Lừa đảo chứng khoán ngoại hối: Làm giàu hay mất trắng?
Hiện nay, các vụ lừa đảo liên quan đến chứng khoán ngoại hối đang diễn ra ngày càng tinh vi, với nhiều thủ đoạn được tổ chức bài bản nhằm đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư. Hậu quả là nhiều người bị mất trắng tài sản, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Tình trạng này đặt ra hồi chuông cảnh báo về việc nâng cao cảnh giác và kiến thức tài chính của nhà đầu tư.
Chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng
Ngày 12/2, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) vừa phối hợp điều tra đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền lên đến 200 tỷ đồng.
Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Như Xuân phát hiện sàn giao dịch chứng khoán ngoại hối “Fnory.com” có dấu hiệu hoạt động lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt tài sản nên đã tiến hành điều tra, xác minh.

Trên cơ sở tài liệu thu thập được, Công an huyện Như Xuân đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Thanh Hóa và Công an các huyện, thị xã, thành phố có liên quan huy động lực lượng đồng loạt bắt giữ 9 đối tượng, gồm: Lê Tiến Mạnh, sinh năm 1995; Nguyễn Thị Thương, sinh năm 1993, Vũ Đình Thanh, sinh năm 1996 (cùng trú tại Hà Nội); Phạm Hồng Quân, sinh năm 1996; Vương Kim Huề, sinh năm 1990 (cùng trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc); Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1990; Hoàng Văn Công, sinh năm 1977; Nguyễn Văn Đại, sinh năm 1980 (cùng trú tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) và Phạm Thị Thủy, sinh năm 1987 ở thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Quá trình đấu tranh, đến nay Công an huyện Như Xuân đã tạm dừng giao dịch đối với 20 căn hộ, đồng thời thu giữ 13 xe ôtô, 47 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng giao dịch chuyển nhượng các loại, 60 điện thoại di động, 11 máy tính và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan trị giá trên 200 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra ban đầu, với thủ đoạn tự dựng lên một sàn chứng khoán bất hợp pháp lấy tên là Fnory.com, các đối tượng đã xây dựng mạng lưới nhân viên theo hướng đa cấp, sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram quảng cáo, mời chào, lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư, đưa ra các thông tin sai sự thật như giới thiệu là sàn của Anh quốc, hợp pháp, đầu tư thu lợi nhuận cao… Khi khách hàng tham gia, chúng đưa vào các nhóm kín, hệ thống nhân viên lấy danh nghĩa là các chuyên gia tài chính sẽ tư vấn, hô lệnh để khách hàng tin tưởng đặt lệnh mua bán theo cho đến khi thua hết số tiền đã nạp vào để mua các mã chứng khoán...
Số tiền chiếm đoạt được của khách hàng, các đối tượng chuyển khoản vào các tài khoản ảo và ăn chia theo cấp bậc quản lý. Một số đối tượng chuyển số tiền này ra để mua ôtô và bất động sản. Căn cứ các tài liệu chứng cứ, bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Như Xuân đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 đối tượng; trong đó, khởi tố đối với 7 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 2 đối tượng về tội “rửa tiền”, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Cũng với hình thức tương tự, Hồ Bích Ngọc, sinh năm 1996 (trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã cầm đầu đường dây lừa đảo hàng trăm nhà đầu tư, chiếm đoạt 500 tỷ đồng thông qua các sàn chứng khoán, ngoại hối không phép.
Từ năm 2020, Ngọc nổi lên như một nữ doanh nhân trẻ thành đạt với lối sống xa hoa, thường xuyên xuất hiện cùng xe sang và đồ hiệu. Trên mạng xã hội, Ngọc xây dựng hình ảnh một nhà đầu tư tài chính thành công, tổ chức nhiều hội thảo, khóa học dạy cách kiếm tiền, tiếp cận giới nhà giàu.
Mặc dù chỉ kinh doanh nhỏ lẻ trong lĩnh vực spa và thời trang, nhưng Ngọc lại sở hữu lượng tài sản lớn và điều hành Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn đầu tư Master Group với ba văn phòng tại Hà Nội, dù không được cấp phép hoạt động tài chính.
Bản thân bà chủ spa Hồ Bích Ngọc, dù không có chút kiến thức gì về kinh tế nhưng đã tự biên soạn các khóa học, tài liệu mang tên “Học đơn giản, đầu tư bài bản”; “Khóa học đầu tư vỡ lòng”; “Tri ân người khai sáng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư”. Thực tế, đây chỉ là công cụ để lôi kéo nhiều người tham gia, từ đó dụ dỗ họ nạp tiền vào các sàn giao dịch ảo.
