Mất tiền tỉ vì ham “làm giàu không khó” qua... mạng

Thứ Bảy, 12/11/2022, 08:46

Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, nhưng số nạn nhân mắc bẫy vẫn có xu thế gia tăng. Đánh vào lòng tham cùng với những thủ đoạn tinh vi, rất nhiều nạn nhân mất trắng hàng tỉ đồng mới nhận ra mình bị lừa.

1001 thủ đoạn lừa đảo

Giữa tháng 8/2022, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Quảng Ninh nhận đơn tố giác của chị P.T.T (SN 1974), trú tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) về việc bị đối tượng có tên Lê Hồng Anh (chưa rõ lai lịch) lừa đảo chiếm đoạt số tiền 5 tỷ 732 triệu đồng dưới hình thức đầu tư vào sàn giao dịch Kucoin.

anh 3.jpeg -0
Hai đối tượng cầm đầu sàn kinh doanh vàng ảo, giao dịch ngoại hối (Forex), lừa đảo hàng tỷ đồng, bị Công an Hà Nội bắt giữ

Đầu tháng 6/2022, có một phụ nữ không quen biết liên lạc với chị T. qua Zalo, tự giới thiệu làm ở hàng không quốc tế và có tham gia sàn giao dịch Kucoin kiếm được nhiều tiền. Người này nói, đăng ký tài khoản chỉ mất 200 triệu đồng, bỏ vốn 1 tỷ đồng trong thời gian từ 5-7 ngày có thể thu lợi được 13 tỷ đồng. Ngoài ra, người phụ nữ  cũng giới thiệu chị T. cho một người tên là Lê Hồng Anh - người đã giúp người phụ nữ giao dịch kiếm được số tiền lớn như trên.

Ngay sau đó, Lê Hồng Anh liên lạc qua Telegram nói có thể giúp chị T. kiếm nhiều tiền và phải đầu tư 1 tỷ đồng trở lên mới kéo được nhanh vốn. Chị T. vay tiền của nhiều người và đến ngày 14/6 đã chuyển cho Hồng Anh số tiền 1 tỷ đồng vào tài khoản số 51066009386789 tại một ngân hàng để lập tài khoản giao dịch trên sàn Kucoin. Nhận được tiền, Hồng Anh gửi lại cho chị T. một ảnh chụp “Giấy chứng nhận vốn đầu tư” của Tổng công ty bảo hiểm vốn đầu tư - Trung tâm chứng nhận bảo hiểm Kucoin.

Khoảng 2 ngày sau, Lê Hồng Anh nói đã giao dịch tài khoản của chị T. thu được khoản lãi là 13 tỷ đồng. Để nhận được tiền, chị T phải nộp 10% vào tài khoản của bên bảo hiểm. Thấy vậy, nạn nhân tiếp tục đi vay và chuyển thêm 1,3 tỷ đồng vào số tài khoản ngân hàng mang tên Phạm Thị Lan.

Tuy nhiên, sau đó Hồng Anh lại nói với chị T. rằng,  do chuyển không đúng số tiền bảo hiểm là 1.312.993.065 đồng (chị T chuyển số tiền là 1,313 tỷ đồng) nên bên bảo hiểm không chấp nhận trả phần tiền lãi cho chị T. Lúc này, Hồng Anh hướng dẫn nạn nhân chuyển chính xác số tiền 1.312.993.065 đồng thì mới nhận được tiền lãi, cùng số tiền bảo hiểm chị T. đã đóng không đúng trước đó.

Ngay sau đó, chị T. làm theo hướng dẫn, tiếp tục chuyển đủ số tiền 1.312.993.065 đồng vào tài khoản mang tên Phạm Thị Lan; nhưng Hồng Anh nói do số tiền sinh lãi của chị vượt quá 3 tỷ đồng nên để nhận được tiền chị T. phải nộp thêm 1,12 tỷ đồng cho hai đầu “quốc tế - Việt Nam”, 300 triệu đồng tiền phí phát sinh lãi trên 3 tỷ đồng.

