Lừa đảo ăn theo dịch bệnh

Thứ Ba, 31/08/2021, 23:21

Thời điểm thành phố thực hiện nghiêm ngặt quy định giãn cách xã hội, bỗng xuất hiện nhân viên y tế mang theo gói an sinh và quà cứu trợ dân nghèo. Nhiều người chưa kịp mừng thì đã rơi nước mắt khi mất tiền, mất của. Đây là trò lừa đảo mới, bám vào dịch bệnh để kiếm ăn.  

Nhân viên y tế giả

Đang ngồi ở phòng trọ, tự nhiên anh Trần Thanh Hiền (35 tuổi, thị trấn Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) thấy có một người mặc đồ bảo hộ kín bưng bước vào, trên tay cầm một bịch đồ. Người này tự xưng ở bên y tế đi phát thuốc và quà cho dân. Anh Hiền không mảy may suy nghĩ, vì trước đó đã nghe thông tin “ai ở đâu ở yên đó”, lương thực, thuốc men sẽ có người đến phát.

h1.jpg -0
Túi an sinh mà nhân viên y tế giả đã lừa đảo.

Trước khi ra về, “nhân viên y tế” xòe tay xin anh Hiền 500 ngàn đồng nói là ủng hộ tuyến đầu chống dịch. Anh Hiền bảo mình không có tiền, ở nhà mấy tháng nay sống bằng đồ từ thiện và sự giúp đỡ của bà con xung quanh. Nghe xong, người này thay đổi hẳn giọng, buông một câu cay cú: “Cứ ngồi đó mà há miệng chờ sung”.

Anh Hiền ngơ ngác không hiểu gì, đã không phát quà thì thôi còn nói nặng lời? Sáng hôm sau, ông tổ trưởng dẫn theo nhóm người từ thiện phát lương thực cho từng phòng trọ. Anh Hiền kể lại câu chuyện hôm qua, nghe xong ông tổ trưởng phán ngay là anh bị lừa, làm gì có nhân viên y tế tự ý xuống dân phát thuốc, nếu có đi phải thông qua tổ trưởng nắm danh sách và được dẫn đi. Việc thu tiền cũng hoàn toàn sai, không ai được phép thu tiền của dân khi xuống phát lương thực và thuốc men. Anh Hiền thở phào nhẹ nhõm, may là không có tiền nên mới không bị lừa.

Tương tự, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hương (P. Tân Phong, Q.7) vào ngày 25-8 đã gặp một “nhân viên y tế” mang đồ bảo hộ kín mít tìm tới phòng trọ phát túi an sinh. Cũng từng nghe tới chương trình này nên chị Hương không mấy ngỡ ngàng khi được “nhân viên y tế” giới thiệu. Vợ chồng chị Hương được cung cấp một phần thuốc chữa bệnh mùa dịch và quà. Tuy nhiên, trước khi trao quà, “nhân viên y tế” nói chị Hương ủng hộ 500 ngàn gây quỹ chống dịch, giúp lực lượng tuyến đầu. Trong túi hai vợ chồng còn có 300 ngàn, chị Hương đang định trình bày hoàn cảnh thì “nhân viên y tế” sốt sắng: “Thôi không có thì từng đó cũng được”. Chị Hương hí hửng mở túi an sinh ra xem, chỉ có một vỉ thuốc Panadol, một hộp thuốc đau bao tử nhưng chỉ có mấy gói bên trong, tổng trị giá chưa tới một trăm ngàn, ngoài ra không có quà cáp gì cả.

Vào thời điểm đó, ở dãy trọ bên cạnh, hai cô công nhân Huỳnh Tuyết Lan và Trương Thị Hiếu cũng đón nhận “nhân viên y tế” đi phát túi an sinh. Lan có chút nghi ngờ về người này nên hỏi đi hỏi lại rất nhiều để kiểm chứng. Cũng vì mải mê hỏi han quá mà cô không để ý gì tới chiếc điện thoại đặt ở yên xe máy trước cửa phòng. Cuối cùng, “nhân viên y tế” vui vẻ biếu hai cô gái một túi an sinh mà không nhận đồng nào.

Lan và Hiếu mừng quýnh lên, đến khi tìm điện thoại để chụp ảnh quà tặng gửi cho bạn bè, mới hốt hoảng không thấy đâu. Dùng máy khác gọi vào thì số máy đã tắt nguồn. “Đã nghèo còn gặp cái eo, điện thoại của em mua cũ có 800 ngàn thì bán ra được mấy đồng. Chúng em không ngờ người ta lại lừa bằng cách nhẫn tâm như vậy”, Hiếu buồn bã nói. 

Bà Lê Thị Kim Chung, Tổ trưởng bảo vệ dân phố P.3 (Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, đối tượng xuất hiện tại các khu nhà trọ công nhân, người lao động có thể là người sống quanh quẩn ở khu vực đó, vì thời điểm giãn cách xã hội, chúng không thể băng qua các địa bàn khác được. Rất có thể, chúng đã nắm được hoàn cảnh của từng nạn nhân và ra tay lừa đảo. Theo bà Chung, có rất nhiều chiêu thức được chúng dựng lên. Nào là đi vận động tiêm vaccine phòng COVID-19 rồi thu tiền để chọn loại vaccine ưu tiên. Ở loại hình này, chúng sẽ lấy số điện thoại của người dân, thu tiền tạm ứng (dưới danh nghĩa hỗ trợ quỹ vaccine) rồi hứa hẹn sẽ gọi điện đi tiêm sớm nhất. Nhiều người dân hiểu biết còn hạn chế, không lường trước được các thủ đoạn lừa đảo như vậy, tin vào kẻ xấu ngồi ở nhà chờ dài cổ không thấy ai gọi mới biết mình ăn quả lừa.

Nếu thấy nghi ngờ, liên hệ ngay cơ quan chức năng

Các thủ đoạn lừa đảo như trên đã được Công an TP. Hồ Chí Minh cảnh báo. Theo đó, tranh thủ lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều kẻ xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo, trộm cắp, cướp tài sản. Ngoài các thủ đoạn giả làm nhân viên bệnh viện yêu cầu nộp tiền viện phí, lừa tiền cứu trợ..., đối tượng tội phạm còn giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục bảo hộ đến nhà phát "thuốc diệt khuẩn", nhằm lừa đảo thu tiền của người dân hoặc bán hàng gian, hàng giả, tìm sơ hở để trộm tài sản.

Vừa qua, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp Công an TP. Thủ Đức đã bắt giữ Nguyễn Minh Phụng (25 tuổi, ngụ phường Tam Phú, TP. Thủ Đức) để điều tra về hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

h2.png -0
Đối tượng Nguyễn Minh Phụng bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phụng đã đăng tải trên facebook, zalo... các nội dung: Cung cấp giấy xét nghiệm COVID-19 để làm giấy thông hành đi qua các trạm kiểm soát dịch (600.000đ/tờ); đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vaccine các loại (Pfizer 1.250.000đ/liều, AstraZeneca 1.080.000/liều); các loại dược phẩm để chữa trị khi nhiễm COVID-19; bán hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu... Sau khi các nạn nhân chuyển tiền thì Phụng chặn liên lạc để chiếm đoạt...

Trong thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, người dân cần hết sức đề cao cảnh giác để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng. Khi có bất cứ điều gì không rõ ràng, nghi ngờ thì hãy liên hệ ngay với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh lại, tránh rơi vào bẫy lừa đảo.

Ngọc Thiện
.
.