Nan giải vấn nạn “cẩu tặc”

Thứ Năm, 31/08/2023, 08:15

Trộm chó là chuyện không mới, từ nhiều năm nay đã thành vấn nạn nhức nhối. Thời gian gần đây, “cẩu tặc” hoạt động mạnh trở lại với những băng nhóm chuyên nghiệp, manh động và liều lĩnh. Nhiều người nuôi chó làm “vệ sĩ” giữ nhà thì nay, họ phải canh cánh một nỗi lo bảo vệ, giữ gìn “vệ sĩ” của mình.

Canh cánh nỗi lo giữ… “vệ sĩ”

Nuôi chó để giữ nhà, nhưng các gia đình lại phải cắt cử người để giữ chó. Chuyện tưởng như rất nghịch lý này lại là chuyện thường ngày ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Nhưng ngay cả khi người dân tìm mọi cách để giữ chó, vẫn không giữ được. Chỉ trong vòng hai, ba tháng trở lại đây, tại khu vực này có đến cả chục con chó bị bắt trộm.

h1.png -0
Đối tượng Bùi Duy Ngọc cùng những chú chó do chính y bắt trộm

Kịch bản chung của những tên trộm chó là xông thẳng vào nhà, ngang nhiên bắt chó và lên tiếng hăm dọa nếu chủ nhà phản ứng. Nhiều gia đình tìm cách khóa cửa, rào tường... nhưng chúng luôn cầm theo các dụng cụ để tháo rào, mở khóa nhanh trong một nốt nhạc.

Gia đình ông Nguyễn Đức Minh làm nghề bán hoa quả tại chợ Bình Chánh, vốn hay phải thức khuya dậy sớm đi lấy hàng nên ông Minh nuôi hai chú chó làm “vệ sĩ” canh nhà mỗi khi vợ chồng ông ra ngoài. Chó nhà ông Trung là giống becgie thân hình cao to, vạm vỡ, tiếng sủa vang khắp xóm. Cẩn thận hơn, ông Minh còn dán một cái bảng rõ to trước cửa nhà cảnh báo: “Nhà có chó dữ, vui lòng không đến gần”. Những tưởng như vậy sẽ hù dọa được trộm cắp hoặc đánh tiếng xa gần “dằn mặt” người có ý đồ xấu. Đúng là hai con chó của ông Minh rất tinh ranh và nhạy bén, trong xóm ai cũng phát sợ vì tiếng gầm gừ của nó. Cho đến một ngày cuối tháng 6, một chú chó bỗng nhiên “không cánh mà bay” chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ vợ chồng ông Minh ra ngoài lấy hàng. Hai vợ chồng dáo dác đi tìm, nghĩ rằng nó chạy ra ngoài vệ sinh hoặc kiếm đồ ăn hoặc theo “bạn tình” gì đó, nhưng càng tìm lại càng bặt tăm. Ông Minh buồn bã quay trở về nhà, nhìn chú chó còn lại thấy đôi mắt của nó rất hoảng sợ, người nó vẫn còn run rẩy, ông Minh hiểu rằng, nó đã chứng kiến bạn mình bị móc trộm.

Để bảo vệ chú chó duy nhất, ông Minh sắm một chiếc cũi sắt rất to và chắc. Ban ngày ông thả chó ra, ban đêm nhốt vào trong cũi và xích cẩn thận. Chỉ một tuần sau, bọn “cẩu tặc” quay trở lại và không đợi cho gia chủ đi vắng mà chúng ra tay luôn. Lúc ấy vào khoảng 5h sáng, ông Minh và vợ đang sắp xếp hàng hóa phía sau nhà thì nghe một tiếng “ẳng” của chú chó, tiếp sau là tiếng dây xích va vào nhau, tiếng gậy gộc bằng sắt quất xuống đất. Ông Minh chạy ra xem thì chú chó đã bị lôi ra khỏi lồng, đang được hai tên khiêng lên xe chuẩn bị tẩu thoát. Ông Minh hô một tiếng “trộm”, nhưng chưa kịp thét lên câu thứ hai thì bị một tên cầm cây gí điện nhứ vào mặt dọa: “Kêu lên tao chích chết”. Lo sợ nguy hiểm tính mạng nên ông Minh cắn răng im lặng đứng nhìn hai tên “cẩu tặc” xách chú chó yêu quý của mình nhanh chóng mất dạng.

