Luật sư dởm - Từ online đến offline

Thứ Ba, 12/12/2023, 12:15

Với chiêu trò giả danh luật sư hay mở hẳn văn phòng luật sư, nhiều đối tượng xấu đã tạo được niềm tin đối với bị hại. Từ đó chúng lên kế hoạch đưa các con mồi vào tròng. Điều đáng nói, những luật sư dởm này không chỉ hành nghề ngoài đời mà còn lừa được nhiều nạn nhân trên mạng ảo.

Lập cả văn phòng luật để lừa đảo

Mới đây, vào ngày 2/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng đã bắt Nguyễn Hữu Thạnh (32 tuổi, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, tạm trú chung cư Mường Thanh, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Để tạo niềm tin với các “con mồi”, Thạnh đã mở Văn phòng luật sư di trú SGM, đăng ký địa chỉ trên đường Tạ Mỹ Duật (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

Luật sư dởm - từ online đến offline -0
Một luật sư đăng bài cảnh báo về việc bị kẻ xấu giả mạo mình để lừa đảo.

Trước đó, Công an TP Đà Nẵng nhận được nhiều đơn tố cáo từ người dân về việc bị một Việt kiều tên Johnny Thạnh lừa đảo bằng thủ đoạn làm hợp đồng đưa người đi xuất khẩu lao động, cư trú, định cư và học tập tại Mỹ, Canada, Úc… Sau khi nhận hàng loạt đơn tố cáo, Ban giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự khẩn trương vào cuộc, xác lập chuyên án để đấu tranh.

Ngày 31/10, Ban chuyên án ập vào căn hộ chung cư Mường Thanh, khống chế Thạnh, khám xét và thu giữ nhiều chứng cứ, tài liệu. Cụ thể, cơ quan công an tạm giữ 1 giấy chứng minh công an nhân dân giả mang tên Nguyễn Hữu Thạnh, 4 đồng hồ, 3 máy tính bảng, 4 điện thoại di động (trong đó có 1 điện thoại nhãn hiệu Vertu đắt tiền), 2 máy vi tính, 2 con dấu giả, 10 bộ hồ sơ hợp đồng có chữ ký của Nguyễn Hữu Thạnh, hơn 100 triệu đồng tiền mặt…

Lúc đầu, Nguyễn Hữu Thạnh một mực khẳng định mình bị oan. Tuy nhiên, trước những chứng cớ xác thực, Thạnh buộc phải thừa nhận mình không chỉ mở văn phòng luật sư, giả danh luật sư mà còn giả danh công an, làm giả các giấy tờ, con dấu để lừa đảo hàng loạt.

Luật sư dởm - từ online đến offline -0
Đối tượng Nguyễn Hữu Thạnh mở hẳn Văn phòng luật sư để tạo niềm tin cho các bị hại.

Cụ thể, Thạnh tự tìm hiểu trên mạng cách thức làm thủ tục đưa người đi xuất khẩu lao động, định cư và học tập ở nước ngoài. Sau đó Thạnh mở Văn phòng luật sư di trú SGM để nạn nhân tin tưởng, nộp tiền làm thủ tục.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, từ tháng 10/2022 đến nay, Thạnh đã lừa đảo 17 người, chiếm đoạt khoảng 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, Thạnh khai đã dùng toàn bộ tiền lừa đảo để đầu tư tiền ảo, cá độ, đánh bạc qua mạng và thua hết.

Không chỉ bị Công an TP Đà Nẵng bắt giữ, Thạnh còn đang bị Công an TP Hồ Chí Minh truy tìm cùng về hành vi lừa đảo 7 người, chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng.

Tương tự như Thạnh, Tạ Yến Oanh (45 tuổi, trú tại khóm 6, phường 2, TP Bạc Liêu) cũng mạo danh luật sư để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới gần 2 tỉ đồng.

Được biết, Oanh mới chỉ hoàn thành lớp đào tạo luật sư và chỉ là người cộng tác với Văn phòng Luật sư Trần Vân Linh - chi nhánh Bạc Liêu (đặt tại khóm 2, phường 7, TP Bạc Liêu, trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh) nhưng khi tiếp xúc với khách hàng thì người này luôn tự xưng là luật sư. Không chỉ vậy Oanh còn in danh thiếp là “luật sư Tạ Yến Oanh” đưa cho khách hàng.

Lợi dụng việc được giao quản lý văn phòng tại Bạc Liêu, lấy danh nghĩa Văn phòng luật sư Trần Vân Linh, Oanh đã ký nhiều hợp đồng pháp lý với các khách hàng. Để tạo lòng tin đối với khách hàng, Oanh còn tự đặt con dấu có nội dung “VPLS Trần Vân Linh - chi nhánh Bạc Liêu” đóng dấu khi ký kết hợp đồng pháp lý với khách hàng.

