Mầm mống tội phạm từ những hội nhóm ảo
Mới đây, khi những vụ cướp ngân hàng, cướp tài sản táo tợn liên tục xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội mà các đối tượng phạm tội đều khai quen biết nhau qua “hội những người vỡ nợ muốn làm liều” thì nhiều người mới giật mình tự hỏi, phải chăng những hội nhóm trên mạng xã hội đang trở thành mầm mống của tội phạm khi không thiếu những thành phần phức tạp trà trộn lôi kéo, cổ xúy cái xấu ở những diễn đàn này?
Lên mạng rủ nhau đi... cướp!
Quen nhau qua “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội từ giữa tháng 2-2022, Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi, trú tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Thanh Tùng (41 tuổi, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) trở thành “cặp đôi hoàn cảnh” từ dạo đó.
Hiếu rất mê trò chơi xóc đĩa online. Để thỏa mãn, Hiếu đã vung tiền tỷ vào trò chơi may rủi này. Không có tiền để chơi game, Hiếu vay nợ khắp nơi, sau khi bán hết nhà, đất để trả nợ, anh ta vẫn còn thiếu 3 tỷ đồng.Bần cùng, túng quẫn, Hiếu mò mẫm vào trang “Hội những người vỡ nợ thích làm liều” trên mạng xã hội Facebook.Tại đây, “một số ông anh” dạy Hiếu cách cướp ngân hàng.Hiếu đã chủ động bắt chuyện và cuối cùng rủ được Nguyễn Thanh Tùng “chung ý tưởng”.
Sau một thời gian đi khảo sát trên địa bàn huyện Đông Anh, nhận thấy các địa điểm ngân hàng ở đây khá vắng người qua lại nên Hiếu và Tùng cùng nhau lên kế hoạch. Thế nhưng, đến thời điểm chuẩn bị ra tay, thấy người qua lại, giao dịch ở Đông Anh nhiều hơn nên Hiếu và Tùng đành từ bỏ kế hoạch và lựa chọn địa điểm khác.
Trong vài lần đến mở tài khoản tại một ngân hàng ở phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Hiếu phát hiện nhân viên làm việc tại đây rất ít nên bàn với Tùng lên kế hoạch cướp ở khu vực này. Để chuẩn bị, Hiếu 2 lần chở Tùng đến gần điểm gây án thám thính. Tùng chuẩn bị xe máy và đưa cho Hiếu 1,4 triệu đồng để mua hung khí, công cụ gây án. Còn Hiếu, sau khi được Tùng đưa tiền, đã mua 1 khẩu súng bật lửa màu đen, 2 dao nhọn, 5 đôi găng tay màu trắng, 1 túi khẩu trang màu trắng, 2 bộ quần áo mưa, 1 đôi giày vải màu đen đế trắng, 2 mũ bảo hiểm màu đen có sọc trắng. Chúng thỏa thuận nếu cướp được tài sản sẽ chia đôi và vứt bỏ hung khí, công cụ, phương tiện gây án ở khu vực huyện Đông Anh, Hà Nội.
Chiều 6-3-2022, Hiếu hẹn Tùng tại khu vực đường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tùng giao xe máy cho Hiếu và hẹn 8 giờ ngày 7-3 đến khu vực đèn xanh - đỏ trên đường Hoàng Minh Thảo, gần địa điểm định gây án, còn Hiếu đưa cho Tùng 1 bộ quần áo mưa màu xanh - đen, khẩu trang, găng tay và 1 con dao, đồng thời thuê nhà nghỉ ở đầu ngõ ở số 14 đường Mễ Trì.