Cũng trong khoảng thời gian này, ông Nguyễn Hữu Trung (đường 6D, xã Vĩnh Lộc B) liên tục bị mất trộm chó, chỉ trong vài tháng, ông Trung bị “cẩu tặc” chích điện bắt mất đến 6 con chó. Trung bình mỗi con chó bị mất trộm nặng từ 9 đến hơn 15 kg. Nhà ông Trung có khu vườn trồng cây cảnh, do sợ mất trộm nên ông nuôi nhiều chó để phụ giúp mình canh chừng. Mặc dù vườn được rào chắn kiên cố nhưng kẻ trộm vẫn câu được chó khiến ông Trung vô cùng bất an.

Ông Trung cho biết, kẻ trộm rất chuyên nghiệp, chúng có đầy đủ công cụ hỗ trợ để thực hiện hành vi ăn trộm. “Một lần tôi vừa mở cửa ra để lấy đồ, con chó chạy theo đứng cách có vài mét mà bọn chúng chạy qua chích điện vào chó rồi lôi đi ngay trước mặt tôi. Mình tay không chỉ biết ú ớ nhìn theo chứ đâu dám tay bo với chúng”, ông Trung bức xúc kể. Sau nhiều lần mất chó, ông Trung đã rất cảnh giác và cẩn thận, hễ ông ra ngoài là phải xích vào và cắt cử người ở nhà trông nom chó, tuyệt đối không được rời mắt khỏi… “vệ sĩ”.   

h2.png -0
Công cụ hỗ trợ trộm chó

Bi hài hơn là câu chuyện mất chó của chị Lê Thị Thu Vân, ngụ xã Vĩnh Lộc B. Ngày cuối tuần, chị Vân dẫn chó đi lang thang ngoài đường dạo chơi. Khi đến gần nhà, chị nghe có tiếng xe máy rà rà phía sau, vừa nguảnh lại thì chị thấy đối tượng bịt mặt ngồi phía sau xe máy phóng một vật gì vào chú chó khiến nó nằm gục tại chỗ, rồi chúng kéo giật con chó từ tay của chị lên xe phóng vút đi. “Tôi còn chưa định thần được điều gì vừa xảy ra thì chú chó đã mất khỏi tầm mắt. Tôi ngạc nhiên và bất ngờ đến nỗi chẳng thốt được lời nào”, chị Vân cho biết. Chó của chị Vân nặng khoảng 9kg, là giống chó cảnh Poodle, chị mua với giá 3 triệu đồng được hơn một năm nay.

Với phường “cẩu tặc”, miễn là chó thì đều nằm trong tầm ngắm, khi đã ăn trộm được thì đều chung số phận vào lò mổ hoặc bán lại cho các chủ buôn. Trộm chó trở thành vấn nạn, gây bức xúc trong xã hội. Nhiều kẻ trộm chó khi bị chủ bắt được đã phải “ăn” no đòn roi và chịu những lời miệt thị, mạt sát thậm tệ, cay đắng. Thậm chí, không ít đối tượng bị đánh cho đến chết. Bi kịch mà hành vi trộm chó mang lại thê thảm như vậy nhưng nhiều người vẫn lao đầu vào. Bởi, nó không chỉ là bắt ăn chơi, bắt giải quyết lúc túng quẫn, mà nó là một nghề hẳn hoi, nghề bắt trộm chó, sống hẳn hoi bằng nghề ấy, có phương tiện hành nghề, có kho cất giấu, có đầu mối tiêu thụ, có cả đầu nậu, các “bố già, chị hai” đứng sau lưng…

Triệt xóa nhiều băng nhóm “cẩu tặc”

Tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, những ngày cuối tháng 8, lực lượng Công an liên tiếp triệt xóa nhiều băng nhóm trộm chó có tổ chức, với số lượng tài sản lớn.

