Ma túy ở khu tự trị của người Kurd Iraq
Người Kurd ở Iraq gọi thuốc phiện bằng từ “mêrgi spi” nghĩa là “cái chết trắng”, còn những loại ma túy gây ảo giác là “sewitandina embaran” tức “hoa lửa” - vì ma túy khiến xã hội bị “bùng cháy” cũng giống như hoa lửa gây cháy rừng. Những từ ngữ hoa mỹ tuy vậy không khiến thực tế đỡ khắc nghiệt hơn chút nào: Khu Tự trị của người Kurd ở Iraq (KRG) đang trở thành mặt xích quan trọng trong đường dây buôn bán - vận chuyển ma túy từ Afghanistan sang phương Tây, và hậu quả đối với nền chính trị - kinh tế - xã hội của người Kurd thật khó mà lường hết được.
Hiện trạng nguy hiểm
Thời nhà độc tài Saddam Hussein còn sống, đa số các băng nhóm mua bán ma túy ở Iraq hoạt động nhỏ lẻ dưới dạng trung gian chung chuyển thuốc phiện từ Iran và Pakistan sang các nước Vùng Vịnh như Arập Xêút và Kuwait. Khi cuộc chiến tranh Iraq nổ ra, một bộ phận quân đội chính quy và dân quân bắt đầu tham gia buôn bán ma túy. Những tổ chức này t hoạt động tại khu vực quanh cửa khẩu biên giới Iran-Iraq Shalamcheh gần thành phố Basra. Phía Mỹ và Iraq muốn cũng không thể đưa quân lên khu vực trên một phần vì địa hình hiểm trở, phần vì không muốn “đánh động” Iran.
Đại tá Zeyad al-Qaisi, phát ngôn viên của Cục Phòng chống ma túy, Bộ Nội vụ Iraq, phát biểu: “Càng ngày có nhiều đối tượng ở Iraq buôn bán, sử dụng captagon và ma túy đá. Trong vòng bốn năm trở lại đây có không dưới 5.600 cá nhân bị bắt vì buôn bán hoặc sử dụng ma túy. 3.500 trường hợp trong số đó có liên quan đến ma túy đá, captagon, và các loại ma túy tổng hợp khác. Đấy là chưa kể những vụ bắt giữ đối tượng buôn bán các loại tiền chất tổng hợp ma túy".
Ngoài vị trí địa lý, một lý do khác thu hút những băng đảng tội phạm ma túy đến với KRG là vấn đề phân chia thẩm quyền. Chính quyền toàn khu tự trị có Văn phòng Quản lý dược phẩm đảm nhiệm vai trò chống ma túy, nhưng chính quyền tỉnh Sulaymaniyah trực thuộc lại có Cơ quan phòng chống ma túy của riêng họ. Hai cơ quan độc lập thường xuyên không hợp tác được với nhau, nếu không muốn nói là đối đầu với nhau, từ đó tạo ra kẽ hở cho những kẻ buôn bán ma túy hoạt động ở vùng biên giới.
Nguyên nhân sâu xa của sự chia rẽ trên liên quan đến việc tranh chấp quyền lực trong nội bộ xã hội Kurd. Hai đảng phái lớn nhất tại KRG là đảng Dân chủ Kurdistan do bộ lạc Barzani lãnh đạo, và đảng Liên đoàn ái quốc người Kurd do dòng họ Talabani nắm quyền (nguyên Tổng thống Iraq Jalal Talabani là thành viên của gia tộc này). Hai thế lực trên luôn tranh giành quyền lực với nhau, thậm chí còn khiến nội chiến Kurdistan nổ ra vào thập niên 1990. Cơ quan hành pháp các cấp ở KRG trung thành với đảng phái và gia tộc hơn là với chính quyền trung ương, từ đó dẫn đến hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”.
Ông Bakir Bayiz, thị trưởng quận Peshder thuộc tỉnh Sulaymaniyah, nói về sự bùng nổ của thị trường ma túy tại địa phương mình: “Ma túy đá được mua bán công khai như rau củ, thịt cá ở thị trấn Qeladizê. Bất kỳ ai có tiền thì chỉ cần vào nhà của bọn ma cô là mua bao nhiêu ma túy cũng được... Ngày xưa ma túy đá được buôn lậu từ Iran sang, còn bây giờ người ta nhập về tiền chất để tổng hợp ma túy ngay ở Iraq, nhờ vậy mà giá mới hạ thấp đến mức ai cũng mua được”.