Cho tới thời điểm bị bắt, Oanh 5 lần thực hiện hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tiền của 13 bị hại (đều là những đương sự, bị cáo trong các vụ án tại các tòa án trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu), tổng số tiền chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.

Với hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Tạ Yến Oanh đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu kết án 17 năm tù.

Luật sư dởm - từ online đến offline -0
Để có tiền tiêu xài, đối tượng Nguyễn Thành Công đã giả danh luật sư để “chạy án” cho người có nhu cầu.

Không có nghề nghiệp ổn định, Nguyễn Thành Công (trú tại xã Krông Jing, huyện MĐrắk, tỉnh Đắk Lắk) đã lên kế hoạch giả danh luật sư, nhằm thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác để lấy tiền phục vụ mục đích tiêu xài.

Cụ thể, Công đã mua bằng cử nhân luật giả, thẻ luật sư giả và con dấu cá nhân có in chữ Liên đoàn Luật sư Việt Nam giả để dễ dàng thực hiện hành vi phạm pháp. Ngoài ra, đối tượng còn in danh thiếp cá nhân là luật sư, hợp đồng đại diện tố tụng, phiếu tạm ứng và các giấy tờ có liên quan khác để mọi người tin tưởng mình. Công dùng tài khoản Facebook cá nhân để chia sẻ các hình ảnh, thông tin trong hội, nhóm “Luật sư tư vấn miễn phí”. Khi có khách hàng liên hệ nhờ Công giúp đỡ về mặt pháp luật thì người này hứa hẹn đủ kiểu để lấy lòng tin, sau đó yêu cầu chuyển phí rồi chiếm đoạt.

Bằng thủ đoạn này, đối tượng đã lừa đảo liên tiếp nhiều vụ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Thủ đoạn tinh vi của các luật sư dởm

Cùng với việc tràn lan các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao thì nhiều đối tượng mạo danh luật sư đã “té nước theo mưa” lập các page trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo tự nhận hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo. Không khó khăn để tìm được các trang mạng xã hội chuyên tư vấn luật, hỗ trợ pháp lý đòi lại tiền bị lừa đảo. Chỉ cần gõ từ khóa “tư vấn luật”, “hỗ trợ đòi lại tiền lừa đảo” có thể cho ra rất nhiều các trang cá nhân, fanpage. Tuy nhiên chẳng ai có thể biết đây là luật sư thật hay giả.

Bằng những hình ảnh, lời quảng cáo có cánh để lấy niềm tin từ nạn nhân, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng và số tiền bị lừa. Đặc biệt, nhóm này tung hô rằng chúng sở hữu hệ thống chuyên biệt, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả các nền tảng lừa đảo.

Kẻ gian sau đó sẽ làm giả một hình ảnh với thông tin bao gồm họ tên của nạn nhân, số tiền bị lừa và thông tin ngân hàng. Trên thực tế, đây đều là những thông tin mà kẻ gian đã hỏi được từ nạn nhân trước đó. Để lấy lại số tiền bị lừa, nạn nhân sẽ được yêu cầu chuyển khoản thêm 2-5 triệu đồng vào “hệ thống” với lý do “cần xác minh thông tin ngân hàng”. Nếu làm theo yêu cầu này, nạn nhân sẽ tiếp tục rơi vào bẫy của kẻ gian và bị chiếm đoạt tài sản.

Luật sư dởm - từ online đến offline -0
Anh B. đã may mắn thoát được cảnh bị “lừa kép” khi cảnh giác đọc những comment đăng trên trang lừa đảo.

Anh Nguyễn Công B. (Ngõ 10, phố Đại Linh, phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là người đã may mắn thoát bẫy của những luật sư dởm. Theo lời quảng cáo giúp lấy lại số tiền bị treo, bị lừa trên không gian mạng của một trang Facebook có tên “Thông tin thu hồi vốn nhanh chóng”, anh B. đã nhắn tin thì được hướng dẫn rất tỉ mỉ liên hệ với nhân viên tư vấn pháp lý của công ty để giải đáp, hỗ trợ về khoản thu hồi vốn.