Khoảng 7h30 ngày 7-3, Hiếu cho toàn bộ công cụ gây án đã chuẩn bị trước vào balo rồi điều khiển xe máy từ đường Mễ Trì đến đường Hoàng Minh Thảo, rẽ vào khu chung cư đang xây dựng thuộc phường Xuân Tảo để thay quần áo đang mặc. Bên ngoài, Hiếu khoác áo mưa màu xanh lá cây, đội mũ bảo hiểm, đi giày màu đen viền đế màu trắng, đeo khẩu trang màu trắng và găng tay màu trắng. Để tránh sự phát hiện của Cơ quan công an, Hiếu còn tháo biển kiểm soát và yếm của xe máy vứt vào thùng rác. Sau đó, Hiếu điều khiển xe máy đến điểm hẹn đón Tùng.
Khoảng 15 phút sau, Hiếu và Tùng điều khiển xe máy đến ngân hàng, dựng trên vỉa hè trước cửa phòng giao dịch rồi mở cửa đi vào trong, Hiếu nói với nhân viên giao dịch đến làm thủ tục rút tiền. Trong lúc nhân viên đang lúi húi định nhập liệu thì Hiếu bất ngờ rút khẩu súng bật lửa (nhìn giống súng thật) và dao uy hiếp nhân viên ngân hàng cướp đi hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, trong lúc vội vàng tẩu thoát, đối tượng chạy ra khỏi phòng giao dịch được khoảng 20m thì va chạm giao thông nên đã làm rơi từ balo xuống đường số tiền hơn 300 triệu đồng cùng khẩu súng giả nói trên. Sau 16 giờ gây án, dù đã lẩn trốn đến Hải Phòng, các đối tượng đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và các phòng nghiệp vụ Công an TP Hà Nội bắt giữ.
Đây không phải lần đầu các đối tượng phạm tội quen nhau qua hội nhóm xã hội và bàn phương thức để thực hiện những hành vi trộm cắp táo tợn trên địa bàn. Giữa tháng 1-2022, Nguyễn Tùng Lâm (35 tuổi, Hưng Yên), Tô Văn Tình (29 tuổi, Quảng Ninh) và Lê Duy Dự (28 tuổi, Thanh Hóa) kết bạn thông qua nhóm “hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên Facebook.Sau khi trao đổi trên nhóm, các đối tượng tách ra nhắn tin riêng rủ nhau đi cướp tài sản của Thế giới di động.Tuy nhiên, hai thành viên nhận thấy cửa hàng này có lắp nhiều camera nên không thực hiện.
Sau đó, Lâm đọc trên Facebook biết anh T.A trú tại chung cư Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội kinh doanh mua bán điện thoại di động cũ qua mạng. Lâm đã bàn bạc với Dự và Tình tới cướp tài sản tại nhà của anh T.A ở chung cư Linh Đàm, các đối tượng đồng ý.
Cả 3 giả vờ làm khách đến nhà anh T.A mua điện thoại rồi dùng bình xịt hơi cay tấn công, đánh, trói chủ nhà, cướp tài sản.Sau khi gây án, chúng lẩn trốn ở nhiều địa phương trên cả nước nhưng bị bắt sau 5 ngày.
Cũng giữa tháng 1-2022, thông qua “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, Trần Văn Hào (35 tuổi, Hà Tĩnh) và Phan Ngọc Trăm (23 tuổi, Lạng Sơn) quen biết và rủ nhau đi cướp tài sản. Hào và Trăm chuẩn bị súng và các công cụ gây án rồi đột nhập vào phòng ngủ của một cặp vợ chồng ở Thạch Thất (Hà Nội), nổ súng, dùng dao đe dọa, yêu cầu đưa 100 tỉ đồng. Sau khi lấy được 200 triệu, nhóm cướp tiếp tục trói gia chủ vào ghế và yêu cầu chuyển thêm 5 tỉ đồng nếu không sẽ giết cả nhà.Cả 2 đều bị bắt sau một ngày gây án.