“Nhiều gia đình ở Peshder đến tan nát vì ma túy. Chỉ cách đây mấy ngày thôi tôi vừa mới xử lý vụ một cậu thanh niên 25 tuổi đánh mẹ vì không cho tiền mua ma túy. Cậu ta ngày xưa là thanh niên gương mẫu, còn bà mẹ cũng là người tử tế. Cậu con trai nghiện mấy năm rồi mà bà mẹ vẫn cứ cố giấu làng xóm... Trước đó còn xảy ra vụ thanh niên hãm hiếp em gái 15 tuổi vì phát rồ sau khi sử dụng ma túy đá. Vụ hãm hiếp xảy ra hơn hai năm trước mà cô bé không chịu nói cho người thân biết vì sợ luật tục ở địa phương nghiêm khắc với phụ nữ. Chỉ có một cô bé bạn học của nạn nhân biết được. Tôi và cô bạn thân phải dành nhiều ngày khuyên nhủ nạn nhân để cô bé không tự tử”.
Không chỉ có nam giới mà ngay cả nhiều phụ nữ người Kurd cũng sử dụng ma túy, đa số vì mục đích y tế như dùng thay thuốc giảm đau hay thuốc an thần. Nour (tên giả) là một nữ sinh viên 22 tuổi. Sau khi cha mẹ Nour tử vong trong một vụ đánh bom xe, cô được một người bạn cho dùng thử ma túy để tự an ủi mình. Nour cho biết: “Khi đó hoặc là tôi tự tử, hoặc là tôi dùng ma túy. Tôi không biết rằng ma túy cũng giết mình từ từ”. Nour sụt mất 6 cân và suýt nữa bỏ học vì ma túy, nhưng cô may mắn nhận ra đúng lúc để tự cai nghiện thành công.
Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Iraq không ma túy Inas Karin nhận xét: “Có những nhóm tuổi ở Iraq có đến 40% là người nghiện. Đa số người nghiện nằm trong nhóm tuổi từ 17 đến 25. Nhiều người nghiện vì sợ bị pháp luật trừng phạt và định kiến xã hội nên mới giấu tình trạng của mình thay vì đi cai nghiện. Còn có những người thậm chí không biết là mình đã mắc nghiện. Một số quán cà phê bỏ thuốc phiện vào điếu shisha để biến khách hàng của họ thành con nghiện”.
Afghanistan, Pakistan, Iran và Iraq tạo thành một khu vực sản xuất, vận chuyển và buôn bán ma túy quy mô lớn gọi chung là “Lưỡi liềm vàng”. Trong đó Iraq đóng vai trò là cửa ngõ chung chuyển ma túy sang phương Tây. Giám đốc Văn phòng Quản lý dược phẩm KRG, ông Jelal Amin Beg, giải thích: “Đa số ma túy đi vào KRG đều qua “cửa sau” cửa khẩu Bashmakh, Parvez Khan, Kele (tỉnh Sulaymaniyah) và Haji Omran (tỉnh Erbil). Số hàng lậu này sau đó sẽ tìm đường sang châu Âu. Chúng tôi từng thu giữ được 30 kg viên ma túy tổng hợp sắp được gửi qua đường bưu điện đến thành phố Bonn ở Đức”.
Đường buôn ma túy
Nhiều người Kurd tham gia vận chuyển ma túy nói riêng và buôn lậu nói chung vì thiếu cơ hội việc làm. Yassen (22 tuổi) là một thanh niên Kurd sống ở Iran, trả lời phỏng vấn nhân viên điều tra của Liên hợp quốc: “Tôi, bố tôi và anh tôi đều đi chở hàng qua biên giới. Đấy là việc duy nhất chúng tôi làm được. Các ông chủ Iran kỳ thị người Kurd lắm nên không bao giờ thuê chúng tôi. Chúng tôi dùng ngựa chở khi thì là xăng, khi thì là rượu, khi thì là pin ác-quy để sản xuất ma túy”.
Ở vùng núi Tata giữa Iran và Iraq có một số điểm tập kết hàng buôn lậu. Yassen kể: “Lính biên phòng có đi qua chỗ tập kết hàng cũng không làm gì. Đổi lại ai buôn gì cũng phải trả tiền “hoa hồng” cho họ. Vậy nên có nhiều ông lính tranh nhau để được chỉ định lên biên giới. Lúc họ đến thì nghèo, nhưng lúc họ về quê thì tiền đầy túi”.
Nhiều người vận chuyển hàng lậu đem theo mình bộ đàm để liên lạc với nhau nhằm tránh những nguy hiểm trên hành trình. Nhiều khi như vậy vẫn chưa đủ. Anh Mohamed (33 tuổi) làm nghề buôn lậu đã được 10 năm. Mohamed kể: “Nhiều khi binh lính hai bên nổ súng máy vào chúng tôi mà chẳng nói vì sao. Những lúc như thế chúng tôi phải xuống ngựa mà tìm chỗ tránh đại. Họ mà bắt được ngựa là sẽ đổ cồn và dầu diesel vào mấy con vật rồi thiêu sống chúng. Tôi từng chứng kiến họ làm vậy với 13 con ngựa của tôi. Nghe lũ ngựa hí mà tôi chảy nước mắt”.
