Mối họa từ bùng nổ crypto ở Nam Mỹ
Nam Mỹ hiện nằm trong số những thị trường tiền ảo phát triển nhanh nhất thế giới. Tại Brazil, số người sử dụng tiền ảo tăng hằng năm tương đương 25% dân số của họ. Ở Colombia, con số này là 22,3%, còn Argentina là 18,4%. 16% tổng số BitCoin đang tồn tại trên thế giới nằm ở Peru, quốc gia đứng thứ năm về phần trăm sở hữu đồng tiền ảo này.
Đứng trước viễn cảnh lạm phát “phi mã”, nhiều người Nam Mỹ đang tìm đến crypto như một công cụ bảo vệ giá trị tài sản của mình. Nhưng sự bùng nổ của tiền ảo cũng đang khiến nhà chức trách nhiều nước phải đau đầu. Không ai khác mà chính những đối tượng tội phạm có tổ chức đang hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng crypto ở Nam Mỹ.
Lừa đảo tràn lan
Tại Brazil vừa xảy ra vụ lừa đảo trị giá 7 tỷ USD liên quan đến công ty đầu tư tiền ảo G.A.S. Cảnh sát Rio de Janero phải dùng đến vũ lực để đột kích trụ sở G.A.S. nhằm ngăn chặn nhân viên công ty xách valy chứa 1,3 triệu USD lên trực thăng bỏ trốn. Sau đó còn xảy ra một vụ đấu súng giữa cảnh sát và nhân viên bảo vệ của ông chủ G.A.S., tỷ phú Glaidson Acácio dos Santos. Hiện tên này đang ngồi tù chờ ngày ra tòa. Y bị cáo buộc các tội bảo kê, lừa đảo tài chính, và ám sát hai đối thủ cạnh tranh.
Trụ sở của G.A.S. đặt ở Cabo Frio, một thị trấn du lịch ven biển chỉ với hơn 230.000 nhân khẩu. Nhưng trong mấy năm gần đây, Cabo Frio được gọi là “thủ đô crypto” của Brazil chỉ. Glaidson dos Santos ngoài việc làm chủ tịch G.A.S. còn là mục sư. Y sử dụng tài ăn nói của mình để lôi cuốn không biết bao nhiêu người dân Cabo Frio dốc hết vốn liếng vào G.A.S.
Một nhân chứng sống tại Cabo Frio trả lời tờ The Finnancier: “Tôi biết Glaidson từ hồi anh ta còn là chân chạy bàn. Vậy mà chỉ sau vài năm anh ta đã trở thành tỷ phú. Thế rồi người ta rỉ vào tai nhau là cứ đưa tiền cho Glaidson đi đầu tư là sau một, hai năm sẽ nhận lại lợi nhuận 10% so với số vốn bỏ ra ban đầu. Đi đâu tại Cabo Frio người ta cũng chỉ nói với nhau chuyện này. Có những người lấy hết tiền tiết kiệm còn chưa đủ thì vay thêm để đưa cho Glaidson”.
Glaidson dos Santos dụ dỗ người dân chuyển tiền vào một trong những tài khoản ngân hàng khác nhau do y bí mật sở hữu. Số tiền này sau đó được chuyển cho Mirelis Yoseline Diaz Zerpa, vợ của Glaidson đang sống ở Venezuela. Cô này sẽ dùng tiền để đầu tư tiền ảo.
Bà Cavella Sonaito, chuyên gia về tội phạm tài chính của cảnh sát Brazil, nhận xét: “Glaidson dos Santos là một ví dụ điển hình cho những kẻ lừa đảo bằng tiền ảo. Các đối tượng này luôn thể hiện mình là người giàu có để dụ dỗ, lừa gạt những người cả tin đưa tiền cho chúng. Vấn đề mấu chốt ở chỗ cảnh sát khó xác định chính xác quy mô lừa đảo của chúng. Mọi hoạt động mua bán tiền ảo, rồi lời lỗ ra làm sao đều diễn ra trên chuỗi blockchain. Trừ trường hợp cảnh sát có sự trợ giúp của chuyên gia, họ không thể tự mình xử lý chỗ dữ liệu trên để mà lập án”.
