Lời khẩn cầu từ những cánh rừng ở Lâm Đồng

Thứ Năm, 16/12/2021, 13:30

Cơn “sốt” đất ở Lâm Đồng càng khiến những cánh rừng ở huyện Đức Trọng bị tàn phá dưới nhiều hình thức. Không ít vụ phá rừng ở địa phương này xảy ra liên tục, trong thời gian dài, bất kể đó là rừng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho doanh nghiệp đầu tư dự án hay rừng do các đơn vị nhà nước quản lý.

Ào ạt phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp

Tiểu khu 267c và 278a, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, lâu nay vốn được xem là điểm nóng về phá rừng, đầu độc thông, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Chỉ tính riêng lâm phần trước đây được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt triển khai dự án trồng rừng, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf rộng 268ha đã bị lâm tặc kéo tới đầu độc, cưa hạ rừng thông hàng loạt. Việc phá trắng nhiều vị trí rừng nơi đây xảy ra liên tục, trong thời gian dài với quy mô lớn nhưng không được đơn vị quản lý và các cơ quan chức năng địa phương phát hiện kịp thời, xử lý dứt điểm để răn đe, đã tạo nên những tiền lệ xấu.

Sau 14 năm triển khai dự án, ngoài một dãy nhà cấp 4, đất và rừng đã giao cho doanh nghiệp này bị người dân cưa phá, ào ạt lấn chiếm như chốn không người quản lý. Cho tới thời điểm bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi (tháng 6-2021), dự án này đã để mất hàng chục hecta rừng, đất lâm nghiệp rơi vào tay nhiều đối tượng. Toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp mà UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi từ dự án của Công ty TNHH Đầu tư Hàn Việt đã được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý. Tuy nhiên, rừng thông tiếp tục bị cưa hạ, lấn chiếm đất lâm nghiệp mặc dù đơn vị chủ rừng đã dựng 2 chòi canh gác. Đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh cho biết, dù tháng 6-2021, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho đơn vị quản lý diện tích rừng trên nhưng thực tế tới nay vẫn chưa có biên bản bàn giao, thống kê tài nguyên rừng từ ngành kiểm lâm.

Lời khẩn cầu từ những cánh rừng ở Lâm Đồng -0
Đua nhau cưa hạ rừng thông, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở dự án vừa thu hồi.

Sở dĩ rừng tại tiểu khu 267c và 278a, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng bị tàn phá, lấn chiếm mạnh trong thời gian dài là do giá đất trong khu vực này liên tục lên “cơn sốt”. Dù là đất quy hoạch lâm nghiệp nhưng hiện vẫn có giá từ vài trăm triệu tới hàng tỷ đồng/sào. Đặc biệt, khi UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch khu đô thị Liên Khương - Prenn với diện tích gần 3.000ha và hồ thủy lợi Ta Hoét rục rịch triển khai thì những cánh rừng ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng lại bị tàn phá, lấn chiếm với quy mô lớn hơn.

Đến nay, nhiều vị trí rừng ở tiểu khu 267c, xã Hiệp An thực chất là rừng “rỗng ruột”. Đứng bên ngoài nhìn vào nhiều người vẫn ngỡ rừng thông được quản lý, bảo vệ rất tốt. Tuy nhiên, bên trong vùng lõi, thung lũng giữa các quả đồi, thậm chí trên đỉnh đồi, rừng thông đã bị cưa phá, lấn chiếm với quy mô lớn, thay vào đó là các cây hoa màu, biến những cánh rừng thành vùng sản xuất nông nghiệp.

Những ngày cuối tháng 11-2021, PV ANTG đã tiếp cận hàng loạt điểm phá rừng đang xảy ra nơi đây. Phần lớn những vạt rừng thông vừa bị cưa hạ trong khoảng vài tuần qua, lá vẫn còn tươi; một số gốc cây thông, cơ quan chức năng đánh số thống kê lâm sản bị thiệt hại. Tuy nhiên, ghi nhận tại hiện trường cho thấy có dấu hiệu “xé” nhỏ, làm giảm mức độ thiệt hại tài nguyên rừng từ các vụ phá rừng bằng việc thống kê không đầy đủ số cây rừng bị phá mặc dù bị cưa hạ cùng một vị trí, cùng thời điểm. Đặc biệt, những gốc thông bị cưa hạ được đánh số thống kê hầu hết đều có đường kính lớn, từ 30-60cm, những cây nhỏ hơn không được đánh số kiểm đếm; dù diện tích rừng bị cưa trắng rất lớn với nhiều vị trí nhưng hầu hết đã không được cơ quan chức năng kiểm đếm, thống kê trữ lượng gỗ bị thiệt hại để có căn cứ xử lý theo quy định.

Những vị trí rừng vừa bị lâm tặc cưa hạ, lấn chiếm đất lâm nghiệp có diện tích từ vài sào tới cả hecta. Ở phần lớn các khu vực này, rừng bị cưa trắng tới đâu cây nông nghiệp như cà phê, xoài, chuối... được trồng kín tới đó. Gỗ thông bị lâm tặc cắt thành từng lóng, tại một số vị trí có đường giao thông thuận tiện, phần gỗ đẹp nhất, đường kính lớn đã bị các đối tượng lấy đi khỏi hiện trường. Phần nhiều gỗ thông được các đối tượng cưa nhỏ, đắp thành từng đống lớn để làm ranh giới hoặc đẩy xuống những khe nước nằm giữa hai quả đồi để chôn lấp. Tại các vị trí khác, gỗ thông sau khi cưa trắng được thủ tiêu bằng cách dồn đống châm lửa đốt. Hầu hết những khu vực rừng thông bị cưa trắng, trồng cây nông nghiệp vào thời điểm phóng viên tiếp cận hiện trường chưa được cơ quan chức năng đánh số thống kê, xác định khối lượng lâm sản thiệt hại.