Từ nguồn tin phản ánh của quần chúng nhân dân và qua công tác xác minh nắm tình hình, Công an huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) xác định có nhóm đối tượng thường sử dụng xe máy và kích điện để trộm chó của nhân dân trên địa bàn. Chúng hoạt động từ 4h-7h sáng hàng ngày. Ngày 23/8, Đội CSHS Công an huyện được giao nhiệm vụ triển khai kế hoạch vây bắt nhóm “cẩu tặc” này. Trong quá trình bị truy đuổi, các đối tượng dùng bình xịt hơi cay, bột ớt ném về phía các cán bộ làm nhiệm vụ. Khi sử dụng hết những đồ vật trang bị chống trả, thì đối tượng ngồi sau ném chó đã bắt xuống đường, nhằm làm chướng ngại vật. Do bị truy đuổi gắt gao, chúng đã bỏ xe và tang vật, lẩn trốn vào khu dân cư.

h4.jpg -0
Luật sư Nguyễn Thanh Biên

Lực lượng trinh sát truy bắt được Bùi Duy Ngọc (sinh năm 1997, ngụ Lê Văn Khương, Ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) thu giữ tang vật gồm: 5 con chó, 1 bình ắc quy, 1 bình tăng áp điện, 1 cây nỏ tự chế dài khoảng 40cm, 1 mô tô. Trong quá trình vây bắt đối tượng Ngọc, tổ công tác tiếp tục phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng trộm chó khác là Đặng Phương Nam (sinh năm 1999, Ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) và Đỗ Quốc Hậu (sinh năm 1999, Ấp 3, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn). Tang vật thu giữ gồm: 9 con chó và nhiều hung khí gây án. Hiện vụ việc đang được cơ quan CSĐT mở rộng, truy bắt các đối tượng liên quan, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

h3.png -0
Chủ lò mổ Bùi Văn May tại cơ quan Công an

Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, mà các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, nạn “cẩu tặc” đang quay trở lại với những “ngón nghề” rất liều lĩnh và manh động. Theo đó, khoảng 2h30 phút rạng sáng ngày 25/8, lực lượng cảnh sát điều tra, Công an thị xã Phú Mỹ phối hợp với lực lượng chức năng địa phương đã mật phục, bắt giữ 8 đối tượng trộm chó chuyên nghiệp, chuyên cung cấp chó cho chủ lò mổ tên Bùi Văn May (sinh năm 1978, ngụ thị xã Phú Mỹ) để tiêu thụ ra thị trường.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an thị xã Phú Mỹ đã ra Lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Bùi Văn May. Quá trình khám xét khẩn cấp, đã phát hiện và tạm giữ nhiều tài sản, công cụ, phương tiện có liên quan đến hành vi phạm tội của các đối tượng trên, gồm: 19 con chó các chủng loại khác nhau, 4 xe mô tô, 5 bộ kích điện gồm cả bình ắc quy và chĩa tựchếđược các đối tượng sử dụng để trộm cắp tài sảncùng nhiều bao tải, băng keo đen, dây kẽm, các chai nhựa chứa ớt bột, được các đối tượng mang theo để chống trả khi bị lực lượng chức năng và nhân dân truy đuổi. Những hung khí này được chính chủ quán Bùi Văn May chuẩn bị sẵn cho nhóm đối tượng đi ăn trộm. Số chó bắt được May thu mua với giá 45.000đồng/kg thịt hơi.

Làm thế nào để ngăn chặn nạn “cẩu tặc”? Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng bao nhiêu năm qua vẫn chưa có một lời giải hiệu quả. Theo Tiến sĩ Lê Văn Tuấn, Trung tâm UNESCO Khoa học nhân văn và Cộng đồng (TP Hồ Chí Minh), cơ quan chức năng cần phải giám sát chặt chẽ các cơ sở “đầu nậu”, điểm giết mổ, buôn bán thịt chó trên địa bàn. Nếu quản lý và siết chặt được ngay tại đầu mối như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ cắt được đường làm ăn của “cẩu tặc”. Cũng cần phải bàn đến việc truy cứu trách nhiệm của những kẻ tiêu thụ món hàng gian đặc biệt này. Khi đó đầu nậu không dám mua, kẻ trộm dù có “hàng” cũng không thể bán, vấn đề sẽ được xử lý tận gốc.

Cùng quan điểm phải xử lý thật nghiêm hành vi trộm chó, Luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết thêm: “Hành vi trộm chó nếu không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (tài sản trộm cắp dưới 5 triệu đồng) thì cũng cần xử phạt hành chính nghiêm khắc, làm căn cứ xử lý hình sự nếu còn tái phạm. Trong trường hợp kẻ trộm chó đang thực hiện hành vi đánh bắt chó mà bị phát hiện, nhưng chúng vẫn dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, chủ động tấn công gia chủ để chiếm đoạt tài sản (chó) thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cướp tài sản” theo điều 133 BLHS, hoặc tội “cướp giật tài sản” theo điều 136 BLHS.

Ngọc Thiện
.
.