Ngăn chặn cạm bẫy “tín dụng đen”
Thời gian gần đây, hoạt động cho vay nặng lãi gây xáo trộn cuộc sống của một bộ phận người dân tỉnh Hòa Bình. Mắc bẫy “tín dụng đen” nhiều gia đình “khuynh gia bại sản”, lao đao, khốn đốn, thậm chí tìm tới cái chết để giải thoát. Quản lý hoạt động cho vay lãi nặng đặt ra cho cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an cơ sở nhiều thách thức đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ quyết liệt.
1. Đào Văn Lương (thường gọi là Lương “Lô”, sinh năm 1985, trú tại phố Bãi Nai, xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) là đối tượng máu mặt trong giới cầm đồ tại địa bàn xã Mông Hóa. Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, Lương “Lô” âm thầm trở lại. Để chuẩn bị cho lần trở lại này, Lương “Lô” liên kết với nhiều đối tượng trong giới giang hồ trong và ngoài địa bàn huy động các nguồn lực để có tiền cho vay dưới danh nghĩa công ty “hỗ trợ tài chính”.
Để đảm bảo các khoản vay được rải ngân và không nợ đọng vốn, Lương đã trực tiếp tuyển dụng đội ngũ “chân rết” đòi nợ hùng hậu. Đó là các đối tượng Nhữ Mai Hải (thường gọi là Hải “Hếc”, sinh năm 2004, trú tại xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình), Hoàng Văn Bắc (thường gọi là Bắc “Lơ”, sinh năm 1991, trú tại xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình), Quách Đình Bảo (thường gọi là Bảo “Bướng”, sinh năm 2004, trú tại phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình) và nhiều đối tượng giang hồ đòi nợ trong các tình huống cụ thể.
Với hàng loạt hỗ trợ tài chính ưu đãi, dụ dỗ bằng lời “đường mật”, từ năm 2019 đến tháng 7 năm 2023, bọn chúng đã cho trên 200 người vay với tổng số tiền trên 35 tỉ đồng. Bọn chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các khoản vay thể hiện dưới dạng hợp đồng cho vay hoặc giấy vay tiền không thể hiện lãi xuất cụ thể. Tuy nhiên, thực chất mức lãi suất mà người vay phải trả lên tới 364%/năm. Nhiều người vay đến kỳ trả lãi mới bàng hoàng vì số tiền phải trả gấp nhiều lần tiền gốc, khiến nhiều gia đình khuynh gia bại sản. Khi người vay không có khả năng chi trả hoặc chậm trả gốc, lãi, bọn chúng liên tục gọi điện uy hiếp, nhắn tin đe dọa chửi bới, ném chất bẩn vào các gia đình người vay. Nguy hiểm hơn, Lương “Lô” cùng đồng bọn bất chấp pháp luật, khống chế, bắt giữ người vay, sau đó tập trung đánh hội đồng, dìm người vay xuống hồ nước, buộc người vay phải ký giấy cam kết do bọn chúng thảo sẵn.
Toàn bộ hoạt động “tín dụng đen”, sau đó cưỡng đoạt tài sản của Lương “Lô” và đồng bọn đã lọt vào tầm ngắm của các trinh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình. Một kế hoạch phá án bài bản được xác lập nhằm triệt xóa đường đây tội phạm nhức nhối này. Khoảng 16h50 ngày 29/7/2023, ban chuyên án tiến hành phá án, bắt giữ đối tượng Đào Văn Lương và Nhữ Mai Hải khi bọn chúng trên đường di chuyển từ Hà Nội về Hòa Bình. Đồng thời, tiến hành triệu tập đối tượng Hoàng Văn Bắc và Quách Đình Bảo để làm rõ hành vi có liên quan. Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, các trinh sát thu giữ hàng trăm giấy vay nợ, máy tính, điện thoại chứa phần mềm quản lý tài chính và nhiều vật chứng có liên quan đến hoạt động phạm tội. Số tiền bọn chúng thu lời bất chính từ hoạt động cho vay lãi nặng lên tới trên 15 tỷ đồng.
2. Thời gian gần đây, chị Quách T.H (sinh năm 1985, trú tại xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng bởi các đối tượng xã hội liên tục gọi điện đe dọa, ép buộc chị H trả tiền vay. Chuyện là, đầu năm 2023, do cần tiền giải quyết công việc cá nhân, chị H đã vay của Bùi Việt Hùng (sinh năm 1986, trú tại xã An Bình, huyện Lạc Thủy) số tiền 132 triệu đồng. Để hợp thức hóa khoản vay, Hùng thảo sẵn hợp đồng cho vay không thể hiện lãi suất. Song, thực chất lãi suất mà chị H phải trả là 5.000đ/triệu/ngày. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, chỉ sau 2 tháng, số tiền mà chị H phải trả cho bọn chúng đã lên tới 172 triệu đồng. Đối tượng liên tục nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần, thậm chí dùng dao uy hiếp buộc chị phải ký vào giấy vay nợ do bọn chúng chuẩn bị từ trước. Những ngày sau đó, chị phải bỏ trốn khỏi nơi cư trú, liên lục thay đổi địa điểm lẩn trốn, cắt đứt liên lạc để tránh sự phát hiện của đối tượng đòi nợ. Lo lắng cho tính mạng của mình, chị H đã tố cáo sự việc đến Công an huyện Lạc Thủy.
