“Móc túi” Nhà nước từ nạn mua bán hóa đơn giá trị gia tăng dịp cuối năm

Thứ Sáu, 12/01/2024, 10:11

Nắm bắt nhu cầu quyết toán cuối năm của các doanh nghiệp, cơ quan… nên hiện nay dịch vụ “mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (VAT)” càng trở nên nhộn nhịp. Trên các trang mạng xã hội, website xuất hiện các đoạn quảng cáo mua bán hóa đơn VAT với các hạn mức, giá cả, phần trăm khác nhau.

Mua hóa đơn VAT quá dễ dàng

Thời gian vừa qua mặc dù cơ quan chức năng xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến mua bán hóa đơn giá trị gia tăng nhưng hiện tượng này không có dấu hiệu giảm. Chỉ cần gõ từ khóa “mua hóa đơn giá trị gia tăng” trên mạng xã hội hay Google là cho ra hàng loạt các hội nhóm, website chào bán công khai, đơn cử như nhóm: “Hóa đơn VAT toàn quốc” có tới 15 nghìn người theo dõi; bài viết chào mời mua hóa đơn được đăng tải.

h2.jpg -0
Tang vật vụ án mua bán trái phép hóa đơn, làm giả con dấu tại tỉnh Phú Thọ năm 2022.

Một thành viên có tên Anh Duy đăng tải trạng thái: “Chuyên cung cấp hóa đơn, chi phí hợp lý, công ty đầy đủ các ngành nghề tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và các tỉnh lân cận”. Trong vai một người có nhu cầu mua hóa đơn VAT, chúng tôi có liên lạc với “Anh Duy”, người này cho biết: “Công ty của em chuyên cung cấp hóa đơn VAT, đủ các loại ngành nghề. Bao chuyển khoản, báo cáo đầy đủ, đặc biệt chỉ xuất trong vòng 15 phút là có, thanh toán chi phí sau khi ký. Bên em là công ty lâu năm nên rất uy tín, nhanh, bảo hành và đảm bảo tuyệt đối bí mật”.

Tương tự, một tài khoản có tên “Nguyễn Hồng Phát” cũng là một trong những thành viên tích cực của các hội nhóm mua bán hóa đơn. Những trạng thái đăng tải của người này thể hiện sự chuyên nghiệp. “Bên em không thiếu hóa đơn ngành nghề nào cả, từ xây dựng, y tế, may mặc, vận chuyển, lao động, nông nghiệp, thực phẩm, ăn uống, nhà hàng,... Đặc biệt bên em xuất ngay trong ngày, giá cả thương lượng hợp lý”, Nguyễn Hồng Phát cho hay.

Khi khách hàng có nhu cầu mua hóa đơn, người bán tuyệt đối không làm việc trên tin nhắn facebook mà yêu cầu chuyển qua intelegram hoặc zalo. Nguyên nhân là để giữ an toàn cho cả hai bên.

Trên các diễn đàn, fanpage không chỉ có người bán mà người mua cũng rất nhiều. Như một thành viên có tên “Ruby Phạm” có đăng tải trạng thái: “Mình cần hóa đơn VAT thể thao: tennis, golf, cầu lông… ai có nhắn cho mình nhé”. Ngay sau khi đăng tải trạng thái này, người bán liên tục vào bình luận và đưa ra mức giá.

Không chỉ mạng xã hội, các website cũng chào bán hóa đơn khá nhộn nhịp. Trên website có tên “banhoadondo.vn” cũng đăng tải những lời quảng cáo uy tín và công khai để số điện thoại cho người có nhu cầu. Liên lạc theo số điện thoại 0975424xxx được đính kèm trên một bài quảng cáo, phóng viên nhận được loạt câu mời chào dịch vụ. “Em là Hoàng Minh bên phòng kế toán dịch vụ xuất hóa đơn VAT, do tháng này công ty em báo cáo có dư số hóa đơn của các mặt hàng, không biết mình có thiết hóa đơn đầu vào không ạ?”, nhân viên bán hóa đơn nhiệt tình chào mời và đưa ra bảng giá cho dịch vụ.  Theo như nhân viên này, nếu như khách hàng xuất hóa đơn từ 10 triệu đến 100 triệu giá là 3,5% tổng giá trị. Từ 100 đến 1 tỷ là 3.0%, từ 1 tỉ đến 5 tỉ là 2.5%, từ 5 tỉ đến dưới 10 tỉ là 2.0% Nếu trên 10 tỉ giá cả sẽ được thương lượng riêng...".

