Ngậm trái đắng với trò lừa chuyển tín dụng thành tiền mặt

Chủ Nhật, 04/05/2025, 20:46

Thông tin khách hàng bị lộ, dữ liệu bị mang ra mua bán, trao đổi đã tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng xấu thực hiện các phi vụ lừa đảo. Trong đó, tình trạng lừa đảo bằng hình thức “chuyển tín dụng qua tiền mặt” được xem là mới và tinh vi, khéo léo hơn một số chiêu bài cũ...

Miếng bánh “tiêu tiền trước, trả nợ sau”

Một “cái bẫy” được giăng sẵn do sự chủ quan cũng như tâm lý “rút tiền mặt trong thẻ tín dụng” vừa nhanh gọn lại không phải cầm cố hay thế chấp giấy tờ, tài sản đã khiến nhiều người trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo. 

Vào giữa tháng 3/2025, khi tìm kiếm dịch vụ rút tiền trên mạng, anh N.M.L (36 tuổi, ngụ quận 5, TP Hồ Chí Minh) truy cập trang web “hotrotindung24h”, được quảng cáo có dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng, hỗ trợ rút 100% hạn mức thẻ, phí thấp nhất thị trường chỉ 0,7%, rẻ gấp 4 đến 5 lần so với rút tiền tại máy ATM hoặc tại trụ sở ngân hàng phát hành thẻ.

Ngậm trái đắng với trò lừa chuyển tín dụng thành tiền mặt -0
Nhóm đối tượng trong đường dây lừa đảo “chuyển tín dụng qua tiền mặt” bị Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá.

Cứ nghĩ đây là dịch vụ đàng hoàng, anh L. gọi điện vào số điện thoại tư vấn ghi trên website. Một người tên Hoàng, tự xưng là nhân viên hỗ trợ rút thẻ tín dụng yêu cầu anh L. kết nối ứng dụng Zalo để được hướng dẫn. Thông qua Zalo, anh L. nhận được đường link có chức năng giao dịch như máy cà thẻ. Hoàng giải thích đây là link để chủ thẻ tín dụng nhập thông tin nhằm tạo lập phiếu rút tiền trực tuyến.

Anh L. được hướng dẫn nhập số thẻ, số tài khoản ngân hàng để nhận tiền được rút ra từ thẻ tín dụng. Tổng cộng, anh đã thao tác 3 lần với tổng số tiền 40 triệu đồng. Mỗi lần rút tiền, trên điện thoại của anh L. đều thông báo tin nhắn từ ngân hàng anh làm thẻ tín dụng kèm theo mã OTP để hoàn tất giao dịch. Thế nhưng, cả 3 lần tài khoản ngân hàng của anh L. vẫn không nhận được tiền, mặc dù đã nhập đầy đủ mã OTP.

Anh L. thắc mắc với nhân viên tư vấn Hoàng thì được khuyến cáo tuyệt đối không được cung cấp mã OTP cho bất cứ ai. Hoàng trấn an anh L., do mạng bị quá tải nên tiền chưa về. Hoàng cẩn thận căn dặn anh L, lần thứ 4 thao tác rút tiền có mã OTP thì anh L. phải gửi cho Hoàng để anh ta hoàn tất thủ tục, khi ấy tiền mới chuyển về tài khoản được. "Do cần tiền gấp nên tôi đã mất cảnh giác, làm theo hướng dẫn của Hoàng. Kết quả, tôi bị lừa 40 triệu đồng, Hoàng thì biến mất luôn”, anh L. kể chuyện mình bị lừa.

Một nạn nhân khác của bẫy lừa rút tiền mặt từ thẻ tín dụng là chị T.L.P (30 tuổi, ngụ Bình Dương). Chị P. mở thẻ tín dụng hạn mức 50 triệu đồng tại Vietcombank ở TP Hồ Chí Minh từ cuối năm 2024. Sau khi mở thẻ, chị P. liên tục nhận được các cuộc điện thoại chào mời dịch vụ rút tiền mặt và trả góp từ thẻ tín dụng nhưng do chưa cần thiết nên chị P. không mấy quan tâm. Vào thời điểm đầu tháng 4/2025, chị P. đã sử dụng hết hạn mức thẻ tín dụng này. Vài ngày sau đó, chị nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là nhân viên ngân hàng nhắc nhở về việc thanh toán thẻ tín dụng đúng thời hạn để tránh bị phạt.

Đồng thời, nhân viên này còn hỏi về việc chị P. có đồng ý nâng hạng mức thẻ tín dụng thêm từ 50-100 triệu đồng hay không. Đang có nhu cầu cần mua một số hàng hóa và đi du lịch, chị P. đã đồng ý kết bạn Zalo với “nhân viên ngân hàng” để được tư vấn.

