Muôn kiểu lừa đảo ngày giáp Tết

Thứ Sáu, 05/01/2024, 09:34

Càng về cuối năm, tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội càng nở rộ. Việc lừa đảo trên không gian mạng khá dễ dàng trong khi số tiền thu lợi bất chính là rất lớn nên nhiều đối tượng đã lên kế hoạch chi tiết, bài bản, đánh vào tâm lý ham lời, ham quà trúng thưởng của người dân. Dù đã được cảnh báo nhưng vẫn không ít người vẫn nhẹ dạ cả tin để rồi mắc bẫy.

Lừa đảo trúng thưởng gia tăng

Tuy đã được cơ quan chức năng cảnh báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn còn nhiều người “mắc bẫy”. Đây là chiêu lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ, cả tin để rồi không được nhận phần thưởng nào cả mà phải gánh trên vai những khoản nợ không biết đến bao giờ mới trả hết. Theo đó, kẻ lừa đảo sẽ gọi điện thoại cho cá nhân để thông báo trúng thưởng. Đặc biệt để tạo lòng tin, các đối tượng này sẽ tự xưng là nhân viên của các công ty, siêu thị uy tín như kiểu Điện máy xanh, Thế giới di động,… hoặc các chương trình đã được Bộ Công thương cấp phép.

-nh 1.jpg -0
Nhóm nữ quái lừa đảo trúng thưởng bị Công an TP Chí Linh (Hải Dương) triệt phá.

Để có thể nhận thưởng, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng phải đóng vài triệu, thậm chí vài chục triệu tiền cọc để nhận thưởng, thậm chí còn hứa hẹn khi trả thưởng sẽ trả lại số tiền cọc. Hoặc các đối tượng sẽ dụ dỗ khách hàng mua thêm sản phẩm để nhận được quà trúng thưởng. Mua càng nhiều hàng thì số tiền trúng thưởng càng lớn. Hoặc tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo sẽ nhắn tin chúc mừng qua messenger, giải thưởng là 1 xe máy SHi, 100-200 triệu đồng tiền mặt và nhiều phần quà giá trị khác…

Để tạo niềm tin cho người nhận, trong tin nhắn, các đối tượng lừa đảo không quên nhắn thêm nội dung cảnh báo nói đây là tin nhắn chính xác được xác nhận từ hệ thống và đề nghị không cung cấp mã trúng thưởng cho bất kỳ ai. Nếu làm theo hướng dẫn của hệ thống, khách hàng sẽ phải truy cập đường link theo tin nhắn, cung cấp thông tin cho hệ thống và chuyển một số tiền nhất định coi như tiền thuế để hoàn tất thủ tục nhận thưởng. Ngay sau khi chuyển tiền xong, khách hàng sẽ không thể nào liên hệ được với các đối tượng, đồng thời tài khoản báo trúng thưởng cũng sẽ chặn luôn.

Mới đây, Công an thành phố Chí Linh (Hải Dương) vừa triệt phá thành công một ổ nhóm gần 20 đối tượng chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Điều đặc biệt là ổ nhóm này đều là các đối tượng nữ, trú tại Thanh Hóa. Cầm đầu là Lê Thị Phượng (sinh năm 1985; trú tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Vốn không có công ăn việc làm ổn định nên Phượng thường xuyên lên mạng xã hội, vào các hội nhóm tìm hiểu thông tin công việc cho mình. Nhận thấy việc tiếp xúc với khách hàng rất dễ dàng qua các trang mạng, nhất là việc mua sắm hàng giảm giá, khuyến mại hay vay vốn… nên Phượng nảy sinh ý định lừa đảo. Phượng lên mạng hỏi địa chỉ mua bán thông tin khách hàng. Sau khi có dữ liệu trong tay, Phượng tuyển người, xây dựng kịch bản lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức cho vay lãi suất thấp, mua hàng trúng thưởng… Phượng đều tuyển nhân viên là người địa phương, cũng không có việc làm ổn định, với những lời hứa hẹn “trên mây”.

Từ tháng 4/2023 đến tháng 11/2023, Phượng thuê nhà của một người dân tại đội 4, xã Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và thuê các đối tượng trong đường dây đến làm. Công việc của các đối tượng này là đóng giả nhân viên tư vấn của ngân hàng hoặc nhân viên bán hàng, sau đó gọi điện cho khách hàng có nhu cầu vay vốn, hoặc tư vấn mua hàng trúng thưởng xe máy SH có giá trị cao.

Đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn, Phượng sẽ hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ vay số tiền từ 20 triệu đến 50 triệu đồng; sau đó lấy lý do yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm tiền vay và một số loại thuế phí, Phượng yêu cầu khách hàng chuyển khoản số tiền bảo hiểm và thuế phí này để chiếm đoạt.

Muôn kiểu lừa đảo ngày giáp Tết -0
Ổ nhóm lừa đảo bị Công an quận Hà Đông triệt phá

Đối với hình thức bán đồ gia dụng, thực phẩm chức năng trúng thưởng xe máy, sau khi có được thông tin người mua hàng trên mạng và mã dự thưởng của họ, Phượng cho nhân viên gọi điện đến những người này thông báo họ trúng thưởng xe máy SH.

Lúc này, đối tượng yêu cầu người mua hàng phải đóng các khoản tiền qua tài khoản ngân hàng do Phượng cung cấp như: làm giấy tờ xe, phí cấp phép vận chuyển, hoặc nộp tiền phí quy đổi từ xe sang tiền mặt (hình thức này, áp dụng đối với người không muốn nhận xe - mức thưởng được các đối tượng báo cao hơn giá trị của xe SH). Vì nhẹ dạ, cả tin, không ít người đã bị nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Chí Linh xác định có 13 người ở 8 tỉnh, thành phố trong nước đã bị các đối tượng trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 350 triệu đồng. Riêng trên địa bàn thành phố Chí Linh, có 1 nạn nhân nữ đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 50 triệu đồng với hình thức mua hàng trúng thưởng xe SH.

Cũng theo Công an thành phố Chí Linh, phần lớn các nạn nhân là những người cao tuổi, mới tiếp cận việc sử dụng mạng xã hội. Khi thấy các lời mời, quảng cáo trên các trang mạng, do không tìm hiểu kỹ thông tin nên đã tham gia hoặc đăng ký các gói dịch vụ vay vốn hoặc mua hàng trên mạng.

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo cuối năm

Cuối năm là thời điểm diễn ra của hàng loạt các chương trình kích cầu và tuần lễ giảm giá, siêu khuyến mại nhằm đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Do đó, người tiêu dùng thường có tâm lý cởi mở hơn trong chi tiêu, tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo dựng lên những kịch bản như rao bán hàng kém chất lượng với giá rẻ, gửi tặng quà hay tổ chức các chương trình trúng thưởng,... để chiếm đoạt tài sản.

Đánh vào tâm lý người tiêu dùng, các đối tượng lừa đảo thường giới thiệu việc nhẹ lương cao lừa đảo mua bán người; thanh toán đơn hàng ảo hưởng hoa hồng 10 - 15%; thông báo trúng thưởng và yêu cầu đóng phí nhận thưởng; giả Việt kiều gửi quà, gửi tiền và yêu cầu đóng phí để nhận; giả điện lực thông báo hoàn trả phần tiền điện tính sai...

Thậm chí, các đối tượng lừa đảo gọi điện mạo danh là Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát gọi điện yêu cầu hợp tác điều tra để được hỗ trợ chạy án, tránh mất tài sản; giả giáo viên gọi điện yêu cầu chuyển tiền để cấp cứu con em bị tai nạn; gọi điện dọa khóa sim vì chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao…

Mới đây Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về việc bị lừa đảo thông qua thủ đoạn tuyển thí sinh tham dự “lễ hội áo dài chào xuân Giáp Thìn 2024”.

Cụ thể, các đối tượng sẽ lập một số Fanpage, trang cá nhân giả mạo trên mạng xã hội Facebook và tiến hành tiếp các các cô gái trẻ, có nhu cầu tham gia các chương trình, cuộc thi để được quảng bá hình ảnh. Để khiến các nạn nhân thêm tin tưởng, nhóm lừa đảo còn đưa ra những giải thưởng hấp dẫn lên tới hàng trăm triệu đồng cùng nhiều quyền lợi đi kèm hợp đồng quảng cáo, phát triển hình ảnh.

