Mật vụ Mỹ với cái chết của John Lennon

Thứ Năm, 21/07/2022, 22:06

Tài liệu này đề cập đến một câu chuyện chưa từng được kể từ trước tới nay về những khám phá của các chuyên gia sức khỏe tâm thần và cả Mật vụ Mỹ ngay sau cái chết đầy ám ảnh của biểu tượng âm nhạc tài năng John Lennon.

Đêm thứ Hai định mệnh

Vô số cuộc tưởng niệm biểu tượng âm nhạc trải dài từ New York và Chicago đến London và Liverpool cùng nhiều thành phố khác trên khắp thế giới. Những người đã bất chấp cái lạnh mùa đông để tập trung trong các khu vực công cộng trên khắp đất Mỹ, gồm cả người trẻ và lớn tuổi đều sụt sịt khóc và ôm nhau. Rất nhiều người ôm hoa hoặc cầm nến, tay giơ cao những biểu ngữ có nội dung đa dạng “Hãy tưởng tượng không còn khẩu súng nào”, “Trao một cơ hội cho hòa bình”, hoặc chỉ ngắn gọn nhưng đanh thép “Hà cớ gì?”.

72-1.jpg -0
Bác sĩ Shervert Frazier, một trong những chuyên gia tâm thần hàng đầu Hoa Kỳ đã nghiên cứu về cái chết của John Lennon. Ảnh nguồn: The Boston Globe.

Ngày Chủ Nhật đó, ngay tại Công viên trung tâm của New York, trong khung cảnh cây cối trụi lá và bầu trời xám xịt phủ đầy tuyết, hàng vạn người đã chôn chân đứng im trong thinh lặng, khoảng không gian chết chóc của họ chỉ bị phá tan bởi chiếc trực thăng quần thảo trên đầu. Đó là ngày 8-12-1980 và danh ca John Lennon đã qua đời. Rất nhiều câu hỏi mà giới truyền thông Mỹ khi đó liên tục xoay quanh Mark Chapman, kẻ thủ ác đã kiên trì đợi nhiều ngày quanh tòa nhà Dakota tại góc đường số 72 Tây Công viên trung tâm.

Cuối ngày thứ Hai đó, ngày 8 tháng 12, khi John Lennon bước khỏi tòa nhà dân sự sang trọng và dừng lại để vẫy tay chào những người hâm mộ đứng phía trước nhà, thì Mark Chapman trong bộ mặt cười toe toét vì cuối cùng đã nhận được chữ ký của thần tượng trên ablum mới phát hành Double Fantasy.

Khi đó Mark Chapman tiếp tục nán lại. Lúc đó đã 11 giờ khuya, khi John Lennon và vợ Yoko Ono, quay trở lại nhà sau buổi ghi hình, cùng bước ra khỏi chiếc limousine bóng lộn đỗ trước tòa nhà. Lúc cặp đôi rảo bước vào lối đi trang nghiêm thì bất ngờ Mark Chapman (bận áo khoác đen và đội mũ lông thú) xuất hiện trong bóng tối và gọi lớn: “Ngài Lennon!”.

Như cảnh sát trưởng thành phố New York sau đó mô tả thì Chapman đã thực hiện một “tư thế chiến đấu” và nhả 4 viên đạn từ khẩu súng lục cỡ nòng 38 vào lưng Lennon. Lennon được cấp tốc đưa lên xe cảnh sát chở tới bệnh viện Roosevelt, tại đó đội ngũ bác sĩ đã không thể cứu sống ông. Giữa cú sốc và sự bi thương lan truyền khắp địa cầu,  Chapman đã được nhiều cơ quan truyền thông và quan chức công quyền mô tả bằng những cụm từ “người hâm mộ bị điên”, “loạn trí”, “kẻ loạn trí” và “kẻ lập dị”.

72-3.jpg -0
Hung thủ Mark Chapman, trong bức ảnh chụp với vợ. Ảnh nguồn: Daily Mail.

Thấy gì qua những vụ ám sát?

Bác sĩ Shervert Frazier (hoạt động tại bệnh viện McLean gần thành phố Boston) vừa trở về sau chuyến công tác ở Washington, DC, nơi ông đang phục vụ trong ủy ban của Viện Y học thuộc khuôn khổ của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (NAS). Ông yêu cầu Robert Fein đưa vào nhóm bác sĩ của bệnh viện Bridgewater, nơi đang có sự hiện diện của khoảng 16 nhà tâm lý học, nhiều thầy thuốc và các nhân viên xã hội. Kể từ khi lập quốc, cứ 4 tổng thống thì sẽ có 1 người nằm trong đường đi của viên đạn sát thủ, và thời kỳ đương đại thậm chí còn nguy hiểm hơn đối với những nhân vật chính trị hàng đầu.