Ở trên núi còn có rất nhiều mìn còn sót lại từ thời chiến tranh. Mùa xuân đến, tuyết trên núi tan ra dẫn đến lũ lụt. Dòng lũ cuốn theo mìn xuống dưới những con đường mòn. Nhiều người buôn lậu đã mất chân tay, thậm chí là cả mạng mình vì mìn.
Bởi vì ma túy bán được giá nên nhiều khi người buôn lậu và tội phạm sử dụng chúng thay tiền. Một tài xế taxi bị bắt vì mang ma túy trong người khai: “Khách hàng đi xe tôi hôm qua nói là không cầm theo tiền mặt nên trả tôi bằng ma túy. Tôi hút một phần còn để lại để đem bán”.
Ngày càng có nhiều người buôn lậu bị bắt vì chuyên chở một trong hai thứ: xăng dầu và thuốc. Giá xăng ở Iraq cao gấp đôi Iran nên không thiếu gì người buôn lậu xăng dầu từ Iran sang Iraq. Còn thuốc thì chỉ yếu là những viên Tramadol. Thứ thuốc này từ Iraq sang Iran, sau đó sẽ được trộn với lưu huỳnh và một số hóa chất khác để tạo ra loại ma túy “Shisha” cực độc với sức khỏe người dùng. Shisha sẽ được vận chuyển sang KRG để rồi tìm đường sang phương Tây.
Đi tìm lời giải
Trong một cuộc ra quân gần đây của Văn phòng Quản lý dược phẩm KRG, họ đã triệt phá được 6 vườn trồng thuốc phiện ở hai tỉnh Erbil và Duhok, cùng với một nhà máy tổng hợp ma túy ở tỉnh Sulaymaniyah. Đây là kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn là chưa đủ. Ông Jelal Amin Beg cho biết: “Có khi phía Cơ quan phòng chống ma túy tại các tỉnh có thông tin tình báo quan trọng mà sáu tháng, một năm sau họ mới cho chúng tôi biết... Việc phòng chống ma túy tại khu tự trị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu như các cơ quan trong và ngoài Iraq cởi mở chia sẻ thông tin tình báo với nhau”.
Ông Jelal Amin cũng tỏ ra bất mãn trước việc không có hình phạt nào đối với những cá nhân trong chính quyền hợp tác với bọn buôn ma túy: “Từng có nhiều vụ quan chức địa phương bị bắt vì có hành vi che giấu tội phạm, nhưng không ai bị trừng phạt cả. Bọn buôn ma túy ắt phải có “ô dù” lớn lắm mới dám hoạt động công khai như hiện nay”.
Tuy quốc hội khu tự trị đã thông qua bộ luật chống ma túy mới nghiêm khắc hơn từ năm 2020, không biết vì lý do gì mà đến tận bây giờ chính quyền KRG vẫn chưa đưa bộ luật vào thi hành. Ngoài việc áp dụng hình phạt chung thân hay tử hình cho những kẻ buôn lậu ma túy, một điểm tiên tiến khác của bộ luật mới là coi con nghiện là người bệnh cần được đưa đi điều trị tại các cơ sở cai nghiện. Đến nay chính quyền KRG vẫn chưa xây dựng được thêm cơ sở cai nghiện nào như đã hứa. Kết quả là các điều luật cũ vẫn đang được thi hành và để cho tội phạm ma túy lọt qua những “lỗ hổng” lớn trong khi quá khắc nghiệt với con nghiện.
Những nhà hoạt động phòng chống ma túy như bà Inas Karin còn có một số mối quan ngại khác: “Nhiều kẻ buôn lậu bây giờ trả tiền cho bác sỹ, dược sỹ để họ kê đơn thuốc các loại dược phẩm có chứa tiền chất gây nghiện. Đến khi họ bị bắt khi đang sản xuất ma túy thì cứ giơ tờ đơn thuốc để thoát tội. Đáng lẽ ra các loại thuốc kể trên phải được đưa vào danh mục kiểm soát chặt chẽ... Con nghiện bị đưa vào tù vẫn có thể mua được ma túy. Nhà tù không phải là nơi thích hợp để giúp họ cai nghiện. Khu tự trị đang rất cần có những cơ sở cai nghiện chuyên biệt”.
“Chìa khóa” trong vấn đề kiểm soát biên giới Iran-Iraq nằm ở hai điểm: loại trừ được tình trạng tham nhũng, và giảm thiểu quyền lực của các thế lực địa phương. Nhiều đoạn trên đường biên giới được kiểm soát bởi các nhóm dân quân trung thành với chính quyền bộ lạc địa phương. Họ đang trực tiếp thu lời từ hoạt động buôn lậu qua cách hoặc là trực tiếp tổ chức chuyển hàng, hoặc là gián tiếp nhận tiền bảo kê từ các đối tượng buôn lậu. Câu hỏi hóc búa hiện nay là làm sao chính quyền KRG có thể tập trung quyền kiểm soát đường biên giới vào tay mình mà không dẫn đến tranh chấp có đổ máu.