Hỏi về sự an toàn khi giao dịch hóa đơn VAT, mức độ đảm bảo các yếu tố pháp lý, nhân vật này trải lời nước đôi: “Hầu hết các công ty trên page lập ra đều với mục đích làm hoá đơn...”.

Theo chị Nguyễn Thị Nga, kế toán của một Công ty dược tại Khu công nghiệp Thanh Oai cho rằng, trên thực tế, có nhiều người đã lập công ty ma, dù không hề sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đi mua bán hóa đơn từ các công ty khác. Với việc mua bán hóa đơn này, công ty ma sẽ kê chi phí doanh nghiệp lên rất nhiều và sẽ được hưởng lợi từ việc hoàn thuế. Bên cạnh đó, cũng có một số công ty đang hoạt động nhưng vẫn bán hóa đơn khống về những hàng hóa và dịch vụ mà mình không có cho các doanh nghiệp khác để kiếm lời. Công ty bán được tiền hóa đơn, hưởng tiền hoàn thuế, công ty mua thì được hưởng từ việc tăng chi phí sản xuất nên sẽ được giảm thuế doanh nghiệp phải chịu với Nhà nước.

“Nguyên nhân có việc mua bán này chính là do công tác quản lý hóa đơn, chứng từ chưa được chặt chẽ. Đặc biệt, thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp cũng thông thoáng hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng phạm tội lợi dụng xin phép thành lập công ty và tiến hành mua bán hóa đơn khống, trái phép. Lợi dụng điểm này, các đối tượng xấu thuê người đứng tên thành lập hàng loạt doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH... để mua bán hóa đơn GTGT. Sau khi thành lập doanh nghiệp, các công ty này tiến hành mua bán hóa đơn và nộp báo cáo thuế hàng tháng đầy đủ với cơ quan quản lý thuế tạo nên hệ thống doanh nghiệp ảo, công ty ma, gây lỗ hổng nguy hiểm cho nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, theo quy định, hình phạt đối với hành vi “mua bán trái phép hóa đơn” chưa đủ sức răn đe; lợi nhuận từ việc mua bán hóa đơn đem lại là quá lớn nên các đối tượng vẫn tiếp tục phạm tội”, chị Nga phân tích.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo giới chuyên gia cũng như quan điểm của Bộ Tài chính, việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) phải đáp ứng được yêu cầu: đúng quy định của pháp luật và phải đúng người, đúng việc, không để xảy ra tình trạng gian lận, chiếm đoạt tiền của nhà nước.

Thời gian vừa qua cơ quan Công an liên tục triệt phá nhiều đường dây mua bán hóa đơn trái phép với giá trị hàng nghìn tỉ đồng. Mới nhất vào ngày 30/2/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Đà Nẵng cho biết, vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan đồng loạt tổ chức khám xét 17 địa điểm tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, qua đó phát hiện, thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng có liên quan đến đường dây mua bán hóa đơn trái phép trị giá tới hơn 25.000 tỉ đồng.

“Móc túi” Nhà nước từ nạn mua bán hóa đơn giá trị gia tăng dịp cuối năm -0
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng tạm giữ các đối tượng có liên quan đến đường dây mua bán hóa đơn trái phép lên đến 25.000 tỉ đồng.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng phát hiện đối tượng N.T.M.H (trú tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đứng ra thành lập 06 công ty với mục đích xuất bán trái phép với doanh số rất lớn. Để qua mặt các cơ quan chức năng, H. hợp thức bằng cách mua 716 tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào (với tổng doanh số hơn 165 tỷ đồng) của 83 doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh với giá từ 2,5 - 3,5% trên doanh số hóa đơn trước thuế.

Sau thời gian tổ chức xác minh, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 29/12, được sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng Cảnh sát cơ động, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; các đơn vị nghiệp vụ khác có liên quan đã đồng loạt khám xét 17 địa điểm tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh là chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng.