Sau khi hỏi những thông tin cần thiết, đối tượng này yêu cầu anh B. đóng mức phí 1,4 triệu đồng để công ty tiếp nhận, xác minh và làm các giấy tờ thủ tục pháp lý với các bên liên quan. Số tiền này sau khi hoàn thành sẽ được hoàn trả, trong đó có luôn tiền gốc đang treo. Công ty thu phí dịch vụ sau khi giải ngân là 3% trên tổng số tiền thực nhận. Để lấy lòng tin của anh B., đối tượng còn gửi thêm ảnh của nhiều nạn nhân bị lừa tiền đã được hỗ trợ lấy lại tiền. Tuy nhiên, sau khi kỳ công đọc những comment trong trang, anh B. phát hiện nhiều người lên tiếng đây chỉ là hành vi lừa đảo nên anh B. đã không chuyển tiền.

Mới đây Công an TP Đà Nẵng cũng nhận được đơn trình báo của Công ty luật TNHH ATG về việc bị mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Các đối tượng tạo tài khoản Facebook và sử dụng các hình ảnh, thông tin từ tài khoản Facebook chính chủ của Công ty luật TNHH ATG để mạo danh giám đốc công ty. Tiếp đó, chúng quảng cáo nhận tư vấn online các trường hợp “bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trên các sàn giao dịch điện tử, lấy lại tiền bị lừa trên mạng…”. Sử dụng nhiều tài khoản ảo khác tương tác, bình luận nhằm tạo lòng tin.

Khi có “khách hàng”, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tiền bị lừa và cách thức lừa đảo... Chúng tự nhận có mối quan hệ với bên an ninh mạng, cam kết có thể thu hồi số tiền trên. Và yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản hệ thống mà chúng chỉ định, với lý do tiền vốn để thu hồi tiền bị lừa đảo.

Trước tình trạng này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn - đại diện Công ty luật TNHH ATG cho biết, từ khi hành nghề đến nay, đối với các trường hợp khách bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trên không gian mạng khi nhờ tư vấn, ông đều hướng dẫn họ làm đơn gửi đến cơ quan công an nơi cư trú để giải quyết theo đúng quy định chứ chưa một lần nào tư vấn hay thực hiện việc lấy lại tiền cho những người bị lừa đảo trên không gian mạng.

Luật sư Tuấn cho biết, có hai tài khoản Facebook đã sử dụng 23 hình ảnh của ông và công ty, tự nhận tư vấn online cho các trường hợp bị mất tiền, lấy lại tiền bị lừa đảo trên mạng… Các đối tượng này còn tạo ra các hội, nhóm chuyên tư vấn về pháp luật. Khi thấy có người bị lừa mất tiền qua mạng thì vào trò chuyện, giới thiệu luật sư có thể lấy lại được tiền…

Luật sư dởm - từ online đến offline -0
Luật sư Lưu Kiều Trang bị kẻ xấu cắt ghép ảnh rồi tung lên mạng với mục đích lừa đảo.

Các đối tượng lừa đảo không chỉ lừa hỗ trợ đòi tiền bị lừa đảo trên mạng mà còn sử dụng danh nghĩa luật sư để tiếp nhận các vụ kiện, tư vấn luật cho người dân. Chị Lê Thu H. (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị đang mắc một vụ tranh chấp về đất đai ở quê và đang cần tìm luật sư tư vấn, hỗ trợ. Chị có lên mạng thì thấy fanpage có tên “Luật sư vì dân” chị liền nhắn tin kết nối. Sau khi nhận được tin nhắn, đối tượng này có xin số điện thoại của chị để tiện cho công việc. Ngay sau khi có số điện thoại, đối tượng đã nhanh chóng kết bạn Zalo với chị H. và yêu cầu chị cung cấp một số thông tin cá nhân và nội dung vụ việc. “Họ nói chuyện rất chuyên nghiệp, hiểu biết về pháp luật như những luật sư thật. Họ còn nói tôi gửi cho họ đơn kêu cứu, ghi rõ nội dung ký tươi… sau đó sẽ gặp trực tiếp để trao đổi cụ thể. Tuy nhiên họ yêu cầu tôi gửi 5 triệu đồng tiền phí ban đầu, sau khi làm việc cụ thể sẽ tùy vào vụ việc thì thanh toán nốt phí. Tôi cũng không xác minh nhiều, cứ thế là chuyển khoản cho họ 5 triệu, sau đó liên lạc lại thì bị chặn hết”.

Nói về vấn nạn này, luật sư Lưu Kiều Trang, Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, bản thân chị cũng bị một số đối tượng trên mạng xã hội lập tài khoản giả mạo. “Chúng lập tài khoản giả mạo, tạo ra số lượt tương tác “ảo” rất lớn nhằm tạo niềm tin cho người khác. Thậm chí, có trường hợp còn sử dụng hình ảnh luật sư để cắt ghép, tạo thẻ luật sư giả rồi đăng tải lên mạng xã hội...”, Luật sư Kiều Trang nói.

Phong Anh
.
.