Muôn kiểu lừa đảo trong kỳ nghỉ lễ

Thứ Sáu, 05/05/2023, 21:03

Lợi dụng nhu cầu mua sắm, ăn uống, du lịch của người dân tăng cao trong kỳ nghỉ lễ, các “tập đoàn” lừa đảo thi nhau mọc vây cánh, vươn “vòi bạch tuộc” khắp nơi để dẫn dụ, mồi chài, lừa đảo nhiều nạn nhân. Kỳ nghỉ lễ của nhiều người bỗng trở thành kỳ “bão tố”…

Kỳ nghỉ “bão tố”

Lễ 30/4, 1/5 năm nay, có lẽ là kỳ du lịch “bão tố” với gia đình anh Đào Minh Lâm, ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Gia đình anh Lâm gồm 5 người sẽ đi nghỉ tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ở chiều đi, anh Lâm mua vé tàu cao tốc và chiều về đi máy bay. Để có được những tấm vé máy bay cho kỳ nghỉ này, anh Lâm đã chạy đôn chạy đáo nhờ bạn bè, người quen tìm kiếm và cuối cùng cũng có được những tấm vé giá rẻ.

h1.png -0
Nạn nhân bị lừa đảo bán vé máy bay đưa thông tin lên mạng xã hội cảnh báo

Thời gian nghỉ lễ nhanh chóng trôi qua, anh Lâm ra sân bay về TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi tới quầy làm thủ tục, nhân viên kiểm tra không có thông tin mua vé của gia đình anh Lâm. Anh Lâm trưng ra mã đặt chỗ, mã xuất vé được đại lý gửi vào điện thoại nhưng nhân viên đã kiểm tra rất nhiều lần đều không có, họ nói anh Lâm hỏi lại nơi đặt vé.

Anh Lâm gọi cho đồng nghiệp cùng công ty, vì người này đặt vé giúp anh. Sau một hồi qua lại gọi điện, người bạn lúng túng và bối rối vì không thể liên lạc với đại lý và người bán vé. Anh này phát hiện mình bị lừa, nên báo lại cho anh Lâm để mua vé khác. Các chuyến bay trong ngày đều hết vé, anh Lâm phải đưa vợ và ba đứa con nhỏ quay lại tìm khách sạn nghỉ chờ thêm hơn một ngày nữa mới mua được vé máy bay “chính hiệu” về nhà.

Bi đát hơn phải kể đến vợ chồng ông Võ Minh Chánh, 62 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Trước lễ vài ngày, ông Chánh lên mạng đặt được cặp vé khứ hồi TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng. Chu đáo hơn, ông cũng đặt luôn khách sạn, nhà hàng và mua vé vào cổng khu du lịch để ra tới nơi, hai vợ chồng già chỉ việc đi chơi cho thỏa thích. Mọi dịch vụ, ông Chánh đều đã chuyển tiền cọc đầy đủ.

Ngày ra sân bay, sự háo hức, nôn nao của hai vợ chồng lần đầu tiên được đi du lịch bỗng biến thành nỗi tuyệt vọng, uất ức khi phát hiện mình không có vé lên tàu bay. Mặc dù nhân viên đã giải thích cho ông rất kỹ, thông tin mà người bán vé chuyển vào điện thoại của ông Chánh chỉ là đặt chỗ, không phải mã xuất vé. Vợ chồng già chỉ biết động viên nhau, rồi lững thững xách va li quay trở về nhà. Các khoản tiền đặt cọc dịch vụ trước đó ngoài Đà Nẵng cũng không lấy lại được. “Bạc đầu rồi mà còn bị lừa ra nông nỗi này, tôi tiếc tiền thì ít mà oán trách mấy đứa lừa đảo mình thì nhiều”, ông Chánh buồn bã chia sẻ.

Đây là thủ đoạn lừa đảo phổ biến đã diễn ra suốt thời gian dài, các hãng hàng không cũng đã đưa ra lời cảnh báo về vấn nạn trên, nhưng đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu đi lại rất cao trong các kỳ nghỉ lễ, dụ dỗ “con mồi”. Đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, đối tượng không xuất ra vé máy bay và chặn liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay nhưng... không được lên chuyến bay đó.

Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, phòng vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các "app" du lịch (ứng dụng du lịch) hợp pháp. Người dân cần cảnh giác khi nhận lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn từ 30 - 50% so với giá chung của thị trường). Đặc biệt, thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền cọc để giữ chỗ. Chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường, tên các website giả gần giống với tên các website thật, nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Ví dụ: Tên miền giả thường sử dụng những "đuôi" lạ như: ".cc", "xyz", ".tk"...

