Khi nghe Nhập nói đi xuất ngoại làm công việc đánh máy tính, lương 20 triệu đồng, tôi vô cùng tin tưởng và đi theo. Ban đầu 5 người được đưa đi cùng nhau trên chuyến xe nhưng sau khi sang đến Myanmar thì chúng tôi bị tách ra, mỗi người đi một nơi. Quá trình di chuyển từ Việt Nam qua Lào và Myanmar, mọi chi phí đều do Vi Văn Nhập chi trả. Tháng 12/2023, tôi đã tìm cách trốn về Lào, sau đó về Việt Nam” - anh Đ. nhớ lại.

Điều đặc biệt, trong số các nạn nhân bị lừa bán sang Lào có em ruột của Vi Văn Nhập. Cũng chỉ vì nghe lời anh trai rằng sang Lào sẽ có cơ hội đổi đời nên anh Vi Văn L. đang ở TP Hồ Chí Minh đã rủ bạn cùng phòng đi theo. May mắn sau quãng thời gian sống chui lủi ở nước ngoài, anh L. đã bỏ trốn, trở về được Việt Nam.

Ngày đền tội

Phiên tòa xét xử hai bị cáo Phạm Thị Tuyết Chinh  và Vi Văn Nhập về tội “Mua bán người” diễn ra vào ngày 27/3 vừa qua. Người thân hai bị cáo, các nạn nhân và gia đình đều đến dự tòa từ rất sớm.

Đứng trước bục khai báo, các bị cáo tỏ thái độ ăn năn hối hận về việc mình làm. Hai bị cáo cũng thừa nhận do hám lợi nên đã làm theo yêu cầu của ông chủ đưa người sang Lào làm việc tại Công ty lừa đảo qua mạng để nhận tiền công.

Bị cáo Phạm Thị Tuyết Chinh khai nhận, do tin tưởng phi vụ này sẽ thành công, ông chủ sẽ trả đủ 75 triệu đồng như thỏa thuận nên Chinh đã lấy tiền cá nhân chuyển trước cho Nhập 50 triệu đồng để làm chi phí. Sau khi 5 nạn nhân được đưa sang Lào thì ông chủ đã trả trước cho Chinh 8.000 NDT (tương đương 25 triệu đồng) như thỏa thuận. Do những nạn nhân sau đó bỏ trốn khỏi nơi làm việc nên số tiền 50 triệu đồng còn lại ông chủ không trả cho Chinh.

Ngoài ra, Chinh cũng trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân cũng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc năm 13 tuổi. Hiện gia đình cũng không còn người thân và mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về làm việc, khắc phục hậu quả cho bị hại.

Còn bị cáo Nhập khai nhận, làm theo hướng dẫn của Chinh về việc tìm người đưa đi nước ngoài. Sau khi sự việc vỡ lở, Nhập đã đầu thú, đồng thời đã tác động gia đình khắc phục tổn thất tinh thần cho các bị hại tổng cộng 50 triệu đồng gồm anh Lương Văn Đ. 5 triệu đồng; Vi Văn L. 20 triệu đồng và Lữ Thanh L. 25 triệu đồng. Hai bị cáo cũng đã gửi lời xin lỗi các bị hại.

Lời kể của nạn nhân sập bẫy buôn người -0
Rất đông người dân đến tham dự phiên tòa.

Các bị hại đều cho rằng, do tin tưởng Vi Văn Nhập giới thiệu công việc nhẹ nhàng, chỉ đánh máy tính với mức lương 20 triệu đồng. Nhập còn cam đoan, quá trình làm việc, nếu không biết sẽ được đào tạo, có chỗ ăn, ngủ thoải mái, cam kết sẽ trả lương, không bóc lột…Đồng thời cam kết “Nếu công ty không trả lương thì Nhập sẽ trả lương cho” nên đã nghe theo. Các bị hại cũng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo. Riêng bị hại Lữ Thanh L. yêu cầu bị cáo Chinh bồi thường 30 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần và sức khỏe.

HĐXX nhận định, trong vụ án này, Phạm Thị Tuyết Chinh là người khởi xướng, tuy nhiên người thực hiện là Vi Văn Nhập. Hai bị cáo có vai trò ngang nhau. Ngoài ra, các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Riêng bị cáo Nhập đã ra đầu thú, tác động gia đình khắc phục một khoản tiền cho các bị hại, gia đình có công với cách mạng.

 Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Phạm Thị Tuyết Chinh 9 năm 6 tháng tù, Vi Văn Nhập 9 năm tù về tội Mua bán người, buộc bị cáo Chinh phải bồi thường tổn thất sức khỏe và tinh thần cho bị hại Lữ Thanh L. 30 triệu đồng.

Phiên tòa kết thúc, kẻ buôn người phải trả giá cho hành vi trái pháp luật. Những nạn nhân đã “gối đầu” được một bài học kinh nghiệm cho bản thân. Vết sẹo trong lòng họ sẽ lành dần, việc họ được trở về lành lặn bên gia đình là một điều vô cùng may mắn. Đây là bài học cảnh tỉnh cho người dân chớ tin vào lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” để vô tình “sập bẫy” những kẻ buôn người.

An Khuê
.
.