Mang thai hộ bất hợp pháp: Vì sao khó xử lý?

Thứ Sáu, 07/10/2022, 18:25

Có cung ắt có cầu. khi nhu cầu mang thai hộ của nhiều cặp đôi hiếm muộn ngày càng gia tăng, trong khi thủ tục, giấy tờ pháp lý phức tạp thì dịch vụ mang thai hộ vì mục đích thương mại ra đời, lôi kéo cả những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vào đường dây.

Dù báo chí liên tục cảnh báo, cơ quan Công an đã triệt phá thành công nhiều đường dây mang thai hộ, nhưng vì nhu cầu vẫn quá lớn nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp để hoạt động.

Tràn lan dịch vụ đẻ thuê trên mạng

Chỉ cần lên Internet và gõ từ “dịch vụ đẻ thuê” hay “dịch vụ mang thai hộ” thì sẽ thấy hàng loạt các trang dịch vụ đăng tải với nhiều gói dịch vụ hấp dẫn mời chào khách hàng từ các môi giới, thậm chí cả các gia đình hiếm muộn vào đăng tuyển tìm người mang thai hộ. Một nick T.T rất thẳng thắn chia sẻ: “Vợ chồng em hiếm muộn thực sự cần giúp đỡ. Chị nào trong nhóm mang thai hộ xin giúp vợ chồng em ạ. Em ở Hà Nội, mọi chi phí không phải suy nghĩ ạ”. Hay một nick B.L.T đăng tìm người mang thai hộ: “Em là gia đình hiếm muộn đã có phôi, em cầm tìm người mang thai hộ. Làm trong tháng này luôn ạ. Yêu cầu sinh thường ạ”.

1.jpg -0
Vợ chồng Đinh Thị Bình tại căn nhà thuê làm địa điểm hoạt động môi giới đẻ thuê

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi ca mang thai hộ có giá từ 300-450 triệu đồng, tùy vào từng gói dịch vụ yêu cầu của chủ nhà hoặc gói dưỡng thai tại Việt Nam hay nước ngoài. Chưa kể, việc tuyển chọn người mang thai hộ khá gắt gao, bao gồm cả về sức khỏe, ngoại hình, độ tuổi. Tuy nhiên, chiêu bài của các môi giới luôn là đưa ra lời mời hấp dẫn, nhưng không để lại số điện thoại liên hệ, mà tất cả đều “inbox”.

Một môi giới B.A đăng tuyển trên nhóm “Mang thai hộ” với giá hấp dẫn: “Cần gấp mang thai hộ. Gói 1: chuyển phôi Campuchia, có tim thai về Việt Nam tự dưỡng hoặc dưỡng nhà chung. Thai trên 28 tuần xin visa bay thẳng Trung Quốc sinh, bạn nào không xin được visa sẽ sinh ở Việt Nam. Yêu cầu: dưới 35 tuổi, cao trên 1m50, không quá cân, sức khỏe tốt. Gói 2: chuyển phôi Thái Lan, có tim thai thì về Việt Nam tự dưỡng hoặc dưỡng nhà chung, thai 24 tuần đi Thái Lan sinh. Yêu cầu: dưới 30 tuổi, có hộ chiếu, cao trên 1m50, không quá cân, sức khỏe tốt. Gói 3: chuyển phôi Thái Lan, dưỡng Thái Lan, sinh Thái Lan. Yêu cầu: dưới 30 tuổi, có hộ chiếu, cao trên 1m50, không quá cân, sức khỏe tốt. Bồi dưỡng chung: 300 triệu thai đơn, đôi +70 triệu, mổ +30 triệu. Thưởng riêng 5 triệu thai 8 tuần, 5 triệu thai 12 tuần. Hỗ trợ hết mình cho các bạn thật tâm. Inbox mình tư vấn cụ thể!”.

Thậm chí có môi giới còn mời chào tìm người mang thai hộ ở Trung Quốc: “Mang thai hộ tại Hồ Nam, nhận chị em đang ở Trung Quốc có giấy tờ hợp pháp tổng 18 vạn, không có giấy tờ làm tại Quảng Châu được 12 vạn. (Quy trình tại Hồ Nam. Cấy phôi 3000. 3 tháng đầu mỗi tháng 5000. Tháng 4,5,6: 8000. Tháng 7,8: 12000. Còn lại sau sinh lấy. Sinh đôi thêm 2 vạn, đẻ mổ thêm 1 vạn). Bao tiền xe nếu ở khoảng cách không xa. Yêu cầu tuổi từ 18-35, sinh thường, sinh mổ ít nhất 3 năm mới làm, bao ăn ở, có giúp việc nên không cần làm gì cả, chỉ chú ý dưỡng thai cho tốt là được, tiền nong rõ ràng tự nhận. Ai muốn làm liên hệ, inbox trước”.