Ngậm trái đắng với trò lừa chuyển tín dụng thành tiền mặt -0
Đối tượng Đặng Hữu Thiên Hưng sử dụng tài khoản giả lên các nhóm Facebook mua thông tin khách hàng với giá 100-300 đồng/data.

Nhằm tạo niềm tin, nhân viên ngân hàng gửi cho chị P. hình ảnh công văn về chương trình khuyến mãi đặc biệt của ngân hàng dành cho khách hàng và yêu cầu chị thao tác chụp hình các thông tin về dư nợ thẻ để làm hồ sơ ưu đãi. 

Vì thẻ tín dụng của chị P. đã tiêu hết nên nhân viên yêu cầu chị nộp 10 triệu đồng vào thẻ để đủ điều kiện phê duyệt. Nghe lời nhân viên này, chị P. hoàn thành hết các bước và đã mất cảnh giác để lộ thông tin về số thẻ tín dụng khi thao tác trên ứng dụng. Sau đó, chị nhận được lời hứa sẽ phê duyệt nâng hạn mức thêm 100 triệu đồng và sẽ được bộ phận quản lý rủi ro của ngân hàng liên hệ xác minh hạn mức yêu cầu được cấp mở.

Vừa hoàn tất hồ sơ xong, chị P. liên tục nhận được tin nhắn trừ tiền trong tài khoản chính. Tá hỏa, chị gọi đến ngân hàng yêu cầu ngăn chặn, đồng thời được phía ngân hàng cho biết, công văn trên là giả mạo và đối tượng tự xưng nhân viên ngân hàng là lừa đảo.

Ngoài trường hợp bị lừa theo hình thức như chị P., anh L., các đối tượng còn giả mạo tin nhắn, email, số điện thoại gần giống với tổng đài của một số ngân hàng, yêu cầu khách hàng bấm vào đường link giả mạo hoặc yêu cầu cung cấp thông tin, sau đó chiếm đoạt quyền sử dụng ứng dụng của ngân hàng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.

Hệ quả khôn lường của việc mua bán thông tin cá nhân

Với người sử dụng thẻ tín dụng hiện nay, một vấn đề khá bức xúc đó là không hiểu bằng cách nào đó mà thông tin về việc họ mở thẻ đã bị rò rỉ, dẫn đến việc bị các đối tượng liên tục quấy rầy hoặc lừa đảo.

Chị Thanh Hà (ngụ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) vốn là người làm trong ngành tài chính cũng bức xúc kể, khi chị vừa đặt bút ký hợp đồng mở thẻ tín dụng ngân hàng xong, chị đã liên tục nhận điện thoại của “nhân viên trung tâm hỗ trợ dịch vụ rút tiền” gọi điện hỏi thăm về dự định chi tiêu số tiền trong hạn mức được cấp cũng như nhu cầu rút tiền mặt từ thẻ ra để tiêu dùng. Người gọi điện biết chính xác thông tin khách hàng, trong đó có hạn mức cấp, dữ liệu chi tiết của chủ thẻ. “Tôi rất ngạc nhiên hỏi tại sao biết được thông tin cá nhân của khách hàng để mời chào thì nhân viên trả lời “do công ty cung cấp” và họ chỉ biết làm nhiệm vụ theo dữ liệu sẵn có”, chị Hà chia sẻ về việc dữ liệu cá nhân bị lộ ra ngoài.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena (TP Hồ Chí Minh), thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng luôn là “miếng mồi ngon” của những kẻ kinh doanh dữ liệu bất hợp pháp. Tuy nhiên, khác với các gói thông tin rao bán trên mạng, câu chuyện dữ liệu mở thẻ tín dụng nhiều khi vừa xuất hiện trên hợp đồng nhưng bằng cách nào đó lại về tay bên thứ ba (không phải ngân hàng). Điều này đã khiến không ít người dùng thẻ tín dụng bức xúc và nghi ngờ có sự trao đổi, giao dịch, thậm chí là “bán thông tin” khách hàng ra bên ngoài ngay cả khi họ chưa nhận thẻ về tay. 

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tú Anh (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), Phạm Thị Kim Hoa (31 tuổi, ngụ quận 6) và Nguyễn Hoàng An (32 tuổi, ngụ quận Tân Phú). Riêng bị can Đặng Hữu Thiên Hưng (30 tuổi, ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú. Các bị can bị điều tra về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, viễn thông.

Ngậm trái đắng với trò lừa chuyển tín dụng thành tiền mặt -0
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena cảnh báo: bất cứ ai cũng trở thành “con mồi” nếu không tỉnh táo khi tham gia trò “rút tiền mặt trong thẻ tín dụng”.