Khi nạn nhân tin tưởng sẽ bị dẫn dụ truy cập đến website giả mạo Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Tại đây sẽ có đối tượng tiếp cận, thu thập thông tin cá nhân và dụ nạn nhân chuyển tiền theo tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định. Việc chuyển tiền này được giải thích là để thực hiện các thử thách trực tuyến (với danh nghĩa thể lệ chương trình, quảng cáo giúp nhà tài trợ). Với các thử thách đầu, nhóm lừa đảo sẽ trả lại bằng phần thưởng để kích thích lòng tham của nạn nhân. Nhưng sau đó, các đối tượng sẽ tìm cách để dụ dỗ nạn nhân thực hiện nhiều thử thách nhất có thể và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Ngoài thủ đoạn nói trên, trong thời gian gần đây, nhiều người dân còn bị dụ dỗ cài đặt các ứng dụng có mã độc, thông qua các website giả mạng cơ quan nhà nước với đuôi “gov.vn”. Sau khi cài các ứng dụng này, đối tượng lừa đảo có thể khống chế điện thoại nạn nhân để chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng hoặc khai thác thông tin cá nhân để đi lừa đảo các nạn nhân khác.

Theo Cục An toàn thông tin, thời gian cận Tết, trên các nhóm tìm việc online, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm liên tục được đăng tải rầm rộ: tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương… với mức lương từ 100.000 - 300.000 đồng/ ngày; cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%; cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn. Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến chủ yếu là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình - thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm. Vì nhu cầu muốn kiếm tiền và cần tiền nhanh, nhiều nạn nhân đã sập bẫy của những đối tượng sử dụng chiêu trò “bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng 10-20%”.

Mới đây, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã triệt phá thành công một ổ nhóm gồm 21 đối tượng chuyên thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với quy mô lớn.

Cầm đầu là Nguyễn Đức Tùng (sinh năm 1993; trú tại phường Mỗ Lao, Hà Đông). Vốn thường xuyên xuất nhập cảnh sang Campuchia rồi về Việt Nam nên Tùng nhận thấy hình thức lừa đảo trên không gian mạng thông qua các trang mạng xã hội dễ dàng thu lợi bất chính với số tiền lớn, nên đã nghiên cứu, lên kế hoạch về Việt Nam tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo.

Tùng chọn địa điểm là các căn hộ chung cư khép kín, có lực lượng bảo vệ quản lý kiểm soát chặt chẽ để đặt trụ sở. Nhằm đối phó cơ quan chức năng, đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm, địa chỉ thuê và hoạt động khoảng 2 đến 3 tháng. Tùng còn thuê các nhân viên có chuyên môn về tin học, khoa học công nghệ, trả mức lương từ 100 triệu - 150 triệu/ tháng cho trưởng nhóm; 20 triệu đồng/ tháng cho nhân viên.

Tùng mua hàng nghìn tài khoản Facebook ảo trên mạng xã hội, đăng bài cần tuyển dụng cộng tác viên bán vé máy bay toàn quốc với mức chiết khấu cao (20% tiền vé); đồng thời để tạo lòng tin cho “con mồi”, sẽ có các đối tượng “chim mồi” giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công. Sau đó, đối tượng “chim mồi” tiếp tục đặt vé máy bay số lượng lớn, đến khi người bị hại chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng thì chúng chặn facebook, xóa toàn bộ dấu vết, các tài khoản đã sử dụng liên hệ với họ và cắt liên lạc. Số tiền chiếm đoạt được, Tùng xóa dấu vết bằng cách chuyển qua sàn mua bán tiền ảo mở tại nước ngoài.

Từ tháng 6/2023 đến khi bị bắt, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt 20 tỷ đồng của nhiều bị hại trên cả nước. Và chỉ trong 1 ngày khai thác “nóng”, Công an quận Hà Đông đã xác minh làm rõ được 10 bị hại tại nhiều địa phương, bị chiếm đoạt số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục An toàn thông tin, trong 11 tháng năm 2023, đơn vị này đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.

Để tránh bị lừa đảo trực tuyến có xu hướng “nở rộ” vào dịp cuối năm, người dân nên cảnh giác với mọi lời mời chào hấp dẫn hoặc đe dọa từ những số điện thoại, fanpage lạ. Khi có nhu cầu tốt nhất nên đến tận nơi hoặc tìm những page chính hãng để được tư vấn, giải đáp thắc mắc hoặc báo cho cơ quan chức năng nếu có nghi ngờ bị lừa đảo.

Mai Ngọc
.
.