Cũng như các quốc gia láng giềng, Chính phủ Brazil đang theo đuổi chính sách phát triển thị trường tiền ảo. Tổng thống Jair Bolsonaro từng tuyên bố: “Bitcoin là tương lai” sau khi ký sắc lệnh cho phép thành lập các quỹ đầu tư tiền ảo. Sau đó không lâu, chính quyền thành phố Rio de Janeiro cũng cho phép người dân nộp thuế bằng các đồng tiền kỹ thuật số. Tuy vậy, những chính sách này không đi kèm với việc kiểm soát thị trường nên đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo như Glaidson dos Santos xuất hiện.
Có nhiều đối tượng bất hảo tham gia “chơi” BitCoin đến mức chúng bắt đầu áp dụng “luật rừng” trong cạnh tranh. Vào ngày 20-3 vừa qua, một nhà đầu tư tiền ảo đã bị ám sát trong khi lái xe đi ngang qua Cabo Frio. Một số tay súng bịt mặt đã bắn 40 phát vào chiếc xe của nạn nhân. Cảnh sát sau đó đã lần ra kẻ chủ mưu đằng sau vụ án là Glaidson dos Santos. Y và nạn nhân trước đó đã có tranh chấp về một thương vụ mua bán BitCoin.
Bà Cavella Sonaito nhận xét: “Cảnh sát và viện kiểm sát mong chờ rất nhiều từ phiên tòa xử Glaidson dos Santos. Đây không những là tiền đề để xử lý những vụ lừa đảo tiền ảo khác, mà rất có thể từ Glaidson cảnh sát có thể lần ra một loạt các đối tượng, tổ chức tội phạm đang sử dụng G.A.S. để rửa tiền. Trong số các vật chứng được thu giữ từ nhà của đối tượng có khoảng 2,5 triệu USD và một số thỏi vàng bị đóng dấu bí mật bởi FBI. Đây là cách cơ quan Mỹ này lần theo những đồng tiền “bẩn” từng qua tay các băng đảng ma tuý ở Trung và Nam Mỹ”.
Mạng nhện
G.A.S. chỉ là một mắt xích trong mạng lưới rửa tiền rộng khắp châu Mỹ. Nhằm tránh sự truy lùng gắt gao của lực lượng chống tội phạm các nước, nhiều đối tượng buôn bán ma tuý, buôn người, bắt cóc, giết thuê, v.v… đang sử dụng tiền ảo. Năm 2019, cảnh sát Mexico bắt giữ đối tượng Ignacio Santoyo tại thị trấn nghỉ mát Playa del Carmen. Ignacio Santoyo là một trong những ông trùm buôn người khét tiếng nhất Nam Mỹ. Y bắt cóc phụ nữ từ Peru, Argentina, Chile, v.v…rồi đòi gia đình nạn nhân trả tiền chuộc bằng BitCoin. Với những trường hợp gia đình không có tiền, y sẽ vận chuyển nạn nhân lên khu vực bờ Tây Mexico và Mỹ rồi buộc họ làm gái điếm. “Khách hàng” của Ignacio Santoyo cũng được yêu cầu trả tiền BitCoin.
Tuy ước tính số nạn nhân của Ignacio Santoyo lên đến 2.000 người, cảnh sát phải mất một khoảng thời gian dài mới lật tẩy được mạng lưới do y điều hành. Một trong những lý do được đưa ra là cảnh sát Mexico không có đủ nhân lực và công cụ để theo dõi dòng tiền BitCoin có liên quan đến Ignacio. Đây không phải tuyên bố mà ai cũng muốn nghe, nhất là khi trị giá thị trường buôn bán vũ khí, gái điếm và ma túy bằng tiền ảo đã lên tới khoảng 4,1 tỷ USD.