Mang thai hộ bất hợp pháp: Vì sao khó xử lý? -0
Đối tượng Trần Thanh Sơn và đối tượng Phan Thị Hằng Oanh

Không chỉ mời chào tìm người mang thai hộ, các đối tượng môi giới còn mời chào tìm người hiến trứng với mức phí bồi dưỡng cao. Thường những người hiến trứng đòi hỏi phải có sức khỏe, ngoại hình và trong độ tuổi từ 18-30. Giá bồi dưỡng từ 25 triệu trên 1 lần hiến. Đáng nói, trong nhóm cũng có nhiều phụ nữ trẻ tuổi đăng bài với mong muốn mang thai hộ, bán trứng… chỉ vì hoàn cảnh khó khăn.

Một nick T.G tha thiết được mang thai hộ và mong được ứng tiền trước để gửi con cho ông bà chăm: “Em thật sự rất khó khăn. Giờ bế tắc quá… Em 2001 đã 2 bé và sinh thường… Em 1m60 nặng 42kg. Thật tâm rất muốn mang thai hộ cho gia đình hiếm muộn ạ… Nếu gặp mặt nói chuyện ok thì có thể cho em tạm ứng 10% để gửi về cho con… bên ngoại, nội em đều không có nên em gửi con ở ngoài… nói không với lừa đảo ạ… Em chỉ tìm khu vực Việt Nam mình thôi ạ... Cảm ơn trước”. Một nick V.M cũng đăng status: “Mình 25 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình nên muốn mang thai hộ, gia đình nào cần thì inbox em ạ”.

Tuy nhiên theo kinh nghiệm của một số người từng tham gia các trang hội nhóm mang thai hộ, thì hầu hết những lời đăng đàn than nghèo kể khổ lại là cò. Những người thực sự mang thai hộ hoặc muốn mang thai hộ lại không trực tiếp liên hệ. Chỉ cần nhắn tin là sẽ tìm hiểu được thông tin, nhưng các đối tượng này cũng rất cảnh giác khi có người vào hỏi. Khi biết thật sự an toàn, người hỏi đúng là người đang cần dịch vụ mang thai hộ, các đối tượng môi giới mới thay đổi thái độ và bắt chuyện, mời chào nhiệt tình.

Khó xử lý triệt để

Nhu cầu có con là vô cùng chính đáng của mỗi cặp vợ chồng, tuy nhiên do thủ tục, giấy tờ nên nhiều người tìm đến dịch vụ mang thai hộ, và đó cũng là cơ hội cho các đối tượng môi giới hoạt động trái pháp luật.

Mang thai hộ bất hợp pháp: Vì sao khó xử lý? -0
Hội nhóm mang thai hộ tràn lan trên mạng

Mới đây Công an quận Long Biên vừa triệt phá thành công một đường dây mang thai hộ mà bà trùm của đường dây này cũng tổ chức hoạt động tinh vi ngay trên các hội nhóm, mạng xã hội.

Nắm bắt được nhu cầu có con của các gia đình hiếm muộn, người có vấn đề về sinh lý và xu hướng muốn làm bố đơn thân của giới trẻ, Phan Thị Hằng Oanh (sinh năm 1987, trú tổ 22, P. Đức Giang, Q. Long Biên, Hà Nội) đã lập "Hội nhóm mang thai hộ - hiến trứng - hiến tặng tinh trùng" trên mạng xã hội Facebook để tìm người mang thai hộ, người bán trứng và người có nhu cầu mang thai hộ để tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Qua mạng xã hội, khoảng tháng 3-2020, một người đàn ông tên H.Đ.M (sinh năm 1987, ở Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội), liên hệ với Oanh và đặt vấn đề tìm người mang thai hộ. Hai bên thỏa thuận, Oanh sẽ tìm người bán trứng để kết hợp với tinh trùng của M. tạo phôi, sau đó sẽ tìm người mang thai hộ (người này sẽ được cấy phôi) và mang thai sinh con với giá 770 triệu đồng. Sau đó, Oanh đã giảm giá cho H.Đ.M số tiền là 70 triệu đồng.