Mạng ảo nhưng nguy cơ thật
Có thể nói, mạng xã hội phát triển là cơ hội gắn kết cộng đồng. Các hội nhóm được thành lập với nhiều thành viên cùng chung sở thích, đam mê. Không thể phủ nhận những tiện ích gắn kết bạn bè xuyên không gian của các hội nhóm này. Những người không quen biết, thậm chí ở rất xa cũng có thể trở nên thân thiết vì cùng đam mê, cùng sở thích.Cái cách xưng hô như “500 anh em” mà các thành viên trong hội, nhóm trên mạng xã hội thường sử dụng cũng xuất phát từ đó.
Nhưng, cũng thẳng thắn nhìn nhận, hội nhóm trên mạng xã hội dễ gây hiệu ứng đám đông.Khi tổ chức offline hoặc kêu gọi trên mạng xã hội, dễ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thành viên.Nếu một nhóm tổ chức họp mặt thì không thể lường hết các nguy cơ. Nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật có cơ hội xảy ra. Vì vậy, mới có tình trạng các nhóm “yêu xe” trên mạng tổ chức offline rồi đua xe, hay đám đông tụ tập có mâu thuẫn, những “hội some và swing”, hội chăn rau, hội chăn chuối, hội sugar baby... rủ nhau làm bậy, hay gần đây là rủ nhau đi cướp ngân hàng.
Chỉ cần gõ “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội sẽ cho ra một loạt hội nhóm riêng tư và nhóm mở.Có hội lên đến hơn 100 ngàn thành viên nhưng đã nhanh chóng đổi tên sau khi nhiều đối tượng phạm tội đều khai quen biết nhau qua hội này. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những lời mời gọi rủ rê tiêu cực, từ việc “bán thận”, sang Campuchia làm game bài để trốn nợ, thuê người đòi nợ, tới cả địa chỉ mua vũ khí... Và nhất là những lời rủ rê khi có “kèo thơm” từ các hội nhóm trên mạng xã hội.
Cũng có thể những status các thành viên đưa lên chỉ là câu view, câu like, viết cho vui nhưng đôi khi lại dễ lôi kéo, kích động các thành viên khác đang trong tâm trạng chán nản, stress thật sự. Từ thế giới ảo đến phạm tội ngoài đời thực rất dễ xảy ra, vì thế bản thân mỗi người khi tham gia mạng xã hội đều phải có trách nhiệm với chính mình và với cả xã hội, phải có sự tự phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ với công an cơ sở để khi có dấu hiệu tội phạm xảy ra, lực lượng chức năng sẽ nhận được thông báo sớm nhất để vào cuộc.
Đại úy Trịnh Công Anh, cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho biết: “Việc các nhóm hoạt động trên mạng xã hội rất khó để cơ quan chức năng quản lý, vì các thành viên thường tìm kiếm nhau trên hội nhóm và inbox riêng cho nhau. Trên nền tảng mạng xã hội, việc tạo ra các hội nhóm rất đơn giản. Cơ quan chức năng vẫn rà soát từ khóa về các hội nhóm nhưng sau khi các thành viên đăng bài lại không nhắn tin công khai trên nhóm mà nhắn tin riêng thì việc kiểm soát gần như là không có khả năng. Có những người đăng status lên chỉ để vui, để câu like nhưng cơ quan chức năng sẽ tìm kiếm, rà soát theo từ khóa và có biện pháp ngăn chặn admin (người quản trị) nhóm đó, rà soát admin đó là ai, yêu cầu xóa bài hoặc xóa nhóm.
Thường các hội nhóm dạng này hay tập hợp những thành viên có tâm lý tiêu cực. Những người có tâm lý tiêu cực thì dễ phát sinh động cơ xấu, vi phạm pháp luật. Những người ban đầu không có động cơ gì nhưng khi tham gia hội nhóm, tiếp xúc với những người có tâm lý tiêu cực, động cơ xấu sẽ rất dễ bị lôi kéo. Thế nên, người sử dụng mạng xã hội phải tránh tham gia các hội nhóm có nội dung xấu, độc hại”.