“Lướt sóng” truy tìm tội phạm ẩn danh

Thứ Sáu, 19/07/2024, 09:50

Nửa đầu năm 2024, tội phạm “giấu mặt” trên thế giới ảo làm đảo lộn đời sống thật của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn đang là một trong những vấn đề nhức nhối. Lực lượng Công an trong cả nước đã nỗ lực truy tìm, bóc gỡ hàng trăm đường dây, lôi ra ánh sáng hàng nghìn đối tượng nhưng đâu đó trên không gian mạng vẫn tồn tại những đối tượng ẩn danh lừa đảo, xuất phát từ sự nhẹ dạ, cả tin của người tiêu dùng ít thông thái.

Hơn 7.000 người sập “bẫy lừa”

Đầu năm 2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh liên tục nhận được đơn trình báo của nhiều người dân trên địa bàn cầu cứu, về cùng nội dung liên quan đến việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức lừa bán điện thoại giá rẻ trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Shopee, Lazada, TikTok và Tiki.

Theo đó, nhiều nạn nhân cùng đồng loạt “tố” về việc, họ bị nếm trái đắng khi đặt mua điện thoại chính hãng, máy tính bảng và nhiều phụ kiện chính hãng đắt tiền với giá siêu rẻ, nhưng khi nhận hàng thì chỉ nhận được các dây điện, sạc dự phòng và một chiếc điện thoại “cục gạch” giá rẻ. Khi gọi lại cho người bán, số điện thoại đã bị chặn dù trước đó được cam kết là hàng bảo hành chính hãng và được phép đổi trả trong thời gian 3 ngày kể từ khi nhận hàng.

“Lướt sóng” truy tìm tội phạm ẩn danh -0
Công an tỉnh Hà Tĩnh họp bàn chuyên án đấu tranh, triệt xóa tội phạm trên không gian mạng.

Vào cuộc điều tra, Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh xác định đây là một đường dây hoạt động lừa đảo có tổ chức trên quy mô toàn quốc nên đã xác lập chuyên án để đấu tranh, triệt xóa. Vào vai những khách hàng cần mua điện thoại chính hãng giá rẻ, các trinh sát dày dạn kinh nghiệm đã từng bước tiếp cận được vào hệ thống chân rết của đường dây này. Sau hơn 2 tháng cần mẫn dò tìm trên thế giới ảo, trinh sát đã xác định được đối tượng cầm đầu đường dây là Bùi Thị Hương (sinh năm 1981), trú tại khu biệt thự thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Khám xét tại kho hàng của Bùi Thị Hương tại khu đô thị Vân Canh, lực lượng chức năng phát hiện có hàng nghìn hộp điện thoại được sắp kín từ tầng 1 đến tầng 3 của tòa nhà, hàng trăm bộ dây sạc, sạc dự phòng và các thiết bị di động giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như iPhone, Samsung, Dell, Vivo... Trong nhà, Hương xây dựng một căn phòng livestream để bán hàng qua mạng.

Từ lời khai của đối tượng và kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 6/2022, bắt đầu kinh doanh điện thoại di động trên nền tảng mạng xã hội Shopee nhưng thua lỗ. Để thu hồi vốn nhanh chóng, Hương đã bàn với Nguyễn Minh Đức (sinh năm 1987), trú tại xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên về việc thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, thông qua việc sử dụng nền tảng Taobao.com để đặt mua các sản phẩm là dây sạc, sạc dự phòng và các loại điện thoại giả từ Trung Quốc. Tiếp đó, các đối tượng đã mua hộp đựng và túi ni-lông bọc ngoài hộp đựng để ghép lại với nhau thành các sản phẩm giả, có trọng lượng tương đương với hàng thật là các sản phẩm điện thoại chính hãng của Iphone, Samsung, Nokia... để lừa đảo người mua tin rằng đó là hàng chính hãng.

“Lướt sóng” truy tìm tội phạm ẩn danh -0
“Bà trùm” Bùi Thị Hương cầm đầu đường dây lừa đảo bán điện thoại giá rẻ cho 7.000 khách hàng.

Để dụ khách hàng sập bẫy, Hương và Đức thuê đội ngũ nhân viên tiếp thị hàng chính hãng với giá rẻ, chỉ từ 1,5 - 2,5 triệu đồng mỗi sản phẩm, được phép kiểm tra khi nhận hàng, đổi trả trong vòng 3 ngày nếu sản phẩm lỗi nhưng khách hàng phải thanh toán trước. Với chiêu trò này, từ năm 2019 đến nay, đường dây do Bùi Thị Hương tạo lập đã lừa đảo khoảng 7.000 bị hại tại địa bàn nhiều tỉnh thành trên cả nước, chiếm đoạt khoảng hơn 90 tỉ đồng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 27 bị can, thu giữ 20 máy tính các loại, khoảng 3.000 điện thoại chất lượng kém, hàng giả là công cụ các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, cùng nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan.