Mất tiền tỉ vì ham “làm giàu không khó” qua... mạng -0
Đối tượng gửi giấy chứng nhận vốn đầu tư để tạo lòng tin cho chị T.  (Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp)

Chị T tiếp tục đi vay tiền của nhiều người và chuyển đủ số tiền trên cho Hồng Anh vào số tài khoản ngân hàng mang tên Phạm Thị Lan và 2 tài khoản số 0001262718635 mang tên Trần Thị Tươi; tài khoản số 8686399999 tên Võ Thị My, tại 2 ngân hàng khác nhau.

Đến ngày 20/6, chị T. vẫn không nhận được tiền đầu tư cũng như tiền lãi. Đáng chú ý, ngay sau khi chị T. chuyển tiền đến các số tài khoản mà đối tượng cung cấp thì số tiền tiếp tục được chuyển đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Sau khi biết mình bị lừa, nạn nhân làm đơn trình báo cơ quan công an.

Mới đây, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh cũng nhận được đơn trình báo của chị N.Q.A, trú tại TP. Cẩm Phả về việc chị bị lừa mất 280 triệu đồng khi tham gia kiếm tiền trên ứng dụng TikTok.

Trước đó, chị A. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ mời tham gia kiếm tiền bằng việc like các video trên ứng dụng TikTok, nếu trên 100 lượt like thì sẽ được trả hoa hồng. Do đang rảnh rỗi nên chị A. đã tải các ứng dụng TikTok, Telegram, đăng ký tài khoản và liên lạc, nhận nhiệm vụ từ các đối tượng qua các ứng dụng này. Tại đây, nạn nhân đã được giao làm các nhiệm vụ khác nhau từ đơn giản đến nâng cao như: vào các tài khoản TikTok do các đối tượng yêu cầu, ấn theo dõi, thả tim, sau đó chụp màn hình gửi lại, khi hoàn thành sẽ nhận được 10.000 đồng hoa hồng.

Tiếp đó, chị A. được các đối tượng gửi cho một đường link, yêu cầu nhấp vào đường link đó đăng ký tài khoản và nhận nhiệm vụ. Nhiệm vụ này đối tượng sẽ đưa ra cho nạn nhân các gói đầu tư, các gói đầu tư này yêu cầu phải chuyển khoản trước, khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được trả cả gốc và lãi về tài khoản (gói đầu tư càng cao thì thu nhập và lãi nhận về càng cao). Chị A. nhận nhiệm vụ với các gói đầu tư khác nhau như: 300 nghìn đồng được nhận cả gốc và lãi 390 nghìn; 500 nghìn đồng, được nhận cả gốc và lãi 650 nghìn; 1 triệu đồng được nhận cả gốc và lãi 1,3 triệu đồng; 3 triệu đồng được nhận cả gốc và lãi 3,9 triệu. Sau khi hoàn thành xong các nhiệm vụ này, chị A đã nhận được số tiền đúng như các gói đầu tư đã tham gia.

Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, các đối tượng đã mời gọi chị A. tham gia vào gói đầu tư lớn với nhiệm vụ cao hơn và nhiệm vụ này yêu cầu phải làm việc nhóm. Nạn nhân được các đối tượng thêm vào nhóm với 3 tài khoản Telegram khác; đồng thời đối tượng đưa ra 4 gói đầu tư để các thành viên trong nhóm lựa chọn. Trong đó, thấp nhất đầu tư 10 triệu đồng nhận gốc và lãi về 13,5 triệu hoặc 35 triệu đồng, nhận gốc và lãi 50 triệu; cao nhất đầu tư 150 triệu, nhận gốc và lãi 225 triệu, hoặc 300 triệu đồng sẽ nhận gốc và lãi 450 triệu đồng.

Do tin tưởng nên chị A. đã chuyển khoản cho các đối tượng 280 triệu đồng để tham gia các gói đầu tư trên. Tuy nhiên khi thực hiện đến nhiệm vụ cuối cùng (gói 4) thì các đối tượng thông báo trong nhóm có 1 thành viên thao tác sai nên không thể rút tiền về mà phải làm nhiệm vụ với số tiền cao hơn. Nghi ngờ bị lừa đảo nên nạn nhân đã đến cơ quan Công an trình báo.