Mang thai hộ bất hợp pháp: Vì sao khó xử lý? -0
Những lời mời chào mang thai hộ, hiến trứng trên các hội nhóm

Có “đơn hàng” trong tay, Oanh gấp rút tìm người có nhu cầu mang thai hộ. Oanh liên hệ được với Lê Thị L. (sinh năm 1991, ở tỉnh Hòa Bình) đặt vấn đề mua trứng với giá tiền từ 30 đến 50 triệu đồng; còn giá tiền mang thai hộ từ 270 đến 340 triệu đồng. Oanh là người trực tiếp làm hồ sơ để L. bán trứng và kết hợp với tinh trùng của H.Đ.M để tạo phôi tại một bệnh viện ở Hà Nội. Thế nhưng, ca cấy phôi không thành công vì cơ thể L không đáp ứng được. Vì thế, Oanh chỉ trả cho L. số tiền hiến trứng là 50 triệu đồng. Để tránh bị phát hiện và thực hiện trót lọt ca tạo phôi và cấy phôi, Oanh làm giả hoàn toàn hồ sơ và chứng minh thư của cả L. và anh M.

Oanh liên hệ với Trần Thanh Sơn (sinh năm 1985, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội) để đặt mua sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng kí kết hôn, chứng minh nhân dân để hợp thức hóa giấy tờ pháp lý khi làm thủ tục tại các bệnh viện. Sau khi Sơn làm xong các giấy tờ giả, sẽ gửi các giấy tờ trên qua xe bus đến bến xe Mỹ Đình cho Oanh. Sau khi nhận được giấy tờ giả, Oanh chuyển tiền qua tài khoản cho Sơn… Sau này khi bị bắt, Sơn đã khai nhận toàn bộ hành vi làm giả tài liệu để bán cho Oanh thu lời bất chính với giá: 1 sổ hộ khẩu giá 3 triệu đồng, 1 chứng minh nhân dân giá 1,5 triệu đồng; 1 giấy chứng nhận đăng kí kết hôn 1,5 triệu đồng). Để có được những giấy tờ giả trên, Sơn đã "scan" các giấy tờ thật, rồi sửa theo thông tin mà Oanh cung cấp. Sau đó, đối tượng in màu, ép plastic để tạo các giấy tờ giả.

Lần thứ 2, Oanh thuê được chị N.T.Q.T (sinh năm 1996, ở tỉnh Gia Lai). Lần này, Oanh dùng chiêu “treo đầu dê bán thịt chó”, ảnh chứng minh thư thì của chị này nhưng tên lại của chị Lê Thị L., là người mang thai hộ đầu tiên. Thay vì vào bệnh viện cũ, Oanh đưa anh M và chị T đến bệnh viện khác. May mắn lần cấy phôi này thành công. Oanh đưa chị T. về dưỡng thai tại địa chỉ 11 Tư Đình, Q. Long Biên thì bị lực lượng Công an quận Long Biên bắt giữ.

Trước đó, trong tháng 6-2022, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện đường dây mang thai hộ do vợ chồng Đinh Thị Bình, trú tại Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) cầm đầu. Mỗi hợp đồng các đối tượng thỏa thuận giá từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, gồm cả tiền hợp đồng cấy tạo phôi, chăm sóc người mang thai hộ. Từ tháng 5-2021 đến tháng 4-2022, đường dây của Bình đã môi giới trót lọt 8 vụ, thu khoảng 6 tỷ đồng.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội thì thực tế cho thấy đây là loại tội phạm rất khó phát hiện, đấu tranh. Hiện loại tội phạm này hoạt động mạnh trên mạng xã hội, trong các hội nhóm. Các đối tượng thường móc nối với nhân viên tại một số cơ sở y tế để thực hiện hành vi mang thai hộ trong một đường dây khép kín. Từ khâu dụ dỗ, tiếp cận, cấy ghép phôi, noãn đều được các đối tượng cấu kết với nhau một cách chặt chẽ. Đặc biệt, các đối tượng đều làm giả các giấy tờ, tài liệu, biến việc mang thai hộ thành hoạt động vì mục đích nhân đạo để thực hiện các thủ thuật cấy ghép tại các bệnh viện… “Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ. Khi họ nhận thức đúng đắn đây là những hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ tránh được rủi ro cho mình. Trên thực tế có nhiều trường hợp cả người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ gặp rủi ro khi thực hiện thỏa thuận. Bởi phần lớn những giao dịch đều thực hiện trên email, tin nhắn, mạng xã hội hoặc sim rác. Khả năng bị trêu đùa, thậm chí lừa tiền dịch vụ rất dễ xảy ra và khó có khả năng lấy lại được những gì đã mất”, vị cán bộ này cho biết.

Mai Ngọc
.
.