Không dừng lại trong nước, Ngọc còn liên kết với một đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) để vận hành ba sàn giao dịch ngoại hối kết nối với nền tảng MetaTrader 4, MetaTrader 5 - hệ thống phổ biến trong giới đầu tư tài chính. Nhóm này thiết lập các cổng thanh toán trung gian, chia lợi nhuận theo tỷ lệ 60-70% số tiền chiếm đoạt được cho đối tác nước ngoài.
Các nạn nhân sau khi tham gia sàn thường bị dụ dỗ đặt lệnh với mức rủi ro cao. Khi bị thua lỗ, họ được trấn an tiếp tục đầu tư để gỡ gạc, nhưng đến khi không còn khả năng nạp tiền, các đối tượng lập tức chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Sau nhiều tháng điều tra, cơ quan chức năng đã xác định được quy mô và cách thức hoạt động của đường dây này. Trong tháng 12/2024, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt giữ 33 đối tượng liên quan, đồng thời triệu tập thêm 64 cá nhân khác để phục vụ điều tra.
Tang vật thu giữ bao gồm: 4 xe ôtô hạng sang; 85 điện thoại di động; 30 máy tính; gần 3,5 tỷ đồng tiền mặt. Tổng số tiền chiếm đoạt lên đến 500 tỷ đồng.
Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
Các đối tượng lừa đảo thường tạo dựng hình ảnh hào nhoáng, thể hiện sự giàu sang qua những tài sản xa xỉ như biệt thự, xe sang, tiền bạc, và các chuyến du lịch đắt đỏ. Chúng tận dụng lòng tham và mong muốn làm giàu nhanh chóng của nạn nhân, khiến họ bị mê hoặc bởi các hình ảnh phô trương này, từ đó dễ dàng bị lôi kéo tham gia. Đồng thời, nhờ sức mạnh của truyền thông và các chiến lược quảng bá tinh vi, các đối tượng liên tục xuất hiện trên nhiều nền tảng mạng xã hội để nhanh chóng tiếp cận và lan truyền thông điệp đến đông đảo công chúng.

Để lôi kéo thêm nạn nhân, các đối tượng này thường đánh vào tâm lý hiếu kỳ của nhà đầu tư bằng cách tặng quà, sách, hoặc tài liệu hướng dẫn đầu tư miễn phí. Những chiêu trò này không chỉ nhằm khơi dậy sự tò mò mà còn giúp chúng thu thập thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại của nạn nhân, làm tiền đề cho các bước lừa đảo tiếp theo.
Giữa tháng 11/2024, anh Đặng Văn Tám (Trầm Lộng, Ứng Hòa, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ nhân viên môi giới mời “đầu tư chứng khoán quốc tế”. Theo lời nhân viên này quảng cáo thì “sàn có giấy chứng nhận từ Anh và được kiểm định, đánh giá chất lượng với điểm số cao”. Chỉ cần nạp tiền VNĐ, tài khoản sẽ tự động quy đổi ra USD để “nhập sàn” thế giới. Người này cam kết tài khoản sẽ tăng trưởng 50-70%, nhà đầu tư sẽ lời 2-7% mỗi ngày và rút tiền nhanh trong 4-8h. Nhà đầu tư được tư vấn “1-1” trong suốt quá trình đặt lệnh để tránh rủi ro.
Sau gần hai tháng được nhân viên môi giới tư vấn về cách thức giao dịch và những sức hút so với các loại đầu tư khác, anh Tám quyết định thử “vận may”. Anh Tám được hướng dẫn tải phần mềm để thực hiện các giao dịch trên sàn Sxxx. Lần đầu tiên, anh nạp 50 triệu đồng bằng cách chuyển tiền sang tài khoản của một công ty thanh toán trung gian.

Sau hai ngày có lãi, vừa bước sang ngày thứ 3, tài khoản của anh Tám lỗ sâu. Anh Tám chia sẻ: “Tôi nộp vào 50 triệu, sau 2 ngày lãi tài khoản lên tới 65 triệu, vậy mà chỉ sang ngày thứ 3 thì tài khoản chỉ còn hơn 20 triệu. Nhìn tiền mất đi tôi xót nên lại nạp tiếp để gỡ. Nhưng rồi càng nạp càng mất nên tôi dừng lại. Sau đó tôi đọc các thông tin về lừa đảo sàn chứng khoán ngoại hối và tin chắc mình đang là một nạn nhân. Tôi đành chịu mất non còn hơn sẽ mất nhiều nữa”.