Một trường hợp khác bị lừa khá hy hữu là chị N. ở Hà Đông. Qua facebook, chị N quen với một người có tài khoản George Lee, quốc tịch Ý, sống tại Anh. Sau một thời gian liên lạc và tìm hiểu qua mạng, George Lee ngỏ lời yêu đương với chị N. đồng thời nói muốn tặng chị N. một món quà giá trị. Theo đó, để nhận quà, George Lee đã yêu cầu chị N. chuyển phí nhận quà.

Tính tới thời điểm làm đơn trình báo tới cơ quan chức năng, chị N. đã thực hiện 36 lần chuyển tiền cho George Lee với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng. Đó là toàn bộ số tiền bố mẹ chị N. đã bán đất để cho con gái mua nhà ở Hà Nội. Tuy nhiên, đúng thời điểm đang giữ tiền mua nhà của bố mẹ thì chị N. quen và có tình cảm với người đàn ông ngoại quốc để rồi đến bây giờ tiền mất mà tình cũng “cao chạy xa bay”.

Chung quy cũng tại lòng tham

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, thời gian vừa qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng với những diễn biến ngày càng phức tạp và thủ đoạn vô cùng tinh vi. Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Mất tiền tỉ vì ham “làm giàu không khó” qua... mạng -0
Nhóm đối tượng lừa đảo bằng hình thức liên kết bán hàng, chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng, bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ

Cách thức mà các đối tượng này sử dụng để lừa đảo chính là các hình thức quảng cáo kiếm tiền trên ứng dụng TikTok. Chúng có chung một kịch bản lừa đảo là đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin của người tham gia, mong muốn kiếm tiền nhanh, chỉ cần thao tác đơn giản như “Like – Share – Thả tim” vẫn có thể kiếm được tiền. Những người “sập bẫy” chủ yếu là các bà nội trợ, học sinh, sinh viên… thường xuyên sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Telegram….

Để lấy lòng tin của người bị hại, các đối tượng sẽ trả tiền làm nhiệm vụ, sau đó liên tục mời gọi nâng cấp các nhiệm vụ với số tiền cao hơn, đầu tư càng cao thì thu nhập càng lớn. Đến khi người bị hại tham gia nhiệm vụ nâng cao với số tiền đầu tư lớn, các đối tượng sẽ tìm cách không cho bị hại rút tiền hoặc đánh sập trang web, xóa ứng dụng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Một hình thức khác mà các đối tượng lừa đảo cũng thường xuyên sử dụng chính là việc lập sàn giao dịch tiền ảo. Đơn cử, vừa qua Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, lập sàn giao dịch ảo trên trang web tradenew.io với tổng số tiền giao dịch trên 1.000 tỉ đồng, chiếm đoạt tiền của người đầu tư. Công an Thanh Hóa cũng triệt phá nhóm đối tượng lập sàn thương mại điện tử Bigbuy24h.com để chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 517 tỉ đồng…

Từ thực tế phức tạp của hoạt động lừa đảo hiện nay, cơ quan công an khuyến cáo người dân không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội. Khi chia sẻ thông tin, cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai, thông tin giới hạn người xem. Cảnh giác những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng; tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân khi bị lừa đảo, nạn nhân phải liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo, thực hiện các bước xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Với lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, phải liên hệ ngay với các ngân hàng mà mình đã thực hiện các giao dịch thanh toán, để có hoạt động tra soát những giao dịch. Nếu nhanh chóng có thể thu hồi được.

Dù có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng mấu chốt của những thủ đoạn lừa đảo là đánh vào lòng tham của nhiều người, cũng như sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác. Do đó, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo thì thiết nghĩ chính mỗi chúng ta cũng cần phải tự nâng cao sự cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh “sập bẫy” trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi hiện nay.

Phong Anh
.
.