Qua đấu tranh mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lạc Thủy phát hiện Bùi Việt Hùng cùng với các đối tượng Quách Văn Thế (sinh năm 1989, trú tại xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy) và Quách Văn Chính (sinh năm 1990, trú tại xã An Bình, huyện Lạc Thủy) có hoạt động cho vay lãi nặng từ đầu năm 2023. Bọn chúng cho nhiều người dân trên địa bàn xã An Bình và một số xã lân cận vay tiền với hình thức tín chấp lãi suất cao (từ 5.000đ đến 10.000đ/triệu/ngày, tương đương 182% đến 364%/năm). Khi nạn nhân không có tiền trả lãi vay, đối tượng uy hiếp, đe dọa dùng vũ lực, sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm cưỡng đoạt tài sản... Hành vi của các đối tượng gây hoang mang, bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Ngày 19/7/2023, các trinh sát Công an huyện Lạc Thủy tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, phương tiện và tạm giữ hình sự đối với Bùi Việt Hùng, Quách Đức Chính và Quách Văn Thế về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cưỡng đoạt tài sản. Kết quả khám xét thu giữ vật chứng gồm: 1 xe ôtô, 1 xe mô tô, 5 điện thoại di động, 1 máy tính xách tay, 1 con dao, gần 200 triệu VNĐ và nhiều tài liệu có liên quan.
Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, cơn bão “tín dụng đen” đã tràn qua địa phương này gây xáo trộn cuộc sống của người dân. Thông qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Đà Bắc phát hiện đối tượng Ngô Phúc Long (sinh năm 1991, trú tại tiểu khu Liên Phương, thị trấn Đà Bắc), là nhân viên cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ 397 có hoạt động cho vay nặng lãi. Đối tượng sử dụng mạng xã hội với tài khoản “Long Lợi”, “Long Bịp” đăng tải thông tin hỗ trợ tài chính với lãi suất trên 365%/năm. Khi nạn nhân không có tiền trả lãi vay, đối tượng uy hiếp, đe dọa dùng vũ lực, sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản. Từ khoảng tháng 9/2022 đến tháng 4/2023, đối tượng có hành vi đe dọa gây sức ép nhằm chiếm đoạt số tiền 4.000.000đ của hai người dân trên địa bàn xã Tu Lý và thị trấn Đà Bắc. Hành vi của đối tượng có tính chất chuyên nghiệp, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên địa bàn, gây bức xúc dư luận.
Ngày 27/5/2023, các trinh sát nhận được đơn tố giác của anh Hà Anh Tuấn (sinh năm 2006, trú tại tiểu khu Mó La, thị trấn Đà Bắc) về việc bị đối tượng Ngô Phúc Long sử dụng vũ lực tấn công để bắt anh Tuấn trả nợ. Khi không được đáp ứng, đối tượng tiếp tục ép anh Tuấn cầm cố chiếc điện thoại lấy 400.000đ, sau đó chiếm đoạt số tiền này. Tiếp tục củng cố chứng cứ, tài liệu, đến ngày 5/6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đà Bắc ra quyết định khởi tố bị can đối với Ngô Phúc Long về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
3. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”, các cấp, các ngành tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, tạo đồng thuận xã hội nhằm ngăn chặn mầm mống “tín dụng đen” từ cơ sở. Trong đó đột phá là nâng cao đời sống cho nhân dân, tạo thuận lợi để người dân tiếp cận các nguồn tín dụng hợp pháp, từng bước loại trừ các quán cầm đồ, công ty hỗ trợ tài chính trá hình, biến tướng. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trên 5.000 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tập trung vào các nội dung liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”... Đăng tải hơn 500 tin, bài, phóng sự cùng nhiều pa-nô, áp[1]phích ở nơi công cộng cảnh báo hoạt động cho vay lãi nặng, các hoạt động lợi dụng tín dụng hợp pháp để cưỡng đoạt tài sản. Duy trì nhân rộng 1.214 mô hình tự quản về an ninh, trật tự, 5.235 mô hình liên gia tự quản kết nối các hộ gia đình hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự. Lực lượng chức năng đẩy mạnh rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh cầm đồ, các cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn, từ đó phân loại, thu hồi các cơ sở không có giấy phép kinh doanh, hoạt động trá hình, biến tướng. Các đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra 232 lượt các cơ sở hoạt động tín dụng, qua đó phát hiện 8 trường hợp vi phạm về cầm cố tài sản, tạm giữ 13 xe mô tô, 3 vũ khí thô sơ, 1 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Với vai trò nòng cốt trên mặt trận phòng chống tội phạm “tín dụng đen”, lực lượng Công an các cấp tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận, xử lý 100% tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đã phát hiện, khởi tố 8 vụ, 17 bị can về hành vi cho vãy nặng lãi trong giao dịch dân sự, xử phạt vi phạm hành chính 12 cơ sở, phạt tiền 39 triệu đồng. Tòa án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử công khai 8 vụ, 17 bị can liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; phối hợp với Sở thông tin truyền thông tỉnh Hòa Bình phát hiện, ngăn chặn hơn 2.600 trang web lừa đảo dưới hình thức vay tiền trực tuyến...
Để phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Chú trọng các hình thức tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, nâng cao nhận thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dịch vụ cầm đồ, công ty trợ tài chính. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh toán và tín dụng nhằm đảm bảo thanh khoản minh bạch, giảm nguy cơ phát sinh “tín dụng đen”. Lực lượng Công an đẩy mạnh các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp liên quan đến “tín dụng đen”. Phối hợp với viện kiểm sát, tòa án nhân dân các cấp truy tố, xét xử công khai các vụ án “tín dụng đen” nhằm răn đe, cảnh tỉnh và phòng ngừa tội phạm chung. Chỉ có như vậy, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” mới được ngăn chặn từ sớm, từ xa, vì một môi trường an toàn, lành mạnh, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.