Ngồi ở nhà vẫn bị lừa

Nạn nhân là chị Thúy Loan, ngụ TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, dù không đi du lịch, không ăn uống, chỉ ở trong nhà nhưng vẫn bị lừa mất tiền. Theo đó, vào tối 30/4, chị Loan nhận được cuộc gọi video call của em dâu đang đi du lịch Thái Lan. Cô em thông báo bị móc túi, thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng cũng bị mất hết. Từ lời khẩn cầu của hai vợ chồng em dâu, chị Loan chuyển ngay 35 triệu vào tài khoản mà em dâu mượn nhờ một đồng hương Việt Nam trên đất Thái.

Chuyển xong tiền, chị Loan thở phào nhẹ nhõm và đinh ninh rằng, gia đình em trai mình sẽ an toàn trở về quê hương. Sáng hôm sau, chị Loan gọi điện kể cho mẹ ruột nghe sự việc. Bà cũng nói nhận được cuộc gọi của con dâu nhờ chuyển tiền để mua vé máy bay, trả khách sạn do bị móc túi hết tiền. Con dâu cần 40 triệu để trở về nhà. Bà mẹ nghe đến đây thì sốt sắng lên, gọi ngay đứa cháu nội đến nhờ chuyển tiền vào số tài khoản lạ.

Nghe đến đây, chợt chị Loan thấy không ổn. Chỉ mua vé máy bay và trả tiền khách sạn thì cần gì nhiều tiền thế. Nhưng rõ ràng là cô em dâu gọi video, khuôn mặt đó, giọng nói đó thì làm sao lừa đảo được. Hơn nữa, chính xác vợ chồng em dâu đang đi du lịch Thái Lan.

Ngay khi gia đình cô em kết thúc kỳ nghỉ, chị Loan tới thẳng nhà để hỏi thăm. Lúc này, mọi người giật nảy lên, không ai thốt nên lời khi nghe cô kể về chuyến du lịch vô cùng vui vẻ, rất an toàn, không xảy ra bất cứ sự cố nào và họ cũng chưa từng gọi cuộc điện thoại video call nào về cho người thân.

Gia đình chị Loan triệu tập ngay “cuộc họp bất thường” để tìm hiểu nguyên nhân, vì sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế, tại sao người trong video call là cô em dâu, gọi bằng tài khoản chính chủ.

Rà soát lại mọi chi tiết, tham khảo ý kiến của người thân làm trong ngành công nghệ thông tin, chị Loan hiểu rằng, mình và mẹ đã bị lừa bằng công nghệ "Deepfake" thực hiện cuộc gọi "video call" để nạn nhân tưởng đang nói chuyện với người thân rồi chuyển tiền. Đối tượng đã chiếm đoạt tài khoản và biết được lịch trình của nạn nhân, biết một số thân nhân từ đó thực hiện cuộc gọi lừa đảo.

Muôn kiểu lừa đảo trong kỳ nghỉ lễ -0
Thông tin mua rượu vang và màn hình chuyển tiền của đối tượng lừa đảo

Deepfake là công nghệ được biết đến nhiều nhất với tác dụng tái tạo lại khuôn mặt của người trong video nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ban đầu, công nghệ này được sinh ra cho mục đích giải trí, giúp người dùng lồng khuôn mặt, giọng nói của mình vào các nhân vật yêu thích trên video mà vẫn đảm bảo hoạt động giống như được quay thực tế. Tuy nhiên, giới tội phạm nhanh chóng lợi dụng ưu điểm đó để tạo ra công cụ giả mạo người khác, giúp chúng thực hiện các vụ lừa đảo, hoặc lan truyền tin thất thiệt trên mạng.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, Deepfake sinh ra không phải với mục tiêu xấu. Đó đơn thuần là ứng dụng mang tính giải trí. Hiện nay, công nghệ này đang được sử dụng vào mục đích không tốt nhiều hơn nên gần đây khi nhắc đến "Deepfake", người ta nghĩ ngay đến công cụ xấu. Khuôn mặt và giọng nói trong các video tuy hơi cứng và ít cảm xúc nhưng rất ít người có thể phán đoán được đó là giả mạo để cảnh giác.

“Miếng mồi” … đặt tiệc, mua rượu

“Ma trận” lừa đảo trong kỳ nghỉ lễ diễn ra khắp nơi, không chỉ khách đi du lịch bị lừa mà ngay cả những nhà hàng cũng nằm trong “tầm ngắm” của đối tượng. Sự việc xảy ra vào chiều 30/4, chị Lê Phương Nguyên, nhân viên nhà hàng tại khu vực Thác Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai nhận được cuộc gọi của người phụ nữ tên Thủy, đặt bàn ăn cho 30 người vào trưa ngày 1/5. Dịp lễ đông khách, để bố trí chỗ ăn cho mấy chục người thì nhà hàng phải sắp xếp lại nhiều chỗ, và có khả năng sẽ không nhận khách vãng lai, khách đơn lẻ. Vì lẽ đó, khách đặt tiệc bắt buộc phải đặt cọc cho nhà hàng một con số tối thiểu là 5 triệu đồng.