Lời khẩn cầu từ những cánh rừng ở Lâm Đồng -0
Gỗ thông bị phi tang giữa các khe núi.

Theo ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 7 vị trí xảy ra phá rừng trái pháp luật thuộc lâm phần UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi từ dự án của Công ty TNHH  Hàn Việt, tổng diện tích bị tác động gần 4ha. Số cây rừng bị cưa, chặt hạ là 519 cây, phần lớn là thông ba lá, đường kính gốc từ 8-50cm. Lâm sản còn lại tại hiện trường gồm 639 lóng, khúc, tương đương với 54m3 gỗ. Kết quả khám nghiệm hiện trường cũng xác định, các vị trí rừng trên đã bị cưa hạ, lấn chiếm trong thời gian dài. Những cây gỗ thông bị cưa hạ mới nhất cách đây khoảng 1 tháng, lâu nhất khoảng năm 2019. Nhiều loại cây nông nghiệp như chuối, xoài, cà phê... mới được trồng trong mùa mưa năm nay.

Gần đây nhất, lực lượng chức năng phát hiện hai đối tượng đang tiến hành đo đất trên diện tích rừng vừa bị phá, lấn chiếm là Ya Minh (ngụ xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) và Nguyễn Chí Linh, nhân viên của Công ty bất động sản Anh Vinh (đường Lạc Long Quân, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng). Làm việc với cơ quan chức năng, Ya Minh khai nhận là người được bà Ma Duệ (thôn KRèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) thuê trông coi công phát dọn trên diện tích đất lâm nghiệp mới lấn chiếm này. Tại thời điểm bị lực lượng chức năng phát hiện, Ya Minh đang chỉ ranh giới đất để Nguyễn Chí Linh đo diện tích. Nguyễn Linh khai nhận, Công ty bất động sản Anh Vinh được bà Ma Duệ thuê đo vẽ diện tích tại vị trí trên. Hai người này được lực lượng chức năng giao cho Công an huyện Đức Trọng tiếp tục điều tra.

Rừng dự án cũng tan nát

Tại tiểu khu 275, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng rừng tự nhiên cũng liên tục bị tàn phá trong thời gian dài nhằm mục đích lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp và chuyển nhượng qua tay kiếm lời bất hợp pháp.

Theo thống kê ban đầu của UBND xã Liên Hiệp, tại khoảnh 2, tiểu khu 275 có 4 vị trí rừng bị phá với với 341 cây gỗ bị cưa hạ, đường kính gốc cây gỗ lớn nhất khoảng 50cm, thuộc đối tượng rừng phòng hộ. Tuy nhiên, sau đó Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh thống kê lại, xác định số cây gỗ bị cưa hạ chỉ còn 76 cây, có đường kính từ 19-42cm, số lượng lâm sản bị thiệt hại là 34,4m3. Vị trí rừng bị cưa hạ, lấn chiếm đã được khoán bảo vệ rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng cho ông Khải (xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng) làm tổ trưởng đại diện ký hợp đồng giao khoán.

Cũng trên địa bàn huyện Đức Trọng, rừng tại dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (tổng diện tích đất quy hoạch lên đến hơn 3.595ha, thuộc các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan), do Công ty CP Đầu tư và Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng xảy ra liên tục, kéo dài trong thời gian nhiều năm. Hàng loạt cánh rừng thông thuộc dự án của doanh nghiệp này cũng bị người dân kéo tới cưa phá, khai thác gỗ, lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp, thậm chí làm nhà ở nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao dự án (năm 2010) tới nay, công ty trên đã để mất hàng trăm hecta rừng và đất lâm nghiệp, biến nhiều khu rừng nơi đây trở thành vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển nhượng bất hợp pháp.

Lời khẩn cầu từ những cánh rừng ở Lâm Đồng -0
Rừng vừa được triệt hạ, cây nông nghiệp đã mọc lên.

Căn cứ số liệu của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng xác định giá trị thiệt hại tài nguyên rừng bị mất của dự án là 257ha. Tổng số tiền đền bù cho diện tích rừng và trữ lượng lâm sản bị mất mà Công ty CP Đầu tư và Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh phải nộp là 18,76 tỷ đồng. Theo Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, Công ty Đại Ninh đã nộp tiền đền bù cho hơn 140ha rừng bị mất xác định trữ lượng vào năm 2016, với số tiền gần 6,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với diện tích rừng gần 117ha được xác định trữ lượng 3.449m3, Sở Tài chính xác định giá trị bồi thường hơn 12 tỷ đồng nhưng Công ty Sài Gòn - Đại Ninh không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã liên tục có văn bản chỉ đạo, giao các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để răn đe chung. Thậm chí, để tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND tỉnh Lâm Đồng còn quy định để xảy ra phá rừng, mất rừng quy mô lớn, người đứng đầu địa phương có rừng bị mất phải chịu trách nhiệm, xử lý kỷ luật.

Tháng 4-2021, 4 trưởng ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, gồm: Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương), Trưởng BQLRPH Lâm Hà, Trưởng BQLRPH Sêrêpốk và Trưởng BQLRPH Phi Liêng (huyện Đam Rông) đã bị tạm đình chỉ công tác để xem xét kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2020 và quý 1-2021.

Lời khẩn cầu từ những cánh rừng ở Lâm Đồng -0
Thông cổ thụ hàng chục năm tuổi bị cưa hạ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với hạt trưởng các hạt kiểm lâm và cá nhân liên quan do thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố xử lý kỷ luật đối với chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và những người có liên quan thiếu trách nhiệm, để xảy ra phá rừng trong thời gian qua.

Khắc Lịch
.
.