Cơ quan điều tra xác định nhóm bị can đã mua bán dữ liệu cá nhân của hàng triệu người để hưởng lợi bất chính. Theo điều tra, trong quá trình làm nhân viên phòng dịch vụ phát triển đối tác một công ty tại quận 7 (TP Hồ Chí Minh) Hưng đã sử dụng tài khoản giả lên các nhóm trên Facebook để mua thông tin khách hàng (data) với giá 100-300 đồng/data. Sau đó Hưng bán lại các dữ liệu cá nhân có được để hưởng chênh lệch. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định số tiền bị can Hưng đã thu lợi khoảng 134 triệu đồng, An khoảng 110 triệu đồng, Tú Anh 58 triệu đồng.

Riêng bị can Phạm Thị Kim Hoa, sau khi mua được dữ liệu cá nhân đã gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tổng số tiền đã chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng. Thủ đoạn của Hoa là giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện tư vấn vay vốn, yêu cầu bị hại chuyển 1,5-6 triệu đồng tiền “bảo hiểm khoản vay”. Nhưng, khi bị hại chuyển tiền, bị can chiếm đoạt, chặn liên lạc.

Chiêu lừa tinh vi và khéo léo 

Thông tin khách hàng bị lộ, dữ liệu data bị mang ra mua bán, trao đổi tràn lan đã tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng xấu thực hiện các phi vụ lừa đảo. Trong đó, tình trạng lừa đảo bằng hình thức “chuyển tín dụng qua tiền mặt” được xem là mới và tinh vi, khéo léo hơn một số chiêu bài cũ. Đối tượng đánh vào tâm lý cần tiền của khách hàng, trong khi đó, thẻ tín dụng trả sau lại không đòi hỏi khách hàng phải nộp tiền trước, mà ngân hàng cung cấp hạn mức cố định trong thẻ.

“Rất nhiều người dùng thẻ tín dụng cần tiền, lại có dịch vụ rút tiền từ thẻ ra để chi tiêu việc gấp hoặc trả nợ thì rất tiện lợi, trong khi số tiền vài chục triệu mà đi vay nóng bên ngoài thì lãi suất rất cao, lại phải cầm cố, thế chấp giấy tờ. Đây là tâm lý dẫn đến nhiều người trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo “rút tiền từ thẻ tín dụng”, ông Võ Đỗ Thắng chia sẻ. 

Ngày 23/4, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” do Đào Thị Kiều Oanh, Lê Thị Kim Hòa cùng đồng phạm thực hiện tại quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh).

Ngậm trái đắng với trò lừa chuyển tín dụng thành tiền mặt -0
Chị P. trở thành nạn nhân của chiêu lừa “rút tiền mặt trong thẻ tín dụng”.

Nhóm Oanh lên mạng mua dữ liệu người dùng, sau đó chỉ đạo nhân viên gọi điện cho các chủ thẻ tư vấn hỗ trợ chuyển đổi tín dụng thành tiền mặt. Khi chủ thẻ đồng ý, cung cấp mã OTP, nhóm Oanh sẽ thực hiện thanh toán tiền mua hàng, dịch vụ không có thật trên mạng, sau đó chuyển tiền vào tài khoản của nhóm.

Từ khoản tiền này, các đối tượng chỉ thanh toán 75% cho chủ thẻ, số còn lại chiếm đoạt, chia nhau. Với chiêu thức này, nhóm đã thực hiện thành công khoảng 614 trường hợp, chủ thẻ tín dụng bị trừ tổng số tiền trong tài khoản là 7,2 tỷ đồng. Sau đó, nhóm đối tượng trên chuyển lại cho chủ thẻ tín dụng 5,37 tỷ đồng. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt là hơn 1,8 tỷ đồng.

Đến nay, gần 80 bị hại đã liên hệ với Cơ quan công an để cung cấp thông tin, tài liệu. Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị những bị hại còn lại liên hệ Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hồ Chí Minh) gặp điều tra viên để cung cấp thông tin, tài liệu về việc bị chiếm đoạt tiền để hỗ trợ. Đồng thời, Công an thành phố khuyến cáo người dân không nên công khai thông tin cá nhân lên mạng xã hội, không tùy tiện đăng nhập tài khoản mạng xã hội trên các website, ứng dụng không phải do các nhà phát hành cung cấp. Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mã OTP xác thực các loại tài khoản.

Với các ứng dụng số, người dùng cần khóa tính năng thanh toán trực tuyến, khóa thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng Internet Banking khi nghi ngờ lộ thông tin thẻ. Nếu đã lỡ bấm vào link lừa đảo và tiết lộ thông tin, cần liên hệ tổng đài hỗ trợ của ngân hàng hoặc soạn tin nhắn theo cú pháp khóa khẩn cấp đã được chỉ định trước đó để được hướng dẫn thêm.

Ngọc Thiện
.
.