Vị khách đầu dây bên kia đồng ý và nhanh chóng chuyển khoản cho chị Nguyên. Chốt xong đơn, chị Nguyên nhận được cuộc gọi của Thủy dặn nhà hàng chuẩn bị 10 chai rượu vang loại “xịn”. Chị Nguyên kiểm tra thì nhà hàng không có loại rượu vang như khách yêu cầu. Thủy nhờ chị Nguyên đi mua giúp, nhưng chị Nguyên không biết chỗ nào để mua thì Thủy cho số điện thoại của một người bán rượu vang khu vực TP Biên Hòa. Chị Nguyên gọi cho người này hỏi thăm và được báo có hàng và sẵn sàng ship hàng tới tận nơi. Vốn là người cẩn thận, chị lên mạng gõ thông tin cửa hàng, loại rượu đều hiện lên địa chỉ rõ ràng, rất uy tín.

Để dẫn dụ “con mồi”, người bán rượu nói sẽ chi hoa hồng 20% cho đơn rượu lần này. Chị Nguyên báo lại cho Thủy biết để Thủy chuyển tiền mua rượu cho mình. Một lát sau, Thủy gửi cho chị Nguyên màn hình chụp chuyển khoản thành công 75 triệu vào tài khoản của chị Nguyên. Chờ mãi chưa thấy tài khoản thông báo số dư, chị Nguyên chần chừ chưa muốn chốt đơn rượu thì người bán rượu liên tục thúc giục, nói nếu không nhanh thì sẽ hết, vì có một nhà hàng ở Biên Hòa đang đặt số lượng lớn.

Sợ mất mối bữa tiệc 30 người ngày mai, chị Nguyên đành chuyển tiền cho bên bán rượu. Chuyển xong tiền, chị Nguyên thông báo để họ chở rượu tới nhà hàng thì không liên lạc được nữa. Chị gọi cho Thủy cũng không thể liên lạc được. Không còn cách nào khác, chị Nguyên gọi điện cho cửa hàng bán rượu vang trình bày việc mua rượu vừa rồi. Cửa hàng thông báo không có đơn hàng nào trị giá 75 triệu và cũng không có nhân viên nào bán rượu tên Trịnh Văn Minh mà chị Nguyên đã chuyển tiền vào tài khoản để mua rượu.

Cửa hàng cảnh báo, có thể chị Nguyên đang bị lừa, bởi bằng hình thức này, đối tượng đã lừa đảo một số vụ ở khu vực huyện Long Khánh, TP Biên Hòa trước đó.

Lật đật lên mạng tìm hiểu, chị Nguyên đọc được một số thông tin lừa đảo tương tự mình. Lúc này, chị gục đầu khóc, nghĩ đến số tiền dành dụm bao lâu nay bị mất trắng, đã thế còn rất nhiều đơn hàng trót đặt trước để ngày mai làm tiệc.

Bản chất của cuộc lừa đảo này là một kịch bản đã được dàn dựng từ trước, người đặt hàng, người bán rượu là đồng bọn của nhau. Chúng chọn ra một địa điểm bán rượu uy tín ở gần nhà hàng, để nạn nhân kiểm tra thì cũng đúng với lời giới thiệu. Thật ra, chẳng có rượu vang Hàn Quốc hay bàn tiệc 30 người nào cả. Khi nạn nhân “sa bẫy”, nộp tiền thành công cũng là lúc chúng “biến mất” không để lại dấu vết. 

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai nhận định: Các nghi can diễn trò lừa đảo theo kịch bản rất tinh vi, thông tin đưa ra rất logic và thuyết phục. Chúng sử dụng nhiều số điện thoại, Zalo liên tục gọi điện nhắn tin thúc giục làm cho bị hại rơi vào trạng thái tâm lý bị dồn ép và làm theo kịch bản của chúng giăng ra. Ngoài ra, các nghi can này còn làm giả thông tin đã giao dịch chuyển tiền thành công để bị hại tin tưởng. Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm với phương thức, thủ đoạn nêu trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Đồng Nai thông báo cho các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng biết phương thức, thủ đoạn tội phạm nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác khi thực hiện yêu cầu của khách đặt tiệc qua mạng viễn thông, mạng xã hội.

Ngọc Thiện
.
.