Ông Lorenza Cabrera, một quan chức cấp cao của Cục Điều tra trực thuộc Bộ Tài chính Chile cho biết, đại dịch mở ra cơ hội cho các đối tượng tội phạm tiếp cận crypto. Số lượng người sử dụng và vốn hóa thị trường tăng như vũ bão đã giúp chúng dễ dàng che giấu các giao dịch phi pháp của mình. Đấy là quy luật chung của mọi loại tiền: khối lượng càng tăng, vòng quay càng ngắn thì rửa tiền càng dễ.
Theo ông Lorenza thì phương pháp chung của những kẻ tội phạm là lập ra thật nhiều tài khoản ngân hàng tại các nước khác nhau. Mỗi lần chúng mua bán tiền ảo qua các tài khoản này thì chỉ chi ra những khoản rất nhỏ (trên dưới 7.500 USD) nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan điều tra. Đấy là lý do mà trong đại đa số vụ án được cảnh sát Nam Mỹ triệt phá, họ chỉ tịch thu được từ vài nghìn đến vài chục nghìn USD. Con số này không khác gì “muối bỏ biển” so với những vụ rửa tiền trị giá triệu USD từng bị cảnh sát triệt phá.
Các nước như Peru, Ecuador và Paraguay đã có nỗ lực kiểm soát thị trường tiền ảo, nhưng họ vẫn đang đi chậm một bước so với tội phạm. Theo bà Cavella Sonaito, những nhà lập pháp vẫn còn giữ tâm lý “chống rửa tiền qua lưu lượng”, tức đặt ra các mức giới hạn và theo dõi các giao dịch vượt quá giới hạn đó. Biện pháp này chỉ hiệu quả với tiền thông thường chứ không áp dụng được với tiền ảo.
Chưa hết, luật pháp chỉ cho phép lực lượng hành pháp theo dõi giao dịch do các cá thể kinh doanh đã đăng ký. Với BitCoin, Ethereum, v.v… việc cá nhân chuyển tiền ra nước ngoài vô cùng dễ dàng. Năm ngoái, cảnh sát Guatemala bắt giữ ông trùm Hector Ortiz sau khi tên này chi ra 10.000 USD để mua tiền ảo. Hệ thống cảnh báo của phía cơ quan quản lý Guatemala hoàn toàn không cho họ biết về Hector Ortiz trong khi y để lại những chứng cứ vô cùng rõ ràng - y để cho chị gái ruột đứng tên ví tiền ảo của mình.
Bản thân các sàn giao dịch tiền ảo cũng không tỏ ra “mặn mà” với việc tự kiểm soát. Sau vụ bắt giữ Ignacio Santoyo, chính quyền Mexico và Argentina đã gửi công văn yêu cầu 11 sàn giao dịch tiền ảo tổ chức theo dõi các giao dịch xuyên biên giới diễn ra trên nền tảng của họ. Các sàn giao dịch đều tỏ thái độ miễn cưỡng và viện nhiều lý do khác nhau. Đến nay Argentina mới chỉ tiến đến xử lý hành chính 1 trong số 11 sàn giao dịch là Bitso.
Theo Cơ quan Phòng chống ma túy của Mỹ (DEA) thì khối lượng tài sản “bẩn” được cho qua những kênh rửa tiền truyền thống liên tục giảm trong những năm gần đây. Đây không phải là điều tình cờ, nhất là khi nó diễn ra cùng lúc với xu hướng tội phạm sử dụng crypto. Nếu chính phủ các nước Nam Mỹ tiếp tục “khoanh tay đứng nhìn”, rất có thể họ sẽ sớm mất kiểm soát một mảng thị trường lớn, kéo theo đó là nhiều vấn đề khác.
Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng nhất bây giờ là các nước phải ngồi lại bàn bạc để lập ra một cơ chế chống tội phạm tiền ảo chung cho các châu lục. Nỗ lực này chỉ thành công khi tất cả các nước cùng chung sức tham gia. Trong buổi họp thường niên của Tổ chức Các nước châu Mỹ vừa diễn ra tại Peru, kế hoạch trên đã được bàn thảo nhưng cuối cùng vẫn chưa đưa ra một kết quả rõ ràng.