Lừa đảo cuối năm, muôn hình vạn trạng
Lừa chuyển khoản nhầm, lừa tư vấn đầu tư, lừa bán ô tô thanh lý, mua ô tô rồi bỏ chạy… đó là những thủ đoạn lừa đảo nở rộ vào dịp cuối năm vừa bị cơ quan chức năng xử lý.
Từ lừa tiền qua mạng…
Vào dịp cuối năm, nhất là khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian dài khiến nhiều người phải vay nợ, một loại hình lừa đảo diễn ra phổ biến là “lừa xóa nợ xấu CIC”.
Trung tâm Thông tin tín dụng - CIC là tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổ chức này có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng của các cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ cho hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Vào dịp cuối năm, nhiều người dân có nhu cầu vay vốn để kinh doanh mùa Tết nên thường nôn nóng tìm cách xóa nợ xấu nhanh chóng. Lợi dụng tâm lý này, kẻ gian sử dụng các thủ đoạn tinh vi, hứa hẹn hỗ trợ khách hàng xóa thông tin nợ xấu tại CIC để được cấp tín dụng, vay tiền một cách dễ dàng hơn và từ đó chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Theo đó, sau khi nhắm được con mồi có nhu cầu vay tiền nhưng gặp khó khăn do vướng nợ xấu, các đối tượng sẽ chủ động tiếp cận trên mạng xã hội để tư vấn dịch vụ xóa thông tin nợ xấu. Số tiền chi trả cho dịch vụ này sẽ dao động tùy theo thông tin nợ xấu của con mồi bị treo trên CIC, thường là từ 3-10 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi gửi tiền, các đối tượng đã biến mất không còn chút dấu vết, thậm chí chặn mọi thông tin liên lạc của nạn nhân.
Đại diện CIC đã khẳng định không có một cơ chế nào về việc xóa nợ xấu tại CIC, không có bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào có thể thực hiện được việc này. Tất cả các thông tin của khách hàng tại CIC được cập nhật, lưu trữ trung thực, khách quan đúng theo các thông tin được các tổ chức tín dụng báo cáo. CIC hay bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin này. CIC chỉ điều chỉnh dữ liệu của khách hàng khi nhận được văn bản yêu cầu từ tổ chức tín dụng (do tổng giám đốc hoặc người được ủy quyền ký); trong đó nêu rõ lý do sai sót. Ngoài ra, không có bất cứ một "cơ chế" xóa nợ xấu, điều chỉnh nhóm nợ nào khác.
Do đó, CIC và các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không tin tưởng vào những quảng cáo, chào mời, giới thiệu dịch vụ "che" nợ, "xóa" nợ xấu CIC. Cách duy nhất để không phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu CIC là thanh toán nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.
Bên cạnh trò lừa nói trên, mới đây một loạt ngân hàng như SHB, VPBank… cũng ra thông báo cảnh báo về nạn lừa đảo qua tin nhắn, mạng xã hội bằng cách mạo danh ngân hàng cũng xuất hiện với tần xuất lớn.
Hiện nay đang xuất hiện nhiều tin nhắn giả mạo thương hiệu các ngân hàng tại Việt Nam để thông báo chi tiêu ở nước ngoài, cảnh báo đổi mật khẩu, cảnh báo cập nhật dịch vụ với mục đích là để khách hàng cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã đăng nhập một lần OTP. Nội dung tin nhắn thường đính kèm đường link giả mạo gần giống với website chính thức của ngân hàng khiến khách hàng dễ nhầm lẫn, mất cảnh giác. Khách hàng đăng nhập đường link giả mạo tên đăng nhập và mật khẩu, các thông tin này sẽ được chuyển đến máy chủ của hacker và được dùng để chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản ngân hàng điện tử và chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Do đó khách hàng nâng cao cảnh giác trước nhiều thủ đoạn lừa đảo như: mạo danh các sàn thương mại điện tử yêu cầu hỗ trợ đổi trả đơn hàng, nhận quà tặng tri ân hay mua sắm voucher... rồi yêu cầu người dùng đăng ký vào link giả mạo; mời gọi cho vay tiền online và yêu cầu đăng ký trên website giả mạo ngân hàng... Tuyệt đối không cung cấp thông tin của cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng… Tuyệt đối không nhấn vào các đường link, tên miền lạ, không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Cho đến lừa mua, bán ô tô
Đầu tháng 12-2021, anh Nguyễn Văn Vinh, chủ nhân chiếc xe Ford EcoSport BKS 30A-617.65 lên mạng rao bán chiếc xe giá 400 triệu đồng. Chiều 2-12, hai người đàn ông đi ô tô tới nhà anh Vinh để xem xe.
Trong lần lái thử đầu tiên, anh Vinh đi cùng và sau đó xuống xe, nói chuyện với người còn lại. Người hỏi mua xe lúc này xem xét nội thất rồi phóng xe đi thẳng. Đợi một hồi lâu, anh Vinh mới vỡ lẽ người đứng nói chuyện với mình chỉ là tài xế taxi chở người vừa xem xe tới đây. Nhận ra mình đã bị đối tượng trên xe lừa, anh Vinh cùng người lái xe taxi đã đi trình báo Công an huyện Đông Anh.
Sau khi trình báo, anh Vinh đã đưa vụ việc này lên mạng xã hội để nhờ người dân tìm kiếm chiếc xe của mình và treo thưởng 100 triệu đồng cho ai tìm được xe ô tô bị lấy cắp. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, xác minh nhân thân của vị khách lấy đi chiếc xe ô tô nói trên.
Cũng gặp hoàn cảnh tương tự nhưng may mắn hơn, một nạn nhân ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam) bị chiếm đoạt chiếc Santafe rao bán hơn 600 triệu đồng vào chiều 14-12. Nhưng chỉ sau khoảng 30 giờ trình báo, lực lượng chức năng đã tìm được xe, bắt 2 kẻ gây án là Phạm Minh Quang (31 tuổi) và Trần Ngọc Hiếu (23 tuổi).
Ngày 14-12, đối tượng Quang đã hẹn xem xe ở vườn hoa thành phố Phủ Lý. Sau khi lái thử, Quang nói "ok hết, xuống trao đổi giấy tờ và chuyển tiền vào việc". Khi chủ xe vừa bước xuống, Quang và Hiếu phóng về Hà Nội, trốn tại quận Hoàng Mai.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng cho biết đã có bàn bạc kế hoạch chiếm đoạt chiếc Santafe từ trước. Cả hai còn lắp biển số giả để tránh bị phát hiện khi trốn chạy trên đường. Đây cũng là hình thức phạm tội mới lần đầu xuất hiện tại tỉnh Hà Nam.