Qua khám xét, lực lượng Công an phát hiện 154 con dấu tròn của các doanh nghiệp bán hóa đơn, nhiều dấu chức danh, dấu tên giám đốc doanh nghiệp, nhiều USB chữ ký số, điện thoại, máy tính, máy in phục vụ cho việc xuất bán trái phép hóa đơn GTGT… Tại cơ quan Công an, bước đầu các đối tượng đã thừa nhận thành lập tổng cộng 280 công ty, xuất bán 187.610 hóa đơn khống với tổng doanh số là hơn 25.300 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu chưa thuế là 23.200 tỉ đồng; tiền thuế GTGT hơn 2.100 tỉ đồng; thu lợi bất chính số tiền khoảng 500 tỉ đồng.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố 16 bị can liên quan về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 12 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 4 bị can. Vụ việc đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Năm 2022, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Phú Thọ) đã khởi tố 5 bị can, trong đó có 2 đối tượng cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, với doanh số hóa đơn điện tử đã bán đặc biệt lớn. Đồng thời, cơ quan điều tra đã thu giữ 228 con dấu của các doanh nghiệp (DN) bán hóa đơn, 32 con dấu giả các cơ quan chức năng và phong tỏa 2 tài khoản với số tiền trên 27 tỉ đồng. Lợi dụng việc đăng ký kinh doanh và chuyển nhượng doanh nghiệp trực tuyến, từ cuối năm 2020 đến nay, các đối tượng đã mua 228 doanh nghiệp, đều sử dụng giấy tờ giả, địa chỉ chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, sau đó thiết lập mạng lưới trung gian khoảng 400 người. Các đối tượng khai thác trang thông tin điện tử các doanh nghiệp, tìm kiếm đơn vị có nhu cầu để bán hóa đơn giá trị gia tăng với doanh số đặc biệt lớn, khoảng hơn 25.000 tỉ đồng…

Theo dữ liệu thống kê, từ đầu năm 2023 đến hết ngày 20/12/2023, cơ quan thuế đã ban hành 18.008 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền thuế hoàn là 138.461 tỉ đồng (bằng 87%) ước thực hiện Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ (160.000 tỉ đồng), bằng 97% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế VAT, quản lý thuế, hóa đơn điện tử cùng các pháp luật có liên quan để hạn chế, ngăn chặn được tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử nhằm gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước.

Đặc biệt cơ quan thuế cũng thanh tra chủ động, rà soát chuỗi các doanh nghiệp có mua bán hàng hóa với doanh nghiệp hoàn thuế trước khi nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế, từ đó sớm xác định rủi ro, phân loại chính xác các trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau, kiểm tra trước, hoàn thuế sau, qua đó đẩy nhanh thời gian hoàn thuế và tập trung nguồn lực kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận; và coi đây là một chủ trương quan trọng trong công tác quản lý hoàn thuế VAT năm tới.

Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán (Tổng cục Thuế) cho biết, công tác đấu tranh chống gian lận về hóa đơn, hoàn thuế cũng ngày càng khó khăn hơn do các đối tượng luôn thay đổi phương thức, địa bàn hoạt động, hành vi ngày càng tinh vi, phức tạp với thái độ ngày càng liều lĩnh hơn trước. “Năm 2024, công tác quản lý hoàn thuế hướng tới 2 mục tiêu quan trọng là hoàn thuế nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật, không để hồ sơ quá hạn do yếu tố chủ quan từ cơ quan thuế, công chức thuế; ngăn chặn và xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi gian lận về hóa đơn, hoàn thuế, quản lý chặt chẽ tiền của ngân sách nhà nước”, bà Hải cho biết thêm.

Cục Thanh tra Kiểm tra (Tổng cục Thuế) đã chỉ ra thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian (F1, F2) mua bán hàng hóa. Các doanh  nghiệp trong khâu trung gian sau khi xuất hóa đơn cho doanh nghiệp F1 thì tạm dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn, việc kê khai doanh thu và thuế giữa các doanh nghiệp trung gian không khớp đúng, doanh nghiệp bán (F2) kê khai doanh thu nhỏ nhưng doanh  nghiệp mua (F1) kê khai khấu trừ lớn; việc thanh toán qua Ngân hàng được Cục Thuế xác minh thì thanh toán tiền đều được thực hiện qua ngân hàng, tuy nhiên việc thanh toán tiền hàng và rút tiền từ ngân hàng đều diễn ra trong cùng 1 ngày và cùng tên một người rút tiền.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoàn thuế VAT sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (mua của các doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất kinh doanh) hoặc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, thay đổi trạng thái hoạt động liên tục tại nhiều địa phương khác nhau để kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào và lập hồ sơ xin hoàn thuế VAT. doanh nghiệp hoàn thuế lập chứng từ, hồ sơ xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào hoặc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh.

Phong Anh
.
.