Nhiều công ty tư vấn đầu tư chứng khoán, tài chính đã được thành lập mà không hề đăng ký hoạt động trong các lĩnh vực này. Những công ty này tuyển dụng hàng ngàn nhân viên để phục vụ cho mạng lưới hoạt động, phân chia nhiệm vụ rõ ràng theo từng bộ phận và chức năng.
Có thể kể đến bộ phận marketing chuyên thực hiện các chiến dịch quảng cáo, đẩy mạnh truyền thông để tiếp cận các nhà đầu tư; bộ phận hỗ trợ nhà đầu tư giải đáp thắc mắc về các vấn đề kỹ thuật như đặt lệnh hay nạp, rút tiền; và đặc biệt là bộ phận chăm sóc khách hàng (telesale), đóng vai trò chính trong việc lôi kéo và thuyết phục nhà đầu tư thông qua những kịch bản được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp. Các kịch bản này được thiết kế để kích thích tâm lý và tạo sự tin tưởng, khiến các nhà đầu tư khó lòng từ chối hoặc rút lui khỏi “bẫy” mà chúng giăng sẵn.
Các đối tượng lừa đảo thường lập ra các hội nhóm trên mạng xã hội, tham gia và tổ chức các sự kiện đông người nhằm tiếp cận, tạo mối quan hệ, sau đó mời gọi tham gia đầu tư hoặc hướng dẫn cách đầu tư. Đồng thời, chúng còn tạo ra các tài khoản giả danh nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn, liên tục đăng tải những giao dịch thành công trên sàn để kích thích sự tò mò và thu hút thêm nạn nhân tham gia.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng lập ra và điều hành nhiều trang web giao dịch với giao diện tiếng Anh, đặt máy chủ ở nước ngoài nhằm tạo lòng tin rằng đây là các sàn giao dịch quốc tế uy tín, đồng thời che giấu hoạt động trước cơ quan chức năng. Các trang web này được kết nối trực tiếp với các tài khoản ngân hàng do nhóm lừa đảo quản lý và liên thông đến các nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến. Chúng được thiết kế với các tính năng như can thiệp vào tài khoản của nhà đầu tư, tự ý đặt lệnh hoặc điều chỉnh số dư. Người tham gia phải đăng ký tài khoản trên các trang này, sau đó tải ứng dụng về điện thoại để bắt đầu giao dịch.
Sau khi nạn nhân nạp tiền, nhân viên của nhóm lừa đảo sẽ cung cấp thông tin về xu hướng thị trường, khuyến khích sử dụng các chiến thuật “đòn bẩy” lớn và hạn chế việc chốt lời hay cắt lỗ trong thời gian ngắn. Điều này tạo áp lực về thời gian, khiến nhà đầu tư phải đưa ra quyết định nhanh chóng mà không kịp suy nghĩ.
Ban đầu, chúng hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các giao dịch nhỏ, dễ có lời và rút được tiền để tạo lòng tin. Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn, chúng thúc đẩy nhà đầu tư tăng vốn giao dịch. Khi xảy ra thua lỗ hoặc tài khoản bị “cháy”, nhóm lừa đảo tiếp tục cung cấp thông tin sai sự thật, dụ dỗ nạn nhân nạp thêm tiền với hy vọng gỡ lại vốn. Đến khi nạn nhân kiệt quệ tài chính, chúng lập tức chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Nếu nạn nhân bắt đầu cảnh giác và muốn rút tiền, các đối tượng sẽ dựng lên hàng loạt rào cản từ nhẹ nhàng như khuyên nhủ sẽ bị trừ lãi, giảm giá trị đầu tư, cho đến mạnh tay như đóng băng tài khoản, báo lỗi hệ thống, hoặc cáo buộc vi phạm chính sách. Những động thái này nhằm kéo dài thời gian và tiếp tục ép nhà đầu tư nạp thêm tiền, khiến họ không thể thực hiện việc rút tiền.
Những sàn giao dịch chứng khoán ngoại hối “ảo” không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn hủy hoại niềm tin của nhiều người vào thị trường đầu tư. Sự tỉnh táo và kiến thức chính là vũ khí quan trọng giúp chúng ta không sa vào bẫy của những kẻ lừa đảo.