Thượng tá Nguyễn Trường Diệu, trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngoài vụ việc nói trên, từ đầu năm đến nay các đơn vị nghiệp vụ và Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn đã tiếp nhận, xử lý và ngăn chặn kịp thời 56 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền gần 3,9 tỷ đồng. Qua đó, điều tra, khám phá 31 vụ, 60 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Theo Thượng tá Diệu, xu thế lừa đảo của tội phạm ẩn danh trên thế giới ảo hiện nay chủ yếu nhằm vào đối tượng là những người già, người ở các vùng nông thôn, miền núi ít tiếp cận được với các thông tin cảnh báo thường xuyên từ các cơ quan chức năng. Phương thức tiếp cận vẫn là tìm cách chiếm quyền truy cập tài khoản từ các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram rồi nhắn tin để vay tiền; hoặc gọi điện mạo danh là người của Cơ quan công an, tòa án hoặc viện kiểm sát để thông báo cho nạn nhân đang vướng vào đường dây rửa tiền, ma túy xuyên quốc gia, đang bị điều tra để yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản.

“Lướt sóng” truy tìm tội phạm ẩn danh -0
“Lướt sóng” truy tìm tội phạm ẩn danh -0
Công an đọc lệnh bắt (ảnh trên) và làm việc với các đối tượng vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Tội phạm trên mạng ngày càng phức tạp

Xác định rõ các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chủ yếu này nên Công an Hà Tĩnh đã phổ biến, quán triệt đến tận Công an xã và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở, thường xuyên phối hợp với người dân cũng như các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn khi có dấu hiệu lừa đảo xảy ra. Qua đó, đã kịp thời giúp được cho người dân nhiều vụ việc khi có ý định đi chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo yêu cầu, với số tiền ngăn chặn được lên đến hàng tỷ đồng.

Đơn cử, ngày 17/5/2024, phát hiện hai ông bà Nguyễn Văn K. (sinh năm 1954), bà Phan Thị H. (sinh năm 1954) ở tổ dân phố 9, thị trấn Hương Khê có biểu hiện hoang mang, lo lắng khi đến ngân hàng rút tiền nên công an thị trấn Hương Khê đã phối hợp với ngân hàng để tiếp cận thì được biết, trước đó hai ông bà nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ cho biết, tài khoản ngân hàng mà hai vợ chồng đang sử dụng có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy. Đến nay, số tiền trong tài khoản này đã phát sinh giao dịch lên đến 6 tỷ đồng. Để không vướng vào vòng lao lý, đầu dây bên kia yêu cầu hai ông bà phải gom hết tài sản, vay mượn để chuyển đủ số tiền 6 tỷ đồng. Sau khi nghe giải thích và trấn an từ Cơ quan công an, vợ chồng ông K. và bà H. đã ngừng giao dịch và yên tâm trở về nhà.

Ngoài các thủ đoạn cũ nhưng đối tượng nạn nhân mới như đã đề cập trên đây, thời gian gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng và cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước, liên tiếp xuất hiện nhiều chiêu thức lừa đảo thông qua không gian mạng, với những thủ đoạn tinh vi, nhằm vào nhiều nhóm đối tượng nạn nhân khác nhau, gây ra những hệ lụy vô cùng lớn cho xã hội. Từ việc khám phá nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an Hà Tĩnh phát hiện đặc điểm chung của các vụ là các bị hại chuyển tiền thường sẽ chuyển sang một số tài khoản ngân hàng không chính chủ, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy vết thông tin của các đối tượng.

Điều này xuất phát từ việc, các đối tượng đã thay đổi đối tượng tiếp cận để thu gom tài khoản ngân hàng bằng thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo trẻ vị thành niên từ 14 tuổi, đã được cấp căn cước công dân, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên mở tài khoản, đăng ký dịch vụ Internetbanking, SMS banking, sau đó bán lại với giá từ 200.000 - 500.000 đồng/tài khoản. Sau khi có tài khoản này, các đối tượng đã sử dụng vào mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây khó khăn trong quá trình đấu tranh, truy vết.

“Lướt sóng” truy tìm tội phạm ẩn danh -0
“Hàng chính hãng fake” được các đối tượng rao bán qua mạng xã hội để lừa đảo khách hàng.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an Hà Tĩnh và các địa phương trên cả nước liên tục nhận được đơn trình báo của người dân về việc bị lừa khi tham gia đầu tư tài chính trên không gian mạng. Qua theo dõi, các đối tượng thường sử dụng hình thức “đầu tư tài chính” dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp lôi kéo người dân tham gia đầu tư tiền trên các sàn giao dịch. Qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định, hệ thống trang website này do các đối tượng sử dụng máy chủ đặt ở nước ngoài tạo ra để thực hiện huy động vốn và tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Cũng như các hệ đa cấp khác, hình thức này chủ yếu lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước và sẽ sụp đổ khi số tiền người tham gia sau không đủ trả lãi hoặc không có người tham gia mới.

Hệ thống “huy động vốn đa cấp” này hoạt động mang nhiều dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT, an toàn trên không gian mạng… nên Cơ quan công an đã khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các loại hình hoạt động tương tự, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tự mình quyết định tham gia đầu tư, tránh bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Thiện Thành
.
.