Sau những vụ ám sát khét tiếng hồi thập niên 1960 nhắm vào Tổng thống John F. Kennedy, Mục sư Martin Luther King Jr., và Thượng nghị sỹ Robert Kennedy, những mục tiêu cũng bao gồm Richard Nixon, Gerald Ford và Jimmy Carter. Có 2 cuộc gọi liên quan đến Tổng thống Gerald Ford, và một kẻ thủ ác muốn triệt hạ Tổng thống Richard Nixon đã đâm trọng thương Thống đốc Alabama và ứng viên tổng thống George Wallace.

Nhằm đạt được mục đích, bác sĩ Frazier đã khẳng định với nhóm chuyên gia mới tập hợp rằng ông có một lời hứa hẹn tham vọng rằng: nhóm chuyên gia của bệnh viện công Bridgewater sẽ xây dựng nghiên cứu về những sát thủ mắc bệnh tâm thần. Robert Fein và cả nhóm hoàn toàn bất ngờ với nhiệm vụ mới toanh, cuộc trò chuyện nhanh chóng tập trung vào bi kịch mới nhất tại đô thành New York, bao gồm hành vi kỳ lạ của Mark Chapman sau khi hắn ta bóp cò súng.

Ngay sau tiếng súng nổ, khi có một phụ nữ tò mò tiếp cận y để hỏi chuyện gì mới xảy ra, Chapman đã xua đuổi bà ta: “Tôi sẽ dông (chạy) luôn nếu là bà!”. Chapman không để tâm tới việc tẩu thoát. Hắn ta bỏ vũ khí và quanh quẩn gần đó trên vỉa hè, và lôi ra bản sao cuốn tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh” và ném nó thật nhanh trước khi cảnh sát ập vào bắt giữ y. Có vẻ gã muốn truyền đạt rằng mình là hiện thân của Holden Caulfield, nhân vật chính đáng ghét của cuốn tiểu thuyết? 

72-2.jpg -0
Bệnh viện công Bridgewater ở Massachusetts, nơi bác sĩ Shervert Frazier công tác. Ảnh nguồn: The Boston Globe.

Giải mật tâm lý sát nhân

Lại nói về Mark Chapman, hắn ta không hề hay biết rằng mình vừa tạo ra một “phiên bản mới của kịch bản văn hóa”, một khuôn mẫu mà những tên sát nhân tương lai sẽ bắt chước. Những tên sát nhân và giết người hàng loạt thi thoảng tìm đến những người tiền nhiệm để lấy nguồn cảm hứng, xem xét sự xuất hiện và hành động của các “tiền bối” trong những gì sẽ được gọi là hành vi a dua hoặc ảnh hưởng xấu.

Các chuyên gia khoa học hành vi đã quá quen thuộc với một hiện tượng lịch sử gọi là “Hiệu ứng Werther” trong đó đề cập đến sự lây lan của các vụ tự tử vào thế kỷ 18 ở châu Âu vốn bắt nguồn từ thành công văn học của cuốn tiểu thuyết “Nỗi đau của chàng Werther” của đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe. Mộc số độc giả của cuốn tiểu thuyết này đã giả cách ăn mặc giống y chang nhân vật chính lãng mạn đáng yêu và tự bắn mình, hoặc thi thoảng cầm bản sao cuốn sách trên tay.

Tất nhiên hành vi của Chapman là một dấu hiệu cho thấy hành vi giả lập sẽ kích hoạt các game bắn súng hung hãn trong những thập kỷ tới và thu hút sự chú ý của các chuyên gia đánh giá mối đe dọa. Nhóm chuyên gia của bệnh viện Bridgewater biết rằng những kẻ lập dị có nguy cơ gây nguy hiểm thường tập trung vào những người nổi tiếng và giới chính trị gia đã vượt ra ngoài những cuộc tấn công gây sốc mà công chúng biết tới. Bridgewater là nơi quản thúc một số gã đã từng đe sẽ “lấy mạng” tổng thống hoặc các nhân vật nổi tiếng khác, mối nguy hiểm trở nên sống động hơn khi xảy ra cái chết của John Lennon. Vậy điều gì đã khiến những kẻ này trở thành sát thủ? Frazier thúc giục Fein và các đồng nghiệp của mình  nên để tâm tới các hành vi cũng như nói chuyện trực tiếp với mật vụ.

Trong những tuần sau đó, Robert Fein và vài đồng nghiệp đã cặm cụi điều tra các hồ sơ Bridgewater, xem xét những tương tác của họ với những kẻ phạm tội bạo lực, đồng thời gặp gỡ với các điệp viên  ở Boston và Washington. Mục tiêu chính của cuộc thu thập bí mật là thiết lập những liên kết hành động giữa các mật vụ cùng những chuyên gia hàng đầu về khoa học hành vi, sức khỏe tâm thần và luật học.

Phần mở đầu của báo cáo đã chứa đựng những đường nét của một kỷ luật mới, nó mô tả các chuyên gia có thể cùng phối hợp để “xác định, đánh giá và quản lý” một số ít người có thể gây ra những hành vi lạ hoặc hạ thủ những nhân vật công chúng có tầm ảnh hưởng. Các bác sĩ quan sát và khẳng định rằng không có phương pháp khoa học nào đang tồn tại để xác định “mầm nguy hiểm” ở người nhằm cố gắng dự đoán rằng về lâu dài liệu ai đó có thể thực hiện bạo lực hay không? Sau cùng nhóm nghiên cứu viết: “Thay vì nghĩ đến con người nguy hiểm, hãy nghĩ đến các tình huống nguy hiểm có liên quan đến đối tượng cụ thể, nạn nhân, và hành động trong những hoàn cảnh cụ thể”. Nhóm các bác sĩ đã soạn ra những giao thức để đánh giá nhanh các đối tượng cần được quan tâm cho mật vụ. Điều này bao gồm việc kiểm tra sức khỏe tâm thần của các đối tượng và mối quan hệ của họ với những người khác, đánh giá mọi bất bình mà họ gặp phải và hình dung liệu các đối tượng này có thể thực hiện cuộc tấn công bạo lực hay không.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất thành lập một mạng lưới các thầy thuốc sức khỏe tâm thần quốc gia đã từng làm việc với những kẻ phạm tội bạo lực, đề xuất rằng các chuyên gia này nên ở trong tư thế “sẵn sàng phục vụ 24 giờ” để tư vấn với các mật vụ về các đánh giá và kế hoạch quản lý mối đe dọa.

Hội chứng hoang tưởng người nổi tiếng

Và chỉ 3 tuần sau đó, nhiệm vụ đã trở nên cấp bách hơn khi nỗi kinh hoàng bao trùm vùng thủ đô. Buổi chiều ngày 30 tháng 3 năm 1981 khi Tổng thống Ronald Reagan rời khỏi nơi phát biểu cho các lãnh đạo đảng lao động tại khách sạn Washington Hilton thì một gã đàn ông trạc 25 tuổi mặc áo khoác đứng giữa đoàn báo chí đã bất ngờ “khạc” đạn bằng khẩu súng lục ổ quay. Một viên đạn do “sát thủ” John Hinckley Jr. bắn ra đã găm vào người Reagan, làm thủng phổi trái của ngài tổng thống và khiến tim ông ngừng đập.

Những phát súng khác đã làm trọng thương Thư ký báo chí của Reagan là ông James Brady khiến ông bị liệt, một sĩ quan cảnh sát và một đặc vụ bị thương. John Hinckley Jr. đã gắn bó với nữ diễn viên tuổi teen Jodie Foster, đã xem không biết bao lần bộ phim do bà đóng vào năm 1976 mang tựa đề “Tài xế Taxi”, cũng như đã viết nhiều thư cho nữ diễn viên và theo dõi bà tại Đại học Yale.

Dường như hắn ta tin rằng mình sẽ chiếm trọn con tim của Jodie Foster nếu cũng trở nên nổi tiếng như nữ diễn viên. Cũng như nhân vật chính trẻ tuổi bị hoang tưởng và xa lánh trong phim “Tài xế Taxi”, John Hinckley Jr. cố gắng xoay sở để thực hiện vụ ám sát chính trị nổi tiếng. Kịch bản cho bộ phim “Tài xế Taxi” lấy cảm hứng từ cuốn nhật ký của Arthur Bremer, gã trai trẻ đã tìm lấy tai tiếng bằng cách nhắm mục tiêu ám sát Tổng thống Nixon và sau đó bắn Thống đốc Wallace.

Trong số các đồ vật mà đặc vụ liên bang tìm thấy trong căn phòng khách sạn mà John Hinckley đã thuê là bản sao cuốn nhật ký của Bremer. Họ cũng tìm thấy một tập khác của cuốn tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh” tại đó. Thực tế thì John Hinckley tỏ ra rất quan tâm tới Mark Chapman.

Trong các đoạn băng mà John Hinckley đã ghi âm chỉ một thời gian ngắn ngay sau vụ ám sát John Lennon có nhắc đến John Lennon và Jodie Foster đã ám ảnh y đến thế nào: “John và Jodie, giờ đây 1 người đã ra đi”. Các bản ghi âm cũng thu lại việc John Hinckley đã chơi một bản nhạc của John Lennon mang tựa đề “Oh Yoko!” bằng ghi ta, nhưng hoán đổi thành “Oh Jodie!” khi hắn ta hát.

Những vụ mưu sát John Lennon và Ronald Reagan đã thúc đẩy nghiên cứu đột phá về một loạt những tên sát nhân khác nhau. Sau này Robert Fein đã cộng tác với các mật vụ Mỹ để vào trong các nhà tù và cơ sở tâm thần trên khắp đất Mỹ. Suốt nhiều năm, họ đã giành nhiều giờ để phỏng vấn và gây dựng mối quan hệ đối với những tên tội phạm khét tiếng bao gồm cả Mark Chapman, John Hinckley, và hàng chục những tên khác. Những hiểu biết độc đáo mà các chuyên gia này có được về “tư duy tiền tấn công” cùng những hành vi đã trở thành chìa khóa cho một phương pháp đang phát triển mà nhiều năm sau đó đã giúp ngăn chặn nhiều vụ xả súng hàng loạt.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.